Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

HAI HÌNH ẢNH SỐNG ĐỘNG CỦA THÁNH GIOAN TIỀN HÔ

HAI HÌNH ẢNH SỐNG ĐỘNG 
CỦA THÁNH GIOAN TIỀN HÔ 

1. Tôi đang vui sướng nhìn thấy hình ảnh sống động của thánh Gioan Tiền Hô nơi hai Đức Giáo Hoàng hiện nay sống ở Vatican.
Đặc điểm của thánh Gioan Tiền Hô là dọn đường cho Chúa Cứu Thế. Đặc điểm ấy đang hiện lên rực sáng nơi Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thánh Cha Bênêđictô. Mỗi đấng dọn đường cho Chúa một cách riêng biệt.
2. Đức Phanxicô dọn đường cho Chúa bằng những việc cải cách. Cải cách lối sống, cải cách giáo triều, cải cách hàng giám mục. Cải cách của Ngài phải nói là rất rõ và rất mạnh. Ở đây, chỉ xin trích một ít dòng Ngài đã nói với Hội Đồng Giám Mục Ý khoá 65 năm ngoái: “Sống với Chúa là thước đo sự phục vụ Giáo Hội của chúng ta, nó diễn tả lòng sẵn sàng để vâng phục, để hạ mình và để tận hiến”... Chúng ta phải là dấu chỉ sự hiện diện của hành động Chúa phục sinh... Vì thế phải có một sự tỉnh thức thiêng liêng, thiếu nó, thì chủ chiên, trước hết là giám mục sẽ nguội lạnh, vô tâm, quên lãng và trở thành vô cảm, bị lôi cuốn theo viễn tượng chức quyền, tiền bạc và thoả hiệp với tinh thần thế tục. Những cái đó làm họ trở nên lười biếng, thành một thứ công chức, một nha lại của nhà nước, chỉ biết lo cho bản thân, cho tổ chức và các cơ cấu, thay vì lo cho lợi ích đích thực của dân Chúa... Xin cho Giáo Hội trở thành một Giáo Hội cầu nguyện và sám hối”.
Cải cách của Đức Phanxicô hiện đang tiếp diễn mạnh mẽ ở nhiều lãnh vực của Giáo Hội, Ngài đáng gọi là một Gioan Tiền Hô thế kỷ XXI.
3. Còn Đức Bênêđictô thì đang dọn đường cho Chúa bằng đời sống khiêm nhường, cầu nguyện và từ bỏ. Nhìn sự từ nhiệm của Ngài và đời sống cầu nguyện hiện nay của Ngài, tôi như được đọc lại lời thánh Phaolô xưa: “Kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền  năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi. Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang trong mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự chết của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2 Cr 4,7-11).
4. Tôi xin hết lòng cảm tạ Chúa, vì sự từ nhiệm của Đức Bênêđictô và đời sống ẩn dật hiện nay của Ngài đang đánh động lương tâm tôi rất nhiều. Từ đó, tôi nghĩ rằng: đánh động được lương tâm cũng là một cách dọn đường cho Chúa.
Tôi rất sợ một điều là lương tâm trở nên chai đá. Nhiều người cũng chia sẻ với tôi về nguy cơ “xơ cứng” của lương tâm đang có chiều hướng phát triển tại Việt Nam hiện nay. Vì thế, nhìn Đức Bênêđictô âm thầm cầu nguyện trong sự từ bỏ thẳm sâu, mà thấy lòng mình trở về nội tâm hơn, tôi cho Ngài chính là Đấng đang dọn đường cho Chúa một cách hữu hiệu.
5. Hai Đức Thánh Cha truyền sang tôi lửa mến Chúa là lửa xưa đã đốt lòng thánh Gioan Tiền Hô.
Để lửa này sẽ tồn tại và phát triển trong tôi, để dọn đường cho Chúa, tôi phải làm gì? Tôi xin Chúa Thánh Thần soi sáng và dẫn dắt tôi. Chúa Thánh Thần cho tôi biết là luôn luôn tôi nên coi mọi sự tôi có và làm mới chỉ là bước đầu. Tôi phải cầu nguyện và chiêm ngắm nhiều trước Chúa Giêsu, để Người trở thành thân mật với tôi, và tôi trở thành gần gũi với Người.
6. Thêm vào đó, tôi phải gặp Chúa Giêsu nơi những người khác, nhất là nơi những kẻ nghèo khó, bệnh tật, cô đơn. Những liên hệ trực tiếp với những người xung quanh, khi có Chúa trong tâm tình chân thành, cũng nảy sinh được nhiều sinh lực thiêng liêng, có sức dọn đường cho Chúa.
7. Nói gì thì nói, tôi phải khiêm tốn thú nhận rằng: Tôi được như hôm nay cũng là nhờ rất nhiều yếu tố giúp tôi sửa mình để đón Chúa. Những yếu tố đó thuộc nhiều loại, như cộng đoàn, các bí tích, những con người, những biến cố... Tôi xin hết lòng cảm tạ Chúa.
8. Nhưng với tư cách là giám mục, tôi nhận thức mình có bổn phận phải đề cao gương của các Đức Giáo Hoàng, những vị đã và đang sửa đường cho Chúa bằng nhiều cách.
Tôi có cảm tưởng là hai Đức Giáo Hoàng hiện nay luôn rất cần cho Hội Thánh, và cũng sẽ rất cần cho nhau. Bởi vì tương lai sẽ có những thử thách lớn.
9. Lạy thánh Gioan Baotixita, xưa Ngài đã sửa đường cho Chúa, không phải chỉ bằng những lời giảng, mà còn bằng tất cả đời sống cầu nguyện, chiêm niệm, hãm mình, với biết bao nhọc nhằn đau khổ.
Nay, cũng có nhiều người đang bước theo Ngài mà sửa đường cho Chúa trong những hoàn cảnh rất khó khăn. Xin Ngài thương cầu nguyện cách riêng cho họ.
ĐGM. GB. Bùi Tuần
Long Xuyên, ngày 13.6.2014.

Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

ĐÔI CHÚT TÂM SỰ VỀ NHỮNG NỖI SỢ



1. Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình có lần đã nói với tôi về một nỗi sợ của Ngài. Ngài nói: “Tôi sợ loại linh mục không biết sợ. Họ không sợ giáo dân, không sợ giám mục của mình, không sợ chính quyền, không sợ cả Chúa”.
Tôi nghĩ Đức Tổng có vẻ nói chơi, mà cũng nói thực.
2. Phần tôi, tôi còn sợ hơn Ngài, ở điểm này là tôi sợ chính bản thân tôi. Bởi vì như thánh Phaolô nói: “Điều thiện tôi muốn thì tôi lại làm. Còn điều ác tôi không muốn thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,19). Nơi tôi đúng là như vậy. Có những điều thiện chắc là điều thiện. Có những điều ác rõ là điều ác. Thế mà tính yếu đuối của tôi vẫn cứ làm sai. Chỉ ơn Chúa mới cứu tôi được. Nhưng tôi cũng phải phấn đấu hết mình.
3. Khi về già, lại thêm đau bệnh, tôi thấy nhiều nỗi sợ mới đã phát sinh trong tôi. Ở đây, tôi chỉ xin kể mấy loại người tự nhiên tôi sợ. Không biết họ có sức thực sự gây sợ hãi cho tôi, hay chính bản thân tôi quá yếu nên sợ. Dù sao, nỗi sợ hãi nơi tôi là rất lớn và rất thực.
Thứ nhất là những người quen sống lừa dối.
Thứ hai là những người quen tự mình nâng mình lên.
Thứ ba là những người quen nói xấu người khác.
Thứ bốn là những người quen coi thường trách nhiệm.
Tôi không ghét họ, không kết án họ, không nguyền rủa họ. Nhưng tôi đau đớn và sợ vì tôi nhìn thấy nơi họ có một sức phá hoại của hoả ngục. Nỗi sợ của tôi đôi khi làm tôi mất sự bình an.
4. Trong nỗi sợ ấy, tôi cầu nguyện Trái Tim Chúa Giêsu. Tôi hay thầm thĩ lời cầu vắn tắt này: “Lạy Trái Tim Chúa Giêsu, hiền lành và khiêm nhường, xin thương xót con”. Kết quả là dần dần tôi cảm thấy Trái Tim Chúa Giêsu xót thương tôi. Có một cách tôi được cảm thấy rõ ràng và nhẹ nhàng, đó là Chúa gởi đến cho tôi những con người chân thực, khiêm nhường, bác ái và trách nhiệm. Tôi xin phép kể ra một vài trường hợp đã ảnh hưởng lớn đến đời tôi.
5. Tôi được hạnh phúc gặp gỡ riêng tư nhiều lần Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Có những lần đứng bên Ngài, quỳ bên Ngài, cùng với Ngài cầu nguyện, tôi nghe Ngài thở dài và khe khẽ kêu: “Lạy Chúa tôi” bằng tiếng Đức. Có lần tôi mạnh dạn hỏi Ngài: “Đức Thánh Cha có đau khổ lắm không?”. Ngài trả lời một cách tự nhiên: “Có chứ. Nhưng tôi quen rồi”. Thái độ chân thực và khiêm nhường của Ngài trước vấn đề đau khổ đã đi vào lòng tôi như một món quà sống động của Trái Tim Chúa Giêsu. Thái độ đó đã an ủi tôi rất nhiều. Tôi không còn mặc cảm nghĩ rằng những than khổ của tôi là xấu và đáng trách. Tôi nói thế, là vì nhiều khi tôi đau khổ, thì có những người đã dạy tôi là cho dù khổ, cũng không nên than, và theo họ, người có đức tin thì mọi đau khổ đều cảm nhận như những niềm vui. Tôi không dám bình luận gì. Nhưng thú thực là thái độ của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đem lại cho tôi sự bình an. Thái độ ấy cũng giúp tôi cảm thương sâu sắc với những người khổ đau.
6. Một trường hợp khác, đó là thái độ của Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp. Tình hình lúc đó bỗng trở nên khó khăn bi đát. Giáo dân sợ hãi, chạy trốn vào nhà thờ. Cha Diệp hiền từ khiêm tốn, không trách giáo dân, không khích động họ. Cha cũng không lên án, chửi bới những người bắt bớ giáo dân. Trái lại, Cha luôn ở giữa giáo dân. Và sau cùng, Cha sẵn sàng chết thay cho giáo dân. Thái độ khiêm nhường, bác ái, chân thực của Cha đã giúp tôi rất nhiều trong những năm sau 1975. Tình hình giáo phận của tôi hồi đó tuy không đến nỗi như vậy, nhưng có những khó khăn nhất định.
Tôi đã theo gương Cha Diệp. Kết quả là Chúa đã làm cho tình hình được thay đổi: Đức tin được vững vàng và lan rộng. Hoà giải được xây dựng tốt đẹp. Chúa được ca tụng mến yêu.
7. Tới đây, tôi có thể thấy: Những nỗi sợ của tôi trước một số loại người nói trên chính là những phản ứng lành mạnh Chúa ban, để tôi biết tỉnh thức. Tất nhiên không được sợ tràn lan, nhưng không biết sợ chính là điều rất đáng sợ.
Có người nói với tôi: Sợ gì tội! Sợ gì hoả ngục! Chúa lòng lành giàu lòng thương xót sẽ cứu chúng ta. Việc gì mà sợ.
Thú thực, tôi coi những thái độ như thế chính là mưu ma chước quỷ. Không biết sợ, chính là một cái nghèo kinh khủng nhất, dẫn tới sa đoạ và diệt vong.
8. Hiện giờ, những nỗi sợ của tôi đang giúp tôi trở nên bé nhỏ trước mặt Chúa. Bé nhỏ như một cành nho ẩn giấu mình ở một chỗ nào kín đáo nhất, miễn là được sát nhập vào thân cây nho là Chúa Giêsu. Tôi nhớ tới lời Chúa Giêsu phán xưa với các môn đệ của Người: “Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, các con không làm gì được” (Ga 15,5).
9. Xét cho cùng, nỗi sợ quan trọng nhất của tôi chính là sợ mình không thuộc về Chúa, không kết hợp mật thiết với Chúa, không đón nhận tất cả từ Chúa.
10. Chuyến đi đời tôi có lúc sẽ kết thúc. Với tinh thần đức tin, tôi hy vọng tất cả mọi nỗi sợ của tôi trong chuyến đi dài này sẽ nở hoa Phục Sinh, nhờ kết hợp với Trái Tim Chúa Giêsu đầy yêu thương, khiêm nhường và vâng phục.
11. Tôi chân thành sám hối về mọi lỗi lầm của tôi, không chỉ trong lãnh vực những nỗi sợ, mà trong tất cả mọi lãnh vực của con người tôi.
Tôi chấp nhận mọi đau đớn, như những sứ giả để thanh luyện tôi theo lòng từ bi Chúa.
Sám hối của tôi không phải chỉ là đau đớn, hối hận, mà cũng còn là ca tụng Chúa và phó thác mình cho Chúa, để thực hiện những gì Chúa muốn về tôi. Tôi tin Chúa rất thương tôi.
Khi nghĩ đến sự Chúa muốn tôi sẽ được về bên Chúa trên thiên đàng, tôi cảm thấy hân hoan vui sướng.
Tôi tha thiết xin Chúa cho mọi người thân yêu của tôi cũng được về bên Chúa như tôi. Tôi cầu xin cho Hội Thánh của tôi, cho Quê Hương của tôi, cho mọi đồng bào của tôi, không phân biệt ai.
Lạy Chúa, con sẽ trở về với Chúa tay không, vì con quá bé nhỏ và nghèo hèn. Nhưng con tin Chúa sẽ đón con. Bởi vì Chúa là Cha của con.

Long Xuyên, ngày 9.6.2014.

PHÚC ÂM HOÁ MỘT CÁCH CỤ THỂ


Mỗi khi tôi muốn nói đến việc Phúc Âm hoá hay Tân Phúc Âm hoá một đối tượng nào, Chúa thường dạy tôi là hãy thực hiện việc đó trước tiên ngay nơi chính bản thân mình.
Lần này cũng vậy, khi tôi muốn nói tới việc Phúc Âm hoá gia đình, tôi cũng được nghe Chúa dạy tôi là hãy khởi đi từ chính mình, một cách cụ thể, theo nhu cầu của tình hình thực tế.
Tôi xin Chúa dạy thêm: Nhu cầu của tình hình thực tế là thế nào? Thì Chúa cho biết là: Phải tỉnh thức và sẵn sàng, để đón nhận những khó khăn và những khốn khổ sẽ tới.
Vâng lời Chúa, tôi khiêm tốn cầu xin Chúa cho tôi nhận ra những tình hình cụ thể và những việc làm cụ thể, cần cho việc Phúc Âm hoá hiện nay.
Những nét cụ thể về tình hình đạo hiện nay được Chúa cho tôi thấy qua Phúc Âm là những nét sau đây:
Thứ nhất là những người bận tâm lo tìm lợi ích riêng, mà coi thường Lời Chúa mời gọi.
Chúa phán: “Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người. Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng: Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn. Bấy giờ mọi người nhất loạt xin kiếu. Người thứ nhất nói: Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm. Cho tôi xin kiếu. Người khác nói: Tôi mới tậu 5 cặp bò, tôi đi thử đây. Cho tôi xin kiếu. Người khác nói: Tôi mới cưới vợ, nên không đến được” (Lc 14,16-20).
Dụ ngôn Chúa Giêsu đưa ra trên đây đã đúng cho thời đó. Nó cũng đang đúng cho thời nay tại Việt Nam này.
Sống ích kỷ, chỉ lo tìm tư lợi, coi thường Lời Chúa mời gọi, đó là điều khá phổ biến trong giới công giáo Việt Nam hiện nay. Biết đâu trong đó có tôi?
Thứ hai là những người nhân danh Chúa mà làm việc đạo, nhưng lại làm theo ý riêng mình, chứ không làm theo ý Chúa.
Chúa phán: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu. nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Thầy mà nói tiên tri, nhân danh Thầy mà trừ quỷ, nhân danh Thầy mà làm nhiều phép lạ đó sao? Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi. Xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác” (Mt 7,21-23).
Những gì Chúa Giêsu nói trên đây đã đúng cho thời đó. Nó cũng đang đúng cho thời nay tại Việt Nam này.
Nhân danh Chúa mà làm những công trình lớn, mà tổ chức lớn, mà khơi dậy những phong trào lớn, nhưng theo ý riêng, không theo ý Chúa, đó là hiện tượng không hiếm trong giới hoạt động tôn giáo tại Việt Nam hôm nay. Biết đâu trong đó có tôi?
Thứ ba là những người tự ái cứng lòng.
Phúc Âm kể lại khi Chúa Giêsu về Nadarét quê hương của Người, và giảng tại hội đường. Dân chúng rất thích. Nhưng lúc Người nói: “Không một tiên tri nào được chấp nhận tại quê hương mình” (...) thì mọi người trong hội đường đều phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành, thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi” (Lc 4,16-28).
Tự ái, cứng lòng, chuyện đó cũng hay xảy ra trong nhiều cộng đoàn công giáo, kể cả nơi những người có địa vị. Biết đâu trong đó cũng có tôi.
Ba nét trên đây thực là nguy hiểm. Nhìn ba nét đó, tôi thấy tình hình đạo tại Việt Nam hôm nay đáng phải báo động.
Để có thể tránh được phần nào những khó khăn và khốn khổ sắp xảy tới do tội gây nên, thiết tưởng mọi người chúng ta phải tha thiết lắng nghe Lời Chúa, và phải làm hết mình để thực thi ý Chúa.
Việc quan trọng nhất Chúa muốn thiết tưởng cần cố gắng thực hiện, đó là làm cho đời sống đạo của chúng ta có một nội dung thực sự là chính Chúa. Chứ một đời sống đạo bề ngoài coi như sốt sắng, nhưng trống vắng nội tâm là chính Chúa trong lòng mình, thì sẽ khốn khổ.
Để được thế, thì phải rất khiêm nhường. Khiêm nhường cầu nguyện, khiêm nhường hãm mình. Khiêm nhường làm những việc lành dù rất nhỏ, và tránh mọi sự xấu dù rất nhỏ.
Được như vậy, những khó khăn khốn khổ sẽ được giảm bớt đi. Và chính những khó khăn khốn khổ đó sẽ trở thành dịp tốt, để chúng ta góp phần vào việc cứu mình và cứu các linh hồn.
Theo thiển ý của tôi Phúc Âm hoá đơn sơ là như thế đó.

Xin chân thành chia sẻ và cầu chúc cho nhau phép lành của Chúa.
GM. GB. Bùi Tuần

Thứ Bảy, 7 tháng 6, 2014

KHIÊM NHƯỜNG TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN

Bài chia sẻ của Đức Cha Gioan B. Bùi Tuần
Trong Thánh lễ Tạ Ơn
của Đức Tân Giám Mục Giuse Trần Văn Toản
tại nhà thờ Chánh Toà Long Xuyên, ngày 30.5.2014

KHIÊM NHƯỜNG TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN


1.  Kính thưa anh chị em rất thân mến,
Thú thực là khi nhận lời Đức Cha Giuse Trần Văn Toản xin tôi chia sẻ trong thánh lễ Tạ Ơn này, tôi đã rất ái ngại. Tôi cầu nguyện rất nhiều, xin Chúa thương dạy tôi nên nói gì.
Bằng nhiều cách, Chúa đã dạy tôi: Hãy chuyển đạt cho giáo phận nói chung và cho Tân Giám mục nói riêng tâm sự của Chúa trong chính bài Phúc Âm hôm nay theo Phụng vụ (thứ Sáu sau Chúa Nhật VI Phục Sinh). Đó là một tâm sự thân mật. Cụ thể tâm sự đó là thế này: Thời gian sắp tới, sẽ có nhiều đau khổ đợi chờ các con. Nhưng cũng có niềm vui chờ đón các con.
2. Về đau khổ, Chúa nói 6 lần. Về niềm vui, Chúa nói 5 lần. Đau khổ thì xảy ra trước. Còn niềm vui thì tới sau.
Nhìn qua tình hình, tôi thấy tâm sự của Chúa là một đồng hành rất cần cho chúng ta.
3. Trước hết, Chúa báo cho biết: Chúng ta sẽ gặp nhiều đau khổ. Để giúp tôi hiểu về những đau khổ, mà các môn đệ Chúa phải chịu, Chúa gọi tôi hãy nhìn Chúa chịu đóng đinh trên thánh giá, và cũng hãy nhìn Đức Mẹ sầu bi với trái tim tan nát đứng dưới chân thánh giá. Nhìn Chúa Giêsu và Đức Mẹ chịu đau khổ như thế, tôi hiểu là: Những Đấng cực thánh mà còn phải đau đớn như vậy. Phương chi chúng ta là những kẻ có tội.
4. Ngoài sự chúng ta sẽ phải đau khổ như mọi đồng bào ta về những biến động gay gắt của cuộc sống, chúng ta còn phải chịu đau khổ thêm, do tinh thần sám hối đền tội, mà Chúa đòi hỏi để chúng ta góp phần vào việc Chúa cứu chuộc. Do vậy, những đau khổ chúng ta chịu sẽ có giá trị thiêng liêng.
5. Nhưng để được thế, chúng ta rất cần đến ơn Chúa. Ơn Chúa sẽ ban cho những ai khiêm nhường trong tỉnh thức và cầu nguyện, như Chúa đã nói với các môn đệ nhiều lần.
6. Cũng với ơn Chúa, những ai khiêm nhường trong tỉnh thức và cầu nguyện sẽ đón nhận được niềm vui, mà Chúa hứa ban. Niềm vui đó là vô tận. Chúa báo trước cho biết như vậy.
Trong tâm sự hôm nay, Chúa nói là niềm vui sẽ ban cho. Sẽ ban cho nghĩa là do Chúa ban cho. Ở đây đức tin đóng vai trò quan trọng.
7. Càng suy gẫm tâm sự của Chúa gởi chúng ta hôm nay, tôi càng thấy rõ sự cần thiết phải rất khiêm nhường trong tỉnh thức và cầu nguyện, để biết chịu đau khổ đúng ý Chúa, và đón niềm vui đúng ý Chúa.
8. Phúc Âm cho thấy: Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã phong chức thánh giám mục cho 12 tông đồ. Nhưng vừa sau đó, Chúa đã để cho các ngài cảm thấy thấm thía các ngài chẳng có gì để tự hào cả. Mà trái lại phải rất khiêm nhường. Bởi vì Giuđa đã bị quỷ nhập, đi bán Chúa, thánh Phêrô thì chối Chúa, các tông đồ khác thì bỏ Chúa mà trốn chạy. Sự việc cho thấy chức thánh không làm cho con người khỏi yếu đuối và vấp ngã. Các ngài vẫn phải khiêm tốn phấn đấu và khiêm nhường đón nhận ơn Chúa cứu độ từng giờ từng phút.
9. Lịch sử Hội Thánh cũng cho thấy: Khi thử thách ập tới, nhiều giáo phận, nhất là bên Trung Đông và Châu Phi, đã biến mất. Nhiều Toà Giám mục nay chỉ còn tên trong lịch sử mà thôi. Sự việc đó chứng tỏ rằng: Đừng bao giờ nên tự phụ, tự đắc, tự hào là mình sẽ luôn mãi tồn tại trong đức tin, do ý chí kiên quyết của mình.
10. Tình hình sắp tới có nhiều thử thách đối với đức tin. Nên, nhân danh Chúa, tôi xin phép được khuyên anh chị em:
Hãy khiêm nhường, sống nghèo và mau mắn vâng phục ý Chúa, như Đức Mẹ Maria.
Hãy khiêm nhường, sống nghèo, dấn thân và chôn vùi mình, như thánh Giuse.
Hãy khiêm nhường thống hối và nhiệt thành, như thánh tông đồ Phêrô.
Hãy khiêm nhường và sống yêu thương đến cùng, như Chúa Giêsu đã dạy và đã làm gương.
Sống như vậy đòi nhiều phấn đấu. Đó là những dấu chỉ sống động giúp các môn đệ Chúa tại Việt Nam hôm nay làm chứng những đau khổ nào có giá trị thiêng liêng, và những niềm vui nào dẫn tới hạnh phúc thực.
11. Hơn bao giờ hết, hôm nay tôi nhìn lên tượng Đức Mẹ cuối nhà thờ Long Xuyên. Mẹ đang đứng đón các con Mẹ ở cửa nhà thờ, tôi tin là Đức Mẹ cũng đang chờ đón mọi người. Hãy khiêm tốn tin vào Mẹ. Hãy khiêm tốn cầu xin với Mẹ.

Cùng với Mẹ, chúng ta khiêm nhường dâng mình cho Chúa và cảm tạ Chúa về biết bao việc lạ lùng Chúa đã làm và đang làm cho Đức Tân Giám mục, cho chúng ta, cho Quê Hương Việt Nam chúng ta và cho Hội Thánh chúng ta. Amen.

Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

LÀM CHỨNG CHO CHÚA BẰNG TRÁI TIM THEO GƯƠNG CHÚA

LÀM CHỨNG CHO CHÚA 
BẰNG TRÁI TIM THEO GƯƠNG CHÚA



1. Từ khá lâu rồi, tôi đau yếu mệt mỏi. Không đủ sức theo dõi một bài giảng dài. Không đủ sức tham dự một thánh lễ lâu. Không đủ sức đọc một bài lý luận trừu tượng. Không đủ sức nghe một nội dung điện thoại gây căng thẳng.
Chính trong tình trạng ấy, tôi đã được Chúa đến thăm tôi. Chúa đến với tôi qua những người có trái tim giống như trái tim của Người.
2. Thực vậy, có những người đến với tôi, mà tôi cảm nhận được ngay họ đang theo gương Chúa Giêsu, quỳ xuống rửa các vết nhơ của linh hồn tôi.
Phúc Âm kể: “Chúa Giêsu cởi áo ngoài ra, lấy khăn mà thắt lưng. Rồi đổ nước vào chậu, quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13,4-5).
Tôi cũng cảm thấy tương tự như thế đối với một số người đến với tôi. Họ bỏ lại những gì là quyền chức giàu sang của họ. Họ đổ nước tình yêu vào giờ phút gặp gỡ, rồi rửa, rồi lau những gì là tội lỗi và mặc cảm trong tôi. Họ tế nhị xin tôi để cho họ rửa, như một dấu chỉ của tình nghĩa thân thương.
Qua gặp gỡ đó, tôi cảm nhận được trái tim Chúa Giêsu là trái tim đầy yêu thương khiêm nhường.
3. Rồi, có những người đến với tôi, mà tự nhiên tôi cảm nhận được ngay, họ đang theo gương Chúa Giêsu, tự nguyện chịu đóng đinh mình trên thập giá, dùng đau khổ của mình để cùng với Chúa Giêsu mà cứu chuộc tôi.
Đau khổ của họ là rất lớn. Nhưng họ vâng chịu. Đôi khi họ nói ra sự đau đớn đó, cũng là để tôi hiểu đau đớn đó là kinh khủng, sức tự nhiên không chịu nổi. Nhưng nhờ ơn Chúa, họ vâng chịu, chỉ để cùng với Chúa Giêsu, mà cứu tôi, và nâng đỡ tôi. Và cũng là để tôi hiểu cái giá để cứu các linh hồn chính là thánh giá.
4. Qua những gì Chúa đã cho tôi trải qua như trên, tôi được Chúa dạy tôi bài học quý báu về mục vụ cho Việt Nam hôm nay, nhất là cho chính lúc này. Mục vụ đó là làm chứng cho Chúa bằng trái tim yêu thương khiêm nhường.
5. Được sống cạnh một số người thực sự mến thánh giá Chúa, tôi thấy sức mạnh của tình yêu Chúa Giêsu đã cứu chuộc chúng ta không phải là ở sự Chúa nâng cao mình lên, nhưng là ở sự Chúa hạ mình xuống, như tự chôn vùi mình.
Dung mạo Chúa là yêu thương khiêm nhường. Tôi gặp được dung mạo ấy trong đời thường, nơi biết bao người xung quanh tôi.
6. Yêu thương khiêm nhường đặc biệt là ở sự biết vâng phục Chúa trong Hội Thánh của Người. Hơn bao giờ hết, tôi thấy những lời thánh Phaolô viết sau đây về sự khiêm nhường phải đi đôi với sự vâng phục đang là một lời khuyên rất cần cho tôi và cho mọi người chúng ta:
“Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng Người hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên người phàm nhân, sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá” (Pl 2,6-8).
Vâng phục trong Hội Thánh của Chúa, đó là một dấu chỉ làm chứng cho Chúa một cách đích thực.
7. Mấy ngày nay, tôi nhận được khá nhiều thiệp gởi báo tin những lễ tạ ơn của các tân linh mục. Các thiệp ấy đều có nhiều chữ ký. Riêng tôi, tôi tìm chữ ký của Chúa. Đang khi tôi tìm, thì Chúa dạy tôi là chữ ký của Chúa được tìm thấy nơi chính các tân linh mục. Chữ ký đó luôn giấu kín qua đời sống yêu thương khiêm nhường vâng phục của các tân linh mục. Nếu không có chữ ký đó của Chúa, thì cuộc đời gọi là dâng hiến sẽ chẳng có ý nghĩa gì.
8. Tôi coi sự vâng phục là một cách tôi phó thác đời tôi cho Chúa. “Không phải con, nhưng là chính Cha sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đi” (Ga 21,18). Tôi thấy vâng phục trong yêu thương khiêm nhường là một ách nhẹ nhàng, Chúa ban cho tôi (x. Mt 11,30).
Nhờ kinh nghiệm đó, tôi thấy tôi phải chia sẻ mục vụ của trái tim cho tất cả anh chị em trong Chúa Giêsu. Mục vụ của trái tim là mục vụ dễ hiểu và dễ được đón nhận trong tình hình hiện nay.
Xin hết lòng cảm tạ Trái Tim Chúa Giêsu đầy yêu thương, khiêm nhường và vâng phục.

ĐGM. JB. Bùi Tuần
Long Xuyên, ngày 01 tháng 6 năm 2014.