Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

HÃY TIẾT ĐỘ VÀ TỈNH THỨC

HÃY TIẾT ĐỘ VÀ TỈNH THỨC

1.
Nhiều người vốn ngại nói và nghe về ma quỉ. Nhưng nay, khi thấy tội ác gia tăng về mặt dã man và lan rộng trong nhiều lĩnh vực, nên đã quả quyết tình hình này đang bị quỷ dữ lộng hành.
2.
Tôi nghĩ quả quyết như vậy là lành mạnh. Riêng đối với tôi, quả quyết đó giúp tôi suy nghĩ một cách nghiêm túc hơn một lời cảnh báo của Thánh Tông Đồ Phêrô. Ngài khuyên chúng ta hãy hết sức giữ mình cho khỏi ma quỷ làm hại. Thánh Tông Đồ viết thế này: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ là thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5,8).
3.
Thánh Tông Đồ Phêrô ví ma quỷ như sư tử đói, luôn chạy đó đây tìm mồi để cắn xé. Cái mà ma quỉ tìm cắn xé là những giá trị đạo đức nơi con người, và thay vào đó là những tội lỗi, những tính lừa dối, những thói kiêu ngạo, những mưu đồ độc ác, để sau cùng chúng kéo được những con người theo nó xuống hỏa ngục.
4.
Thời nào, ma quỷ cũng vẫn là sư tử hoạt động như thế. Nhưng nay, có những dấu chỉ cho phép quả quyết là quỷ đang lộng hành dữ tợn một cách khác thường. Đạo đức xuống dốc. Nhiều giá trị đạo đức đang bị chối bỏ. Nhiều người tự phụ đi theo tội lỗi, bênh vực tội lỗi, truyền bá tội lỗi.
Đúng là từng đoàn lũ ma quỷ đang như sư tử cắn xé nhiều người, dần dần lôi họ xuống hỏa ngục. Ta không thấy chúng, nhưng chúng có thực.
5.
Trước tình hình này, tôi phải hết sức thận trọng. Cách để thắng ma quỷ, là vâng lời Thánh Tông Đồ Phêrô: Hãy tỉnh thức và sống tiết độ.
Tỉnh thức và sống tiết độ là những thái độ đạo đức bao gồm nhiều việc, phải thực hiện thường xuyên. Ở đây, tôi chỉ xin nêu lên vài trường hợp, mà ma quỷ quen lợi dụng để cắn xé những người đạo đức.
6.
Trường hợp thứ nhất là tự phụ tự mãn về những thành công đạo đức của mình. Chúa Giêsu phán: “Trong những ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Thầy mà nói tiên tri, mà trừ quỷ, mà làm nhiều phép lạ đó sao? Và bấy giờ, Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi. Hãy xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác” (Mt 7, 22-23).
Lỗi của họ là tự phụ về những thành công trong các hoạt động đạo đức của mình, lỗi của họ cũng còn là họ làm những việc đó theo ý riêng mình, chứ không theo ý Chúa (x. Mt 7, 21).
7.
Qua những lời Chúa phán trên đây, cộng thêm một số kinh nghiệm, tôi thấy ma quỷ thường hay xúi các người hoạt động tôn giáo thích thu gom những thành công, các việc lành, để rồi tự phụ tìm tư lợi theo ý riêng mình. Nếu không tỉnh thức và sống tiết độ, chiến đấu từ bỏ mình và siêng năng cầu nguyện, thì người hoạt động tôn giáo, cho dù có vẻ thành công lẫy lừng, cũng sẽ là mồi ngon cho ma quỷ.
Trong các việc đạo đức nặng về phô trương, tôi vẫn nghe Chúa nói: “Chúng đã được thưởng công rồi” (Mt 6, 2, 5, 16).
8.
Trường hợp thứ hai là tự phụ tự mãn về mình được Chúa chọn làm môn đệ Chúa.
Đó là trường hợp Tông Đồ Giuđa. Ông được chính Chúa Giêsu chọn vào số mười hai Tông Đồ. Ông được chính Chúa chọn để lo công việc quản lý vật chất cho nhóm mười hai và cho chính Người. Ông được chính Chúa trao ban chức thánh và được chính Chúa rửa chân cho. Giuđa tự phụ tự mãn về những đặc ân đó. Nên tưởng rằng việc bán Thầy mình sẽ có lợi lớn, rồi cũng sẽ được thu xếp ổn thỏa với cộng đoàn và với chính Chúa Giêsu, vì Người là vị Thầy có dư sức tự cứu lấy mình. Ma quỷ ra sức làm cho Giuđa tự dối mình như vậy, để nhất định thực hiện ý riêng xấu xa đó. Thế là Giuđa đã trở thành mồi ngon cho quỷ cắn xé.
9.
Suy nghĩ về trường hợp Tông Đồ Giuđa đã trở thành mồi cho quỉ cắn xé, tôi thấy mình phải biết tỉnh thức và sống tiết độ một cách khiêm nhường và hết sức chân thành.
Tạ ơn Chúa vì ơn gọi làm Tông  Đồ của Chúa, đó là việc đạo đức cần trong sáng và khiêm nhường. Nếu không tỉnh thức và sống tiết độ, tôi sẽ dễ bị ma quỉ xúi giục, lợi dụng chức thánh để tìm tư lợi và làm theo ý riêng, hoặc lại cả dám coi ý mình là ý Chúa. Dần dần, từng bước nhỏ, tôi có thể trở thành kẻ phản Chúa.
10.
Thánh Gioan Tông Đồ cảnh báo: “Nhiều tên phản Kitô đã xuất hiện…Chúng xuất hiện từ hàng ngũ chúng ta” (1Ga 2,18). Cảnh báo trên đây cho thấy nguy cơ phản Chúa là trong chính nội bộ những người thuộc về Chúa. Nghe vậy, chúng ta thường nghĩ về người khác. Nhưng biết đâu kẻ phản Chúa lại chính là chúng ta?

11.
Trường hợp thứ ba là tự hào tự phụ về những hình thức đạo đức bề ngoài để che giấu những tội lỗi và sự trống rỗng bên trong. Chúa Giêsu xưa đã không ngại nói những lời nghiêm khắc sau đây: “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong chỉ đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các ngươi cũng vậy. Bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác” (Mt 23, 27-28).
12.
Lời Chúa phán trên đây khuyên tôi hãy biết đơn giản về những hình thức đạo đức bề ngoài, đừng sáng tạo, tự đặt, tự sướng, tự hào về các thứ hoành tráng, náo động, ồn ào. Những thứ đó nhiều khi chỉ là một thứ mồ mả tô vôi tốt đẹp, che giấu một nội tâm trống rỗng hoặc hôi thối. Lời Chúa cảnh báo rất rõ. Thế nhưng, ma quỷ vẫn dụ dỗ được nhiều người không chịu nghe lời cảnh báo đó. Họ vẫn ham những gì thuộc cách sống đạo đức giả hình. Sau cùng, họ trở thành mồi ngon cho quỷ cắn xé. Biết đâu, trong số họ cũng có tôi, nếu tôi không luôn tỉnh thức và sống tiết độ. Tôi rất sợ, có thể Chúa đang nói với chúng ta: “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và pharisiêu giả hình”.
13.
Thời nay, cuộc chiến giữa sự thiện và sự ác đang trở thành gay gắt. Nói một cách cụ thể, cuộc chiến giữa Thiên Chúa và ma quỷ đang diễn tiến một cách rất phức tạp, rất quyết liệt, rất tinh vi. Hãy biết tỉnh thức và biết sống tiết độ trong đức tin bền đỗ đến cùng, ta sẽ nhờ Chúa thắng được quỷ dữ, để được Chúa dẫn vào thiên đàng.
Lạy Chúa xin thương xót chúng con.

Long Xuyên, ngày 1.8.2015
GM. GB. Bùi Tuần

Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

MỘT CHÚT TÂM SỰ VỀ ĐỜI LINH MỤC CỦA TÔI


Thánh lễ tạ ơn,
 kỉ niệm 60 năm thụ phong linh mục
MỘT CHÚT TÂM SỰ VỀ ĐỜI LINH MỤC CỦA TÔI


Tôi được thụ phong linh mục ngày 2-7-1955 tại Hồng Kông.
Nhìn lại 60 năm linh mục của tôi, tôi thấy Chúa đã thương tôi một cách đặc biệt.
Một trong những dấu chỉ về tình thương rất đặc biệt đó là sự tôi luôn gắn bó mật thiết với Chúa, với Hội Thánh, với Quê Hương và với cộng đoàn.
Sự gắn bó mật thiết ấy được nuôi dưỡng hằng ngày một cách đơn sơ. Tôi xin phép được tâm sự chân thành về cách đó.
Thưa cách đơn sơ đó là sám hối với kinh cáo mình. Hiện nay đó là kinh “Tôi thú nhận”.
Mỗi khi đọc kinh “Tôi thú nhận”, tôi cảm thấy mình trở thành bé nhỏ và yếu đuối bên cạnh Chúa, bé nhỏ và yếu đuối trong Hội Thánh, giữa gia đình xã hội và cộng đoàn. Tôi biết là mình cần được cứu.
Chính sự cảm nhận mình nhỏ bé và yếu đuối ấy đã giúp tôi đón nhận thêm sự tha thứ, niềm tin và tình thương cũng như sự khiêm nhường và bao dung từ Chúa là Cha. Nhờ vậy tôi được bình an. Tôi cảm thấy sám hối là một hạnh phúc.
Trong tâm tình đó, tôi thường thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con đây, con thú nhận con là kẻ tội lỗi yếu đuối, nhưng con xin vâng, vì Chúa đã gọi con và Chúa đã sai con đi. Con xin phó thác trọn vẹn nơi Chúa”.
Vì thế, đời linh mục của tôi là một thánh lễ tạ ơn kéo dài, trong đó, kinh “Tôi thú nhận” đã góp một phần lớn, để tôi biết mến Chúa và biết yêu thương phục vụ mọi người.
Tâm sự của tôi hôm nay chỉ vắn tắt nhìn vào sám hối. Kinh “Tôi thú nhận” luôn đổi mới tôi. Kinh “Tôi thú nhận” luôn giúp tôi trở về. Kinh “Tôi thú nhận” luôn giúp tôi nhận ra tình yêu thương xót Chúa. Xin anh chị em cùng tôi cảm tạ Chúa. Xin hết lòng cám ơn mọi người đã dạy tôi sám hối. Xin thương cầu nguyện cho tôi.
Long Xuyên, 2-7-2015
GM. GB. Bùi Tuần

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

Giới Thiệu Chúa Cứu Thế, GÁNH TỘI VÀ ĐỀN TỘI CHO ĐOÀN CHIÊN

Giới Thiệu Chúa Cứu Thế, GÁNH TỘI VÀ ĐỀN TỘI CHO ĐOÀN CHIÊN

1.
Mấy ngày nay, Chúa thôi thúc tôi hãy bắt chước thánh Gioan Baotixita một cách sát thực tế và sát Phúc Âm hơn. Rồi Chúa dạy cách đó là: Xưa thánh Gioan Baotixita vừa giới thiệu Chúa Giêsu là Đấng cứu thế gánh tội và đền tội cho trần gian. Ngài cũng vừa dấn thân chịu khổ cùng với Chúa Giêsu, để gánh tội và đền tội cho đoàn chiên. Nay các môn đệ Chúa, nhất là các Giám mục, linh mục, , tu sĩ cũng hãy làm như vậy.
2.
Những gì Chúa dạy trên đây đã cho tôi một dung mạo, mà Chúa tha thiết muốn về các môn đệ Chúa tại Việt Nam hôm nay. Dung mạo này có 2 nét: Một là hãy rao giảng và giới thiệu Đức Kitô là Chúa Cứu Thế. Hai là hãy gánh tội, đền tội cho người khác bằng cuộc đời dâng hiến đầy yêu thương và hy sinh, cho dù chết đau đớn như Chúa Giêsu và như thánh Gioan Baotixita.
Với chân dung có hai nét đẹp đó, tôi tự đánh giá mình và cũng đáng giá các môn đệ Chúa xung quanh tôi. Tôi thấy chân dung đó nơi chúng ta còn khá mờ nhạt, do đó giá trị của chúng ta trước mặt Chúa là rất tương đối, có thể là rất thấp.
3.
Sự thực đó giúp chúng ta nên khiêm tốn hơn, để xin Chúa thương giúp chúng ta trở thành người môn đệ Chúa có thực chất theo chân dung, mà Chúa muốn. Biết giới thiệu Chúa Cứu Thế bằng đời sống là điều khó, biết gánh tội và đền tội cho đoàn chiên là điều càng rất khó. Biết thế để mà khiêm tốn.
4.
Điều kiện để Chúa thương giúp chúng ta về vấn đề này, là chúng ta phải thực sự khao khát trở thành môn đệ Chúa, theo như Chúa muốn.
Khao khát được thuộc trọn về Chúa. Khao khát được Chúa đổi mới bản thân ta. Khao khát được Chúa dạy phải giới thiệu Đức Kitô thế nào. Khao khát được Chúa dạy phải gánh tội và đền tội cho người khác thế nào. Khao khát sẵn sàng vâng phục. Rồi phó thác với lòng khiêm tốn, hèn mọn.
5.
Tôi thấy cái cản trở lớn nhất khiến chúng ta không được trở thành môn đệ Chúa đích thực chính là sự chúng ta không khao khát điều đó. Chúa gọi ta, nhưng chúng ta dửng dưng. Tệ hơn nữa, chúng ta còn lợi dụng ơn Chúa gọi để tìm cho mình những tư lợi phục vụ không cho Nước Chúa, mà cho chính mình.
6.
Một lần nữa, tôi tự nhủ mình:
Hãy rao giảng, hãy giới thiệu, hãy làm chứng cho Đức Kitô bằng chính đời sống của mình, như thánh Gioan Baotixita đã làm.
Hãy cùng với Đức Kitô, gánh tội cho người khác, đền tội thay cho người khác. Thánh Gioan Baotixita đã làm như vậy. Nếu không, sẽ không tránh được hậu quả xấu.
7.
Đức Mẹ, ở Fatima đã cảnh báo sẽ có những biến cố khủng khiếp xảy ra, nếu nhân loại không sám hối.
Tôi thiết nghĩ, ít là chúng ta, những môn đệ Chúa, hãy sám hối bằng cách làm 2 việc như trên, mà thánh Gioan Baotixita đã thực hiện, thì hy vọng Đất Nước và Hội Thánh chúng ta sẽ được cứu. Chính chúng ta cũng sẽ nhờ đó mà được cứu. Dân chúng sẽ tin vào chúng ta nhiều hơn. Hội Thánh sẽ hi vọng vào chúng ta nhiều hơn. Chúa sẽ sử dụng chúng ta nhiều hơn.
Trong sám hối, chúng ta không nên quên là chúng ta phải rất khiêm tốn, rất khó nghèo, rất ý thức về thời gian ra trước Chúa không thuộc về quyền chúng ta, có thể sẽ rất bất ngờ. Thời giờ Chúa chờ đợi không do chúng ta muốn và định đoạt.
Tôi thiết nghĩ, sám hối không chỉ là bổn phận của cá nhân, mà cũng còn là bổn phận của cộng đoàn, và của cả cơ chế.
Lạy Mẹ Maria, xưa Mẹ đã đến thăm thánh Gioan Baotixita, nhờ đó, thánh Gioan Baotixita đã trở thành môn đệ đích thực của Chúa. Nay, xin Mẹ cũng thương đến thăm chúng con, để chúng con biết cộng tác với ơn Chúa, mà trở thành người môn đệ Chúa, như lòng Chúa mong muốn.
+ GB. Bùi Tuần

Long Xuyên, 24.06.2015

Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

Đem tình yêu thánh tâm Chúa Giêsu ĐẾN CHO NHỮNG NGƯỜI ĐAU KHỔ

Đem tình yêu thánh tâm Chúa Giêsu
ĐẾN CHO NHỮNG NGƯỜI ĐAU KHỔ

1.  
Hằng ngày tôi đọc báo, xem truyền hình và có nhiều tiếp xúc. Nhờ vậy tôi được biết là hiện nay những người đau khổ chiếm một số đáng kể. Trên thế giới họ đang là một vấn đề lớn. Tại Việt Nam họ đang là một tiếng gọi khẩn thiết.
2.
Rất may là vấn đề lớn đó cũng như tiếng gọi khẩn thiết đó đã và đang đánh thức được nhiều lương tâm. Bác ái từ thiện được khơi dậy và thực hiện đều khắp dưới nhiều hình thức. Nhà nước làm, tôn giáo làm, đoàn thể làm, cá nhân làm.
3.
Nhưng những đau khổ cũ chưa tan, thì những đau khổ mới lại bùng lên. Cảnh đó làm tôi rất buồn. Nhờ đức tin, lòng tôi càng buồn, thì càng gần lại bên Chúa Giêsu.
4.
Trong thinh lặng âu yếm, Chúa Giêsu dạy tôi hãy nhìn vào trái tim Người, một trái tim đã bị lưỡi đòng đâm thâu qua. Người nhắc lại cho tôi nhớ lời xưa Người đã nói: “Cha chính là mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11). Trong giây lát, Người cho tôi hiểu: Dù làm việc thiện nào cho người đau khổ, tôi cũng hãy mang tình yêu của trái tim Chúa đến cho họ.
Tôi xin vâng. Nhưng, làm thế nào để mang tình yêu của Trái Tim Chúa đến cho người đau khổ trong mọi việc tôi làm cho họ?
5.
Thú thực là để thực hiện điều đó, tôi luôn phải nhờ đến ơn Chúa.
Chúa ban ơn đó cho tôi, nhưng Người bảo tôi phải cầu nguyện, chiêm niệm. Như thể ơn Chúa ban là rất cao quý, tôi phải có chút phần nào cộng tác vào đó, bằng sự mở lòng tôi ra một cách khiêm nhường, nghèo khó. Tôi nhận mình hèn yếu, nhưng vững tin vào tình yêu của Trái Tim Chúa đã hy sinh vì tôi và vì mọi người.
6.
Dần dần, khi cầu nguyện như thế, tình yêu Trái Tim Chúa đã đi vào lòng tôi. Tình yêu ấy như làm cho lòng tôi, dù đang nặng nỗi đau buồn, lại nở ra hoa, một thứ hoa có yêu thương và vui mừng. Đúng như lời Kinh Thánh nói: “Hoa trái của Thánh Thần là bác ái và niềm vui” (Gl 5,22).
7.
Từ kinh nghiệm nội tâm trên đây, tôi có một cái nhìn riêng về tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu dành cho những người đau khổ. Tôi thấy tình yêu cao quý ấy có ba đặc điểm này: Yêu thương, hy sinh và vui vẻ phục vụ.
Với cái nhìn đó, tôi dễ nhận ra những ai đến với tôi mà thực sự mang tình yêu của Trái Tim Chúa đến cho tôi.
Với cái nhìn đó, tôi cũng dễ nhận ra khi tôi phục vụ, nhất là những người đau khổ, tôi có mang tình yêu của Thánh Tâm Chúa đến cho họ thực không?
8.
Tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu có một dấu chỉ sống động và hùng hồn, đó là vết thương do bị lưỡi đòng đâm thâu qua. Với dấu chỉ đó, tôi hiểu thấm thía tình yêu luôn cần được minh chứng bằng hy sinh. Tình yêu không hy sinh là tình yêu giả. Hy sinh không yêu thương là yêu thương thừa. Yêu thương thực bao giờ cũng đẹp nhờ biết hy sinh.
9.
Nếu tôi yêu thương đoàn chiên của tôi, nhất là những người đau khổ, thì yêu thương của tôi cần phải được minh chứng bằng một dấu chỉ chắc chắn, đó là hy sinh. “Tôi chính là mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên” (Ga 10,11). Hy sinh, mà các mục tử đã và đang làm gương cho tôi, gồm rất nhiều thứ xảy ra thường ngày. Hy sinh về thân xác thì dễ thấy. Hy sinh trong tâm hồn thì khó thấy, nhưng lại rất nhiều.
10.
Một trong những hy sinh trong tâm hồn, mà tôi học được nơi các ngài là sự tỉnh thức, khi làm từ thiện bác ái, phục vụ người đau khổ.
Tỉnh thức tránh sự phô trương. Các ngài nhớ lời Chúa phán: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chưng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy, khi bố thí, đừng cho khua chiêng đáng trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thật, Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi” (Mt 6,1-2).
Tỉnh thức tránh sự lừa dối. Các ngài luôn rất minh bạch về tiền của dâng cúng. Thái độ minh bạch của các ngài làm tôi nhớ lại chuyện ông Khanania và vợ là Xaphira xưa đã gian lận, lừa dối các tông đồ trong việc dâng cúng của cải, và họ đã bị Chúa phạt chết tươi (x. Cv 5,1-11).
Tỉnh thức tránh cho việc từ thiện khỏi bị lợi dụng để kết thành những nhóm lợi ích riêng (x. Ga 2,18-19).
Tỉnh thức tránh thiếu tế nhị trong việc làm từ thiện và phục vụ. Làm cho người đau khổ là làm cho chính Chúa Giêsu.
11.
Dù tỉnh thức đến đâu, tôi vẫn thấy mình còn rất xa tình yêu của Trái Tim Chúa Giêsu, nên hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, tôi chỉ biết kêu cầu Chúa một lời vắn tắt này: Lạy Chúa, xin thương xót con. Tôi kêu cầu với lòng tin tuyệt đối.
12.
Rồi, dù như bị đóng đinh vào thánh giá là bệnh tật, già yếu, tôi vẫn ra đi, đến những người đau khổ bằng nhiều cách có thể.
13.
Cho dù thân phận mong manh, tôi vẫn mang đến cho họ chút tình yêu của Trái Tim Chúa. Tôi yêu thương họ, tôi hy sinh cho họ, tôi vui lòng được phục vụ họ. Và như vậy, tôi sẽ là của lễ, hiệp cùng của lễ Chúa Giêsu dâng chính mình trên thánh giá xưa. Kết quả là sẽ góp phần vào công việc cứu độ những người đau khổ, mà Chúa Giêsu thực hiện.
14.
Trên đây là một chia sẻ rất chân thành. Nếu đó là một chứng từ nói lên kinh nghiệm về tình yêu của Trái Tim Chúa nơi một con người hèn yếu như tôi, thì thiết nghĩ đây là một đóng góp vào Tin Mừng cho tình hình phức tạp tại Quê Hương Việt Nam yêu dấu hôm nay.
Nói lên kinh nghiệm về tình yêu Thánh Tâm Chúa, chứ không nói về lý thuyết, đó là điều tôi mạo muội làm. Xin Chúa thương nhận và ban phép lành cho những ai quan tâm đến kinh nghiệm nhỏ bé của tôi, và cầu nguyện cho tôi. Hy vọng như thế đang là một niềm vui giúp tôi càng tin vào tình yêu thương xót Chúa. Xin hết lòng tạ ơn Chúa.

                Long Xuyên  3.6.2015

Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

TIẾNG GỌI CỦA THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU: "TA KHÁT"

TIẾNG GỌI CỦA THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU:
“TA KHÁT”
      1.  
Có những ngày, hơn bao giờ hết, tôi cảm thấy mình khốn khổ khác thường. Thân xác đau, tâm hồn đau. Những cơn đau dài đẩy tôi vào một cõi cô đơn, sợ hãi, tối tăm, như hấp hối bên bờ vực thẳm.
Tôi chạy đến bên Đức Mẹ. Mẹ nhân lành dắt tôi đến Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá. Mẹ dạy tôi hãy đặt những nỗi đau của tôi dưới chân thánh giá Chúa. Tôi xin vâng. Trong tĩnh lặng, tôi cảm thấy những nỗi đau của tôi dần dần biến thành một sự khao khát Chúa. Đến một lúc bất ngờ, sự tôi khao khát Chúa đã mở lòng tôi ra.
2.
Tôi như nghe được tiếng Chúa Giêsu đã kêu lên xưa trên thánh giá: “Cha khát”. Tôi hiểu Chúa khát tôi hãy đón nhận tình yêu cứu độ của Chúa Cha, qua sự Người đang vâng phục Chúa Cha mà hy sinh mình trên thánh giá, để cứu nhân loại.
Với nhận thức sâu xa về sự bần cùng của mình, tôi mở lòng ra để đón nhận tình yêu cứu độ ấy của Chúa dành cho tôi.
3.
Một hậu quả rất rõ ràng sinh ra trong tôi, khi tình yêu cứu độ Chúa tràn vào lòng tôi, đó là tôi cảm thấy sự khát khao Chúa trở nên mỗi lúc mỗi mạnh hơn, nhất là trở nên mỗi lúc mỗi cụ thể hơn ở sự khao khát tình yêu Chúa: Yêu mến Chúa là lẽ sống đời tôi.
4.
Khi tình yêu Chúa như ngấm sâu vào tôi, tôi được Chúa cho thấy tôi phải cố gắng thực thi hai điều này:
Một là hãy bắt chước Chúa Giêsu, luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha.
Hai là hãy bắt chước Chúa Giêsu luôn sẵn sàng hy sinh để cứu các linh hồn.
5.
Vâng phục thánh ý Chúa Cha một cách tuyệt đối, đó là điều Chúa Giêsu luôn nhắc cho tôi. Tôi nhớ lại lời Kinh Thánh viết: “Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Chúa, như Sách Thánh đã chép về con” (Dt 10,5-7).
6.
“Này con xin đến, để thực thi ý Cha”. Mà ý Cha là Ngài phải chịu nhiều hy sinh.
Hy sinh của Chúa Giêsu là vượt qua biên giới vinh quang của Thiên Chúa, mà xuống làm người:
“Đức Giêsu Kitô,
Vốn dĩ là Thiên Chúa,
Mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7).
Hy sinh của Chúa Giêsu còn là vượt qua biên giới được tự do sống, mà bước xuống thân phận kẻ bị tử hình:
“Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8).
7.
Xin thú thức là luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha và luôn luôn hy sinh, đó là một thực tế cam go trong đời tôi. Đời tôi do vậy đã trở thành một cuộc hành hương trong chiến đấu không ngừng. Chiến đấu nhất là trong chính nội tâm mình. Chiến đấu không đổ máu, nhưng là một từ bỏ có khi còn hơn là đổ máu.
Nhưng, tôi tin sự tôi chịu hy sinh để vâng thánh ý Chúa Cha, hầu góp phần vào việc cứu rỗi các linh hồn, sẽ là con đường dẫn tôi về hưởng vinh quang của Chúa Giêsu. “Nào, Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24,26).
8.
Tới đây Chúa cho tôi nhìn vào Hội Thánh Chúa tại Việt Nam hôm nay. Tôi đang nhận ra rất nhiều người con Chúa đang đi vào vinh quang của Chúa Giêsu, từ những hy sinh họ chịu do vâng phục thánh ý Chúa.
Một trong lãnh vực thực tế mà họ chịu hy sinh thường ngày nhiều nất là lãnh vực phục vụ người nghèo. Lãnh vực thực tế đó hiện nay rất rộng và rất phức tạp.
9.
Theo tinh thần Công đồng Vatican II, họ nhận mình có trách nhiệm với lịch sử Đất Nước; nhất là với những anh chị em nghèo khổ của họ trên Quê Hương này.
Trách nhiệm của họ đối với những người anh chị em nghèo khổ cũng sẽ là trách nhiệm ngăn cản sự sụp đổ của Đất Nước họ.
Không phải chỉ tiền bạc, đất đai, của cải là những phần họ phải nghĩ đến khi lo cho người nghèo, mà còn là văn hoá chứa đựng những chân lý và các giá trị thiêng liêng có sức cứu độ họ.
10.
Hơn mọi ngày thường, họ nghe được tiếng “Cha khát” của Thánh Tâm Chúa Giêsu đang ưu tiên hướng về những người nghèo khổ.
Chúa khát khao có được những người dấn thân đem tình yêu cứu độ của Chúa đến cho những người nghèo khổ.
11.
Chúa khát khao các nơi đào tạo những người truyền giáo hãy mạnh dạn và khiêm tốn coi việc lo cho người nghèo khổ là một trách nhiệm ưu tiên Chúa trao cho mình. Thực hiện tốt trách nhiệm đó chính là tân Phúc Âm hoá, rất cần cho thời điểm này tại Việt Nam hôm nay.
12.
Chúa khát khao mọi người thờ phượng Chúa hãy ưu tiên coi việc lo cho người nghèo khổ được cứu độ chính là cách “thờ phượng Chúa Cha trong tinh thần và trong chân lý” (Ga 4,24).

Lạy Chúa Giêsu, con xin tạ ơn Chúa đã thương cho con nghe được tiếng “Cha khát” từ Trái Tim Chúa. Xin tiếp tục thương giúp con biết đáp lại tiếng Chúa gọi, bằng việc làm tốt mọi việc thường ngày, dù rất nhỏ và rất âm thầm.
GM.GB. Bùi Tuần

Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015

XIN CẢM TẠ XIN THA THỨ và XIN CẦU NGUYỆN

Đôi lời trong thánh lễ kỷ niệm 40 năm Giám mục

XIN CẢM TẠ 
XIN THA THỨ và XIN CẦU NGUYỆN

1.
Thánh lễ kỷ niệm 40 năm Giám mục của tôi hôm nay là một hồng ân lớn lao Chúa ban cho tôi.
Hồng ân lớn lao, vì qua lễ thụ phong giám mục trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi nhận ra sự Chúa sai tôi vào lịch sử Việt Nam, ngay trong giờ phút Quê hương bước sang một giai đoạn mới, là một ơn đặc biệt.
Hồng ân lớn lao, vì khi nhận ra sự trùng hợp lịch sử đó là do ý Chúa, tôi đã cùng với nhiều người, góp phần vào việc xây dựng sự hòa hợp, sự yêu thương trên Quê hương Việt Nam yêu dấu.
Hôm nay, mừng 40 năm hồng ân được Chúa sai đi, tôi xin nói ba lời: Xin cảm tạ, xin tha thứ và xin cầu nguyện.
2.
Trước hết, xin hết lòng cảm tạ Chúa vì muôn ơn Chúa ban cho tôi trong suốt 40 năm qua. Ơn mà tôi coi là quý giá nhất, đó là ơn biết lo nhận ra ý Chúa và biết lo thực thi ý Chúa trong một giai đoạn lịch sử đầy chuyển biến phức tạp.
3.
Thực vậy, giai đoạn lịch sử 40 năm qua đã có nhiều chuyển biến phức tạp, trong xã hội, trong Giáo Hội, và trong chính bản thân tôi.
Chúa dạy tôi là không nên và không thể tránh được những chuyển biến phức tạp đó, nhưng hãy nhìn chúng như một thực tế mà Chúa sai tôi vào, để sống mầu nhiệm nhập thể.
4.
Ý Chúa mà tôi nhận ra là: Sống trong một thực tế phức tạp như thế, tôi phải chú ý rất nhiều đến việc đào tạo mình. Chúa soi sáng cho tôi điều đó, bằng những lo âu rất nóng, Chúa đốt lên trong tôi.
Ý Chúa còn là: Tôi phải đào tạo mình nhờ động lực nội tâm luôn khao khát thuộc về Chúa, luôn thao thức được là người trung tín trong ơn gọi được sai đi.
Ý Chúa còn là: Sự đào tạo mình nhờ động lực nội tâm như thế sẽ phải thường xuyên gặp gỡ Chúa, luôn coi ơn thánh là ưu tiên hàng đầu, luôn kiên trì phấn đấu từ bỏ mình. Tất cả ý Chúa trên đây ví như ngọn lửa nung nấu lòng tôi.
5.
Tôi đã lo nhận ra ý Chúa.
Tôi đã lo cố gắng thực thi ý Chúa. Những lo lắng đó thực là ơn Chúa. Xin tạ ơn Chúa. Nhiều người tại Việt Nam đã làm gương cho tôi về sự nhận ra ý Chúa và thực thi ý Chúa như vậy.
6.
Gương sáng gần gũi nhất của tôi là Đức Cha Cố Micae Nguyễn Khắc Ngữ.
Trong suốt mấy chục năm sống thầm lặng, Đức Cha Cố Micae luôn là con người cầu nguyện, hãm mình và đọc các tài liệu tu đức. Ngài hay nói: “Phải tận dụng mọi thời giờ để lập công đền tội, xin Chúa cứu các linh hồn”. Tôi coi nếp sống đạo đức như thế của Đức Cha Cố Micae là một gương sáng về đào tạo chính mình trong tình hình mới.
Từ đó tôi nhận ra rằng: Đào tạo chính mình như vậy là chuẩn bị cho mình một nền nhân bản chắc về nhân ái, một nền văn hoá rộng về yêu thương, một nền tu đức sâu về bác ái, để dễ làm chứng cho tình yêu Chúa trong lịch sử phức tạp hiện nay. Những chứng nhân như thế có thể ví như những hạt lúa tốt gieo vào lòng đất Quê Hương Việt Nam này. Họ sẽ âm thầm liên kết các bàn tay hợp tác. Họ sẽ âm thầm nối kết các trái tim tình nghĩa. Tất cả sẽ đều vì lợi ích chung của Nước Chúa
7.
Tôi thường sợ mình không tự đào tạo mình đủ và đúng theo thánh ý Chúa. Biết sợ như vậy là một ơn Chúa. Nên tôi hết lòng cảm tạ Chúa về ơn biết sợ đó.
8.
Cùng với lời cảm tạ trên đây, tôi xin phép nói lên lời xin tha thứ.
Tôi xin hết lòng khẩn nài ơn tha thứ, vì suốt 40 năm qua, tôi đã lỗi phận rất nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những thiếu sót.
9.
Lãnh vực, mà tôi xin Chúa tha thứ nhiều hơn hết, chính là lãnh vực tha thứ. Nghĩa là: Tôi đã không biết lãnh nhận sự tha thứ và tôi đã không biết cho đi sự tha thứ.
Thực vậy, trong tình yêu, việc tha thứ là rất quan trọng. Thế mà, 40 năm làm chứng cho tình yêu Chúa, biết bao lần tôi đã không coi trọng những tha thứ được dành cho tôi, từ Chúa, từ Hội Thánh, từ Quê Hương, từ các tôn giáo bạn, từ những người nghèo, từ chính cộng đoàn của tôi. Hơn thế nữa, 40 năm qua, để làm chứng cho tình yêu Chúa, bao lần tôi đã không cho đi sự tha thứ, cho dù sự tha thứ đó chỉ là lẽ công bằng.
10.
Không biết đón nhận sự tha thứ và không biết cho đi sự tha thứ, những hiện tượng đó đang có chiều hướng gia tăng. Có thể tôi cũng đang phần nào rơi vào cảnh đáng buồn đó. Do vậy, tôi đặc biệt xin Chúa tha thứ cho tôi mọi lỗi lầm thiếu sót trong lãnh vực tha thứ. Tôi cũng xin gởi lời xin tha thứ đó tới Hội Thánh của tôi, Quê Hương của tôi, cộng đoàn của tôi.
11.
Thú thực là: Tha thứ là việc không dễ chút nào. Chính vì nó rất khó, nên tôi hết lòng xin Chúa thương ban ơn giúp sức cho chúng ta, nhất là trong một tình hình mà niềm tin vào con người đang giảm sút trầm trọng.
12.
Những lời xin cảm tạ và xin tha thứ trên đây sẽ được kết thúc bằng lời xin cầu nguyện. Tôi xin các Đức Cha và tất cả anh chị em cầu nguyện nhiều cho tôi. Tôi yếu đuối lắm về mọi mặt. Xin anh chị em hãy coi tôi như một bức thư nhỏ Chúa gửi cho anh chị em. Bức thư nhỏ này chỉ mang một lời kêu gọi thân thương, đó là “Chúa Giêsu vẫn là Đấng hiền lành, khiêm nhường, giàu lòng thương xót. Người là Đấng cứu độ. Hãy tin cậy phó thác nơi Người”. Vậy, tôi xin phó thác cho Chúa Giêsu mọi lo lắng của tôi về bản thân, về Hội Thánh, về Quê Hương, về mọi người thân.
Xin khiêm nhường phó thác cho Chúa tương lai của chúng ta, một tương lai sẽ có nhiều khó khăn và nhiều bất ngờ đáng sợ, nhưng cũng có nhiều hy vọng lớn lao mang ơn cứu độ.
Xin Chúa thương xót chúng con. Amen.

Long Xuyên, ngày 30.4.2015.

NHỜ MẸ DÂNG HOA LÊN CHÚA

NHỜ MẸ  
DÂNG HOA LÊN CHÚA

1.
Trong 12 tháng, thì tháng Năm được Hội Thánh Việt Nam gọi là tháng dâng hoa kính Đức Mẹ. Hoa dâng kính Đức Mẹ thường được hiểu là hoa tự nhiên trồng ở vườn, mua từ chợ. Bên canh hoa tự nhiên mang nhiều màu sắc và hương thơm, chúng ta còn dâng lên Mẹ những hoa thiêng liêng trồng ở tấm lòng riêng tư của mỗi người chúng ta.
Riêng đối với tôi, những hoa quan trọng nhất tôi dâng lên Mẹ, đều là những hoa thiêng liêng. Nói cho đúng, những hoa thiêng liêng này đều do chính Đức Mẹ đã giúp tôi trồng trong trái tim tôi, để rồi tôi lại hái dâng lên Mẹ, và nhờ Mẹ dâng lên Chúa.
2.
Hôm nay, tôi ôm vào lòng một bông hoa tôi cho là rất quý, mà chính Mẹ giúp tôi trồng trong sâu thẳm hồn tôi. Mẹ bảo tôi hãy dâng hoa đó lên Chúa nhân lành. Chúa đã thương nhận. Người dạy tôi hãy kể ra cho cộng đoàn biết chút ít về bông hoa đó, vì nó là công trình của Mẹ. Tên bông hoa đó là niềm tin vào tình yêu đầy xót thương của Thiên Chúa.
3. Tôi xin vắn tắt.
Ngay từ rất nhỏ, tôi đã được cha mẹ dâng tôi cho Đức Mẹ. Đọc kinh Mân Côi đã sớm trở thành thói quen tôi dùng để gặp gỡ Đức Mẹ. Mỗi ngày nhiều lần, sự gặp gỡ Đức Mẹ bằng kinh Mân Côi đã gieo vào lòng tôi những tâm tình về đức tin. Tôi tin Chúa theo kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và kinh Sáng Danh. Dần dần, tôi nhận ra Chúa là tình yêu. Rồi, đến một lúc, tôi nhận ra tình yêu Chúa là tình yêu đầy lòng thương xót.
Phải nói là, Đức Mẹ cho tôi nhận ra trước, rồi sau đó là tin tất cả những gì về tình yêu Chúa giàu lòng xót thương.
4.
Tôi nhận ra Chúa thương yêu tôi, qua những gì đã xảy ra trong đời tôi. Đời tôi là một hành trình. Chuyến đi đời tôi gặp nhiều trắc trở. Có những trường hợp tưởng là chắc chắn tôi sẽ rơi xuống hố diệt vong. Nhưng đến phút chót, tôi đã được Chúa cứu. Tôi nhận ra tôi được cứu hoàn toàn nhờ Chúa và do Chúa. Do vậy, tôi nhận ra Chúa là tình yêu cứu độ.
Tình yêu ấy Chúa dành cho tôi một cách nhưng không, một cách bất ngờ, một cách quá sức tưởng tượng. Tôi chỉ biết gọi Chúa là tình yêu, đúng như thánh Gioan tông đồ  đã viết: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16).
5.
Chúa yêu tôi, trước khi tôi yêu Chúa. Không những thế, Chúa còn yêu tôi, khi tôi còn trong tội lỗi, hư hỏng, đê hèn, đáng phải trừng phạt. Qua đó, tôi nhận ra Chúa giàu lòng thương xót. Nhận ra qua những bằng chứng sống động. Cảm thấy bằng những xúc cảm không thể nào quên. Chúa là tình yêu giàu lòng thương xót, là điều bản thân tôi đã nhận ra, đã cảm nghiệm, là điều đã đóng ấn sâu trên đời tôi. Tôi đã nhận ra và đã tin. Như thánh Gioan đã viết:
“Tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian, để nhờ Con Một của Người, mà chúng ta được sống.
“Tình yêu cốt ở điều này: Không phải chúng ta đã yemé Thiên Chúa trước, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,9-10).
“Chúng ta đã nhận biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và chúng ta đã tin vào tình yêu đó. Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16).
6.
Tôi đã nhận ra và đã tin Thiên Chúa là tình yêu thương xót. Sự nhận ra và sự tin như thế đã nâng đỡ tôi rất nhiều trong chức vụ linh mục và Giám mục. Nhất là khi mọi lãnh nhận các chức vụ trong Hội Thánh đều hoàn toàn do được sai đi, chứ không do tự mình tôi chọn lấy cho mình.
Được Chúa sai đi, và nhận lãnh sự sai đi chỉ vì vâng phục ý Chúa, nhất là trong những tình hình phức tạp khó khăn, đó là tâm trạng đòi nhiều phó thác. Sự phó thác đó nơi tôi đã được đỡ nâng bằng sự nhận ra và tin mình được Chúa yêu thương đầy thương xót.
7.
Khi được nhận ra và được tin vào tình yêu đầy xót thương của Chúa, tôi tự nhiên ham thích cầu nguyện. Tôi theo gương Mẹ.
Có thể nói: Sự ham thích cầu nguyện nơi tôi là do ơn Chúa. Chính Chúa làm cho linh hồn tôi ngoan ngoãn đặt mình dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, để cầu nguyện với Chúa một cách khiêm nhường và cậy trông.
Cầu nguyện nơi tôi là sự gặp gỡ với Chúa, là sự trao đổi giữa tình yêu Chúa và sự hèn hạ khốn khổ của tôi.
Cầu nguyện nơi tôi không hệ tại ở sự suy nghĩ nhiều, mà ở tại sự yêu mến nhiều.
Cầu nguyện nơi tôi là một việc đơn sơ, hồn nhiên. Bắt đầu cầu nguyện, tôi hay nhìn Chúa Giêsu và học ở Người điều mà chính Người đã phán: “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29). Rồi tôi nhận được sự bình an, như Người đã hứa: “Tâm hồn các con sẽ được bình an” (Mt 11,29).
8.
Kh cầu nguyện, tôi xác tín mình rất hèn mọn, khó nghèo, tội lỗi, xấu xa, rất cần đến lòng thương xót Chúa. Tôi tin Chúa xót thương tôi, chính vì tôi là như thế. Và vì tôi chính là kẻ khó nghèo, tội lỗi, nên tôi tự nhiên không dám mơ ước đến những sự lớn lao, như hãm mình khắc khổ lớn, trở thành ánh sáng lớn, làm những việc lành lớn.
9.
Trở thành bé nhỏ, đó là một cách tôi thuộc về Chúa Giêsu. Đấng mà tôi tin luôn yêu tôi với tình xót thương vô bờ.
Trở thành bé nhỏ như thế luôn đi kèm với sự cậy trông. Chính ở đây tôi hiểu lời thphl đã nói: “Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,10).
10.
Những gì tôi vừa vắn tắt chia sẻ trên đây là rất chân thành. Đó là bông hoa thiêng tôi dâng lên Mẹ, và nhờ Mẹ, dâng lên Chúa.
Tôi tin rằng: Tại Việt Nam hôm nay đang có nhiều bông hoa thiêng liêng dâng lên Mẹ, và nhờ Mẹ dâng lên Chúa. Những bông hoa thiêng liêng đó có thể khác nhau. Nhưng tất cả đều muốn làm chứng về Thiên Chúa.
Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, người thời nay cảm thấy mình được thu hút bởi dung mạo Thiên Chúa là tình yêu giàu lòng thương xót, hơn là bởi bất cứ dung mạo nào. Do vậy, mà việc làm chứng cho Thiên Chúa giàu tình yêu thương xót rất cần được thực hiện do chính ơn Chúa, một cách khiêm nhường vâng phục, để có sức dấn thân phục vụ theo đúng ý Chúa.

Long Xuyên, ngày 3.5.2015.