Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

CHÚA PHỤC SINH ĐẾN VỚI TÔI

CHÚA PHỤC SINH ĐẾN VỚI TÔI
  
1.
Mới rồi, một biến cố đã xảy đến cho tôi. Biến cố riêng tư, tuy nhỏ, nhưng đang ảnh hưởng lớn đến đời tôi. Tôi xin được phép chia sẻ.
Sau một ngày được đọc và được nghe kể về những cuộc lễ tạ ơn trọng thể đó đây, trong đó đề cao những thành tích lẫy lừng nhiều mặt, tôi cảm thấy như có một sự giới thiệu về Ơn Phục Sinh tại những nơi ấy.
Đêm đến, tôi lên giường, muốn ngủ mà không ngủ được. Tôi cầu nguyện. Thế rồi, tôi đi vào một giấc mơ. Tôi thấy Chúa Giêsu Phục Sinh đến với tôi. Một cảm giác rất mạnh bừng lên trong tôi, làm tôi sung sướng và bình an lạ thường, đó là thấy Chúa Phục Sinh rất hiền lành, rất khiêm nhường, rất xót thương. Người nhìn tôi, mà không nói gì. Tôi nhìn Người, cũng không nói được gì. Đột nhiên, tôi bật khóc và tôi thức.
2.
Khi tỉnh dậy, tôi cảm thấy lòng tôi tràn trề niềm vui. Tôi thấy cái nhìn của Chúa Phục Sinh đã đổi mới tôi một cách sâu xa và mạnh mẽ. Tôi chỉ xin kể ra đây vắn tắt bốn soi sáng tôi nhận được. Soi sáng nào cũng là chân lý cứu độ tôi. Soi sáng nào cũng làm cho tôi được phục sinh.
3.
Soi sáng thứ nhất mở lòng trí tôi ra, là để tôi nhận biết tôi là kẻ tội lỗi.
Trong giây lát, cái nhìn của Chúa Phục Sinh cho tôi thấy quá khứ của tôi đầy những tội lỗi, hiện tại của tôi đầy những yếu đuối, tương lai của tôi đầy những điều phải đổi mới.
Tôi nhớ lại dụ ngôn “Người Pharisêu và người thu thuế” (Lc 18,9-14). Người Pharisêu khi cầu nguyện, đã hết lòng cảm tạ Chúa về bao việc đạo đức mình đã làm. Còn người thu thuế, khi cầu nguyện, thì hết lòng xin Chúa thương xót, vì nhận mình chỉ là kẻ tội lỗi. Chúa Phục Sinh soi sáng cho tôi thấy: Tôi hãy nhận mình là kẻ tội lỗi. Đó là sự thực. Tôi nhận rõ sự thực đó. Tôi sám hối. Tôi nhìn Chúa đang nhìn tôi. Tự nhiên tôi bật khóc.
4.
Soi sáng thứ hai mở lòng trí tôi ra, là để tôi nhận biết bất cứ tội nào của tôi cũng đều gây đau đớn cho chính Chúa Giêsu.
Cái nhìn của Chúa Phục Sinh đưa lòng trí tôi đến thánh giá. Tôi nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên đó. Người mang hình ảnh khủng khiếp của một tội nhân. Người chịu như vậy vì tội lỗi của tôi và của muôn người. Tội lỗi của tôi đã làm cho Người phải khổ. Tôi nhớ lại những lúc trước đây tôi dửng dưng trước đau khổ của Chúa Giêsu trên thánh giá. Người quá đau khổ vì tội lỗi tôi. Tôi nhận ra là sự dửng dưng đó của tôi đã làm cho Chúa bị đau khổ thêm. Tôi hối hận vô vàn. Tôi khóc.
5.
Soi sáng thứ ba mở lòng trí tôi ra, là để tôi nhận biết sự tha thứ Chúa dành cho tôi là do lòng thương xót Chúa.
Tôi nhớ lại dụ ngôn “Người cha nhân hậu” (Lc 15,11-32). Người cha này đã đối xử với người con phung phá trở về một cách xót thương quá sức tưởng tượng. Người cha ấy đã tha thứ, đã ôm lấy con, chỉ vì tình yêu xót thương. Hình ảnh người cha tha thứ đó dạy tôi, khi sám hối, phải nhìn vào Chúa là Cha, để đón nhận sự thứ tha. Chứ đừng đón nhận ơn tha thứ, chỉ từ các nghi thức. Các nghi thức sám hối, để ban ơn tha thứ, nếu chỉ nhấn mạnh đến hình thức bên ngoài, sẽ dễ tạo nên một sự thứ tha máy móc. Hãy gặp mặt chính Chúa là Cha, để trở về với Cha.
6.
Soi sáng thứ bốn mở lòng trí tôi ra là để tôi chọn Chúa Giêsu một cách tuyệt đối và dứt khoát.
Tôi đã chọn Chúa Giêsu. Sự lựa chọn đó của tôi là tuyệt đối. Tôi dám nói về sự lựa chọn đó bằng những lời của thánh Phaolô: “Tôi tin chắc rằng: Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được tôi ra khỏi tình yêu cua Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô  Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).
Tôi chọn Chúa Giêsu là cũng chọn thánh giá của Người: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì ngoài thánh giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Gl 6,14). Vì thế “Tôi luôn mang nơi thân xác mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Kitô cũng được biểu lộ nơi thân mình tôi” (2Cr 4,10). Tóm lại, “Tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Người” (2Cr 5,9).
7.
Những gì trên đây đã xảy đến cho tôi từ cái nhìn của Chúa Phục Sinh thực là tuyệt vời. Tôi hết lòng cảm tạ Chúa.
Tôi nghĩ Chúa Phục Sinh đã đến với nhiều người, có thể cũng một cách như đã đến với tôi, và có thể bằng những cách khác. Điều quan trọng là mỗi người chúng ta cần phải tỉnh thức và nhạy bén. Bởi vì Chúa Phục Sinh đến cách bất ngờ, lúc bất ngờ, và ở nơi bất ngờ.
Nếu chúng ta tưởng Chúa Phục Sinh sẽ đến theo chương trình chúng ta đã sắp đặt trước, thì ta tự lừa dối mình.
8.
Kinh nghiệm của riêng tôi cho tôi thấy: Chúa Phục Sinh thường hay đến với tôi bằng một cái nhìn thân thương của Người. Người gởi cho tôi cái nhìn thân thương ấy của Người qua nhiều phương tiện. Qua cầu nguyện, qua một số người, một số thời sự, một số bài báo, một số trang sách, một số biến cố vv... Tôi đã bắt chợt được những cái nhìn thân thương của Chúa. Chính nhờ ơn Chúa. Tôi đón nhận sứ điệp gói trong những cái nhìn đó, để rồi tôi gặp được chính Chúa Phục Sinh.
9.
Không phải sứ điệp nào trong những cái nhìn của Chúa đều làm tôi vui. Bởi vì không thiếu trường hợp, sứ điệp đó lại là những cảnh báo rất đáng sợ.
Xưa: “Khi đến gần Giêrusalem và nhìn thấy thành, Đức Giêsu khóc thương mà nói: ‘Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi. Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái ngươi đang ở giữa ngươi và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm” (Lc 19,41-44).
Chúa nhìn thành và đã khóc. Tôi đang thấy cảnh đó tái diễn. Người cảnh báo về một sự sụp đổ tang thương nào đó. Và tôi lo sợ. Lo sợ của tôi giúp tôi thêm khiêm nhường và bớt chủ quan để thêm cậy tin vào Chúa Phục Sinh.
10.
“Xin đừng làm theo ý con, nhưng xin theo ý Cha mà thôi” (Lc 22,42). Tôi luôn cùng với Chúa Phục Sinh nói lên lời phó thác đó, để thánh ý Chúa Cha được nên trọn nơi tôi. Tôi xác tín tôi được sai đi để làm chứng cho Chúa qua sự từ bỏ mình, để vâng phục trọn vẹn nơi Chúa Phục Sinh.

GM. GB. Bùi Tuần
Long Xuyên 28-3-2015

Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

ĐAU KHỔ ĐÃ VÀ ĐANG ĐƯỢC BÁO TRƯỚC



1.
Mùa Chay kêu gọi tôi suy gẫm cách riêng về cuộc Thương khó của Chúa Giêsu. Suy gẫm của tôi từ đầu mùa Chay năm nay đến bây giờ tự nhiên hướng về một nét đặc biệt của cuộc Thương khó Chúa, đó là đau khổ của Chúa Giêsu đã được báo trước.
2.
Đau khổ của Chúa Giêsu đã được báo trước thế nào?
Để rồi, đau khổ của môn đệ Chúa Giêsu cũng được báo trước ra sao?
Sống với những báo trước quan trọng ấy, chính là nét sống tu đức của tôi hôm nay. Dưới đây, tôi xin được chia sẻ vắn tắt đôi chút kinh nghiệm của tôi.
3.
Bình thường, tôi quen sống đức tin bằng sự gặp gỡ thân mật với Chúa Giêsu, tôi để ý nhiều đến tính cách thân mật trong cuộc sống bình thường. Nhưng khi suy gẫm về cuộc thương khó Chúa, tự nhiên tôi gặp gỡ Chúa trong một hoàn cảnh rất khác, đó là hoàn cảnh Người chịu đau khổ, nhục nhã, nghèo hèn.
4.
Do thân mật, tôi nói với Chúa: “Chúa bị khinh, bị chối bỏ, bị kết án, bị giết như thế, thì còn gì là thu hút đối với những ai muốn theo Chúa?”. Cũng trong thân mật, Chúa trả lời tôi: “Con Người phải chịu khổ đau như thế, để đưa nhân loại vào Nước Thiên Chúa. Cái thu hút không phải là đau khổ, mà là hy sinh cho tình yêu. Chính vì thế, mà đau khổ Cha chịu đã được Cha báo trước”.
5.
Thế rồi, Chúa cho tôi nhớ lại những lời chính Chúa đã báo trước về cuộc thương khó của Người. Thánh sử Marcô thuật lại ba lần chính Chúa báo trước: Phải qua đau khổ, mới tới Phục sinh.
6.
Lần thứ nhất: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8,31).
Lần thứ hai: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời. Họ sẽ giết chết Người. Và Người bị giết chết. Rồi sau ba ngày, Người sẽ sống lại” (Mc 9,31).
Lần thứ ba: “Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người, và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại” (Mc 10,33-34).
7.
Chúa Giêsu đã thấy trước, và đã báo trước cuộc thương khó của Người. Có nghĩa là Chúa coi cuộc thương khó là con đường tốt nhất Người chọn, để làm chứng cho tình yêu, để đưa loài người vào Nước Thiên Chúa.
Thú thực là tôi tin hơn là tôi hiểu. Niềm tin ấy cũng là do ơn Chúa. Tôi đón nhận ơn đó, tôi cộng tác vào ơn đó với tất cả tấm lòng khiêm tốn của tôi.
8.
Rồi, cũng trong thân mật, Chúa Giêsu âu yếm nói với tôi những lời xưa Người đã nói với các môn đệ của Người. Đại khái là: con đường Người đã đi sẽ là con đường tôi phải đi. Chúa phán: “Ai muốn theo Cha, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Cha” (Mc 8,34).
9.
Đem Lời Chúa trên đây soi vào cuộc đời mình, tôi thấy đúng là chỗ nào cũng không tránh được đau khổ.
“Phải từ bỏ mình” đâu có dễ.
Cái tôi xấu không hẳn chỉ gồm những thói hư nết xấu, mà cũng gồm cả những tư tưởng, việc làm, lời nói mà tôi tưởng là đạo đức, nhưng thực sự lại không hợp ý Chúa, nên bị Chúa ruồng bỏ. Thánh Phêrô xưa, khi nghe thầy mình báo về cuộc thương khó Người sẽ phải chịu, đã phát biểu một cách đầy đạo đức: “Xin Thiên Chúa thương Thầy, đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy”. Nhưng Chúa Giêsu quay lại bảo Phêrô: Satan, hãy lui lại đàng sau Thầy, tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16,22-23). Tôi nay nhiều lúc cũng vậy. Từ bỏ mình luôn có khổ đau.
10.
“Vác thập giá mình” cũng đâu là chuyện nhởn nhơ.
Nếu thập giá của tôi là những giới hạn của tôi, là bệnh tật của tôi, là gánh nặng tuổi tác của tôi, là những nghịch cảnh luôn có trong cuộc đời, vv... thì đau khổ tất nhiên sẽ đồng hành chặt chẽ với tôi. Nói lên thực tế đó chính là một điều lương thiện.
11.
“Mà theo Chúa”, đó mới chính là chuyện chắc chắn phải khổ.
Theo Chúa, để ở bên Chúa, để cùng chia sẻ với Chúa, đâu là chuyện lúc nào cũng vui. Khi Chúa bị đánh đòn, bị khạc nhổ vào mặt, bị vác thập giá, bị đóng đinh vào đó, bị xỉ vả, chế nhạo. Lúc đó, Chúa bảo: Con hãy cùng theo Chúa mà chia sẻ thân phận như thế của Chúa. Tôi xin thú thực là tôi không luôn sẵn sàng. Nếu có sẵn sàng, thì cũng phải nhận rằng mình phải thực sự đau đớn, như Chúa đã thực sự đau đớn. Đó mới là theo Chúa thực sự.
12.
Với những gì tôi vừa chia sẻ trên đây, tôi xin đưa tới một cảm nghiệm đau đớn, mà chính tôi đã trải qua, đó là:
Đôi khi những đau đớn coi như quá tàn nhẫn cứ mãi đổ trên mình một cách vô lý, tôi thấy đời mình như đi vào thất bại. Một đàng tôi cảm thấy mình như đã trở thành gánh nặng cho người khác, một gánh nặng họ muốn loại trừ. Một đàng tôi như mất niềm tin vào lòng khoan dung của người khác. Đó là một nỗi đau lớn, gây nên thương tích trong lòng tôi. Nó ảnh hưởng nhiều đến cái nhìn của tôi về chủ nghĩa thực dụng đang tràn vào Hội Thánh tại Việt Nam.
Nhưng Chúa vẫn thương tôi. Chúa dạy tôi hãy cứ khiêm nhường cầu nguyện. Và kết quả là cho đến bây giờ tôi vẫn tin vững vàng vào Lời Chúa: “Phải qua đau khổ mới tới được Phục sinh”. Đau khổ là cái giá phải trả để cứu chuộc các linh hồn khỏi lửa hoả ngục.Đau khổ có nhiều thứ và nhiều mức độ, Chúa không thử thách ai quá sức của họ.
13.
Đau khổ đã và đang được báo trước cho các môn đệ Chúa, trong đó có tôi. Tôi không biết những gì sẽ xảy ra cho chúng ta. Riêng tôi, tôi vẫn chuẩn bị trong tâm hồn mình bằng những ước mong là được theo Chúa và ở bên Chúa, trên con đường thương khó của Chúa.
Tôi chuẩn bị như vậy. Còn thực tế cuộc đời tôi luôn ở trong tay Chúa. Tôi coi đây là điểm rất quan trọng trong việc đào tạo sống chân lý Tin Mừng đích thực. Cho dù đau khổ trăm bề, tôi tin tôi vẫn hạnh phúc, vì được ở bên Chúa. Người vẫn thương tôi. Tuy nhiên phải thú thực điều này: Rất nhiều khi, tôi đã xin Chúa đừng bắt tôi uống chén đắng. Rất nhiều khi, tôi đã vác thánh giá, mà ngã quỵ xuống đất. Rất nhiều khi, người khác đã vác thánh giá thay tôi. Rất nhiều khi, tôi đã thốt lên những lời than cô đơn, khi bị treo lên thánh giá. Vì tôi quá yếu đuối. Lạy Chúa, xin xót thương con. Con tin đau khổ là trường đào tạo con. Con cảm tạ Chúa đang đào tạo con bằng đường thánh giá.

Long Xuyên 08.3.2015

XIN LÀ CON CÁI ĐÍCH THỰC CỦA THÁNH GIUSE

Nhân tháng kính thánh Giuse
XIN LÀ CON CÁI ĐÍCH THỰC
CỦA THÁNH GIUSE


1.
Từ còn rất nhỏ, tôi đã có lòng kính thánh Giuse. Trải qua nhiều thử thách, cuộc sống của tôi được như hôm nay, cũng nhờ ơn thánh Giuse.
Thánh Giuse đã dạy tôi rất nhiều. Ở đây, tôi xin được chia sẻ vắn tắt mấy ơn đặc biệt Ngài ban khi uốn nắn và đào tạo tôi.
2.
Ơn thứ nhất là thánh Giuse dạy tôi hãy tin vào Lời Chúa một cách tuyệt đối và đơn sơ.
Xưa thánh Giuse đã được Chúa dạy làm những điều rất khó hiểu, như nhận Trinh Nữ Maria nghèo làm bạn đời, như đem thánh gia nghèo trốn sang Ai Cập, như đưa Mẹ Con nghèo trở về Israel qua con đường kín đáo để sống âm thầm tại Nadarét. Thánh Giuse biết đó là những việc khó hiểu và khó thực thi. Nhưng Ngài tin vào Lời Chúa một cách đơn sơ và tuyệt đối. Tin khiêm nhường. Tin phó thác.
3.
Tôi cũng được Chúa dạy nhiều điều khó hiểu và khó làm trong bổn phận đối với người nghèo. Công đồng Vatican II dạy: “Khi sử dụng của cải, con người phải coi tài sản mình đang sở hữu cách chính đáng, không chỉ là của riêng mình, nhưng còn là của chung, trong ý nghĩa là của cải có thể sinh ích không những cho riêng mình, mà còn cho nhiều người khác.
Đàng khác, mọi người đều có quyền nhận được phần của cải đủ nuôi sống bản thân và gia đình mình. Đó là điều các Giáo phụ và các Tiến sĩ Giáo Hội đã nghĩ đến khi dạy mọi người hiểu về bổn phận phải giúp đỡ người nghèo, vì không phải chỉ giúp bằng của dư thừa... Trước con số quá lớn những người đói khổ trên thế giới, Thánh Công đồng tha thiết kêu gọi mọi người hãy nhớ đến lời sau đây của các Giáo phụ: Hãy cho kẻ sắp chết đói ăn, vì nếu không cho họ ăn là đã giết họ” (Giáo Hội trong thế giới ngày nay, số 68).
4.
Tôi khó hiểu và khó thực thi những lời sau đây: “Tài sản của tôi không là của riêng tôi, nhưng cũng là của chung.
“Tôi có bổn phậnn phải giúp đỡ kẻ nghèo, không phải chỉ bằng của dư thừa.
“Không cho kẻ sắp chết đói ăn, tức là đã giết họ”.
Thú thực là nhiều khi tôi chỉ đọc lướt qua những câu nói trên của Công đồng, bởi vì tôi như không muốn hiểu, để khỏi phải thực hành. Nhưng thánh Giuse không ngừng dạy tôi là phải vâng ý Chúa mà sống tốt với kẻ nghèo, như xưa Ngài đã thực hiện. Tạ ơn thánh Giuse, tôi đã vâng ý Ngài. Dần dần tôi cảm thấy mình phải tin vào Lời Chúa và phải sống tốt hơn với kẻ nghèo. Cho dù tôi chỉ làm được rất ít cho họ. Nhưng phần rất ít đó là rất quan trọng cho lương tâm tôi.
5.
Ơn thứ hai là thánh Giuse dạy tôi hãy coi chức vụ Chúa trao để mà phục vụ, và phục vụ thì phải khiêm nhường và tỉnh thức.
Xưa, thánh Giuse được Chúa chọn làm bạn trăm năm của Đức Mẹ Maria, là làm cha nuôi của Chúa Giêsu. Đó là những chức cao quyền trọng. Nhưng thánh Giuse chỉ coi những chức quyền ấy như những bổn phận phục vụ.
Phục vụ của Ngài được thực hiện một cách khiêm nhường. Ngài chôn vùi mình vào cuộc sống âm thầm. Nhiệt tình mà kín đáo. Tỉnh thức mà lặng lẽ. Vất vả nhọc nhằn mà thinh lặng. Ngài phục vụ với tất cả tấm lòng yêu thương. Phục vụ của Ngài là rất thiết thực: Làm đúng việc, đáp ứng đúng nhu cầu, vào đúng lúc, với đúng cách.
Phục vụ tế nhị của Ngài tạo nên một bầu khí ấm áp bao trùm thánh gia, xây dựng được các liên đới tốt với những người xung quanh.
6.
Thánh Giuse dạy tôi hãy sống cuộc đời phục vụ như Ngài. Tôi thực tình rất muốn theo gương Ngài. Nhưng thực tế không dễ dàng chút nào. Thói đời, thói đạo thường tạo ra vô số những hào quang giả, để gắn vào chân dung các người có quyền chức. Những người có quyền chưc nếu không tỉnh thức, cũng lại dễ hãnh diện với những hào quang đó. Thế là phục vụ cua họ sẽ rơi vào phô trương, nhiều khi tới mức ghê tởm mà không hay biết.
7.
Tôi xin thánh Giuse thương giúp tôi trong phục vụ. Ngài giúp tôi. Nhưng Ngài đòi tôi phải phấn đấu không ngừng. Vì thế, cho đến hôm nay, tôi vẫn phải phấn đấu rất nhiều. Trong phấn đấu có những lúc phải bắt đầu lại, với sám hối và cầu nguyện thiết tha. Tôi vững tin vào Chúa.
8.
Ơn thứ ba là thánh Giuse dạy tôi bất cứ việc gì tôi làm đều hãy được đóng dấu: Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế.
Xưa, khi sứ thần Thiên Chúa báo tin cho thánh  Giuse biết: Đức Maria sẽ hạ sinh con trai, thì sứ thần lại truyền lệnh cho Ngài là “Ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21).
Nay, thánh Giuse cũng theo hướng đó. Ngài dạy tôi làm gì cũng hãy gắn chặt vào danh Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế.
9.
Khi thực hành lời dạy trên đây của thánh Giuse, tôi hay bị lạc vào những thứ danh không phải là Đức Giêsu, mà là danh các thần khác. Nếu là danh Đức Mẹ, thánh Giuse và các thánh thì vẫn khá. Nhưng khốn nỗi, nhiều khi danh, mà tôi nêu lên và dựa vào lại là các cơ sở, cơ chế, công trình, tổ chức này nọ. Vô tình những danh đó lại là những bức cản hình ảnh Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế.
10.
Hiện nay, các thứ danh đang đua nhau dựng lên khắp Hội Thánh tại Việt Nam. Nhiều nơi, các danh đó đã quá nhiều, quá lớn, đến nỗi làm cho danh Chúa Giêsu bị trở nên lu mờ.
Phải nói: đây là một phát triển đạo một cách không lành mạnh. Thánh Giuse dạy tôi hãy vâng lời Công đồng Vatican II mà trở về tập trung vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Chỉ có Chúa Giêsu mới thắng được ma quỷ. Chỉ có Chúa Giêsu mới cứu được con người khỏi tội. Chỉ có Chúa Giêsu mới là của lễ đền tội có sức cứu được con người khỏi lửa hoả ngục.
11.
Mấy chia sẻ trên đây đang giúp tôi trở nên người con đích thực của thánh Giuse. Thời nay, lãnh vực nào cũng có cái thực cái giả. Trong lãnh vực đạo, rất nhiều người xưng mình là con thánh Giuse. Nhưng con đích thực mới thực sự đáng quý.
Cúi xin thánh Giuse thương giúp tôi luôn biết phấn đấu trở về, để là con đích thực của vị thánh khiêm nhường, đấng bảo vệ Hội Thánh của Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế.

Long Xuyên, 28.2.2015

Điều mong ước nhất những ngày tết



1
Những ngày tết, tôi thường phải bận rộn với các thứ mong ước. Trong lúc rối bời, tôi đến bên Đức Mẹ Maria. Như một trẻ thơ, tôi hỏi Mẹ: Mẹ ơi, con nên mong ước điều gì nhất?”. Tôi lắng nghe. Mẹ cho tôi nhớ lại giây phút Truyền tin. Mẹ được Tổng lãnh thiên thần Gabriel chào chúc: “Chúa ở cùng Bà” (Lc 1,28). Rồi Mẹ bảo tôi: Điều con nên mong ước nhất, chính là “được Chúa ở cùng con”.
2
Tin vào lời Mẹ, tôi lui vào nội tâm sâu thẳm, tôi cầu xin Chúa thương đến với tôi. Tôi đợi chờ và khao khát với tất cả tấm lòng nghèo khó khiêm cung. Trong giây phút không ngờ, Chúa đến với tôi. Tôi đã được gặp Chúa. Đúng là Chúa, Đấng hằng sống, Đấng uy quyền và giàu xót thương, Người đem tôi vào một sự sống mới. Sự sống mới đó chính là sự sống của Người.
3.
Tôi nhận ra Chúa đã yêu thương tôi. Chúa đã cứu tôi. Chúa đã ban ơn cho tôi. Chúa đã gọi tôi. Chính Chúa là hy vọng của tôi. Chúa là cùng đích của tôi. Chúa là Cha tôi.


4.
Chúa gọi tôi hãy đến với Người để Người được vui trong tôi, và để tôi được vui trong Người. Ở trong Chúa, tôi được Người gắn vào bản tính tự nhiên của tôi một cảm quan thiêng liêng, để tôi có thể nghe được tiếng Chúa, và nhận ra được sự hiện diện của Chúa.
5
Việc đầu tiên tôi làm sau đó là cùng với Đức Mẹ, ca tụng và tạ ơn Chúa. Tôi nhận thấy mình bất xứng. Ơn Chúa ban là ơn nhưng không.
6.
Bỗng chốc, tôi cảm thấy đời tôi có một chiều kích hướng thượng rất cao, tới Chúa là nguồn mọi sự sống, mọi hy vọng, mọi hạnh phúc.
7
Lúc đó, tôi tin Chúa, tức là tôi gắn bó với Chúa, tôi vâng phục Chúa, tôi đi về với Chúa. Chứ không phải chỉ là chấp nhận một hệ thống giáo lý.
8.
Tôi đi về với Chúa, qua đời sống yêu thương phục vụ con người. Tôi yêu thương phục vụ, như Chúa đã dạy và đã yêu thương phục vụ. Do vậy, mọi tình yêu của tôi dành cho người khác đều khởi đi từ nguồn vô tận là tình yêu Chúa. Nếu làm được gì tốt cho ai, tôi sẽ qui chiếu về Chúa, như lời Chúa phán: “Thầy là Cây nho, anh em là cành, ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh được nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).


9.
Một thoáng chia sẻ trên đây cũng là những gì tôi vốn đã được cảm nhận ít nhiều suốt đời tôi, từ nhỏ đến giờ.
Vì thế, hôm nay khi được Đức Mẹ nhắn nhủ: Sự được Chúa ở cùng là điều nên mong ước nhất, tôi lại thêm xác tín tôi luôn cần được Đức Mẹ dạy dỗ, đào tạo vì tôi rất yếu đuối, dễ quên và ngại thực hiện.
10.
Với hết lòng khiêm nhường, tôi xin Chúa và Đức Mẹ thương tha tội cho tội.
Cảm tạ và xin lỗi là những việc cần làm chung với nhau, nhất là dịp Tết.
Điều tôi xin lỗi cách riêng ở đây là không dùng ơn Chúa ở cùng, để làm tốt bổn phận của tôi.
11.
Khi được Chúa ở cùng, đáng lẽ tôi phải phấn đấu hết sức để thi hành việc bổn phận một cách tốt nhất. Thí dụ bài giảng của tôi, dù với hình thức nào, cũng phải làm chứng là có Chúa ở cùng, được Chúa đóng dấu vào. Nhưng biết bao lần, thực tế đã không luôn được như vậy. Tôi xin sám hối, cầu xin Chúa thứ tha.
12.
Khi được Chúa ở cùng, đáng lẽ tôi phải có ý thức về thời gian như Chúa. Thí dụ, khi làm mục vụ, đáng lẽ tôi phải khiêm tốn đợi chờ kết quả một cách kiên trì, như Chúa vẫn làm. Nhưng tôi thì nóng vội, cái gì cũng muốn phải có kết quả ngay. Đó là điều sai lầm của tôi. Tôi xin sám hối. Xin Chúa thương tha thứ cho tôi.


13.
Khi được Chúa ở cùng, đáng lẽ tôi phải quên đi cái tôi của tôi, nhưng bao lần cái tôi của tôi vẫn hiện diện trong các việc tôi làm, kể cả các việc đạo đức. Đó là điều yếu đuối của tôi. Tôi xin sám hối. Xin Chúa thương tha thứ cho tôi.
Khi được Chúa ở cùng, đáng lẽ tôi phải tỉnh thức chiến đấu với quỉ satan, nó luôn tìm cách phá vỡ bất cứ chương trình nào có tính cách cứu độ của Chúa. Nhưng nhiều khi tôi đã chủ quan, không nghĩ tới kẻ thù vô hình đó. Tôi xin sám hối. Xin Chúa thương tha thứ cho tôi.
14.
Khi được Chúa ở cùng, đáng lẽ tôi phải coi đau khổ là điều kiện cần vốn đi liền với thánh giá cứu chuộc. Nhưng bao lần tôi đã tránh xa và có khi phản bội thánh giá. Tôi xin sám hối. Xin Chúa thương tha thứ cho tôi.
15.
Khi được Chúa ở cùng, đáng lẽ tôi phải rao giảng sự hòa giải, sự tha thứ. Nhưng bao lần, tôi đã không làm đủ, làm đúng. Tôi xin sám hối. Xin Chúa thương tha thứ cho tôi.
16.
Để kết, tôi xin phép nói thêm điều này: Với ơn được Chúa ở cùng, tôi thường nhìn mọi người đến với tôi, như một bức thư Chúa gửi cho tôi. Dù là ai, họ đều là một bức thư Chúa gửi cho tôi. Tôi đọc thư đó được viết trong tâm hồn họ, trên trái tim họ. Chúa viết. Và tôi đã hiểu tình Chúa mênh mông, giàu xót thương và nhân ái.
Đó là cái Tết thánh hóa đời tu của tôi. Xin thân ái kính chúc anh chị em “được Chúa ở cùng anh chị em”.

                                            Tết Ất Mùi, Long Xuyên 09.02.2015

LO CỨU NHỮNG CON NGƯỜI


1.
Trong mấy ngày nay, tôi được hạnh phúc sống thân mật với Chúa Giêsu một cách hơn thường. Chính nhờ Người, với Người và trong Người. Tôi xin cảm tạ Người đã đến với tôi, trong hoàn cảnh tôi cảm thấy mình rất tồi tệ.
Trong những khoảnh khắc thân mật ấy, tôi đã gọi Chúa Giêsu bằng nhiều tước hiệu khác nhau, như Ngôi Hai nhập thể, Chúa chiên lành, Vua vũ trụ, vv... Nhưng sau đó, Chúa Giêsu dạy tôi là Người muốn tôi cứ gọi Người là Đấng Cứu Thế.
2.
Từ tên gọi đó, Chúa Giêsu đã dạy tôi điều này: Sống thân mật với Người, thì hãy cùng với Người lo cứu thế gian.
Cứu thế gian là công việc quá lớn. Tôi rất yếu đuối. Nhất là lúc này, yếu đuối của tôi đang trở thành nỗi nguy. Tôi trình bày với Chúa như vậy. Nhưng Chúa trấn an tôi, bằng cách Người bảo tôi hãy nhìn vào thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu.
Tôi xin vâng. Ngay cạnh tôi là mấy cuốn sách ghi lại tư tưởng và cuộc sống người nữ tu dòng Kín thành Lisieux. Tôi đọc lại. Tôi thấy người nữ tu trẻ ấy đã dạy tôi cách cứu thế gian ngay trong cuộc sống âm thầm thường ngày với đời tu nhiệm nhặt. Tôi xin ghi lại vài nét chính rất gợi ý cho tôi.
3.
Thánh nữ đưa ra một chuyện biến ngôn. Có một vị lãnh chúa muốn xây một thánh đường nguy nga dâng kính Thiên Chúa. Ông ra sắc lệnh, kêu gọi những ai có của phải góp phần vào. Từ khắp nơi, đoàn ngựa kế tiếp nhau chở vật tư đến nơi xây cất. Các chủ vật tư đều là những người giàu có. Đang khi đó, một người đàn bà rất nghèo cũng muốn dâng cúng. Nhưng bà chỉ đủ tiền mua một sọt cỏ. Bà đưa cỏ cho mấy con ngựa chở vật tư ăn. Khi thánh đường được xây cất xong, vị lãnh chúa truyền ghi trên tấm bảng tên của mình và của các ân nhân, được gắn vào tường thánh đường. Nhưng, qua một đêm, trên tấm bảng đó các tên đã ghi đều bị xoá, và thay vào đó là tên một người đàn bà vô danh. Vị lãnh chúa phẫn nộ, truyền làm lại tấm bảng. Nhưng đêm sau, các tên trên bảng lại bị xoá, và lại ghi tên một người đàn bà vô danh. Ông liền điều tra. Sau cùng, ông được gặp người đàn bà nghèo đó. Bà nói thật bà chỉ cho ngựa ăn mớ cỏ, mà bà đã bỏ hết tiền của bà ra để mua. Vị lãnh chúa hiểu trước mặt Chúa bà là người có nhiều công nhất.
Từ chuyện biến ngôn trên đây, thánh nữ Têrêsa nghĩ về chính mình. Trong việc xây dựng Hội Thánh, ngài sẽ chỉ làm những việc bé nhỏ, âm thầm, nhưng tin chắc Chúa sẽ căn cứ vào tình yêu hơn là việc làm.
Bài học trên đây rất dễ hiểu. Tôi áp dụng cho tôi. Tôi sẽ chỉ đủ sức làm những việc nhỏ. Nhưng tôi đem tất cả tình yêu của tôi vào những việc nhỏ đó. Chúa sẽ thương nhận, để góp phần xây dựng Hội Thánh, và cứu các linh hồn. Xin hết lòng tạ ơn Chúa đã ban cho tôi một trái tim biết yêu thương.
4.
Về việc cứu các linh hồn, thì thánh nữ Têrêsa đã cho tôi một bài học cũng dễ hiểu. Có lần ngài đã nói với các em đệ tử của ngài: “Nếu chị phải ở luyện tội cho đến tận thế, để cầu nguyện, chỉ để cứu lấy một linh hồn mà thôi, thì hãy để mặc chị”.
Qua lời nói trên đây, thánh nữ cho thấy ngài rất quên mình để cứu các linh hồn. Yêu thương và hy sinh chịu đau khổ, để cứu các linh hồn, đó là niềm vui ngài muốn dâng lên Chúa.
Một nữ tu trẻ dòng Kín có được một khao khát cứu các linh hồn như thế, quả là một tiếng Chúa đánh thức lương tâm tôi. Tôi có nhiều cách để tránh né tiếng gọi đó. Nhưng nếu làm thế, tôi sẽ chỉ chuốc khổ vào thân. Tôi sẽ chẳng cứu được ai, và cũng chẳng cứu được chính mình. Tôi cảm tạ Chúa đã cho tôi nghị lực để dấn thân cứu các linh hồn bằng cầu nguyện và hy sinh âm thầm trong chính hoàn cảnh già yếu hiện giờ của tôi.
5.
Trong một lá thư gởi chi Céline, thánh nữ Têrêsa đã viết: “Chúng ta hãy sống cho các linh hồn nhất là hãy cứu linh hồn các linh mục. Bởi vì có những linh mục xấu. Hãy chịu hy sinh cho các ngài. Đến ngày tận thế, Chúa Giêsu sẽ biết ơn chúng ta về việc đó”. Đọc đoạn thư trên đây, tôi rất xúc động. Tôi nghĩ là đã có nhiều người cầu nguyện cho tôi được trở nên đạo đức theo thánh ý Chúa. Riêng tôi rất xác tín là việc quên mình để cứu các linh mục là điều quan trọng và khẩn thiết Chúa chờ đợi mỗi người chúng ta. Có những linh mục xấu, nữ tu Têrêsa dám nói như thế, chỉ vì thương, chứ không vì khinh.
6.
Càng về cuối đời, thánh nữ Têrêsa càng nói nhiều tới sự phải từ bỏ mọi sự và từ bỏ chính mình, để yêu thương và hy sinh cho các linh hồn. Ngài không ngại tỏ lộ các thứ khổ đau ngài phải chịu.
7.
Tuy nhiên, có một điều tôi lấy làm lạ, đó là thánh nữ xem ra khắc khổ, nhưng lại rất dễ thương. Chính vì ngài sống theo tinh thần thơ ấu thiêng liêng. Khi hành hương ở Lisieux, tôi cảm thấy rất rõ vẻ đẹp dễ thương của thánh nữ toả ra khắp nơi.
Tôi sực nhớ lại đoạn Phúc Âm sau đây của thánh Luca: “Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: ‘Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín, không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha’” (Lc 10,21).
8.
Một thoáng nhìn trên đây về thánh nữ Têrêsa thành Lisieux đã đưa tôi đến kết luận này: Nhiều người bé mọn đã cứu được các linh hồn một cách hiệu quả. Chính các linh mục cũng cần đến những người bé mọn, để có thể trở về với Chúa. Chính tôi cũng đã được họ cứu.
Tôi xin tận tình cảm ơn họ.
9.
Tôi xin Chúa cho tôi luôn biết sống bé mọn, và luôn biết cậy nhờ đến những kẻ bé mọn. Đó là cách cứu các linh hồn, rất hợp với tôi, nhất là lúc này, trong hoàn cảnh tuổi già sức yếu. Thiết tưởng, đó cũng là cách, chính Chúa nhắn gởi tất cả những môn đệ Chúa, bất cứ họ là ai đang sống trên Quê Hương Việt Nam lúc này.
Truyền giáo trên đất nước Việt Nam này trong hoàn cảnh hiện nay không thể coi thường mô hình thánh nữ Têrêsa thành Lisieux. Tôi tin chắc như vậy. Tòa Thánh cũng đang nhắc cho tôi điều đó.
Lạy Chúa, con xin hết lòng cảm tạ Chúa đã dạy con bổn phận và cách cứu các linh hồn. Xin Chúa thương giúp con biết kiên trì thực hiện những điều Chúa đã dạy con.

Long Xuyên, ngày 6.1.2015.

NỖI LO LỚN NHẤT TRONG ĐỜI TÔI


1. Đời tôi là quãng thời gian tương đối dài. Bước sang năm 2015, tôi được 89 tuổi. Trong dòng đời với nhiều chuyển biến ấy, có 60 năm là giáo sĩ mang chức linh mục, rồi mang thêm chức giám mục tới nay được 40 năm.
Như vậy quãng 60 năm qua là mảnh đời quan trọng nhất đối với tôi.
2. Hôm nay, nhìn lại dòng đời quan trọng đó để tạ ơn Chúa, tôi thấy có một nỗi lo lớn đã đồng hành với tôi một cách khăng khít. Chúa dạy tôi là đừng ngại nói ra cho mọi người biết nỗi lo đó. Xin nói ngay nỗi lo đó là làm sao luôn sống mật thiết với Chúa Giêsu. Nỗi lo ấy rất sống động. Tôi xin phép chia sẻ đôi chút về sức sống thăng trầm của nỗi lo ấy trong một quá khứ không thiếu đủ thứ chuyển biến.
3. Tôi thụ phong linh mục ngày 02.7.1955 tại nhà nguyện các cha dòng Đaminh ở HongKong.
Chính khuya đêm mồng một trước lễ truyền chức, tôi đã âm thầm xin được gặp cha linh hồn, tức cha Valderama Xuyên. Tôi xin ngài cho phép tôi được rút lui, khỏi bước lên nhận chức linh mục. Lý do là tôi quá lo, vì thấy mình bất xứng bất tài. Lúc đó, tình hình đất nước còn ngổn ngang những hận thù. Chúa cho tôi thấy: Làm linh mục cho Việt Nam lúc ấy là phải làm chứng cho tình yêu Chúa. Tôi sẽ làm chứng thế nào đây. Tôi thấy mình quá yếu đuối, sợ không thể làm gì được đúng theo ý Chúa. Vì thế, tôi xin phép được rút lui.
Cha linh hồn nghe hết nỗi lo của tôi. Rồi ngài bình tĩnh trấn an tôi. Sau cùng, ngài nói như trao một quyết định là hãy phó thác cho Chúa, mà vâng nhận chức linh mục.
Lễ phong chức linh mục được tổ chức một cách âm thầm, đơn sơ, rất sốt sắng.
4. Sau đó, tôi được trở về miền Nam Việt Nam. Thánh lễ đầu tiên của tôi được tổ chức tại nhà thờ Long Phước Thôn, Thủ Đức, thuộc trại di cư khó nghèo, ngày 11.7.1955.
Nửa giờ trước thánh lễ, tôi xin xưng tội với Cha Minh Đăng ngay tại phòng áo cung thánh. Ngài gợi ý cho tôi là làm chứng cho tình yêu Chúa trong tình hình cụ thể tại Việt Nam lúc nàyhãy ưu tiên sống mật thiết với Chúa Giêsu. Trong tâm tình đầy yêu thương, ngài khuyên tôi hãy luôn đánh thức lương tâm các linh mục Việt Nam, để các ngài coi việc sống mật thiết với Chúa Giêsu là việc không gì thay thế được. Nếu cần đánh thức một cách quyết liệt, thì chính ngài và tôi hãy sẵn sàng được chết một cách đau đớn theo ý Chúa.
Trong thánh lễ đầu tiên, tôi dâng mình cho Chúa với quyết tâm sống mật thiết với Chúa Giêsu, như một của lễ.
5. Ngày 30.4.1975, tôi thụ phong Giám mục lúc tình hình thay đổi khó lường. Khi Đức Cha Cố Micae Nguyễn Khắc Ngữ an ủi tôi hãy vâng phục ý Chúa mà lãnh nhận trọng trách Giám mục, tôi không vui chút nào. Nỗi lo dâng trào. Tôi nhìn rõ tôi sẽ chẳng làm được gì cho giới răn yêu thương, nếu không sống mật thiết với Chúa Giêsu. Nhưng tôi quyết tâm như một trẻ thơ.
6. Quyết tâm đó là một niềm vui, nhưng cũng là một nỗi lo. Càng ngày, tôi càng thấy sống mật thiết với Chúa Giêsu không phải là điều dễ.
Chúa Giêsu dạy: “Thầy là cây nho, các con là ngành nho. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, các con không làm gì được” (Ga 15,5). Tôi hiểu Chúa muốn tôi phải sống mật thiết với Chúa như vậy. Phải luôn luôn như vậy, để mọi việc tôi làm mới sinh được kết quả đích thực mà Chúa muốn. Lời Chúa trên đây thực rõ ràng, thực dứt khoát.
Thế mà, Lời Chúa đầy tha thiết đó đã nhiều khi chỉ là một lý thuyết suông đối với nhiều người, kể cả những người đi tu, thậm chí kể cả những người muốn làm linh mục hay đã là linh mục.
7. Cho rằng lý thuyết ấy đã có lúc thâm nhập vào con người muốn theo Chúa một cách đặc biệt, nhưng trên thực tế, sự thâm nhập vào con người mà thôi, đâu đã đủ để thành sự sống thân mật với Chúa Giêsu. Bởi vì sự sống thân mật với Chúa Giêsu là một ơn đặc biệt Chúa ban. Ơn ấy biến đổi con người nên gần gũi với Chúa, biết vâng phục ý Chúa, trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa. Con người ấy cần biết đón nhận ơn cao quý đó, và cần biết cộng tác vào ơn đặc biệt đó.
8. Kinh nghiệm cho tôi thấy: Nếu thiếu đời sống cầu nguyện, suy gẫm, không quen tự chế, từ bỏ mình và khiêm tốn, thì không thể nào có thể đón nhận được ơn sống thân mật với Chúa, và không thể nào cộng tác với ơn sống mật thiết với Chúa được.
9. Tôi được hạnh phúc gặp Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhiều lần. Điều đã gây ấn tượng nhất nơi tôi những khi gặp Ngài là thấy Ngài sống mật thiết với Chúa Giêsu. Trong thánh lễ, ở bàn giấy, cả tại bàn ăn, Ngài luôn luôn toả ra một sức thu hút lạ lùng, do sự Ngài luôn sống thân mật với Chúa Giêsu. Ngài không hề khuyên dạy tôi điều gì, mặc dầu tôi đã gặp riêng Ngài nhiều lần. Nhưng, Ngài đã dạy tôi rất nhiều, do sự thu hút từ đời sống thân mật của Ngài với Chúa Giêsu.
10. Mấy ngày nay, tôi cầu nguyện với Đức Mẹ rất nhiều. Tôi đọc kinh: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội”. Tôi rất vui, vì Đức Mẹ đã nhìn đến thân phận tội lỗi của tôi. Mẹ đã cầu bầu với Chúa cho tôi. Tôi hiểu điều đó, khi Mẹ dạy tôi là: “Lúc này, trong tình hình này, sống mật thiết với Chúa Giêsu, là hãy ở bên Chúa trong vườn Cây Dầu, hãy bước theo Chúa trên đường Chúa vác thập giá, hãy đứng dưới chân thánh giá khi Người chịu đóng đinh và hấp hối trên thánh giá. Có sống mật thiết như thế với Chúa Giêsu, thì mới thực sự cộng tác với Người để cứu nhân loại nói chung, và đồng bào Việt Nam nói riêng đang hết sức lâm nguy”.
11. Khi được Đức Mẹ dạy tôi điều trên đây, tôi mới thấy là những người muốn theo Chúa phải rất tỉnh thức khiêm nhường, để can đảm sống mật thiết với Chúa đang chịu thương khó trong lịch sử hôm nay. Như vậy thì phải can đảm điều chỉnh lại mọi thứ hoành tráng, phô trương, đắc thắng, hưởng thụ, sang trọng, lộng lẫy, vẻ vang, an nhàn.
12. Bây giờ, khi được chia sẻ một chút như trên, tôi cảm thấy nhẹ nhàng. Bởi vì nỗi lo lớn nhất đời tôi nay trở thành một lời mời gọi gửi tới mọi người, đặc biệt là gửi tới các linh mục và các người đi tu: “ Hãy sống mật thiết với Chúa Giêsu”. Tình hình 2015 sẽ rất khó khăn, đầy thử thách và bất ngờ. Chỉ sống mật thiết với Chúa Giêsu mới có thể gọi là những môn đệ đích thực cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa. Chia sẻ hôm nay cũng là đón nhận niềm vui sẽ được ơn tha thứ từ Chúa, từ Hội Thánh, từ bao người, bởi vì tôi nhận biết mình đã có những lỗi lầm, thiếu sót trong bổn phận làm chứng cho tình yêu Chúa bằng sự sống mật thiết với Người.

Long Xuyên ngày 01.1.2015

PHÉP RỬA ĐANG RỬA NHIỀU MÔN ĐỆ CHÚA TẠI VIỆT NAM HÔM NAY



1.
Những ngày Tết, tôi được vui hưởng biết bao cái đẹp. Đẹp ở thiên nhiên, đẹp ở nhà cửa, đẹp ở phố phường đường xá, đẹp ở các cuộc vui, đẹp ở các lời mừng chúc và viếng thăm.
2.
Nhưng, nếu hỏi: Cái gì được gọi là đẹp nhất? Thì tôi sẽ thưa: Đẹp nhất là những con người có cái tâm đẹp. Tôi tạm đưa ra vài hình ảnh.
Cái tâm đẹp là cái tâm sáng như bầu trời rạng đông, thơm tựa cánh đồng lúa chín hay vườn hồng bao la, mát như dòng suối luôn tràn nước dinh dưỡng cho mọi người và mọi môi trường.
Đó chỉ là hình ảnh mờ nhạt của cái tâm đẹp mang những giá trị thiêng liêng dẫn vào cõi hạnh phúc đời đời.
Cái tâm có những giá trị thiêng liêng vô giá là cái tâm rất đẹp. Cái tâm có một Đấng thiêng liêng vô cùng tốt đẹp hiện diện là cái tâm đẹp nhất.
3.
Tôi nghĩ như vậy. Tôi thấy như vậy. Khi tôi gặp những con người có cái tâm mang những giá trị thiêng liêng, và trong họ có Đấng thiêng liêng hiện diện, tôi cảm nhận rất rõ: Đây chính là một ơn huệ Chúa ban, và trong ơn huệ đó, tôi nhận ra Đấng ban ơn huệ. Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế đang đến với tôi. Người đến để cứu tôi.
4.
Chúa Giêsu cứu tôi thế nào? Chúa cho tôi nhớ lại lời thánh Phêrô nói: “Anh em hãy biết rằng: Không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc, mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ máu châu báu của Con Chiên vẹn toàn, vô tì tích, là Đức Giêsu Kitô” (1Pr 1,18).
Với một cách tế nhị, Chúa dạy tôi thêm điều này: Để đón nhận ơn Chúa cứu tôi, và để cộng tác vào việc Chúa cứu tôi, thì một cách nào đó, tôi cũng phải như có một chút máu của chính mình pha vào máu của Chúa Giêsu.
5.
Hiểu như vậy là đã bắt đầu cầu nguyện. Tôi cầu nguyện để được can đảm bước theo Chúa Giêsu trên con đường đổ máu mình ra một cách nào đó âm thầm. Tôi bước từng bước.
Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu lên cơn xao xuyến, bồi hồi, sợ hãi, đến nỗi “mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,44).
Khi những trường hợp nhiều ít tương tự như thế xảy ra cho tôi, tôi mới thấy đau đớn của Chúa Giêsu thực là kinh khủng. Cộng tác vào sự hy sinh đó của Chúa, chỉ một ít thôi, cũng chẳng dễ chút nào.
6.
Trong dinh tổng trấn Philatô, Chúa Giêsu bị đội mão gai, bị người ta khạc nhổ vào mặt, bị người ta đánh đập chế giễu (x. Mc 15,16-20).
Khi những trường hợp nhiều ít tương tự như thế cũng xảy ra cho tôi, tôi mới thấy sự nhục nhã khốn khổ Chúa phải chịu thực là khủng khiếp. Cộng tác vào sự hy sinh đó của Chúa, dù chỉ một chút nhỏ thôi, cũng không dễ chút nào.
7.
Trên Núi Sọ, Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá, giữa hai tên cướp (x. Mc 15,23-37).
Khi trường hợp nhiều ít tương tự như thế cũng xảy ra cho tôi, tôi mới cảm thấy thấm thía sự loại trừ man rợ Chúa phải chịu thực là hãi hùng. Cộng tác vào sự hy sinh đó của Chúa, dù chỉ một chút rất nhỏ, cũng không dễ chút nào.
8.
Trên thánh giá, Chúa Giêsu đã kêu lớn tiếng: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Cha nỡ bỏ con” (Mc 15,34).
Khi trường hợp nhiều ít như thế xảy ra cho tôi, tôi mới thấy sự cô đơn tăm tối Chúa Giêsu phải chịu thực là quá sức tưởng tượng. Cộng tác vào sự hy sinh đó, dù chỉ một chút rất nhỏ thôi, cũng không dễ chút nào.
9.
Trên thánh giá, trong đau đớn cực độ do người ta làm cho Người, Chúa Giêsu đã cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Và, trong cô đơn cực độ, như bị Chúa Cha bỏ rơi, Chúa Giêsu đã kêu lên “Con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).
Khi những trường hợp nhiều ít như thế xảy ra cho tôi, tôi mới thấy sự tha thứ cũng như sự phó thác của Chúa Giêsu, quả là những việc phi thường, vượt quá sức con người.
10.
Một thoáng trên đây cho thấy: Bước theo Chúa Giêsu trên đường thánh giá đúng là như chịu một phép rửa mới. Tôi tạm gọi như thế.
Phép rửa thứ nhất tôi đã được chịu khi còn bé, là phép Rửa bằng Nước.
Còn phép Rửa thứ hai tôi đang được chịu lúc này là phép Rửa bằng Máu. Máu đang rửa tôi là máu Chúa Giêsu. Còn máu tôi đổ ra chỉ là những hy sinh nhỏ bé, những từ bỏ mình hèn mọn, được pha trộn vào máu Chúa Giêsu. Được như vậy, là một vinh dự cho tôi.
Nhưng khi vinh dự là những đớn đau của thánh giá Chúa Giêsu, thì phải có ơn đặc biệt của Chúa mới hiểu được và mới vui nhận được.
11.
Tôi thấy, tại Việt Nam hôm nay, Chúa đang ban ơn đặc biệt đó cho nhiều người. Họ âm thầm thuộc về nhiều tầng lớp, rải rác khắp nơi. Họ như tự chôn vùi mình trong cuộc sống bình dị, theo gương Đức Mẹ và thánh Giuse.
Cái đẹp chung của họ là họ bước theo Chúa Giêsu, sống niềm hy vọng của thập giá Chúa Giêsu. Cái tâm của họ được rửa trong máu tình yêu thương xót Chúa. Cái tâm của họ mang những giá trị thiêng liêng có chiều kích đi về cõi Phúc đời đời. Cái tâm của họ có Đấng thiêng liêng hiện diện. Đấng ấy là tình yêu giàu lòng thương xót. Người là sự sống lại của họ.
Như vậy, chúng ta đã có thể tự do chọn hướng sống của chúng ta, cho dù tình hình xã hội đang diễn biến phức tạp. Chọn được từng ngày rửa mình bằng phép Rửa thứ hai, tức là phép Rửa của thập giá Chúa Giêsu là chọn cho mình niềm hy vọng vững bền và cũng là niềm vui vô giá. Chọn lựa đó rất có lợi cho mình, cho Hội Thánh và cho Quê Hương.
Xin hết lòng khiêm tốn cảm tạ Chúa giàu lòng thương xót.

Long Xuyên, ngày 14 tháng 2 năm 2014.

Lời đầu xuân mới CỦA LỄ HY SINH


1.
Dịp đầu Xuân mới này, tôi tha thiết xin Chúa ban cho tôi một Lời Chúa làm lộc Xuân. Lời Chúa như lộc Xuân, mà Chúa ban, được tôi coi như phương hướng tôi phải tập trung vào, để sống đức tin trong Năm Giáp Ngọ - 2014.
2.
Chúa soi vào lòng tôi Lời Chúa sau đây: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).
3.
Lời Chúa trên đây có nhiều ý nghĩa. Nhưng ý nghĩa nổi nhất, mà Chúa kêu gọi tôi hãy đón nhận, đó là: tôi hãy nên của lễ hy sinh như Chúa muốn. Cụ thể như sau:
a) Hãy là của lễ hy sinh suốt đời, ở sự làm mọi việc lành và chịu mọi khổ đau với tinh thần sám hối đền tội. Bởi vì tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót.
b) Hãy là của lễ hy sinh suốt đời, ở sự dâng đời mình với những hy sinh cụ thể, để cầu nguyện cho mọi người thân đã qua đời.
c) Hãy là của lễ hy sinh suốt đời, ở sự hiến dâng bản thân mình với  những hy sinh quảng đại, để phục vụ Hội Thánh và Quê Hương.
d) Hãy là của lễ hy sinh trong đời sống thường ngày ở sự phục vụ tình yêu Chúa đối với mọi người.
Thường ngày, khi phục vụ cho tình yêu tha nhân, tôi phải hy sinh nhiều, để biết tế nhị, nhất là trong bổn phận hiếu thảo, biết ơn và tình nghĩa. Thiếu hy sinh, tôi dễ có những xúc phạm đến người khác trong tư tưởng, lời nói và thái độ. Một chút xúc phạm nhỏ có thể gây nên thương tích lớn cho người khác. Hậu quả sẽ khôn lường.
e) Hãy là của lễ hy sinh trong những dịp khác thường đặc biệt, ở sự tôi phải sẵn sàng hy sinh trọn vẹn tất cả mạng sống mình vì mến Chúa và vì yêu thương người khác.
f) Hãy là của lễ hy sinh trong trường hợp khác thường không đặc biệt vẫn xảy ra, khi đối tượng tôi phải phục vụ là những người già cả, những người bệnh nạn, những người tật nguyền. Thường thì Chúa không đòi tôi phải hy sinh mạng sống tôi cho họ. Nhưng Chúa đòi tôi phải hy sinh, ít là ở mức độ nhân bản, để họ cảm thấy mình được kính trọng, được yêu thương, được nâng đỡ, nhờ đó mà họ nghĩ đến Chúa.
Ở đây, tôi xin tận tình cảm ơn những người đã hy sinh cho tôi và vì tôi. Nhờ họ, và qua họ, Chúa đã ban tôi sự sống và sự sống dồi dào (x. Ga 10,10).
Hy sinh nhiều, hy sinh cụ thể, hy sinh quảng đại, hy sinh quên mình, đó là dấu ấn Chúa muốn tôi đóng vào mọi của lễ tôi dâng lên Chúa.
4.
Sống như  một của lễ hy sinh sẽ làm cho đời tôi có một ý nghĩa cao quý. Bởi vì sống như một của lễ hy sinh sẽ đem lại nhiều ích lợi cao cả cho muôn vàn người.
Xưa, với 5 chiếc bánh và 2 con cá của một đứa trẻ, Chúa đã nuôi hơn hai ngàn người, mà hãy còn dư (x. Ga 6,1-15). Tương tự cũng thế. Với lễ vật hy sinh của một người hèn mọn, Chúa cũng sẽ nuôi được rất nhiều linh hồn. Bởi vì của lễ hy sinh của họ được gắn kết vào của lễ hy sinh của Chúa Giêsu là một lương thực vô cùng phong phú có sức cứu độ cho cả nhân loại.
5.
Sống ơn gọi làm của lễ hy sinh như vậy mang một xác tín huy hoàng. Đó là thấy mình có một tự do nội tâm vững chắc, chọn cho mình một hướng đúng, đi về với Thiên Chúa là tình yêu giàu lòng thương xót. Niềm vui ấy sẽ đời đời bền vững trên thiên đàng là cõi Phúc vô cùng vô tận.
6.
Sống ơn gọi làm của lễ hy sinh như vậy là chấp nhận sống khó nghèo như Chúa Giêsu: “Con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có nơi để gối đầu” (Mt 8,20). Sống khó nghèo không phải chỉ trong lãnh vực của cải, mà cũng trong lãnh vực chức quyền, danh dự, và trong lối sống.
7.
Sống ơn gọi làm của lễ hy sinh đòi tôi phải phấn đấu rất nhiều, không những để xa tránh tội lỗi và chống lại các thói hư tật xấu nơi tôi, mà còn để sống thực sự theo thánh ý Chúa. Một điều trong những sự Chúa muốn là tôi phải phấn đấu cam go để có thể vượt qua được những đau đớn, tủi nhục, cay đắng, thất vọng do thực tế cuộc đời gây nên cho tôi từ nhiều phía, kể cả từ phía lỗi lầm của tôi. Trong phấn đấu, tôi tin Chúa ở bên tôi.
8.
Sống ơn gọi làm của lễ hy sinh như vậy là sống niềm hy vọng đầy vui mừng hạnh phúc: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết. Cũng không còn tang tóc và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,4). Bởi vì “họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ” (Kh 21,3).

9.
Tôi chắc chắn điều này: Trong năm Giáp Ngọ 2014, Chúa đợi chờ ở Hội Thánh Việt Nam ta nhiều của lễ hy sinh. Chính những của lễ hy sinh đó sẽ mang lại Mùa Xuân cứu độ cho Quê Hương chúng ta và cho muôn vàn người thiện chí, chân thành.
10.
Tôi tin Chúa Giêsu, tôi theo Chúa Giêsu, nên tôi dâng mình làm của lễ hy sinh một cách trọn vẹn suốt cả cuộc đời, đó là hạnh phúc của tôi. Với hạnh phúc đó, tôi xin thân ái chia sẻ ơn gọi của tôi. Xin anh chị em thương cầu nguyện cho tôi.
Tôi tin rằng: Đón nhận ơn gọi làm của lễ hy sinh chính là đón nhận Chúa Giêsu của tôi.
Tôi cũng tin rằng: Với ơn gọi làm của lễ hy sinh, Chúa đang cứu tôi và cứu nhiều người khác khỏi những sự dữ gây hại cho phần rỗi.
11.
Chúng ta hân hoan bước sang Năm Mới trong Chúa Giêsu là của lễ hy sinh vô giá, Đấng cứu chuộc chúng ta, Đấng xoá tội chúng ta, Đấng yêu thương chúng ta.
Vinh dự mà Chúa muốn ban cho chúng ta, khi bước sang Năm Mới này là: Được nên của lễ hy sinh theo Chúa Giêsu. Chúng ta có sẵn sàng đón nhận vinh dự đó không?
Dù đã sẵn sàng, dù chưa sẵn sàng, chúng ta cũng hãy cảm tạ Chúa đã thương yêu gọi chúng ta với những lời thân thiết nhất: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thánh giá mình, mà theo Thầy” (Mt 16,24).
Long Xuyên, ngày đầu Xuân Giáp Ngọ - 2014

MỘT TÌNH HÌNH CÓ NHIỀU KHỦNG HOẢNG VỀ CÁC GIÁ TRỊ





1.
Theo nhận định của nhiều người có thẩm quyền, thì nguy hiểm lớn nhất hiện nay trong Giáo Hội là rất nhiều nơi đang đánh mất những giá trị căn bản mà lại không cho là nguy hiểm.
Xin kể ra dưới đây một số hiện tượng khá phổ biến hiện nay.
2.
Đức khiêm nhường là một giá trị nền móng của đạo đức Phúc Âm. Nay nó đang bị xoá đi bằng tinh thần háo thắng tôn giáo, coi phô trương các hình thức đạo là làm sáng danh đạo, coi cạnh tranh hoành tráng trong các công trình là phát triển lòng đạo, coi cao sang lộng lẫy của các tổ chức đạo là cách lôi cuốn người ta vào đạo. Hiện tượng kiêu ngạo không phải ở đâu cũng có. Nhưng thực sự nó đang lan rộng. Có nơi nó đang biến dạng thành một tinh thần muốn tách người tín hữu khỏi Chúa Giêsu và thánh giá của Người.
3.

Đức bác ái chia sẻ là một giá trị căn bản của người tin theo Chúa. Nay đang bị yếu đi do khuynh hướng phân các thứ giai cấp: Giàu và nghèo, quyền lực và yếu kém, trung tâm và bên lề, với những khoảng cách xa. Thêm vào cảnh phân giai cấp lại đang phát triển khuynh hướng cục bộ dưới nhiều hình thức với những quyền lợi riêng. Tất cả đều bị chi phối mạnh bởi chủ nghĩa cá nhân và lối sống quan tâm đến công trình công việc hơn là đến con người.
4.
Hoạt động của cái tâm theo bài giảng trên núi, như tâm hồn nghèo khó, hiền lành, xót thương, trong sạch, khao khát sự công chính, xây dựng hoà bình là một giá trị cốt yếu của đời sống đức tin. Nay nó đang bị coi nhẹ, do sự coi nặng hoạt động của tay chân hướng về hưởng thụ. Sự thánh thiện nội tâm đang bị xuống cấp một cách trầm trọng. Kinh tế hoá một số hoạt động tôn giáo đang là một xu hướng mạnh.
5.
Nhìn nhận mình là kẻ có tội, để sám hối trở về, nhờ ơn Chúa cứu chuộc, là một giá trị cao quý của con người tín hữu. Nay nó đang bị lãng quên do thói quen mất ý thức về tội. Theo Phúc Âm, những người tội lỗi dễ đón nhận ơn Chúa thứ tha, vì họ dễ nhận mình có tội, nên sám hối trở về. Còn những người cho mình là đạo đức thường không được như thế, vì họ bảo vệ ý thức sai lầm về tội.
Thí dụ, khi Chúa Giêsu tuyên bố: “Ngày Sabba được làm nên vì con người, chứ không phải con người vì ngày Sabba” (Mt 2,27), thì những người hăng say bảo vệ luật Chúa đã bực mình và phản đối. Bởi vì họ cho rằng chủ trương của Chúa Giêsu như thế là tội lỗi, đang khi chính họ mới thực là tội lỗi, thế mà họ lại không chấp nhận sự thực đó. Ý thức của họ về tội là rất sai.
6.
Phương hướng nội tâm tập trung vào Đức Giêsu Kitô, tin nhận Người là ánh sáng, là con đường, là sự thật, để bước theo Người vốn được coi là giá trị không thay thế được. Nay nó đang bị khủng hoảng nặng nề, do thiếu phương hướng đó, hoặc mất phương hướng đó. Hậu quả là con người bỏ những trách nhiệm thực của mình, để tự bó buộc mình vào lợi ích phù du trước mắt. Hiện tượng đó còn được nhận ra do sự mất trật tự trong tâm hồn, đi quờ quạng trong bóng tối, lao mình vào những hướng sống với những kiếm tìm không bao giờ thoả mãn, mà không biết đi về đâu và không biết lối thoát ra.
7.
Bình tĩnh giữ lập trường theo thánh ý Chúa với sự quy chiếu vào Lời Chúa và gương Chúa vốn là một giá trị vững chắc cho người môn đệ Chúa. Nay nó đang chao đảo bởi những lập trường do thành kiến sai, do dư luận sai, do những áp lực sai trong đạo ngoài đời. Thói đời của chủ nghĩa tục hoá đang hoành hành khắp nơi. Kể cả nơi thờ tự và các nhà tu.
8.
Sự mở lòng ra để đón nhận lời Chúa kêu gọi hãy phục vụ con người một cách khiêm nhường như rửa chân cho các môn đệ, và một cách quảng đại như hy tế chính mình trên thánh giá, vốn mãi mãi là một dấu chỉ, hoàn toàn có giá trị chắc chắn của người môn đệ Chúa Giêsu. Nay nó như đang bị chối từ một cách có hệ thống bởi cá nhân, bởi tập thể, bởi cơ chế. Hiện tượng đóng cửa lòng lại đang xảy ra dưới nhiều hình thức. Tinh vi nhất là hình thức chọn cho mình một thứ đạo đức  chủ quản, nói là của Chúa nhưng thực ra là của Satan.
9.
Mấy khủng hoảng vừa kể trên đây chưa phải là một thống kê đủ, nhưng thiết tưởng cũng đủ, để thấy được là tình hình hiện nay trong Giáo Hội không phải là không đáng lo ngại. Tình hình đáng lo ngại này đã và đang được báo động do chính Chúa bằng nhiều cách. Phải tỉnh thức mới thấy được mức độ lo ngại là rất lớn.
10.
Theo thiển ý của tôi, điều đáng lo ngại hơn cả là ở hai điểm này:
Một là khủng hoảng được thành hình do sự xâm nhập từ từ của những yếu tố xấu. Xâm nhập từ từ, đó là một chiến lược khôn khéo của Satan.
Hai là ở giữa khủng hoảng đầy nguy hiểm mà không nhận ra nguy hiểm. Coi khủng hoảng hiện nay là bình thường của cuộc sống hiện đại, không ảnh hưởng gì đến phần rỗi linh hồn.
11.
Phần tôi, trước tình hình đáng lo ngại như hiện nay, tôi vẫn cậy tin vào Chúa. Thánh Gioan tông đồ xưa trước mồ trống táng xác Chúa Giêsu, Ngài đã thấy các dấu chỉ, và Ngài đã tin Chúa đã sống lại: “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8). Phần nào cũng như thánh Gioan tông đồ, nhiều người nay cũng dám nói: “Tôi đã thấy và tôi đã tin”. Thực sự Chúa đã cho họ thấy nhiều dấu chỉ, để họ tin Chúa Giêsu vẫn đang hiện diện trong Hội Thánh hôm nay. Người đang cứu Hội Thánh của Người. Người đang làm cho Hội Thánh được tham dự vào sự phục sinh của Người.
Tôi xác tín rằng: Sự chúng tôi đã thấy các dấu chỉ và đã tin ở Chúa chính là một ơn quý giá Chúa ban cho chúng tôi. Tôi lại thấy rõ: Biết bao người cũng đã thấy các dấu chỉ ấy, nhưng họ đã không tin ở Chúa. Đó cũng là một khủng hoảng hiện nay khá trầm trọng.
Tôi sợ rằng: Các khủng hoảng về đạo đức và về đức tin hiện nay, nếu vẫn cứ mãi mãi phát triển, đẩy con người xuống hố diệt vong đời đời, đem lại thắng lợi cho Satan, thì Chúa sẽ buộc lòng phải giải quyết một cách quyết liệt. Cũng là để cứu con người mà thôi.
Lạy Chúa, xin xót thương chúng con.

Long Xuyên, ngày 4 tháng 01 năm 2014