Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

CHỈ VÀI BƯỚC THÔI

    1.
Đọc Phúc Âm, tôi thấy nhiều khi số phận khốn khổ đời đời được định đoạt từ những thái độ vô tâm coi như bình thường.
Đáng suy nghĩ nhất là trường hợp “ông nhà giàu” kể trong Phúc Âm thánh Luca.
“Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó, tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.
Thế rồi, người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Apraham. Ông nhà giàu cũng chết và người ta đem chôn.
Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông nhà giàu ngước mắt lên thấy tổ phụ Apraham ở tận đàng xa, và thấy anh Ladarô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: Lạy tổ phụ Apraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát, vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm. Ông Araham đáp: Con ơi, hãy nhớ lại: Suốt đời con đã nhận phần phước của con rồi, còn Ladarô bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con, thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên con cũng không được, mà bên đó qua bên chúng ta cũng không được” (Lc 16,19-26).
2.
Tôi thấy từ nhà ông phú hộ đến chỗ ông ăn mày Ladarô chỉ khoảng vài bước, nghĩa là cách nhau chỉ có cái cổng. Khi sống, ông phú hộ đã không chịu bước vài bước đó, để cảm thương và cứu khổ cho người hành khất Ladarô luôn nằm đó. Hậu quả là khi chết rồi, người phú hộ đó đã phải ném vào vực sâu hoả ngục, xa cách thiên đàng cao sang vời vời.
Vài bước vô tâm đã đưa tới cực hình vô tận.
3.
Dụ ngôn trên đây khiến tôi thực sự lo ngại cho một số trường hợp giàu nghèo đang xảy ra tại Hội Thánh Việt Nam hôm nay.
Hưởng thụ một cách quá vật chất như ông phú hộ mặc lụa là gấm vóc, yến tiệc linh đình hằng ngày thì không có. Nhưng hưởng thụ một cách tinh vi dựa vào những phát triển vật chất khoác áo đạo đức, thì có.
Hưởng thụ kiểu đó, nếu lại quên cứu khổ những người nghèo túng khổ đau bên cạnh mình, thì thiết tưởng sẽ khó chối được mình cũng giống phần nào người phú hộ vô phúc đó.
4.
Chỉ vài bước thôi, thế mà nhiều khi chúng ta không muốn bước ra khỏi ranh giới cộng đoàn tôn giáo chúng ta, để tìm đến những người nghèo túng khổ đau ngay cạnh nhà chúng ta.
Người nghèo hiện nay rất đông. Họ thuộc nhiều thứ nghèo. Họ là địa chỉ, mà Chúa muốn chúng ta tới. Nhưng chúng ta không chịu tới, tuy chỉ vài bước thôi. Lý do là vì chúng ta ích kỷ, trong tư thế chỉ muốn phát triển nội bộ, cố tình quên đi những liên đới với dân chúng xung quanh, nhất là với những người nghèo khổ kề bên.
5.
Vượt qua được khoảng cách chỉ vài bước nhiều khi cũng là một thách đố quan trọng. Cũng may là thách đố quan trọng đó đang được nhiều người công giáo tại Việt Nam giải quyết tốt đẹp.
Với đức tin dạt dào yêu thương, họ vượt qua khoảng cách vài bước rất khó khăn, để xây dựng những liên đới tốt với những người trong gia đình, với hàng xóm, với những người cùng cơ quan.
Khoảng cách chỉ vài bước. Bước tâm lý, chứ không phải bước thân xác. Những bước tâm lý ấy cực kỳ là khó. Nhưng họ đã bước được khoảng cách vài bước cực kỳ khó khăn ấy. Nhờ ơn Chúa.
Họ không phải là những nhà phú hộ. Nhưng là những người thường. Họ siêng năng cầu nguyện và sống phần nào chiêm niệm. Họ âm thầm, khiêm tốn, gắn bó với Hội Thánh, qua các vị hướng dẫn có ơn phân định.
Chỉ vài bước thôi, họ thích sống bé nhỏ, và làm những việc bé nhỏ. Nhưng mỗi bước âm thầm của họ đều mang lửa và hy vọng.
6.
Tuy nhiên, kinh nghiệm đạo đức cho thấy: Bất cứ điều gì tốt đều bị ác thần cản phá, cũng như bất cứ điều gì xấu đều được nó khuyến khích.
Dụ ngôn người Samari tốt lành cho thấy sự thực đó.
Chúa Giêsu nói: “Một người từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia đường mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvai tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia đường mà đi” (Lc 10,30-32).
Dụ ngôn cho thấy: Cũng chỉ vài bước thôi, thầy tư tế và thầy Lêvi đã tránh sang bên kia đường, để khỏi cứu nạn nhân. Lý do họ vịn vào để tránh cứu nạn nhân, có thể là vì quá bận với những công tác tôn giáo ở nhà, hoặc vì không rõ lý lịch nạn nhân. Và họ an tâm. Nhưng Chúa Giêsu coi đó là một an tâm xấu, có thể là một tội đáng phải phạt.
7.
Với những gì về “chỉ vài bước” trên đây đang đặt ra cho tôi một vấn đề lương tâm:
Nếu chỉ với vài bước thôi, tôi đã có thể cứu được một người cả xác cả hồn, thế mà tôi không làm, thì liệu tôi có thể tránh được án phạt nặng nề Chúa nói trong Phúc Âm không?
Nếu chỉ với vài bước thôi, một số cá nhân và tổ chức công giáo có thể giúp Hội Thánh Việt Nam trở thành một Hội Thánh sống nghèo, lo cho người nghèo, nhưng họ đã không chịu bước, thì trách nhiệm của họ trước Chúa sẽ ra sao?
Họ không giúp Hội Thánh trở thành một Hội Thánh sống nghèo và lo cho người nghèo, là vì chính họ sống như một giai cấp giàu sang quyền lực một cách tự hào và khiêu khích, ngay giữa đám đông dân nghèo, lầm than, thiếu thốn. Tự hào và khiêu khích với não trạng thắng thế lại được cho là để làm sáng danh đạo Chúa. Đó là một vấn đề có thực rất cần được cảnh giác.
Lạy Chúa, xin thương giúp con luôn biết mau lẹ thực hiện những bước cứu con người. Con xác tín đó chính là dấu chỉ tốt làm chứng cho đức tin tại Việt Nam hôm nay. Con cũng rất xác tín những bước thực sự cứu con người theo ý Chúa sẽ chỉ được thực hiện đúng là nhờ Chúa, với Chúa và trong Chúa.
Lạy Chúa, xin bảo toàn con, vì con trông cậy ở Chúa.

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

CHÚA DẮT DÌU TÔI

 

1.
Càng về già, tôi càng ít muốn nói câu: “Chúa sai con đi”. Nhưng tôi lại thích nói câu: “Chúa dắt dìu con”. Tuy cả hai câu đều đúng. Nhưng kinh nghiệm cho tôi thấy: Nhiều lần Chúa sai tôi đi, nhưng tôi đã đi sai, vì tôi không để Chúa dắt dìu. Vì thế, được Chúa dắt dìu, tôi cảm thấy mình được an toàn hơn là được Chúa sai đi.
Thực vậy, nếu không được Chúa dắt dìu, chắc chắn tôi sẽ hư hỏng. Những gì xấu xa bị kết án trong Kinh Thánh, dễ gì tôi không mắc phải, nếu tôi không được Chúa dắt dìu. Những gì tồi tệ xảy ra trong lịch sử và thời sự hôm nay, chắc gì tôi đã tránh nổi, nếu tôi không được Chúa dắt dìu.
2.
Chúa dắt dìu tôi, khởi đi bằng nhiều cách, như qua một gương sáng, một lời kinh, một lễ nghi, một biến cố. Nhưng điểm sau cùng Chúa dắt dìu tôi, vẫn là gặp được chính Chúa Giêsu.
Được gặp Chúa Giêsu, tôi nhận ra Người không là một giáo lý, mà là một Đấng thiêng liêng sống động gần gũi. Người thương tôi. Người muốn cứu tôi. Người tha thiết muốn đổ lửa tình yêu của Người vào tôi, để biến đổi tôi nên người con của Cha trên trời. Nói một cách bình dân, tôi thấy Người tha thiết muốn tôi đón nhận Người, để tôi được chắc chắn cho phần rỗi đời đời, là mục đích đời tôi.
3.
Chúa Giêsu là một Đấng yêu thương như thế, nhưng Người không áp đặt. Người để tôi tự do. Với sự tự do Chúa ban, tôi nài xin Chúa giúp tôi đón nhận Chúa.
Chúa giúp tôi bằng cách thêm đức tin cho tôi. Với ơn của Người, tôi tin Người là sự thực, là đường đi, là sự sống và là sự sống lại. Tôi tin bằng chính đức tin mà Người hỗ trợ cho tôi. Tôi cảm thấy lòi Chúa phán xưa là rất đúng: “Không có Cha, chúng con chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Chúa dắt dìu tôi là như thế đấy.
4.
Được đón nhận Chúa Giêsu vào trong lòng, tôi ở lại trong Người và Người ở lại trong tôi, như lời Người căn dặn (x. Ga 15,4). Nhờ vậy, tôi được Người thôi thúc, hãy biết đón nhận muôn vàn ơn khác Chúa ban cho.
Người thôi thúc tôi đón nhận, đồng thời Người cũng cho tôi nhìn thấy vô số trường hợp ơn Chúa đã không được người ta đón nhận, và kết quả là rất bi đát.
5.
Tôi nhớ lại dụ ngôn “khách được mời xin kiếu” được kể trong Phúc Âm thánh Luca (x. Lc 14,15-20). Nước Trời ví như một bữa tiệc lớn. Chủ nhà mời nhiều người. Nhưng vô số người đã từ chối, người thì vịn lẽ mới mua một thửa đất, cần đi thăm, người thì vịn lẽ mới tậu năm cặp bò, cần đi thử, người thì vịn lẽ mới cưới vợ, không thể đến được.
Kết quả là tất cả những ai từ chối lời mời, đều bị Chủ loại bỏ.
6.
Tôi cũng nhớ lại lời Chúa Giêsu đã than trách thành Giêrusalem: “Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu” (Mt 23,37). Kết quả là họ không còn được gặp Người nữa.
7.
Với những cảnh báo trên đây, Chúa đã dắt dìu tôi. Như vậy, dắt dìu của Chúa gồm nhiều cách khác nhau.
Dù bằng cách nào, dắt dìu của Chúa vẫn tôn trọng sự tự do của tôi. Chính vì thế, mà tôi thấy tôi rất cần phải khiêm nhường, luôn luôn khiêm nhường, khiêm nhường sâu thẳm, để tránh lạm dụng tự do.
Bởi vì, cũng có lúc với sự tự do có sẵn, tôi vẫn có thể không chịu đón nhận thánh ý Chúa. Nhưng nếu có khiêm nhường, tôi sẽ biết hối cải, mà trở về.
8.
Kinh nghiệm cho thấy, với sự tự do, tôi có thể không đón nhận thánh ý Chúa trong mấy trường hợp sau đây.
Trường hợp thứ nhất là sự tự mãn đạo đức.
Tôi dễ tự hào với những thiên kiến cố định, những khuôn khổ đã quen, những chủ trương có sẵn, những luật lệ cứng nhắc, để từ chối sự mời gọi của Chúa, khi mời gọi này không hợp với tôi.
Trường hợp thứ hai là sự thất vọng.
Với một cái nhìn bi quan về sự tồi tệ của chính mình, tôi có thể rơi vào cảnh tối tăm, cho rằng Chúa không còn muốn thương tôi, nên tôi đóng cửa lòng mình lại, không dám tin vào lòng thương xót Chúa. Thái độ thất vọng như thế cũng là thái độ từ chối Chúa.
Trường hợp thứ ba là mất phương hướng.
Có lúc ngoại cảnh rất là phức tạp, đi về phía nào tôi cũng thấy cái chết đợi chờ. Trong hoàn cảnh đó, tôi có thể để mình buông xuôi, tới đâu thì tới. Thái độ buông xuôi như thế cũng là một sự từ chối quyền năng của lòng thương xót Chúa.
Khi tôi rơi vào các tình trạng trên đây, Chúa đã dắt dìu tôi, bằng cách giúp tôi phấn đấu thoát ra khỏi cái tôi hẹp hòi để tin vào tình yêu vô biên của Chúa. Được như vậy, tôi được Chúa giúp cởi gỡ mình ra khỏi mọi thành kiến, trở thành bé nhỏ, phó thác mình cho Chúa giàu lòng thương xót. Sự dắt dìu của Chúa như thế luôn kết thúc ở sự tôi bám chặt vào Chúa một cách tuyệt đối và vững bền.
9.
Sẽ là một thiếu sót lớn, nếu tôi không nói đến sự Chúa dắt dìu tôi trong những hoàn cảnh bi đát nhất, đó là khi tôi phải vác thánh giá trên con đường khổ nạn, để được cùng chịu đóng đinh mình bên Chúa trên núi Calvariô.
Trong những hoàn cảnh đớn đau nhất, tôi được Chúa dắt dìu, bằng cách Chúa giúp tôi hiểu những đau đớn tôi chịu sẽ có giá trị như một của lễ, để cứu các linh hồn, để nâng đỡ các con cái Chúa, để góp phần đem lại bình an cho Quê Hương và Hội Thánh, và cũng để biết khám phá thấy những tấm lòng tốt như ông Simon xưa đã vác thánh giá đỡ Chúa Giêsu. Đặc biệt là Chúa giúp tôi xác tín: Sau thánh giá là Phục sinh.
10.
Một thoáng nhìn trên đây cho thấy sự Chúa dắt dìu, dù với hình thức nào, đều luôn quy chiếu vào Lời Chúa và gương Chúa, đều mở rộng về phía con người, đặc biệt là về phía những người nghèo khổ, thất vọng, tội lỗi, để sau cùng được trở về với Cha trên trời. Dắt dìu của Chúa là đi vào những cụ thể của đời sống một cách tế nhị.
Dắt dìu của Chúa được thực hiện thường xuyên, mọi nơi mọi lúc, dù tôi thức dù tôi ngủ. Do vậy, tôi nhận mình bé nhỏ yếu đuối, như con thơ trong tay mẹ yêu dấu. Tôi nói lên điều đó, để mọi người dù bé nhỏ và yếu đuối đến đâu, vẫn có thể được Chúa dắt dìu, còn hơn tôi rất nhiều.
Lạy Chúa, đến muôn đời con ca ngợi những sự lạ lùng Chúa đã làm cho con là kẻ tội lỗi mọn hèn.
Long Xuyên, ngày 9 tháng 5 năm 2013.

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

TÔI DÂNG HOA LÊN MẸ

 

 + GB. BÙI TUẦN
1.
Tháng Năm là tháng dâng hoa kính Đức Mẹ. Nhân tiện tháng hoa này, tôi xin được phép chia sẻ việc tôi dâng hoa lên Mẹ. Chính chia sẻ này cũng được coi là một đoá hoa bé nhỏ dâng lên Mẹ hiền.
2.
Hoa, mà tôi hay dâng lên Mẹ trước tiên là niềm tin của tôi đối với Mẹ. Đặc biệt là tôi tin Mẹ rất mến Chúa và rất thương những người khốn khổ.
Niềm tin trên đây của tôi khởi đi từ kinh nghiệm về chính bản thân tôi.
Chính tôi là kẻ tội lỗi, khốn khổ. Thế mà đã được Mẹ thương và cứu giúp.
Tôi không nhớ tôi đã gặp Mẹ lần đầu tiên ở đâu và vào tuổi nào. Nhưng chắc chắn là khi tôi còn rất nhỏ. Có thể là ngay khi tôi còn là bào thai trong lòng mẹ tôi. Tôi rất vui sướng, khi nào tôi gọi Mẹ, thì tôi thấy Mẹ đã ở bên tôi trước đó lâu rồi.
3.
Những ơn Mẹ ban cho tôi, thì không sao kể xiết. Ở đây, chỉ xin nói vắn tắt về một số hoa trái mà Mẹ đã giúp nở sinh ra từ cây đức tin Chúa đã trồng trong tôi.
Đã từ rất lâu, đức tin nơi tôi không chỉ là sự chấp nhạn một giáo lý, mà chủ yếu là một sự gặp gỡ Chúa. Gặp gỡ thân mật, riêng tư với Chúa.
Thí dụ, Chúa Giêsu dạy: “Anh em cứ xin, thì sẽ được. Cứ tìm thì sẽ thấy. Cứ gõ cưa thì sẽ mở cho... Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con mình những của tốt lành. Phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, Người sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ xin Người” (Mt 7,7-11).
Lời Chúa trên đây, khi được đón nhận và gẫm suy bên Mẹ, đã đưa tôi đến với Chúa. Tôi không dừng lại ở những lời Chúa phán, mà đến gặp chính Chúa. Cùng với Mẹ, tôi nhận ra Chúa là Cha của tôi, tôi nhìn thấy dung nhan Chúa chỉ là Tình yêu. Một tình yêu thương xót, sẵn sàng ban những của tốt lành cho những ai kêu cầu Người.
4.
Sự gặp gỡ Chúa và nhận ra Chúa là tình yêu như thế chính là một Tin Mừng. Tôi đã cùng với Mẹ cảm tạ và ca ngợi Chúa vì Tin Mừng cao quý ấy.
Mẹ cho tôi nhận biết Tin Mừng đó là một ơn trọng đại, Chúa ban cho tôi nhưng không. Chứ không do công trạng gì của tôi. Bởi vì tôi chỉ là kẻ tội lỗi, khốn khổ.
Nhận được Tin Mừng cao quý đó, tôi hãy đền đáp lại phần nào, bằng cách chia sẻ Tin Mừng đó cho những người xung quanh, nhất là cho những ai tội lỗi, khốn khổ.
5.
Chia sẻ Tin Mừng đó cách nào, thì tôi lại nhờ đến Mẹ. Mẹ dạy tôi là hãy yêu thương họ. Yêu thương như Chúa đã yêu thương. Yêu thương như thánh Phaolô viết về đức mến: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,4-7).
6.
Một thoáng nhìn hành trình đức tin của tôi bên Mẹ cho thấy: Hoa trái quan trọng nhất của đức tin là những liên đới mến thương. Liên đới với Chúa là gặp gỡ thân mật với Người. Liên đới với những người khác là yêu thương họ với mọi hương sắc của tình yêu Chúa. Đức tin như thế đã trở nên một vườn hoa đức ái có đủ mọi hương sắc, như một lối đi đẹp đẽ dẫn vào Nước Trời.
Vườn hoa đó trong tôi là do Mẹ. Tôi hái những bông của vườn hoa ấy để dâng lên Mẹ.
Khi dâng lên Mẹ những bông hoa ấy, tôi cảm tạ Mẹ, và xin Mẹ cảm tạ Chúa thay tôi, vì ơn đức tin đã ban cho tôi phong phú là như thế. Tôi cũng cảm tạ Chúa, vì Chúa cũng đã và đang ban cho nhiều người được ơn đức tin còn phong phú hơn thế rất nhiều.
7.
Cảm tạ của tôi đi đôi với sám hối. Tôi sám hối, vì những thiếu sót lỗi lầm trong việc đón nhận ơn đức tin, trong sự bồi dưỡng ơn đức tin, và trong sự làm chứng cho ơn đức tin.
Cảm tạ và sám hối của tôi cũng đi kèm với những cầu xin tha thiết thấm đầy hy vọng. Tôi cầu xin tha thiết cho tất cả những kẻ tội lỗi, khốn khổ được đón nhận ơn đức tin.
Mẹ bảo tôi: Nhiều người sẽ đón nhận được ơn đức tin, nếu Hội Thánh có thêm những khuôn mặt dễ thương như Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đơn sơ, khó nghèo, khiêm tốn, hoà mình, yêu thương.
Gợi ý trên đây là một khuyến cáo.
8.
Lời Mẹ khuyến cáo trên đây cho tôi thấy: Trong Hội Thánh hiện nay, những người được như Đức Phanxicô còn là số ít, có thể là quá ít. Biết đâu chính tôi vẫn chưa được kể vào thiểu số đó.
Nhận thức trên đây thúc giục tôi phải phấn đấu nhiều hơn nữa trên đường sống đức tin.
Thực vậy, sống đức tin là một hành trình chiến đấu cam go. Làm sao để nơi tôi, tâm tình luôn hợp với lời nói, lời nói luôn hợp với việc làm, mọi việc làm đều hợp với nhau, trong một sự sống thực sự thuộc về Chúa, tất cả đều toả ra dung mạo của Chúa Giêsu với một vài nét nào đó.
Được như vậy, là nhờ tin vào cuộc chiến thắng của tình yêu được thực hiện trên thánh giá. Tin như thế sẽ không tránh được khổ đau trên thực tế cuộc đời.
Do vậy, tôi cũng xin dâng lên Mẹ những khổ đau tôi chịu vì Chúa. Đó là những bông hoa tình yêu tha thiết nhất. Xin Mẹ thương nhận.
Như vậy, những bông hoa tôi dâng lên Mẹ chính là những nỗi lòng. Niềm tin, cảm tạ, yêu thương, sám hối, cầu nguyện, hy vọng và khổ đau, phấn đấu. Có thể có những nỗi lòng rối ren tôi quên, nhưng Mẹ lại nhớ. Mẹ nhớ, để mà thương đứa con yếu đuối luôn tìm về Mẹ.
Long Xuyên, ngày 4 tháng 5 năm 2013.

Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

MÂM CỖ TÌNH YÊU

Cảm nghĩ ngày cuối năm Nhâm Thìn

1.
Sáng nay, ngày cuối năm Nhâm Thìn, tôi dâng thánh lễ Misa lúc 03 giờ, khi trời còn tối.
Trong cuộc gặp gỡ thân mật riêng tư với Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì muôn vàn ơn lành hồn xác Chúa đã ban cho tôi suốt một năm dài.
Đang lúc tâm tình cảm tạ dâng tràn, tôi đọc lời đáp ca của thánh lễ trong ngày (thứ Bảy sau Chúa nhật IV quanh năm). Tới câu: “Chúa dọn ra cho tôi mâm cỗ ngay trước mặt những kẻ đối phương” (Tv 22,5), tôi chợt thấy các ơn Chúa ban cho tôi có thể ví như một mâm cỗ Chúa dọn ra cho tôi.
Nhìn mâm cỗ Chúa dọn ra cho tôi, tôi cảm thấy rất rõ hương vị quý giá nhất phảng phất trong mọi món trên mâm cỗ đó, chính là tình yêu tế nhị của Chúa.
2.
Thực vậy, tình yêu Chúa gởi cho tôi là rất tế nhị.
Tình yêu ấy  như một mâm cỗ thịnh soạn.
Mâm cỗ này có nhiều món khác nhau.
- Có thứ đẹp ngon thơm thuộc thiên nhiên, mà tôi cảm thấy được do giác quan. Đó là cảnh núi sông, ruộng vườn cây cối, hoa trái và nhiều thứ hấp dẫn xung quanh tôi.
- Có thứ ngon thơm thuộc tâm linh, mà tôi thưởng thức được do sự nhạy bén nội tâm. Đó là những yêu thương, tình nghĩa, hiếu thảo từ nhiều tấm lòng tốt xa gần đối với tôi.
- Đặc biệt là có thứ đẹp ngon thơm sâu lắng thuộc thế giới siêu nhiên, thu hút tôi vào một cõi hạnh phúc mênh mông. Đó là các ân sủng do Lời Chúa, các bí tích và các tôn sùng thánh.
3.
Các món ăn khác nhau đó trong một mâm cỗ Chúa dọn ra giúp cho tôi đón nhận tình thương của Chúa qua nhiều cách, thích hợp với những hoàn cảnh khác nhau. Chúa đúng là một Đấng tế nhị.
4.
Mâm cỗ dù ngon thơm đẹp nhưng Chúa không ép buộc tôi. Chúa dọn ra cho tôi, nhưng Chúa để tôi tự do. Tôn trọng tự do, đó là thái độ rất tế nhị của tình yêu Thiên Chúa.
Khi tôi dùng sự tự do của tôi, để đón nhận những món ăn đủ thứ ngon thơm đẹp, mà Chúa dọn ra cho tôi, tôi sửng sốt nhận ra trong mâm cỗ ấy còn có một món vô cùng cao quý, đó là nhớ lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Trong phép Thánh Thể cũng như trong thánh lễ Misa, thực sự có Mình và Máu Chúa Giêsu, Đấng đã hy sinh để cứu chuộc loài người.
5.
Chỉ một thoáng nhìn mâm cỗ Chúa dọn ra cho tôi, tôi thấy tình yêu của Chúa là hết sức tế nhị. Khi đã nhìn thấy, và hơn nữa, khi đã nếm các thứ món thức ăn trên mâm cỗ, tôi không thể không hết lòng cảm tạ Chúa. Đối với tôi, Chúa chính là hạnh phúc của tôi, là Mùa Xuân của tôi.

6.
Nói thế không có nghĩa là bản thân tôi trên cõi đời này sẽ tránh được mọi đau khổ. Tôi không hề nghĩ như thế. Bởi vì thực tế là đời tôi vẫn có nhiều đau khổ. Nhưng với đau khổ, đời tôi sẽ là một của lễ tình yêu, đáp lại tình yêu của Chúa. Tình yêu có đau khổ là một tình yêu có mức độ tế nhị hết sức chân thành.
7.
Tôi đã thưởng thức các món ngon thơm đẹp trên mâm cỗ Chúa dọn ra cho tôi suốt một năm, một năm có nhiều phức tạp. Thưởng thức ấy càng sâu, khi đức tin càng mạnh. Tôi cảm tạ Chúa đã ban đức tin cho tôi.
8.
Trong tâm tình cảm tạ, tôi thấy mình mắc nợ với Chúa quá nhiều. Tôi biết mình sẽ chẳng bao giờ đền đáp đủ tình thương của Chúa. Đôi chút đền ơn tôi mong cố gắng làm, sẽ chỉ là những việc nhỏ.
Trước hết, tuy dù rất yếu hèn, tôi xin dâng hiến chính bản thân mình làm của lễ. Cho dù của lễ ấy phải dâng trên thánh giá, thì đó cũng là một cách bước theo Chúa Giêsu trong việc cứu độ, Đấng yêu thương tôi.
Thêm vào đó, tôi sẽ làm hết sức mình để làm chứng cho tình yêu Chúa. Làm chứng cho tình yêu Chúa trong tình hình phức tạp tại Việt Nam lúc này sẽ phải rất tế nhị. Tế nhị trong tình yêu là một ơn Chúa sẽ ban cho những ai cầu xin với Chúa.
Tế nhị ấy đòi phải khiêm nhường và tin vững vàng vào Chúa. Tôi tin tình yêu Chúa sẽ vượt thắng tất cả, kể cả mọi thứ ghen ghét hận thù.
Thánh vịnh nói: “Chúa dọn ra cho tôi mâm cỗ ngay trước mặt những kẻ đối phương” (Tv 22,5). Đối phương là những người chống lại tình yêu của Chúa. Tôi biết họ. Nhưng tôi không ghét họ. Trái lại, theo gương Chúa, tôi vẫn tha thiết mời họ chia sẻ mâm cỗ tình yêu, mà Chúa đã dọn ra. Tôi thấy dần dần, nhiều người gọi là những kẻ đối phương cũng đã thực sự nếm được tình yêu Chúa. Họ đang bắt đầu tin Chúa. Kinh nghiệm đó giúp tôi càng tin vào sức mạnh vô biên của tình yêu Chúa.
Tôi xin kết bài chia sẻ đơn sơ này cũng bằng lời thánh vương Đavít:
“Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống, cho tới thời gian rất ư lâu dài” (Tv 22,6).
Long Xuyên, ngày cuối năm Nhâm Thìn (09-02-2013)

TÂM TÌNH KÍNH GỞI ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

 

1.
Lạy Cha rất thương mến,
Được tin Hội Thánh đã có người kế vị thánh Phêrô, sau một thời gian trống toà, con rất vui mưng.
Con càng vui mừng hơn, khi được biết Đấng kế vị thánh Phêrô mới được bầu, là người nổi tiếng là nghèo khó, và khiêm nhường.
Chính sự khiêm nhường và nghèo khó của Cha đã lôi cuốn con đến gần Cha. Giờ đây, với đức tin và lòng mến, con đang ở bên Cha. Ở bên Cha lúc này, con chỉ xin được tỏ bày chút tâm tình của con. Chút tâm tình  này sẽ được giới hạn vào cảm nghĩ của con về đường hướng khó nghèo và khiêm nhường, mà Cha đã sống và đang trở thành hướng Cha chọn, để đổi mới Hội Thánh hôm nay. Tâm tình của con sẽ rất chân thành. Nghĩ sao, con nói vậy.
2.
Thực sự, con lo ngại cho Cha.
Sống nghèo khó và khiêm nhường theo gương Chúa Giêsu vốn là điều khó cho chính bản thân mỗi người môn đệ Chúa. Việc vốn đã khó ấy sẽ tăng thêm ngàn ngàn lần, khi người môn đệ Chúa lại muốn đưa cộng đoàn của mình, Hội Thánh của mình cũng đi vào hướng sống nghèo và khiêm nhường theo Chúa Giêsu.
Xưa, Chúa Giêsu đã muốn đổi mới đạo cũ theo hướng khó nghèo và khiêm nhường. Nhưng công việc đổi mới ấy không dễ dàng gì. Bản thân Chúa Giêsu đã phải khổ đau, cô đơn, tan nát.
3.
Ở đây, con nhớ lại mấy lời của tác giả thư gởi Do Thái: “Khi còn sống kiếp phàn nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kên van khóc lóc, mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết” (Dt 5,7). Ai muốn đổi mới một cơ chế tôn giáo, để nó trở thành khó nghèo và khiêm nhường, có thể bị coi là mạo hiểm, hơn nữa sẽ như tự đưa mình vào một thứ chết đớn đau nào đó.
4.
Ở đây, con cũng nhớ lại hình ảnh Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu tối thứ Năm Tuần Thánh. Chúa Giêsu quỳ gối cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin Cha cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha. Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất (Lc 22,41-44).
5.
Hình ảnh đau đớn trên đây của Chúa Giêsu cho phép con nghĩ rằng: Chúa Giêsu muốn đổi mới Đạo Chúa theo hướng khó nghèo và khiêm nhường, sẽ không chỉ thực hiện được bằng lời giảng dạy, mà còn phải tự mình gánh tội thay và đền tội thay, để cứu dân Chúa khỏi tội. Và đó, chính là con đường thánh giá dẫn tới cái chết bị treo lên khổ hình.
6.
Con nghĩ rằng: Cha sẽ không bị đối xử tàn nhẫn như Chúa Giêsu. Nhưng không nhiều thì ít, Cha cũng sẽ bị cô đơn. Cô đơn lớn nhất là: Đường Cha Cha cứ đi, còn đường chúng con chúng con đi, mặc chúng con.
7.
Cô đơn có thể tới chỗ bị cô lập. Không phải do những người  nghèo, mà do những người có chức, có địa vị, có quyền lợi, ngay trong chính nội bộ Hội Thánh.
8.
Mấy ngày nay, con thấy Cha có nhiều bất ngờ, biểu lộ đức tính khó nghèo và khiêm nhường. Nhất là ở sự Cha tỏ ra gần gũi và đơn sơ với mọi tầng lớp dân chúng, đặc biệt là với dân thường. Xưa Chúa Giêsu cũng đã gần gũi và hoà mình như vậy. Dân thường và dân tội lỗi thì mến Người. Nhưng chính vì Người được dân nghèo và những người tội lỗi quý mến, nên những lớp người đạo đức giả lại sinh ra ghen ghét Người.
9.
Mấy ngày nay, con thấy Cha hơi khác nhiều Đấng Bậc, khi Cha chủ trương xây dựng một Hội Thánh nghèo, không làm chính trị, mà chỉ chăm chú lo cho người nghèo. Cha nói thế, mà không sợ. Nhưng con thì sợ cho Cha. Nỗi sợ của con đã làm con ray rứt, khi thấy ngay tại Hội Thánh trên Quê Hương Việt Nam của con hiện nay cũng đang có những thực tế đau lòng coi như đi ngược lại chủ trương của Cha.
10.
Tâm tình của con xin được tạm kết thúc bằng lời thư của thánh Phêrô: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5,8).
Con coi những lời trên đây của thánh Phêrô cũng là những lời của Cha, Đấng kế vị thánh Phêrô.
Con thiết nghĩ: Càng những nơi quen gọi là thánh, thì Satan càng rảo quanh và tím cách xâm nhập. Vì thế, con cúi xin Chúa thương bảo vệ Cha, bởi vì chính Toà Thánh rất có thể là một nơi đặc biệt, mà Satan quan tâm nhiều nhất để mà chia rẽ.
Con lo, sẽ có những người lợi dụng chủ trương đường lối của Cha, để gây chia rẽ tại những địa phương vốn đang bất ổn về đức tin. Lịch sử Hội Thánh cho thấy: Cải cách nào cũng có sự đấu tranh gay gắt giữa cái mới và cái cũ. Đem lại sự hài hoà là điều Chúa Thánh Thần sẽ làm, nhưng cũng đòi sự cộng tác hy sinh và cầu nguyện lâu dài của những tâm hồn khiêm tốn khó nghèo.
Riêng con, con nhận biết mình là kẻ tội lỗi, yếu hèn, sẽ xin luôn đứng vào hàng ngũ những kẻ cần được Chúa cứu, nên cũng xin Cha thương cứu con bằng phép lành của Cha. Con tin chắc: Cha là người của Chúa, được Chúa yêu thương, được Chúa chọn, được Chúa thánh hoá, được Chúa sai đi, để là của lễ làm chứng cho Tình Yêu Chúa giàu lòng thương xót.
Con xin cảm tạ Cha.
Long Xuyên, ngày 18 tháng 3 năm 2013

HỘI THÁNH ĐƯỢC THANH LUYỆN

HỘI THÁNH ĐƯỢC THANH LUYỆN
  
1.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô xuất hiện như một dấu chỉ của thời đại. Thời đại hôm nay đang quan tâm đến Ngài một cách đặc biệt. Đặc điểm nơi Ngài được thế giới để ý hơn cả là tinh thần nghèo khó, khiêm nhường và yêu thương kẻ nghèo.
Với đặc điểm đó Chúa dùng Đức Thánh Cha Phanxicô như một dấu chỉ. Dấu chỉ này vạch ra một hướng, mà Chúa sẽ thanh luyện Hội Thánh.
2.
Cuộc thanh luyện hôm nay mới chỉ bắt đầu một giai đoạn mới. Sẽ tới nhiều giai đoạn khác đôi khi gay gắt. Những giai đoạn gay gắt đó sẽ xảy ra nhiều biến cố bất ngờ gây đau đớn bàng hoàng.
Để hiểu rõ hơn về những thanh luyện sắp tới, tôi xin được phép phân tích Hội Thánh hiện nay một cách vắn tắt.
3.
Có nơi Hội Thánh như tập trung vào giáo sĩ. Có thể nói Hội Thánh là hàng giáo sĩ.
Hàng giáo sĩ được đề cao một cách quá đáng. Với chức tước, địa vị, quyền bính, lợi lộc tinh thần và vật chất, hàng giáo sĩ như nắm tất cả mọi quyền, mọi danh dự đều như quy về hàng giáo sĩ, mọi sự thánh thiện đều như được dành riêng cho hàng giáo sĩ, mọi vất vả của cộng đoàn đều như để bảo vệ và phát triển hàng giáo sĩ.
Thực sự, chức thánh là một món quà quý giá Chúa tặng cho Hội Thánh. Hàng giáo sĩ thực sự là một nhân tố cần thiết cho Hội Thánh. Nhưng không vì thế mà hàng giáo sĩ được miễn trừ khỏi những tác động của Satan, thế gian và xác thịt. Rất nhiều khi, tác động xấu cũng đến từ phía giáo dân. Nhiều giáo dân cũng đã muốn giáo sĩ của mình phải sống quyền cao chức cả như ngoài đời hay hơn ngoài đời. Coi đó là để sáng danh Hội Thánh. Họ nghĩ thế do não trạng cạnh tranh quyền lực giữa đạo và đời. Do vậy, mà sự quá đề cao hàng giáo sĩ theo hướng tục hoá đã xảy ra dần dần, trở thành nguy hiểm cho Tin Mừng và cho chính Hội Thánh. Đến lúc Hội Thánh cần được thanh luyện về mặt đó một cách thận trọng nhưng hữu hiệu.
4.
Có nơi Hội Thánh nổi về mặt tôn giáo, mà tôn giáo lại là tổ chức cơ chế. Có thể nói Hội Thánh là cơ chế tôn giáo.
Cơ chế tôn giáo là đất đai, nhà cửa, của cải, các ban bệ, các hội đoàn, các phong trào, các luật lệ riêng của từng giáo phận, của từng giáo xứ, của từng giáo họ, cửa từng nhóm, của từng khu. Hội Thánh cần cơ chế. Nhưng cơ chế kiểu đó trở nên nặng nề và dễ bị thu hẹp, trái với ý muốn của Chúa Giêsu. Người muốn Hội Thánh mở ra về một Nước Thiên Chúa rộng bao la hiện lên như một Nước tình yêu, ân sủng và bình an. Chứ Hội Thánh không được phép cản trở Nước Thiên Chúa, bằng cách quá lo phát triển một thứ cơ chế riêng.
5.
Có nơi Hội Thánh nổi về mặt đức tin. Có thể nói Hội Thánh là cộng đoàn đức tin.
Cộng đoàn ấy tin mọi điều trong kinh Tin Kính, mọi điều trong Kinh Thánh, mọi điều Hội Thánh dạy tin. Nhưng rất nhiều khi, họ tin các điều đó như chấp nhận một lý thuyết, chứ không phải tin là gặp gỡ thân mật với Chúa, đang khi thực sự gặp gỡ thân mật với Chúa mới là căn bản của đức tin. Hơn nữa, tin là một chuyện. Còn thực hành điều mình tin lại là chuyện khác. Tin mà không thực hành hiện nay đang khá phổ biến.
6.
Có nơi Hội Thánh nổi về mặt yêu thương. Có thể nói Hội Thánh là cộng đoàn bác ái.
Cộng đoàn ấy để ý đến bác ái, làm việc từ thiện. Nhưng rất nhiều khi, họ không yêu thương như Chúa đã yêu thương. Thành thử, yêu thương mà vẫn loại trừ. Miệng thì tuyên xưng: Yêu thương mọi người mà chẳng trừ ai, nhưng trên thực tế, lại trừ hết người nọ đến người kia. Yêu thương hiện nay đang sa sút một cách đau lòng ở nhiều nơi, ngay trong nội bộ những người môn đệ Chúa.
7.
Có nơi Hội Thánh nổi về về mặt tám mối phúc. Có thể nói Hội Thánh là cộng đoàn nghèo khó và khiêm nhường.
Cộng đoàn ấy chủ trương sống nghèo khó, khiêm nhường. Nhưng rất nhiều khi lại quá để ý đến hình thức, để rồi lúc phải đụng chạm đến thử thách, thì mới lộ ra thực chất lại quá xa khó nghèo và khiêm nhường của Chúa Giêsu. Đến nỗi, dám đấu tranh để khẳng định mình là khiêm nhường và khó nghèo hơn kẻ khác.
8.
Trên đây là sơ lược các hình ảnh thực tế về Hội Thánh:
Hội Thánh là hàng giáo sĩ.
Hội Thánh là cơ chế tôn giáo.
Hội Thánh là cộng đoàn đức tin.
Hội Thánh là cộng đoàn bác ái.
Hội Thánh là cộng đoàn nghèo khó, khiêm nhường theo tám mối phúc.
Tại Việt Nam, Hội Thánh có đủ 5 hình ảnh đó. Mỗi nơi mang một hình ảnh riêng, với nét nổi bật của mình. Nhưng phải khiêm tốn nhận rằng: Nơi nào tốt xấu cũng chen lẫn nhau. Điều đó không lạ. Nên phải chấp nhận thanh luyện.
9.
Thanh luyện sẽ được thực hiện do gương sáng, lời khuyên và các phong trào đạo đức. Nhưng thường là không đủ. Có thể sẽ xảy đến những biến cố bắt buộc ta phải bỏ những cái ta không thể tình nguyện bỏ, để thôi thúc ta đón nhận chỉ ý Chúa mà thôi.
10.
Nhưng tôi chắc chắn điều này là: Thanh luyện dù do gương sáng và lời khuyên răn, dù sẽ kèm theo biến cố gây nên mất mát và đớn đau, thì luôn phải có sự cộng tác tự do của chúng ta. Sự cộng tác ấy gồm mấy điều sau đây:
Điều thứ nhất là chúng ta phải nhìn nhận việc Chúa thanh luyện chúng ta và Hội Thánh chúng ta là điều cần thiết và là một hồng ân. Bí tích Giải tội là một nguồn thanh luyện cao quý.
Điều thứ hai là chúng ta xin vâng với tâm hồn phó thác khiêm cung. Chúa thanh luyện ta cách nào, lúc nào, thì xin vâng. Chúa muốn ta từ bỏ những gì cũ và phải có những gì mới, thì ta đều xin vâng. Thanh luyện nào cũng cần được đón nhận với nhiều yêu thương. Nhưng xin vâng với rất nhiều yêu thương là chuyện không dễ. Bởi vì những lúc bị thanh luyện, nhiều khi chúng ta cảm thấy mình rất bần cùng, hèn hạ, trong một bầu khí âm u sợ hãi tư bề. Nên xin vâng với rất nhiều yêu thương thường là việc của một đức tin trần trụi, chỉ nhờ ơn Chúa mà thôi.
Điều thứ ba là chúng ta sẽ không lấy làm lạ, nếu chúng ta thấy cản trở đáng ngại nhất trong chương trình Chúa thanh luyện ta, lại xuất hiện từ chính nội bộ Hội Thánh, và có thể là từ chính bản thân ta. Sự không lấy làm lạ nhiều lúc sẽ kèm theo những đau đớn bàng hoàng, khi nhận thấy sức mạnh của ác thần là kinh khủng ngay trong Hội Thánh. Phải rất khiêm nhường, để chấp nhận sự thật.
Điều thứ bốn là chúng ta luôn phải vững tin vào quyền năng của Chúa. Rất nhiều cám dỗ xúi chúng ta nản lòng. Nhưng hãy tin rằng: Chúa Thánh Thần sẽ dẫn Hội Thánh của Chúa đến một tình trạng rực rỡ. Hội Thánh được thanh luyện sẽ có những sáng kiến tốt đẹp cho xã hội, đồng bào và Quê Hương chúng ta. Hội Thánh được thanh luyện đôi khi coi như bị thua, nhưng Chúa thắng, đưa nhiều người về Cõi Phúc. Thế là thua mà thắng.
11.
Tới đây, tôi nhớ về Mẹ Maria trong ngày Truyền Tin. Năm nay, lễ Truyền Tin được dời vào ngày 8 tháng 4 năm 2013.
Mẹ Maria đã cộng tác với Chúa bằng lời “Xin vâng”. “Xin vâng” của Mẹ được thực hiện từng ngày, từng giờ, từng phút, bằng những đón nhận và những cho đi luôn hợp thánh ý Chúa. Được như vậy, là vì Mẹ luôn để Chúa Thánh Thần biến đổi Mẹ, để Mẹ nên đền thờ sống động có Chúa ngự bên trong, để Mẹ âm thầm thông phần vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu, và để Mẹ cùng với Chúa Giêsu được gần gũi và chia sẻ thân phận những người nghèo khó khổ đau.
Xin Mẹ thương dắt dìu con trên con đường Chúa thanh luyện con và Hội Thánh của con. Con rất yếu đuối. Con vui sướng được phó thác nơi Mẹ. Mẹ là Mẹ yêu dấu của con.
Long Xuyên, ngày 7 tháng 4 năm 2013

SỐNG TUẦN THÁNH VỚI TINH THẦN NGHÈO KHÓ VÀ KHIÊM NHƯỜNG

SỐNG TUẦN THÁNH VỚI TINH THẦN
NGHÈO KHÓ VÀ KHIÊM NHƯỜNG

1.
Khó nghèo và khiêm nhường là những giá trị cao quý của Phúc Âm. Những giá trị cao quý này vốn được đề cao trong Hội Thánh. Nhưng, lịch sử cho thấy những giá trị cao quý ấy nhiều khi như bị chìm xuống ở một số dòng đời quá nhiều sóng gió thế tục. Lúc đó, Chúa lại báo động.
2.
Lúc đó chính là lúc này. Lúc này Hội Thánh đang bị chao đảo bởi sóng gió trần tục. Chính lúc này, Chúa gởi đến Hội Thánh một vị Giáo Hoàng, để báo động. Ngài báo động bằng cách nêu gương sáng về sóng khó nghèo và khiêm nhường. Nhiều người đã hiểu được thánh ý Chúa. Họ đã bắt đầu điều chỉnh lại nếp sống đạo của họ, để tinh thần khó nghèo và khiêm nhường của họ góp phần vào chương trình cứu độ của Chúa. Báo động của Chúa đang được nhiều người lắng nghe. Xin cảm tạ Chúa.
3.
Riêng tôi, tôi tập trung sự điều chỉnh của tôi trong Tuần Thánh này.
Trước hết, sống khó nghèo và khiêm nhường là nhận biết mình tội lỗi.
Đừng đổ tội cho ai cả. Nhưng lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Lỗi trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. Lỗi quan trọng nhất là từ chối tình yêu Chúa, không mến Chúa và không yêu thương người khác theo gương Chúa, nhất là không tin đủ vào tình yêu thương xót Chúa, không gần gũi đủ và không phục vụ đủ những kẻ bần cùng.
4.
Sự khó nghèo và khiêm nhường như vậy thường là chưa đủ, mà còn phải tỉnh thức, không để mình nâng mình lên trên kẻ khác. Sẽ rất nguy hiểm, nếu tôi tự coi mình hơn những kẻ khác, nhất là hơn họ về mặt đạo đức, dù họ là ai. Tôi hãy bắt chước Chúa quỳ xuống rửa chân cho mọi người.
5.
Khó nghèo và khiêm nhường còn là nhận biết mình chẳng có công phúc gì, mà chỉ cậy tin mến yêu Chúa là Đấng xót thương vô cùng.
Tôi tin cậy, mến yêu Chúa như trẻ thơ tin cậy, mến yêu mẹ của mình. Còn hơn thế nữa, khi tôi biết Chúa đã xuống trần, đã đành chịu mọi khổ đau, sau cùng đã vui lòng chịu chết trên thánh giá, để cứu chuộc tôi. Sự cậy tin, yêu mến của tôi xét cho cùng cũng là một ơn Chúa ban. Một ơn nhưng không. Tôi nhận ra điều đó, khi tôi thờ lạy Chúa trong phép Thánh Thể mà Chúa đã lập ra trong bữa Tiệc Ly.
6.
Sự khó nghèo và khiêm nhường còn phải là thái độ vâng phục ý Chúa, không bao giờ dám coi ý riêng mình là thánh ý Chúa, dù ý riêng mình có vẻ hợp lý đến đâu.
Xưa, trong Tuần Thánh đã có vô số viêc coi như hợp lý, nhưng lại sai lầm. Các thượng tế, khi căn cứ vào luật đạo để kết án Chúa Giêsu, họ cho là hợp lý, nhưng lại sai lầm. Đám đông, khi nghe lời các thượng tế xúi giục để xin đóng đinh Chúa, họ cho là hợp lý, nhưng lại sai lầm. Chính thánh Phêrô, khi rút gươm chém người bắt Chúa, ngài cũng tưởng là hợp lý, nhưng đã sai lầm.
7.
Sự khkó nghèo và khiêm nhường còn phải là vững tin, không dám đặt giới hạn cho những bất ngờ.
Ai đâu có nghờ, ông Simon là người ngoại đạo, đã được Chúa thương kêu gọi vác đỡ thánh giá cho Chúa. Ai đâu có ngờ, người trộm bị đóng đinh bên hữu Chúa, đã được Chúa hứa ban phúc thiên đàng ngay hôm đó.
Ai đâu có ngờ, ông Giuđa, một tông đồ Chúa, vừa mới được phong chức thánh, vừa mới chịu Mình Thánh, lại bị Satan nhập, ngay trước mặt Chúa Giêsu là Đấng Rất Thánh.
8.
Khó nghèo và khiêm nhường nhất là ở sự chấp nhận con đường thánh giá, như Chúa Giêsu, để cộng tác vào chương trình cứu độ.
Chúa có thể dùng nhiều con đường vinh quang, quyền lực, để cứu đời. Nhưng Người đã chọn con đường thánh giá. Đó là con đường khó nghèo và khiêm nhường tột độ. Tôi cũng phải chọn con đường đó.
9.
Khó nghèo và khiêm nhường còn ở sự bao dung tha thứ một cách quảng đại.
Chúa Giêsu đã bao dung và tha thứ cho mọi kẻ đã làm hại Người. Người bị loại trừ, còn Người thì chẳng loại trừ ai, Người cũng không ép buộc ai phải đón nhận tình thương của Người. Người dạy chúng ta phải yêu thương nhau, coi đó là dấu chỉ của người môn đệ Chúa.
10.
Cụ thể hơn cả, khó nghèo và khiêm nhường là chấp nhận những giới hạn đang xảy ra cho tôi lúc này, như những yếu đuối cả phần xác lẫn phần hồn, những đớn đau của mình và của đồng bào, những hoàn cảnh không như mình muốn. Chấp nhận là không dễ. Nhưng tôi xin chấp nhận với niềm hân hoan của đức tin.
Tôi xin Chúa ban ơn cho tôi biết chịu tất cả những sự xảy ra, với tinh thần khó nghèo và khiêm nhường, biết cậy tin và phó thác nơi Chúa giàu tình yêu thương xót, để đền tội cho mình và cho nhiều người.
“Lạy Cha, con xin phó thác con trong tay Cha”.
11.
Cũng là cụ thể, khó nghèo và khiêm nhường, khi tôi biết trân trọng đón nhận mọi nâng đỡ của những người khác, bất cứ lớn nhỏ, bất cứ họ là ai. Trân trọng đón nhận, như những món quà quý giá góp phần vào chương trình Chúa cứu độ tôi. Còn tôi, tôi sẽ góp phần bằng những việc rất nhỏ, theo khả năng Chúa ban.
12.
Và cũng là cụ thể, khó nghèo và khiêm nhường khi tôi nhận ra nhiều tâm hồn đạo đức đang âm thần bước theo Chúa. Họ khá đông. Mỗi người mỗi cách. Họ đang là những bông hoa thiêng báo hiệu sự sống và sự sống lại.
Với chút chia sẻ chân thành trên đây, tôi xin thân ái cầu chúc mọi người gần xa một Tuần Thánh đầy ơn đổi mới, dẫn tới một lễ Phục Sinh chan chứa niềm vui và hạnh phúc của Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc chúng ta.
Long Xuyên, ngày 23 tháng 3 năm 2013

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

SUY GẪM VỀ HOÁN CẢI TRÁI TIM

MÙA CHAY,
SUY GẪM VỀ HOÁN CẢI TRÁI TIM
THEO GỢI Ý CỦA ĐỨC THÁNH CHA
BÊNÊĐICTÔ XVI
       1.
Tình hình xã hội hiện nay đang xảy ra nhiều hiện tượng đáng buồn. Một trong những hiện tượng đáng buồn và cũng đáng sợ, đó là cảnh những trái tim phá sản.
Tôi muốn nói tới những trái tim người cha tàn nhẫn, lao mình vào những lối sống ích kỷ, tìm thoả mãn cho riêng mình, bỏ mặc gia đình trong cảnh điêu đứng.
Tôi muốn nói tới những trái tim người mẹ nông nổi, để mình trôi dạt vào cảnh cờ bạc, nợ nần chồng chất, gây tan nát cho gia đình và cho chính bản thân.
Những trái tim hư hỏng đó đang phá sản nghiệp cao quý của con người, đó là đạo đức, danh dự, hạnh phúc và ý nghĩa cuộc đời. Hậu quả sẽ rất tai hại cho bản thân mình, cho gia đình mình, cho xã hội mình.
2.
Nhìn vào tình hình Hội Thánh, tôi thấy hiện tượng đáng buồn và đáng sợ tương tự cũng đang xuất hiện đó đây.
Một số trái tim những người được Chúa trao phó trách nhiệm hãy là người cha người mẹ, để hết tình yêu thương lo cho đoàn chiên, xem ra cũng đang rơi vào cảnh phá sản. Biết đâu cảnh phá sản đó cũng đang xảy ra nơi chính bản thân tôi, ít là phần nào. Tôi thực sự lo sợ.
3.
Để điều chỉnh lại chính mình, tôi đi tìm những lời khuyên. Với tâm tình cầu nguyện, tôi chợt nhớ lại lời khuyên của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” của Ngài.
Trong số 17 của thông điệp này, Đức Thánh Cha khuyên chúng ta hãy gặp gỡ Đức Kitô và hãy bước theo Đức Kitô suốt chặng đường Đức Kitô đi, tới bữa Tiệc Ly và trên thánh giá.
Vâng lời khuyên của Đức Thánh Cha, tôi nhìn Đức Kitô. Tôi thấy suốt đời Đức Kitô là ban tặng chính mình bằng yêu thương chấp nhận mọi hy sinh quên mình.
4.
Khi nhìn Đức Kitô bị treo trên thánh giá, tôi thấy tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện trong sự Người hạ mình xuống một cách nhục nhã và đớn đau cùng độ.
Nhìn cảnh thảm thương đó, trước hết tôi nhớ lại những lời Kinh Thánh dạy tôi là Đức Kitô chịu thương khó đến cùng cực như thế, là để đền tội, và để cứu chuộc nhân loại.
5.
Đúng là như vậy. Tôi nhìn đầu của Đức Kitô chịu mão gai nhọn đâm sâu, máu chảy lênh láng. Tôi hiểu Người chịu như thế là để đền bao tội lỗi do cái đầu của chúng ta đã gây nên.
Tôi nhìn tay chân Đức Kitô chịu đóng đinh vào thánh giá, máu chảy ròng ròng. Tôi hiểu Người chịu như vậy, là để đền bao tội chúng ta đã phạm do tay chân chúng ta.
Tôi nhìn trái tim Đức Kitô bị đâm thủng, máu và nước trào ra. Tôi hiểu Người chịu đau như thế, là để đền những tội chúng ta đã phạm do trái tim chúng ta.
Tôi nhìn vào thân thể Đức Kitô bị lột trần và bị đánh đập. Tôi hiểu Người chịu như thế, là để đền những tội chúng ta đã phạm do thân xác chúng ta.
6.
Rồi tôi tự hỏi: Tôi có theo gương Đức Kitô, mà yêu thương đoàn chiên của tôi như thế không? Tôi không dám chắc. Tôi cầu xin ơn tha thứ về quá khứ của tôi và xin ơn nâng đỡ quyết tâm về tương lai của tôi.
7.
Thêm vào việc đền tội cho nhân loại, cuộc thương khó của Đức Kitô cũng còn một ý nghĩa nữa, đó là để chia sẻ với những người khổ đau.
Thực vậy, bao người đang bị đau đớn, như bị đội mão gai, như bị đóng đinh vào thánh giá, như bị gươm giáo đâm thủng trái tim, như bị lột trần và bị đánh đập. Đức Kitô đã tình nguyện chịu cảnh khổ đau trên thánh giá, để chia sẻ cảnh khổ đau của bao người trên trái đất này.
Tôi tự hỏi: Tôi có theo gương Đức Kitô, mà chia sẻ thân phận khổ đau của bao người xung quanh tôi một cách khiêm nhường tự hạ như thế không? Tôi không dám chắc. Nên tôi ăn năn, kèm theo việc dốc lòng sẽ thực hiện nhiều hơn những việc hy sinh nhỏ thường ngày.
8.
Càng nhìn lâu Đức Kitô trên thánh giá, tôi càng thấy tôi chỉ hiểu được tình yêu Thiên Chúa một cách đúng đắn nhờ đức tin. Đức tin lúc đó chính là sự gặp gỡ sống động với Đức Kitô. Đức Kitô ở trong tôi. Chính Người chia sẻ cho tôi những tâm tình của Người. Chính Người làm cho trái tim chúng ta được bén nhạy.
Cũng nhờ gặp gỡ sống động và thân mật với Đức Kitô, tôi mới nhận thêm được điều quan trọng này là: Tôi sẽ chỉ có thể yêu thương theo gương Đức Kitô, khi tôi thực sự dựa vào Người. Chứ với sức riêng mình, tôi sẽ thất bại. Nhận thức đó đòi tôi phải tăng cường việc cầu nguyện và suy gẫm nội tâm. Nhờ vậy, mà tôi sẽ được Chúa cho biết những sự thực cần thiết cho ơn gọi yêu thương.
Tới đây, tôi nghĩ tới việc từ nhiệm của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Tôi biết Ngài là con người chọn hướng yêu thương, nhưng cũng là con người rất trọng sự thực. Tôi chắc là Ngài biết ba sự thực này trước khi quyết định từ nhiệm.
Một là sự thực về Ngài lúc này. Sức khoẻ đang suy giảm rõ rệt.
Hai là sự thực về trách nhiệm lúc này. Tình hình đang chuyển biến phức tạp. Trách nhiệm Ngài phải gánh sẽ rất nặng nề, rất có thể sẽ vượt quá sức của Ngài.
Ba là sự thực về thánh ý Chúa lúc này. Chúa cho phép Ngài coi sự từ nhiệm của Ngài như một cơ hội có lợi cho ích chung Hội Thánh.
Vì thế việc từ nhiệm của Ngài là một quyết định sáng suốt, khiêm nhường và can đảm dựa trên những sự thực, để phục vụ cho yêu thương. Bởi vì Ngài yêu thương Hội Thánh trong Chúa và với Chúa.
10.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã rất rõ ràng khi Ngài viết:
“Tình yêu đối với tha nhân hệ tại ở việc tôi yêu thương trong Thiên Chúa và với Thiên Chúa, ngay cả người tôi không ưa và tôi không biết.
Yêu thương như thế chỉ có thể thực hiện được từ việc chúng ta gặp gỡ thân mật với Thiên Chúa, một sự gặp gỡ trở thành hiệp thông giữa các lòng muốn cho đến tình cảm. Lúc đó tôi sẽ nhìn người khác không những bằng đôi mắt và tình cảm của tôi, mà còn nhìn họ trong đường lối của chính Đức Kitô” (Thiên Chúa là Tình Yêu, số 18).
Đường lối đó chính là cuộc tử nạn đau đớn và nhục nhã của Đức Kitô, nhờ đó Đức Kitô ban tặng chính mình để chia sẻ và để cứu chuộc.
11.
Để kết, tôi xin tóm gọn mấy điểm sau đây:
Tình hình sắp tới sẽ có nhiều khủng hoảng có thể gây nên những cảnh phá sản đau đớn trong xã hội và cả trong Hội Thánh.
Để cứu chính mình và cứu người khác, chúng ta phải mau hoán cải. Hoán cải quan trọng nhất là hoán cải trái tim.
Trái tim cần trở nên nhạy bén hơn, tỉnh thức hơn với trách nhiệm yêu thương, nhờ sống trong Chúa và với Chúa. Lúc đó, trái tim cần can đảm từ bỏ tất cả những ảo tưởng do ý riêng  nhưng lại cho là hợp ý Chúa, để tăng cường đời sống nội tâm, tập trung làm những gì cần thiết nhất cho việc bảo vệ và phát triển Nước Thiên Chúa là Nước tình yêu, bình an và ân sủng.
Những trái tim cần phải nên gương hoán cải một cách sâu xa và khẩn cấp nhất, chính là những trái tim người cha người mẹ và các mục tử.
Hoán cải trái tim những người đó và những người có chức có quyền là điều không dễ. Nếu Chúa dùng đến những liều thuốc đớn đau, thì chúng ta không nên ngạc nhiên. Rất có thể là sẽ có nhiều người phải chịu khổ thay cho người khác, để cứu họ và đền tội thay cho họ. Con đường thánh giá sẽ dài. Nhưng sau thánh giá sẽ là Phục Sinh.
Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.
Long Xuyên, ngày 19 tháng 2 năm 2013.