Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

GẶP GỠ CHÚA

GẶP GỠ CHÚA
TRƯỚC TÌNH HÌNH HIỆN NAY

1.
Một nhà báo Mỹ mới bị một nhóm Hồi giáo cực đoan cắt đầu. Tôi đọc tin và thấy hình ảnh trên các phương tiện truyền thông.
Như một phản ứng tự nhiên, tôi thổn thức kêu lên với Chúa: Lạy Chúa, sự kiện khủng khiếp này đang báo cho con điều gì? Chúa trả lời tôi trong tận đáy lòng tôi: Nó báo hiệu sự lớn mạnh của tội ác. Nhiều người hiện nay đang tự hào dám nghĩ dám làm điều ác, mà họ cho là đúng, là phải, theo ý riêng của họ.
2.
Chúa báo cho tôi thêm điều nữa: Ngay chính trong đạo Chúa cũng đã xảy ra như thế. Phúc Âm còn ghi rõ: Hồi đó nhiều người thuộc giới lãnh đạo tôn giáo và nhiều người thuộc giới đạo đức đã âm mưu giết Chúa Giêsu. Sau cùng, họ đã vận động được đám đông dân chúng có đạo đồng thanh xin giết Chúa Giêsu. Họ đã dám nghĩ dám làm điều ác, mà họ cho là đúng, là phải. Và họ đã tự hào về sự họ dám nghĩ dám làm một điều đại ác như thế.
3.
Chúa dạy tôi thêm là: Tội ác tự nó gây nên hậu quả xấu. Hậu quả xấu nhất là hình phạt. Hình phạt có thể ở đời này, nhưng nhất là ở đời sau.

4.
Chúa còn nhắc bảo tôi là: Những gì đã xảy ra xưa và đang xảy ra lúc này ở nơi nọ nơi kia, cũng có thể xảy ra ngay trong cộng đoàn của tôi, và ngay trong chính bản thân tôi.
Cùng lúc, Chúa cho tôi thấy: Nếu không tỉnh thức, thảm cảnh người nọ cắt đầu người kia, đóng đinh người nọ cũng đang xảy ra dưới nhiều hình thức, ngay trong gia đình ruột thịt và thiêng liêng.
Nếu không khiêm tốn tỉnh thức, biết đâu chính tôi cũng đang dính vào những tội ác ghê tởm đó.
Xưa, Chúa Giêsu gọi các Luật sĩ và Pharisêu là những kẻ đui mù. Họ có mắt mà không nhìn thấy sự thật về tội ác ngay trong chính bản thân họ. Mù rồi lại dắt người mù, khi họ đứng ra dạy dỗ, đào tạo các người khác về đạo đức. Nghe Chúa nói như thế, tôi rất sợ cho bản thân tôi.
5.
Tôi tha thiết và khẩn khoản xin Chúa cứu tôi. Tôi gặp Chúa Giêsu. Người thương đến với tôi. Ở bên Người, tôi quên hết mọi sự. Tôi trở nên rất bé nhỏ. Người nhấn mạnh đến mấy điều sau đây:
Một là hãy tin vững chắc vào Người.
Người là Đấng cứu độ. Chính Người là Đấng sẽ phán xét mọi người. Chính Người là Đấng đưa tôi về với Chúa Cha.
Với ánh sáng Phúc Âm, Chúa Giêsu cho tôi thấy rất nhiều  người cho việc mình dám nghĩ dám làm là đáng tự hào, nhưng thực sự trước mặt Chúa, họ lại rất xa thánh ý Chúa.
Cũng thế, nhiều người tưởng sức mạnh cứu độ sẽ đưa họ về thiên đàng hưởng hạnh phúc đời đời, tránh được hoả ngục, là những giá trị trần thế, như khoa học, tiền bạc, quyền thế. Tưởng như thế là rất sai. Chúa Giêsu cho thấy: Sức mạnh cứu độ chính là những giá trị đạo đức, như khiêm tốn, bác ái, cầu nguyện và hy sinh quên mình theo gương Chúa Giêsu. Những giá trị trần thế tuy là cần thiết, nhưng bỏ Chúa để theo chúng là sai.
Vì thế, tôi được ơn xác tín là: Tôi phải trở về với Chúa Giêsu. Phải tin vào Người. Phải bước theo Người. Phải ở lại bên Người. Phải gắn bó với lời Người. Phải trung thành với thánh giá của Người.
6.
Hai là hãy có một cái nhìn báo động.
Báo động cho con cái Chúa về cái xấu phải tránh, cái tốt phải làm, đó là điều tình yêu Chúa vẫn thực hiện trong lịch sử cứu độ.
Phúc Âm đầy những báo động. Thánh Gioan Tiền Hô nói: “Cái rìu đã để sát gốc cây” (Mt 3,10). Với lời đó, Ngài báo động về hình phạt sắp tới.
Chúa Giêsu nhìn thành Giêrusalem mà khóc (Lc 19,41). Nước mắt của Chúa Giêsu là một báo động về một tương lai thê thảm sẽ xảy ra cho thành.
Ở La Salette, Đức Mẹ hiện ra, ôm mặt khóc. Mẹ báo động cho con cái Mẹ về những tai hoạ sẽ xảy ra, nếu con cái Mẹ không sám hối.
Ở Fatima, Đức Mẹ cho ba trẻ thấy một cảnh khủng khiếp sẽ xảy ra cho Hội Thánh. Mẹ báo động về một đại hoạ nếu nhân loại không sám hối.
Đức Thánh Cha Phanxicô, với  những cải cách mạnh mẽ của Ngài, cũng đang báo động về sự các môn đệ Chúa cần phải sống nghèo và lo cho người nghèo. Nếu không đạo sẽ xuống dốc.
7.
Hãy nhận ra những báo động, Chúa gởi đến qua Phúc Âm, qua lịch sử và qua tình hình đang xảy ra, đó là điều Chúa thôi thúc tôi lúc này.
Nhìn vào tình hình, Chúa cho tôi thấy có một cái gì không tốt đang xảy ra tại nhiều nơi trong Hội Thánh Việt Nam lúc này, khi người ta quá chú trọng đến Hội Thánh là cơ chế, tổ chức hữu hình, mà lơ là với Chúa Giêsu, Đấng linh thiêng, là Đầu và là Hồn của Hội Thánh.
Do đó, mà nhiều người sốt sắng với lễ nghi, nhưng không cầu nguyện, nhiều người nhiệt thành sống nhập thế, nhưng bỏ tinh thần khổ chế, nhiều người hao mòn vì đạo đức phô trương, mà trống trải nghèo nàn về đời sống nội tâm.
8.
Trước một tình hình có nhiều báo động như vậy, tôi phải làm gì? Tôi khiêm tốn hỏi Chúa. Chúa đã trả lời tôi: “Con hãy thêm lửa yêu mến thực nhiều”.
Vâng lời Chúa, tôi chú trọng nhiều hơn đến đức mến. Thú thực là yêu mến trên lý thuyết thì tôi biết khá nhiều, nhưng giữa lý thuyết và thực hành là một khoảng cách rất xa. Vì thế, thực hành đức mến nơi tôi đã khởi đi từ việc cầu nguyện với Thần Linh của Đức Giêsu.
9.
Kết quả, là chính Thần Linh của Đức Giêsu đã đốt lên trong tôi lửa yêu mến. Lửa yêu mến này lấy từ lửa trong Chúa, một thứ lửa là như bản tính của Chúa, để Chúa chính là tình yêu.
Một khi có được chút lửa tình yêu do Thần Linh Đức Giêsu đốt lên trong lòng, tôi cảm thấy mình được đổi mới thực sự.
Tôi nhìn mọi người với cái nhìn của Trái Tim Chúa. Tôi chịu mọi khổ đau với tinh thần hy sinh của Trái Tim Chúa. Tôi sám hối mọi tội lỗi tôi với tâm tình phó thác tuyệt đối nơi Trái Tim Chúa.
10.
Nhưng, phải nói thực là, từ khi được Chúa đốt lên trong tôi ngọn lửa yêu mến, dù rất nhỏ, tôi vui hơn trước rất nhiều, nhưng tôi cũng phải phấn đấu rất nhiều. Phấn đấu cam go, nhưng hy vọng tràn trề, vì tôi nhìn thấy: Tình hình dù có chuyển biến nguy hiểm đến đâu, các con cái Chúa nhờ ơn Chúa thương, vẫn thấy được đời mình nở hoa thơm đẹp dù âm thầm bé nhỏ, những hoa yêu thương ấy góp phần vào chương trình cứu độ của Chúa là tình yêu.
Cứu độ là viêc của Chúa. Chỉ Chúa mới cứu độ được con người khỏi tội. Còn tôi, bé nhỏ, sẽ ở lại bên Người, để vâng lời Người, mà làm những viêc bé nhỏ mà Chúa dạy tôi làm. Lạy Chúa, con xin cảm tạ Chúa hết lòng vì tất cả những gì Chúa đã yêu thương con, mặc dù con bất xứng, mọn hèn, tội lỗi.
Long Xuyên, ngày 28.8.2014

GM. GB. Bùi Tuần
Lễ Thánh Âu Tinh

XIN VÂNG

Một ngày với Đức Mẹ
XIN VÂNG 
1.
Suốt đêm vọng lễ Đức Mẹ lên trời, tôi dọn mình bằng cầu nguyện một cách đơn sơ, đó là lần chuỗi Mân côi.
Tôi ngủ, mà cũng chiêm bao về Đức Mẹ. Tôi mơ ngồi trên một toa xe nhỏ đi về cõi sau. Trong xe có một phụ nữ dáng người mẹ và một số tín hữu nam nữ. Người phụ nữ ấy lần chuỗi và khuyên chúng tôi lần chuỗi.
Tôi cầu nguyện trong tâm tình yêu thương nhau và mến yêu Chúa một cách đơn sơ khiêm nhường. Lòng tôi cảm thấy đầy bình an vui mừng và hân hoan lạ lùng.
2.
Tôi thức rất sớm. Trước khi dâng thánh lễ, tôi thầm nói với Chúa rằng: Hiện nay con già yếu bệnh tật, con chẳng làm được gì đáng kể để mừng kính Đức Mẹ. Xin Chúa dạy con nên làm gì. Tôi ra sân, bất ngờ tôi thấy một bông hoa mai trái mùa mới nở. Chúa thầm bảo tôi: Con hãy là một bông hoa nhỏ. Dù trong đêm tối, hoa vẫn là hoa. Đó là một của lễ. Hoa thiêng liêng ấy đẹp thơm, vì vâng phục thánh ý Chúa. Như Đức Mẹ xưa. Mẹ đã “Xin vâng” trong ngày truyền tin. Mẹ đã sống “Xin vâng” suốt cả cuộc đời.


3.
Tôi dâng thánh lễ, với tâm tình xin Chúa cho tôi biết sống xin vâng, theo gương Đức Mẹ. Chúa đã nhậm lời tôi nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ. Trong thánh lễ, Chúa dạy tôi ba điều Đức Mẹ đã sống “Xin vâng” một cách sâu sắc nhất.
4.
Điều thứ nhất của Xin Vâng là sống khiêm nhường.
Ngay đầu thánh lễ, Chúa dạy tôi hãy xin vâng, mà thú nhận mình hèn mọn, tội lỗi. Hãy theo gương Mẹ.
Đức Mẹ rất khiêm nhường trước Chúa và trước mọi người. Khi được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Mẹ đã lặng lẽ âm thầm sống ơn gọi đặc biệt đó. Không phô trương, không loan báo cho ai, không tổ chức ăn mừng. Mẹ hạ mình xuống, nhận mình chỉ là người đầy tớ bất xứng của Chúa.
Với nhận thức như thế về Mẹ, tôi đọc kinh “Cáo mình” đầu thánh lễ. “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em, tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót”. Tôi thực tình sám hối. Chỉ trách tội mình, chứ không trách tội người khác. Tôi tin Chúa cứu tôi khỏi tội. Mãi mãi tôi vẫn là một kẻ yếu đuối tội lỗi, nhưng được Chúa thứ tha, giải cứu.
Khiêm nhường như thế chính là sống theo sự thực, đúng thánh ý Chúa.
5.
Điều thứ hai của Xin Vâng là sống thân mật với Chúa, tức vâng phục ý Chúa.
Trong thánh lễ, Hội Thánh luôn nhắc tôi về sự được tham dự vào sự sống của Chúa, được nên giống Đức Kitô, cần phải ở lại trong Chúa và trong Lời Chúa. Đức Mẹ xưa đã triệt để sống như vậy. Xin vâng của Mẹ là ưu tiên sống mật thiết với Chúa. Sống mât thiết này không hệ tại tình cảm, mà là vâng phục ý Chúa Cha một cách trọn vẹn.
Chúa Giêsu đã phán: “Của ăn của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta” (Ga 4,34). Đức Mẹ cũng đã coi sự vâng phục ý Chúa như lương thực của mình. Thánh lễ dạy tôi điều đó. Thực thi đúng ý Chúa mới chính là sống thân mật với Chúa. Nhưng biết được đúng ý Chúa và thực thi đúng ý Chúa là điều không dễ chút nào.
Nhiều khi tôi  nghĩ cứ làm theo thiện chí là làm theo ý Chúa. Nhưng Phúc Âm dạy tôi nghĩ thế là sai.
Khi nghe Chúa Giêsu nói Người sẽ bị nhiều đau khổ và sẽ bị giết, thánh Phêrô đã phản ứng: “Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy! Nghe vậy Chúa Giêsu đã mắng thánh Phêrô: ‘Satan, lui lại đàng sau’. Anh cản Thầy, tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của con người” (Mt 16,21-23).
Rồi, khi Chúa Giêsu vào nhà chị em Marta và Maria, Marta lo dọn nhiều món ăn và vất vả nhiều chuẩn bị để đãi Chúa. Nhưng Chúa lại nói: “Marta, sao con lo lắng nhiều chuyện quá. Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi” (Lc 10,41). Rõ ràng thiện chí của con người không luôn đúng với điều Chúa muốn. Hiểu được như vậy đã giúp tôi tỉnh táo hơn trong việc sống thân mật tình cảm với Chúa và sống theo thiện chí. Tưởng sống như thế luôn là ý Chúa, sẽ có thể rât sai.
6.
Tại Việt Nam hôm nay đang nở rộ nhiều phong trào đạo đức, nhiều khuynh hướng làm sáng danh Chúa, nhiều hình thức làm chứng cho Chúa. Nhưng, tất cả những thứ đó có thực sự là đúng ý Chúa không? Hay chỉ là thiện chí, cạnh tranh, tục lệ, ý kiến phô trương, xây dựng uy tín, kiếm tìm lợi lộc vật chất? Tôi dám nghĩ rằng: Ma quỷ sẽ khôn khéo dùng chính những việc đạo không phải ý Chúa, để mà phá đạo. Vì thế, phải rất tỉnh thức trong thời buổi này. Ý Chúa chỉ được tỏ ra cho những ai khiêm nhường, quyết tâm đi vào cửa hẹp và đường nhỏ hẹp, từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Chúa.
7.
Điều thứ ba của Xin Vâng là yêu thương bác ái.
Xưa, Đức Mẹ đã biết lãnh nhận và đã biết cho đi. Dù lãnh nhận, dù cho đi, Đức Mẹ đã luôn khiêm nhường, tế nhị, và biết ơn.
Điều Đức Mẹ dạy tôi rõ ràng nhất về yêu thương bác ái là sự Đức Mẹ đồng công cứu chuộc loài người. Cứu người dù phải hy sinh đến mấy, đó là điều xin vâng cao quý nhất.
Đức Mẹ luôn nhắc bảo tôi về yêu thương bác ái, với hình ảnh Mẹ đứng dưới chân thánh giá.
Trong giờ phút cám ơn cuối thánh lễ, tôi nói với Đức Mẹ rằng: Con chẳng có gì để cho đi. Hiện giờ con già yếu bệnh tật, nghèo nàn về mọi phương diện. Con xin Mẹ, cho con được là viên gạch nhỏ lát nền, để mọi người bước qua, mà đến với Chúa. Đức Mẹ cho tôi biết: Ý kiến đó của tôi chưa hẳn là đúng ý Chúa. Ý Chúa chắc chắn nhất về tôi lúc này là hãy cảm tạ ngợi khen Chúa về muôn vàn người tốt, sự thiện tốt và hy vọng tốt, mà Hội Thánh và Quê Hương Việt Nam yêu dấu của tôi hiện đang có một cách đặc biệt.
8.
Thế là một ngày mừng kính Đức Mẹ đã qua đi, để lại trong tôi rất nhiều hồng phúc. Tôi thầm đọc đi đọc lại kinh “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa”, mà Đức Mẹ đã thốt lên tại nhà bà thánh Elisabét.
Tôi vừa đọc kinh đó, vừa bước từng bước nhỏ, để về phòng. Bước nhỏ, mà cũng phải chống gậy. Tôi nói với Đức Mẹ: “Con yếu đuối lắm. Xin Mẹ thương dắt con đi từng bước nhỏ trên đường xin vâng. Cùng với Mẹ, con tin Cha trên trời luôn có những chương trình thương xót đối với con. Con xin vâng với hết lòng cảm tạ.

Long Xuyên, ngày 18.8.2014.
GM. GB. Bùi Tuần

Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

ĐỨC MẸ LÊN TRỜI TẠI VIỆT NAM HÔM NAY

       
1.
Đã gần 40 năm rồi, tôi cùng với vài linh mục đã đến thăm giáo xứ Hòn Chông, một giáo xứ ven biển thuộc Kiên Giang.
Từ Hòn Chông, chúng tôi đi thăm giáo xứ Rạch Đùng cũng vùng hẻo lánh. Trên đường đi, chúng tôi ghé lại xóm Rẫy mới. Nơi đây lúc đó chỉ còn vài gia đình rải rác ở sườn núi.
Điểm đáng chú ý là nơi đây còn dấu vết một ngôi nhà thờ nhỏ. Tất cả đều đã bị bom tàn phá. Còn trơ lại vài bức tường đổ nát, cỏ cây trùm phủ um tùm.
2.
Giữa chốn hoang vu ấy, chúng tôi ngạc nhiên thấy một tượng Đức Mẹ đứng giữa cỏ cây rêu phủ.
Ngạc nhiên tiếp nối ngạc nhiên, khi chúng tôi đọc thấy trên bức tường đá gần bên một bài thơ ghi khắc sâu bằng vật nhọn:
“Mẹ đứng ở đây một góc trời.
Đôi mắt nhân từ nhìn muôn nơi.
Hai tay ban xuống muôn hồng phúc.
Cho kẻ tin yêu chạy đến Người” (Bảo Sơn).
3.
Có thể tác giả là một người lính hành quân qua đường trong thời chiến. Anh đã được Đức Mẹ ban ơn. Anh đã xúc động. Nên đã ghi khắc trên đá một niềm tin bao quát như vậy.
Tôi không hiểu sứ điệp anh gởi đã tới những ai. Nhưng ít ra, niềm tin đầy xúc động ấy đã ảnh hưởng lớn đến tôi.
4.
Cho tới bây giờ, tượng Đức Mẹ chốn hoang vu đó và bài thơ nặng tình trên bức tường rêu phong đó đã luôn gợi ý cho tôi.
Tôi nghĩ là chính Đức Maria đã gợi ý cho tôi thế này:
Tại Việt Nam hôm nay, Mẹ vẫn đợi chờ mọi con cái Mẹ ở những nơi bị tàn phá, bị bỏ rơi, vùng sâu, vùng xa. Mẹ vẫn đợi chờ với đôi mắt nhân từ và với hai tay ban ơn. Mẹ vẫn đợi chờ được ôm vào lòng những đứa con nghèo khổ bơ vơ, để cùng Mẹ lên Trời hưởng tình yêu trọn vẹn muôn đời.
5.
Gợi ý trên đây đã trở thành một tiếng gọi đối với tôi. Đức Mẹ gọi tôi từ những cảnh khổ đau, cô đơn.
Khi đến với những cảnh đó, tôi đã gặp được Đức Mẹ. Mẹ đã ở đó từ lâu rồi. Mẹ và những người khổ đau làm nên một gia đình của niềm tin và của tình thương.
Bên Mẹ nhân từ, tôi thấy biết bao con người lầm than. Họ khổ lắm. Họ lầm than lắm. Họ bị hắt hủi, bị loại trừ. Chỉ còn Mẹ là nơi họ tựa nương. Mẹ đón nhận họ với tất cả tấm lòng người mẹ đầy thương xót.
6.
Năm đó, tôi đi Lavang. Tại đây, tôi đã thầm nói với Đức Mẹ nhiều điều, kể cả những tâm tình, mà tôi vừa chia sẻ trên đây. Mẹ tại Lavang cho tôi nhớ lại những năm chiến tranh, những tháng đói nghèo, mà tôi đã trải qua. Suốt thời gian đó, Mẹ đã là nguồn an ủi vô cùng quý giá cho tôi. Một cách âm thầm, mà hữu hiệu.
Hồi đó, tại nơi tôi ở không có nhà thờ, không có thánh lễ, không có cộng đoàn quy tụ. Rất nhiều khi, chỉ có một mình, với tấm lòng đầy niềm tin và trông cậy đặt ở Mẹ.
7.
Bên Mẹ, nhờ Mẹ và với Mẹ, trong thời loạn ly đói khổ, tôi có kinh nghiệm phần nào về sự Đức Mẹ xưa đã sống nghèo giữa những người nghèo, ở những địa phương nghèo, để âm thầm chia sẻ cuộc sống của họ, nhờ đó mà đưa họ về với Tin Mừng.
8.
Hiện nay, ơn gọi theo gương Mẹ âm thầm bác ái ở Nagiarét vẫn đang sống động bằng nhiều cách ở nhiều nơi.
Khi qua Hungari, Liên Xô, Đức, Pháp và ngay tại Đất Thánh, tôi vẫn được gặp những hình ảnh sống động của Đức Mẹ lặng lẽ giữa những lớp người nghèo chật vật trong những hoàn cảnh rất khó khăn.
Mấy ngày nay, qua báo chí và truyền hình, tôi thấy tình hình tại những nơi Chúa Giêsu và Đức Mẹ, thánh Giuse và các thánh tông đồ xưa đã rao giảng Tin Mừng, đang trở thành nơi xung đột đẫm máu.
Chính tại những nơi này và chính trong thời điểm này, sự hiện diện âm thầm của những hình ảnh sống động Mẹ Maria nhân ái đang giúp ích rất nhiều cho các linh hồn.
Họ là những nhóm nhỏ, sống nghèo, giữa những người nghèo. Đặc điểm của họ, là cùng với Đức Mẹ, đưa Chúa Giêsu đến với mọi người, qua những gặp gỡ và gần gũi thân thương.
9.
Tôi cũng đang thấy như vậy tại Việt Nam. Tuy không đều khắp, nhưng những cá nhân và những nhóm nhỏ của Đức Mẹ tại Nagirét đang đi về vùng sâu vùng xa và bước sâu vào những vùng tăm tối ngay giữa các thành thị.

10.
Họ rất cần được đào tạo.
Sẽ rất lầm, nếu đào tạo họ bằng cách cho họ thấy họ sẽ là kẻ sẽ được chức cao quyền trọng, lời lớn lộc nhiều, như một lớp người lãnh đạo.
Sẽ rất lầm, nếu đào tạo họ bằng cách chiều chuộng họ với một cuộc sống đi theo con đường rộng rãi thênh thang, như một lớp người hưởng thụ.
11.
Đào tạo cần thiết nhất cho họ cũng như cho tôi là một thứ biến đổi theo lời Chúa Giêsu phán: “Nếu các con ở lại trong Thầy, và lời Thầy ở lại trong các con, thì muốn gì, các con hãy xin, các con sẽ được như ý” (Ga 15,7). Ta ở lại trong Chúa và lời Chúa ở lại trong ta, đó sẽ là một sự biến đổi, như đã xảy ra xưa nơi Đức Mẹ.
Tôi đang thấy Chúa biến đổi nhiều người tại Việt Nam thành hình ảnh Đức Mẹ, nhờ sự ở lại trong Chúa và trong lời Chúa. Họ đang được Chúa chuẩn bị cho một tương lai, mà tình hình đạo sẽ sáng lên ở những vùng sâu vùng xa, nơi ở của những lớp người nghèo khổ. Đức Mẹ đưa họ lên trời từ những cuộc sống phấn đấu chân thành và âm thầm cho niềm tin và tình yêu thương bác ái.
Lạy Mẹ Maria, con khốn khổ yếu đuối lắm, con đến với Mẹ, con tin ở Mẹ. Xin Mẹ thương cho con được theo Mẹ lên trời từ vực sâu tội lỗi của con. Xin Mẹ cũng thương đến tất cả những ai chân thành tìm đến với Mẹ.

GM. GB. Bùi Tuần
Long Xuyên, ngày 9.8.2014

Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014

ƠN GỌI TỪ NHỮNG MẢNH ĐẤT


1.
Đã lâu rồi, tôi hay nghĩ đến sự chết. Tôi nghĩ đến sự chết của những người khác một cách thấm thía. Tôi nghĩ đến sự chết của tôi một cách sâu xa, như một biến cố duy nhất nghiêm trọng, sẽ chỉ xảy ra một lần với hậu quả đời đời vô cùng vô tận.
Nghĩ đến sự chết, tôi thường nghĩ đến đất là nơi đón nhận mọi người chết. Tự nhiên tôi yêu thích đất. Có một sức thiêng thúc giục tôi hãy cầu nguyện, xin Chúa cho tôi ngay từ bây giờ, hãy là mảnh đất tốt trước mặt Chúa.
2.
Chúa thương nhận lời tôi. Với ánh sáng Phúc Âm, Chúa cho tôi thấy hai mảnh đất sau đây có thể gọi được là ơn gọi cho tôi.
Mảnh đất thứ nhất là mảnh đất được chăm sóc biết đón nhận những hạt giống tốt, làm cho những hạt giống tốt đó sinh hoa kết quả.
Mảnh đất như thế đã được Chúa Giêsu nói đến trong dụ ngôn người gieo giống (Mt 13,4-23).
Khác với mảnh đất ở bên vệ đường bỏ mặc chim thú, cũng khác với mảnh đất có nhiều sỏi đá, cũng khác với mảnh đất ở giữa bụi gai, mảnh đất tốt là mảnh đất được chăm sóc. Lời Chúa gieo vào đó được hiểu đúng và sinh hoa kết quả từng chục, từng trăm.
 3.
Ơn Chúa và kinh nghiệm cho tôi thấy mỗi người có thể ví như một mảnh đất sẽ được nhiều thứ hạt giống gieo vào. Phải là hạt giống tốt, và đất cũng phải được chăm sóc tốt, thì mới trổ sinh ra được hoa trái tốt.
4.
Tôi có là mảnh đất tốt mà Chúa muốn không? Xét mình, tôi thấy tôi có trách nhiệm lớn về việc giáo dục đối với bản thân mình. Giáo dục nhân bản, giáo dục trí thức, giáo dục tu đức theo Phúc Âm là những giáo dục tôi phải thường xuyên thực hiện đối với bản thân mình. Giáo dục nào cũng đòi một kỷ luật nội tâm và lối sống. Giáo dục như thế là một đào tạo con người về hướng đạo đức, để sống giữa đời, tôi biết đón nhận những hạt giống tốt. Nếu không, tôi rất dễ ra hư hỏng.
5.
Kinh nghiệm cho tôi thấy: Con người ta sẽ rất dễ hư hỏng, khi không được giáo dục tốt, như giáo dục chỉ đặt nặng về lý thuyết, mà lơ là về kỷ luật và phấn đấu, cũng như tránh tập luyện trong những khó khăn. Tôi xin phép được nói về một kinh nghiệm riêng tư.
6.
Nền giáo dục tôi nhận được từ gia đình phải nói là khá vững về nhân bản và về Phúc Âm. Giáo dục đó đòi hỏi tôi nhiều phấn đấu để được biến đổi thành người tốt.
Nền giáo dục tôi nhận được từ nhà Đức Chúa Trời và từ các chủng viện, cũng phải nhận là rất vững về nhân bản, về trí thức và về Phúc Âm. Giáo dục đó đòi hỏi nhiều dấn thân, cầu nguyện và tỉnh thức để biết tự hạ, luôn tìm thực thi ý Chúa.
Nền giáo dục tôi nhận được từ các chức vụ trong Hội Thánh hầu hết là trong những năm khó khăn gian khổ, cũng phải nói là rất sát với Công đồng Vatican II và khuynh hướng tu đức của các Đức Giáo Hoàng cận đại. Giáo dục đó đòi hỏi nhiều từ bỏ mình, để phó thác cậy tin ở Chúa Thánh Thần và khao khát Lời Chúa.
Tất cả đều nhờ ơn Chúa. Xin Chúa trả công bội hậu cho mọi người đã góp phần giáo dục tôi.
7.
Nói chung, các nền giáo dục đó đã giúp tôi trở thành một mảnh đất thuận lợi tương đối để đón nhận Lời Chúa. Lời Chúa được gieo vào mảnh đất lòng tôi thì nhiều, nhưng xem ra Lời Chúa được Chúa nhấn mạnh hơn trong tôi là “Những gì tốt con làm cho những kẻ bé nhỏ nhất của Ta, là con làm cho chính Ta” (Mt 25,40). Lời đó đã làm cho đời tôi trở thành một chuỗi dài thao thức trước những nỗi khổ đau của mọi đồng bào. Phải chăng đó là ơn gọi của tôi. Tôi cảm tạ Chúa hết lòng vì ơn gọi đó. Ơn gọi đó đã giúp tôi gặp được Chúa trong bao người đau khổ.
8.
Mảnh đất thứ hai cũng gọi được là mảnh đất ơn gọi của tôi, đó là mảnh đất được Chúa viết lên trên.
Phúc Âm thánh Gioan kể rằng: “Các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu  một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Đức Giêsu: Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Moisen truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? Họ nói thế, nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi. Rồi Người lại cúi xuống mà viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn một mình Đức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: Này chị, họ đâu cả rồi. Không ai lên án chị sao? Người phụ nữ đáp: Thưa ông, không có ai cả. Đức Giêsu nói: Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi, từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,3-11).
9.
Khi đọc đoạn Phúc Âm trên đây, tự nhiên tôi để ý đến mảnh đất được Chúa Giêsu cúi xuống lấy ngón tay mà viết lên trên. Chúa viết gì, thì tác giả Phúc Âm không ghi lại. Chỉ biết rằng: Nhờ sự Chúa cúi xuống, lấy ngón tay viết trên đó, mà người phụ nữ kia đã được tha. Chị không những được tha tội, mà còn được tha cả hình phạt nặng nề mà luật pháp dành cho chị. Mảnh đất ấy gợi lên trong tôi một ơn gọi. Hãy biết đón nhận và cho đi những cử chỉ khiêm tốn.
10.
Khi tôi cầu xin Chúa cho tôi được là mảnh đất như vậy, thì Chúa dạy tôi hãy ở hiền lành và khiêm nhường. Tôi cố gắng sống như Chúa dạy. Kết quả tôi thấy được là sự hiền lành và khiêm nhường rất hữu hiệu trong việc cứu người ta khỏi tội và hình phạt bởi tội.
Với sự hiền lành và khiêm nhường, mảnh đất như thế sẽ là một tiếng kêu về chân lý và về hy vọng. Chân lý, đó là cả người phụ nữ ấy, cả những người tố cáo người phụ nữ ấy, đều phải nhận mình có tội, cần phải hối cải. Hy vọng, đó là Thiên Chúa giàu lòng thương xót sẽ tha thứ cho họ. Trong cuộc sống mục vụ, tôi cố gắng sống như mảnh đất đó. Chúa giúp tôi, chứ tự sức tôi không thực hiện được. Không ngờ, với sự hiền lành và khiêm tốn, người mục tử nhiều khi đã có thể ra đi rất xa và rất sâu trong việc loan báo Tin Mừng.
11.
Những gì tôi vừa chia sẻ đang giúp tôi đi tới mảnh đất chôn tôi sẽ mang tấm bảng: An nghỉ trong bình an của Chúa.
Ngay từ bây giờ, tôi tha thiết cầu nguyện cho tôi cũng được trở thành những mảnh đất bình an làm chứng về tình thương, hiền lành và khiêm nhường. Chỉ là mảnh đất nhỏ thôi. Tôi rất xấu hổ, khi được người ta cầu xin cho trở thành ngọn đèn soi sáng trần gian. Ơn gọi đó sẽ dành cho những người khác. Còn tôi là kẻ hèn hạ, nếu được là mảnh đất tốt nhỏ bé âm thầm, thì đó đã là một hồng ân cao quí đem lại sự bình an và hạnh phúc cho tôi rồi.
          Lạy Chúa, con rất yếu đuối. Mỗi ngày con sẽ bắt đầu lại trên đường theo tiếng Chúa gọi con. Xin Chúa xót thương con. Xin mọi người thương cầu nguyện cho tôi

Gm. GB. Bùi Tuần
Long xuyên ngày 25.7.2014