Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

NIỀM VUI CỦA TÔI HÔM NAY

NIỀM VUI CỦA TÔI HÔM NAY

1.
Nhiều lúc, tôi cảm thấy mình như tụt dốc trầm trọng. Đau đớn, mỏi mệt, chán nản, buồn lo, sợ hãi, tất cả như những đợt sóng thay nhau đổ vào hồn tôi.
Tôi phải phấn đấu với chính mình để đi nốt quãng đời còn lại. Tôi cầu nguyện không ngừng. Tôi vững tin vào lời Chúa hứa: “Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).
2.
Lời Chúa không sai. Chúa đã bồi dưỡng cho tôi và cho tôi được nghỉ ngơi, bằng cách Người ban cho tôi được một niềm vui thiêng liêng. Niềm vui đó là được gặp Chúa những khi nhận được và những khi cho đi các việc từ thiện. Niềm vui này rút ra từ Phúc Âm, trong đoạn Chúa nói về ngày phán xét chung.
Ngày ấy, Chúa sẽ nói với những người được xếp bên hữu Chúa những lời sau đây: “Nào, những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các con ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các con đã cho ăn. Ta khát, các con đã cho uống. Ta là khách lạ, các con đã tiếp rước. Ta trần truồng, các con đã cho mặc. Ta đau yếu, các con đã thăm nom. Ta ngồi tù, các con đã đến thăm. Bấy giờ, những người công chính sẽ thưa rằng: Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống, có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước, hoặc trần truồng mà cho mặc. Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu. Để đáp lại, Chúa sẽ bảo họ rằng: Ta bảo thật các con, mỗi lần các con làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta, là các con đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,34-40).
3.
Với niềm tin vào Lời Chúa trên đây, tôi nhìn tất cả những ai đã làm cho tôi bất cứ việc từ thiện nào đều sẽ được Chúa xót thương. Họ sẽ được gặp Chúa. Họ sẽ được Chúa yêu thương, đời sau và ngay cả ở đời này.
Họ được Chúa yêu thương, đó là một niềm vui lớn lao tôi được cảm nhận rất rõ. Cảm nhận đó càng rất an ủi tôi, khi tôi thấy có những người đã sống từ thiện một cách âm thầm, tế nhị, như lời Chúa dạy: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời ban thưởng. Vậy, khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được thưởng công rồi. Còn anh em, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh em bố thí được kín đáo. Và Cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh em” (Mt 6,1-4).
4.
Số người bố thí cho tôi một cách tế nhị, kín đáo, như Chúa dạy trên đây, không phải là ít. Họ thuộc đủ mọi thành phần, trong Công giáo và ngoài Công giáo. Tôi thấy Chúa trong họ. Điều đó đem lại cho tôi niềm vui thiêng liêng, giúp cho cuộc sống của tôi được triển nở. Tôi xin hết lòng cảm tạ Chúa. Đó là niềm vui, khi nhận được các việc từ thiện.
5.
Còn khi cho đi các việc từ thiện thì sao? Thưa, trong hoàn cảnh già nua, bệnh tật, bị giới hạn bởi những yếu đuối và tội lỗi, tôi vẫn cố gắng cho đi những việc từ thiện. Nhỏ bé thôi, bằng nhiều cách. Dầu vậy, tôi vẫn gặp được Chúa. Đó là niềm vui thực sự sâu thẳm, Chúa ban cho tôi.
6.
Tôi có cảm tưởng là Chúa đợi tôi nơi những người già nua, bệnh tật, nghèo túng, khổ đau. Họ là những địa chỉ có Chúa đợi chờ. Tất nhiên, nhà thờ vẫn là một địa chỉ của Chúa. Nhưng địa chỉ đó không miễn trừ cho tôi khỏi tìm đến địa chỉ những người đau khổ.
7.
Xưa, trong đêm Chúa giáng sinh, các thiên thần đã báo tin mừng cho các mục đồng đang chăn chiên. Các thiên thần đã bảo họ đến tìm Đấng Cứu Thế mới giáng sinh ở một địa chỉ rất nghèo, đó là một hang bò lừa giữa cánh động lạnh lẽo. Tương tự cũng vậy, đôi lúc tôi cũng được thôi thúc trong lòng hãy đi tìm Chúa ở những địa chỉ nghèo khổ. Tôi đã vâng, và tôi đã gặp được Chúa ở những địa chỉ đó. Tại những địa chỉ đó, Chúa đã dạy tôi là hãy bắt chước Chúa, mà chia sẻ thân phận những người nghèo khó, bệnh tật, già yếu, khổ đau. Chúa sẽ như một tình yêu trao tặng nhưng không, mà không tìm được đền đáp. Tôi vâng làm như vậy. Và tôi cảm thấy rất vui, một niềm vui mênh mông sâu thẳm dạt dào.
8.
Những gì tôi chia sẻ trên đây không phải chỉ thuộc riêng tôi. Tôi tin chắc nhiều người tại Việt Nam hôm nay cũng đã và đang cảm thấy niềm vui được gặp Chúa, những khi nhận được và những khi cho đi các việc từ thiện một cách khiêm nhường, tế nhị, cho dù kín đáo.
Tôi nói là rất nhiều người tại Việt Nam hôm nay đang được Chúa ban cho niềm vui cao quý ấy. Tôi xác tín là họ, dù trong đạo hay ngoài đạo, sẽ là những người cộng tác với Chúa để đưa dân tộc Việt Nam đến bình an và hạnh phúc thật.
Tình hình đang diễn biến phức tạp, có thể là nguy hiểm. Vì thế, bênh cạnh những biện pháp về an ninh, ngoại giao, kinh tế, văn hoá và các biện pháp thuộc sức tự nhiên, tôi nghĩ là chúng ta không nên quên tựa nương vào sức thiêng liêng của Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Chỉ có tình yêu mới cứu được chúng ta.
9.
Đức Thánh Cha Phanxicô mới phát biểu dịp lễ Giáng sinh năm nay, 2014. : “Quá nhiều nước mắt đã rơi trong lễ Giáng sinh”. Ngài có ý nói về những khổ đau gây nên tại nhiều nước do hận thù, ngay trong chính lễ Giáng sinh, Thánh lễ nhiều, nhưng thiếu tình yêu thương với nhau, thì còn gì là bình an cho người thiện tâm. Cái tâm thiếu yêu thương là cái tâm không thiện. Cái tâm không thiện thì không đem lại bình an, thậm chí cũng không thể đón nhận được bình an. Do đó, niềm vui đích thực phải khởi đi từ việc từ thiện, theo lời Chúa và theo gương Chúa.
Nếu đất nước và con người có phát triển về của cải để hưởng thụ, mà không phát triển về cái tâm hướng về yêu thương lo từ thiện, thì hòa bình sẽ rất mong manh, hạnh phúc sẽ rất giới hạn.
Vì thế, niềm vui của tôi được Chúa ban cho là một mời gọi tôi đến trách nhiệm phải đào tạo cái tâm, theo mô hình trái tim Đức mẹ Maria.
Lạy Mẹ, xin Mẹ thương xót con.
Gm. GB. Bùi Tuần
Long Xuyên ngày 27-12-2014

Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

NGOẠI KIỀU và LỮ KHÁCH

NGOẠI KIỀU và LỮ KHÁCH

1.
Tôi ở Long Xuyên, trong Tòa Giám Mục, đã hơn 40 năm rồi. Nhưng khi về già, nhiều lúc tôi cảm thấy rất thấm thía một lời Kinh Thánh nói về thân phận con người sống đức tin. Lời đó là: “Tôi xưng mình là ngoại kiều và là lữ khách trên mặt đất này” (Dt 11,13).
2.
Tôi cảm thấy mình là ngoại kiều và là lữ khách trên mặt đất. Vì tôi, cũng như ông Apraham, vâng lời Chúa mà ra đi, đến một nơi sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, đó là thiên đàng. Nhưng hiện giờ tôi chưa tới đó. Nên tôi sống trên mặt đất này, nhìn về đó, như một ngoại kiều và lữ khách trên đường còn dài.
Với kiểu nói như trên, tôi xác tín rằng: Theo đức tin, một đàng tôi phải dấn thân cho Quê Hương tôi trên trái đất này, nhưng một đàng, tôi vẫn phải hướng về Quê Hương trên trời là đích điểm sau cùng của đời tôi. Vì thế, tôi phải biết sống trên trái đất này, như một ngoại kiều và như một lữ khách hướng về Quê Hương Chúa hứa.
3.
Ngoài ra, tôi còn cảm thấy mình là ngoại kiều và là lữ khách theo một phương diện khác. Đó là, mặc dầu tôi chỉ ở một chỗ qua bằng ấy năm, nhưng cuộc sống luôn chuyển biến. Nhà cửa thay đổi, nhân sự thay đổi, các liên hệ thay đổi, thời tiết thay đổi. Trong dòng đời có vô vàn thay đổi, còn tôi thì muốn ổn định, nên có lúc tôi không tránh được cảm nghĩ mình là ngoại kiều và là lữ khách ngay tại chính nơi tôi đang sống.
Cảm nghĩ đó sinh ra trong tôi một sự bất an nào đó, một sự cô đơn nào đó.
4.
Từ những kinh nghiệm riêng tư vừa kể, tôi nghĩ tới tương lai của giáo phận nói chung và của từng cộng đoàn nói riêng.
Tình hình cho phép tôi nghĩ rằng: Nhiều bất ổn sẽ xảy ra khắp nơi. Có chỗ hiện giờ bầu khí đạo coi như sốt sắng, nhưng rồi sẽ ra nguội lạnh. Có chỗ hiện giờ số người công giáo là đa số nhiệt tình, nhưng rồi ở đó đa số sẽ lại là người ngoài công giáo. Rất có thể chính nơi thờ phượng hôm nay sẽ có ngày không còn là nơi thờ phượng nữa, hoặc sẽ trở thành hoang vu.
5.
Khi những bất ổn như thế xảy ra, mỗi cộng đoàn công giáo và từng người công giáo sẽ cảm thấy mình như là ngoại kiều và như là lữ khách ngay trên chỗ ở của mình.
6.
Lúc đó, phải sống đức tin thế nào đây? Thưa, phải cởi mở.
Thiên Chúa không phải là Đấng chúng ta có thể đóng kín trong một giáo lý, trong một cơ chế, trong một nhà thờ. Nhưng Thiên Chúa là Đấng chúng ta có thể gặp Người, lúc và nơi mà chúng ta không chờ đợi. Người đến một cách bất ngờ. Người là Đấng tạo dựng những gì mà con người không hề dám hy vọng.
7.
Tôi nghĩ là: Xưa Do Thái đã xây tháp Babel, biểu tượng cho ý chí muốn ổn định tại nơi đó. Nhưng Chúa đã phá ý định ấy. Nay, nhiều khi chúng ta cũng bắt chước họ, xây dựng những công trình và cơ chế có tính ổn định, để sống khép kín đức tin trong đó. Nhưng rồi Chúa lại đến phá vỡ những tháp Babel ấy.
8.
Chúa Giêsu thành Nagirét xưa đã không đóng kín mình trong một ngôi nhà. Người nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ. Nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58). Các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu cũng đã sống như vậy.
9.
Thánh Phêrô khuyên giáo dân: “Anh em thân mến, anh em là khách lạ và là lữ khách, tôi khuyên anh em hãy tránh xa những đam mê xác thịt, vốn gây chiến với linh hồn. Anh em hãy ăn ở ngay lành giữa dân ngoại, để ngay cả khi bị người ta vu khống, coi anh em như là người gian ác, người ta cũng thấy các việc anh em làm mà tôn vinh Thiên Chúa, trong ngày Người đến viếng thăm” (1 Pr 1,11-12).
Bằng những lời trên đây, thánh Phêrô muốn chúng ta cứ hãy sống giữa những người không công giáo, như những chứng nhân về đời sống đạo đức, nhất là về nhân bản.
10.
Hiện giờ, Chúa Thánh Thần đang mở ra một kỷ nguyên mới về truyền giáo, đó là kẻ nghèo loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo. Thánh Phanxicô Assisi đã làm như thế. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng hô hào làm như vậy. Nghĩa là: Người truyền giáo hãy sống khó nghèo, ưu tiên lo cho những người nghèo.
Nếu thế, thì chúng ta nên nhìn tương lai với đôi mắt đức tin của người không quá lệ thuộc vào những ổn định của cơ chế, và thói quen, nhưng hãy luôn luôn là kẻ lên đường hướng về trung tâm là Chúa.
11.
Không ai trong chúng ta dám nói là mình không cần đến cơ chế tôn giáo. Nhưng chúng ta phải biết nhìn cơ chế mở ra về các biến cố, nhất là các biến cố bất ngờ. Chính Chúa là Đấng sẽ “làm nên mọi sự nên mới” (Kh 21,5).
Với những suy nghĩ trên đây, tôi bước sang Năm Mới, như một người lên đường, sẵn sàng cho những bất ngờ. Tôi sống như lữ khách và ngoại kiều hướng về Tương Lai Trời mới Đất mới do Chúa làm chủ.


GM. Gioan B. Bùi Tuần
Long Xuyên, ngày 8.12.2014.

Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

NHỮNG BẤT ỔN VÀ NHỮNG BẤT NGỜ

NHỮNG BẤT ỔN VÀ NHỮNG BẤT NGỜ

1. Từ ít lâu nay, mỗi tối, khi lên giường ngủ, tôi lại tự nghĩ: không biết sáng mai mình còn thức dậy không? Tôi đã nghĩ như vậy, là vì sức khỏe của tôi rất bất ổn, cho nên mọi thứ bất ngờ thuộc về sự chết đều có thể xảy ra cho tôi. Tôi không bi quan, nhưng tôi chuẩn bị cho những bất ngờ một cách bĩnh tĩnh bằng đức tin.
Kinh nghiệm sống động trên đây của bản thân giúp tôi nhìn lịch sử một cách tỉnh thức hơn

2. Ở đâu,cuộc sống con người có những bất ổn nặng nề kéo dài về nhiều mặt, do đó lòng người cũng bất an dưới nhiều hình thức và nhiều mức độ, thì những bất ngờ sẽ xảy ra. Thường những bất ngờ đó sẽ gây nên tang tóc. Đó là về mặt xã hội.

3. Ở đâu, cuộc sống có vẻ ổn định theo cái nhìn của nhiều người, nhưng trước mặt Chúa lại là rất bất ổn, do tội lỗi lộng hành, thì những bất ngờ sẽ xảy ra. Những bất ngờ đó thường là những sụp đổ, những tàn phá, như những hình phạt, gây nên đau đớn kinh hoàng. Chúa đã báo trước, nhưng người ta không tin. Nên kết quả sẽ rất thảm hại.

4. Ở đây, suy nghĩ của tôi xin được giới hạn trong lĩnh vực đức tin.
Về những hình phạt khủng khiếp sẽ xảy ra bất ngờ ngay tại đời này cho những người theo đạo Chúa, thì tôi thường suy gẫm hai đoạn Phúc âm sau đây.
5. Đoạn Phúc âm thứ nhất là của Thánh Luca:
Khi đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, Ðức Giêsu khóc thương mà nói: "Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! "Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được.  Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm". (Lc 19, 41-44)

6. Đoạn Phúc âm thứ hai là của Thánh Matthêu:
"Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Ðã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. (38) Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang mặc cho các ngươi. (39) Thật vậy, Ta nói cho các ngươi hay, từ nay các ngươi sẽ không thấy Ta nữa, cho đến khi các ngươi nói:
Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Ðức Chúa!" (Mt 23, 37-39)
7. Trong cả hai đoạn Phúc âm trên đây, Chúa Giêsu đều nói đến hình phạt nặng nề sẽ xảy ra cho Giêrusalem ngay ở đời này, vì tội thành này đã phạm tới các tiên tri, phạm đến chính Chúa Giêsu và không biết đón nhận ơn Chúa.
Nghĩa là những bất ổn do tội lỗi trước mặt Chúa đã xảy ra trước. Sau đó sẽ là những hình phạt đổ xuống bất ngờ một cách khủng khiếp.
8. Những gì Chúa Giêsu đã nói về thành Giêrusalem đều đã xảy ra. Từ đó, tôi nghĩ về Hội Thánh tại Việt Nam nói chung và từng giáo phận, giáo xứ tại Việt Nam nói riêng.
Tôi thấy tình hình bất ổn do tội lỗi đang là một sự thực hiển nhiên ở nhiều nơi. Cũng có những ổn định, nhưng là ổn định giả tạo. Có những trấn an: “ mọi sự đều tốt đẹp, không sao đâu”. Nhưng đó là những trấn an ru ngủ trên những thành công giả tạo, mà trong Phúc âm, Chúa đã khẳng định: “chúng bay đã được thưởng công rồi” (Mt 6, 2.5.16), hoặc: “ Ta không biết các ngươi” (Ga 7,23).

9. Nếu phải nêu lên những gì đang gây nên bất ổn nguy hiểm trong Hội Thánh, làm nên tội lỗi, thì tôi xin được nêu lên hai ý kiến sau đây.

10. Ý kiến thứ nhất là của Đức Hồng Y Roger Etchegary. Theo ngài, thì có ba bất ổn lớn hiện nay, đó là ba ưu tiên xấu sau đây trong Hội Thánh:
Ham tiền bạc,
Ham thành công,
Ham thỏa hiệp với các vị thần có quyền lực và giàu có.
                (Xem L’homme, à quel prix. 2012)

11. Ý kiến thứ hai là của Đức Cha Michel Dubost. Ngài dựa trên Công đồng Vatican II. Theo ngài, thì có hai bất ổn rất lớn trong Hội Thánh hiện nay.
Một là thiếu thiện chí và thiếu khả năng chia sẻ trong tình liên đới những gì đang xảy ra trong lòng những người nghèo khổ, cùng với niềm vui và hy vọng của họ.
Hai là thiếu sự cố gắng đổi mới trái tim con người là nơi không những xảy ra những buồn vui và hy vọng, mà cũng có những dấu vết của tiếng Chúa gọi. ( Xem Une foi qui agit. 2013)

12. Chỉ dựa vào những ý kiến có thế giá trên đây mà thôi, để nhìn vào Hội Thánh Việt Nam hiện giờ, tôi cũng thấy tình hình đó đây rõ ràng là bất ổn. Những bất ổn đó đang làm biến chất đạo Chúa. Biến chất càng trở thành trầm trọng, khi thấy các phong trào xấu đang mạnh lên, tràn vào Hội Thánh, như phong trào tục hóa, phong trào hưởng thụ, phong trào tự do quá trớn, phong trào phản kháng cực đoan,vv.
Vậy, nếu những bất ổn hiện nay trong Hội Thánh Việt Nam đang trở nên nặng nề  và nguy hiểm, không dừng lại được, thì sẽ có những bất ngờ xảy ra. Tôi nghĩ tới những biến cố đớn đau.

13. Hình như biến cố đớn đau đã bát đầu rồi, đó là sự cứng lòng và mù quáng đang xảy ra nơi nhiều người, kể cả nơi một số người có trách nhiệm trong Hội Thánh Việt Nam lúc này. Đó chỉ là khởi đầu. Vì thế, mà tôi lo sợ.

14. Tuy tôi lo sợ, nhưng vẫn tin tưởng vững vàng ở Chúa. Chúa hứa: “ Cha sẽ ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Tôi xin làm chứng về điều hứa trên đây của Chúa Giêsu. Tôi thực sự được Chúa ở với tôi mọi ngày, mọi giờ, mọi phút. Tôi được Chúa chia sẻ, được Chúa cứu, được Chúa yêu thương, được Chúa đỡ nâng dắt dìu trong mọi hoàn cảnh. Tôi xin hết lòng cảm tạ Chúa. Cảm tạ của tôi ở trong sự khiêm nhường dấn thân của Đức Mẹ. Cảm tạ của tôi ở trong sự tỉnh thức sâu thẳm của Thánh Giuse.
Lạy Chúa, bất ngờ lớn nhất đối với con là tình yêu thương xót Chúa.

                                           
GM. GB. Bùi Tuần
   Long Xuyên 27.11.2014

Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

CHÚA ĐÁNH THỨC TÔI

CHÚA ĐÁNH THỨC TÔI
1.
Càng ngày sức khỏe của tôi càng giảm sút. Sự giảm sút này được tôi cảm nghiệm về mọi mặt một cách sống động. Như một sự đổ vỡ, như một sự tiêu tan, như một sự mất mát. Nếu cứ thế để mình buông trôi, thì sẽ ra sao? Nhưng hạnh phúc cho tôi, vì Chúa ở bên tôi. Chúa cho tôi nhớ lại lời thánh Phaolô xưa: “Dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới” (2 Cr 4,16). Lời kinh thánh trên đây đã đánh thức tôi.
2.
Tôi được thức tỉnh trong hân hoan và hy vọng tràn trề. Chúa đánh thức tôi, để rồi lại giúp tôi sống trong tỉnh thức mà Chúa hướng dẫn.
Hôm nay, tôi xin mạo muội chia sẻ đôi chút về sự con người bên trong của tôi đang được Chúa đổi mới, giữa lúc con người bên ngoài của tôi đang tới chỗ tiêu tan.
3.
Yếu tố căn bản được tôi cảm nghiệm đổi mới rõ nhất, chính là lòng mến Chúa.
Tôi được Chúa đốt lên trong tôi lửa khao khát Chúa.  Tôi khao khát Chúa, như người con bé nhỏ khao khát tình yêu của cha mình. Khao khát Chúa, nên thích ngắm nhìn Chúa, thích nói chuyện với Chúa, thích lắng nghe Chúa. Tỉnh thức trước Chúa trở thành một khao khát lớn.
4.
Do vậy, mà tôi ưa thích dâng lên Chúa lòng cảm tạ. Cảm tạ về mọi ơn hồn xác, nhất là ơn được làm con Chúa. Trong cảm tạ, tôi ý thức rất rõ: tôi nhận được mọi ơn do lòng thương xót Chúa. Người đã ban cho tôi nhưng không. Cảm tạ như thế là sống sâu sắc sự khó nghèo. Làm mọi sự với ý muốn làm đẹp lòng Chúa trong phó thác trọn vẹn, mặc dầu tôi biết tôi chẳng là gì, chẳng đáng gì. Tôi xác tín điều này cũng rất đẹp lòng Chúa, đó là sự tôi biết đau những nỗi đau của Đất nước tôi, của Hội thánh tôi. Những nỗi đau đó đã đánh thức tôi. Tôi cũng rất cảm tạ Chúa đã giúp tôi biết lo phân định điều gì là thánh ý Chúa, điều gì là ý riêng hay ý của thần dữ. Trong tình hình hiện nay, biết phân định là một ơn cần thiết.
5.
Một cách cảm tạ, mà Chúa soi sáng cho tôi thực hiện, là  hãy biến đổi chính mình thành của lễ  cho tình yêu Chúa. Hình ảnh của lễ mà Chúa dạy tôi nên nhìn vào, để bắt chước, chính là hình ảnh Đức Mẹ dưới chân Thánh giá Chúa Giêsu. Nơi của lễ đó, tình yêu đã mang sức mạnh lòng thương xót  Chúa có giá trị làm sáng danh Thiên Chúa và có sức cứu các linh hồn.
6.
Khi cảm tạ Chúa bằng cách sống như một của lễ, tôi thấy lòng tôi vừa đi lên vì yêu mến, vừa đi xuống vì vâng phục. Vâng phục là điều rất cần để trở thành của lễ, nhất là trong lĩnh vực phục vụ yêu thương. Về điểm đó, tôi thường phải sám hối vì những thiếu sót và sai phạm. Tôi quan niệm rằng: Phục vụ là phải đáp ứng đúng nhu cầu, bằng đúng việc, đúng cách, đúng lúc. Thế mà nhiều lần tôi đã không đúng. Tôi đau xót vì điều đó.
7.
Khi tôi thấy lòng tôi buồn chán, tôi được Chúa dạy hãy nhìn vào của lễ thiêng liêng gần xa xung quanh tôi. Bao người đang vui được dâng chính mình làm của lễ, hợp với của lễ của Chúa Giêsu trên thánh giá. Tự nhiên tôi nhận được hy vọng ngọt ngào. Tôi hy vọng những của lễ đó đang góp phần làm cho tôi và cho nhiều người được sống lại. Như vậy, tôi hãy vui vì là của lễ, cho dù tôi phải từ bỏ mình.
8.
Thú thực là, khi tình yêu Chúa càng tăng lên, thì đau đớn cũng tăng lên theo.
Đau đớn, mà Đức Mẹ đã cảm thấy, khi được làm của lễ theo Chúa Giêsu, đã được tiên tri Simêon ví như  lưỡi đòng đâm vào trái tim (x. Lc2, 35).
Lưỡi đòng hiện nay thực sự đang đâm vào trái tim các người dâng mình làm của lễ gồm nhiều thứ, đó là những phấn đấu chống lại các tinh thần xấu như:
Tinh thần trần tục hóa đang tàn phá những gì là linh thiêng trong đạo.
Tinh thần hưởng thụ đang phổ biến con đường rộng và cửa rộng, nghịch với Phúc Âm.
Tinh thần kiêu căng đang lôi kéo con người đi xa đức vâng phục và khiêm nhường.
Tinh thần hướng ngoại đang chống phá nội tâm và các giá trị của nó.
Tinh thần ghen tương cục bộ đang quấy rối sự hiệp nhất.
Tinh thần gian dối đang xóa bỏ sự chân thành trong các mối tương quan.
Tinh thần nông nổi đang có những lựa chọn sai lầm làm mất uy tín Hội thánh.
Tinh thần dửng dưng đang làm cho lương tâm nhiều người trở nên chai cứng.
Theo tôi, điều làm cho những người đang là của lễ phải rất đau lòng chính là các phong trào giết người hàng loạt dưới nhiều hình thức đang xảy ra tại nhiều nơi, cả trong đạo lẫn ngoài đời. Giết người hàng loạt nói đây là giết người về đức tin, về đạo đức, về lương tâm.
Lưỡi đòng cũng còn là những thử thách Chúa để cho các người muốn là của lễ đền tội phải chịu. Chúa Giêsu xưa trên thánh giá đã kêu lên: “ Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con” (Mc 15,34). Họ cũng có những lúc phải trải qua những cơn đau ghê gớm, đến nỗi phải thở than như thế. Đau đớn nào cũng là đau đớn.
9.
Được Chúa đánh thức là được một ân huệ Chúa ban. Nhưng con người vẫn có tự do từ chối. Tôi có kinh nghiệm điều đó nơi chính mình và nơi người khác.
Thực vậy, nếu tôi không thực sự nhận mình yếu đuối, cứ tưởng mình luôn trên con đường công chính, thì tôi đâu có nghĩ là tôi cần phải được đánh thức. Tôi tự nhiên thích ngủ yên trong cảm nghĩ an phận. An phận với những hào quang giả. An phận với những hư danh trống rỗng. An phận với những tự sướng phù du. An phận đó cũng có một phần cứng lòng và mù quáng.
Rất may mà Chúa giúp tôi luôn nhìn thấy mình rất yếu đuối và nặng nề, nên tôi rất vui được Chúa đánh thức, để phấn đấu trở về với Chúa trong bình an và phó thác.
10.
Ơn trở về đòi những bắt đầu và bắt đầu lại. Bởi vì con người tôi thực sự rất yếu đuối. Cũng xin nói ngay là những bắt đầu lại thường được thực hiện nhờ những đánh thức mới. Đối với tôi, những đánh thức mới hiện nay nổi nhất là gương hai Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI và Phanxicô.
Hai Đức Giáo Hoàng đáng kính này rất ý thức về trách nhiệm lái con tàu Hội Thánh Chúa trong những khúc ngoặt lịch sử đầy sóng gió. Các ngài nhận biết mình yếu đuối. Nhưng các ngài xin vâng, trong tinh thần đức tin vững mạnh và với lửa đức ái nồng nàn. Sức mạnh nơi các ngài là từ Chúa trong nội tâm khiêm tốn cầu nguyện. Nhờ sức mạnh đó, các ngài đã trở thành người của toàn thế giới, chứ không còn là người của riêng Hội thánh Công giáo. Mỗi ngày tôi theo dõi thời sự của hai Đức Thánh Cha để bắt đầu lại. Kết quả là rất lạc quan, khi tôi chấp nhận phấn đấu với chính mình. Tôi rất cần được nâng đỡ và tha thứ.

Lạy Chúa, con xin hết cảm tạ Chúa vì ơn đã đánh thức con. Xin thương giúp con luôn biết tỉnh thức, để làm bất cứ sự gì Chúa muốn. Lạy Chúa, con hết lòng tin tưởng nơi Chúa.

                                                                              

GM. GB. Bùi Tuần  
Long Xuyên 10.11.2014

Nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam


THOÁNG NHÌN VỀ GIÁO DỤC
TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG


1.
Tình yêu Quê Hương Việt Nam là một sức sống tha thiết mãnh liệt trong tôi. Nó được tôi cảm nghiệm như một chuỗi dài những thao thức, những tỉnh thức và những thổn thức về Quê Hương và cho dân tộc.
Hôm nay, nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam, tôi nhớ về những môi trường lớn đã rèn luyện tình yêu Quê Hương trong tôi
2.
Môi trường gia đình họ hàng, với những bà con gần xa, đã chuyển vào tôi những tình cảm thiêng liêng tha thiết, những kỷ niệm gắn bó như lòng biết ơn, tâm tình trọng kính vâng phục các vị cao tuổi, thói quen chia sẻ và phục vụ tình nghĩa. Tôi yêu thương môi trường đó.
3.
Môi trường thiên nhiên, với những con sông nhất định, những cánh đồng nhất định, những rặng núi nhất định, những bầu trời nhất định, đã như một ngôi nhà, ấp ủ đời tôi, để tôi dàn trải trong đó những kỷ niệm riêng tư. Tôi yêu những môi trường đó.
4.
 Môi trường văn hóa, với nếp sống trung thực cần cù, với những liên đới vừa có lý vừa có tình, với những gì là chân thiện mỹ lành mạnh,đã giúp tôi phấn đấu và phân định. Tôi yêu những môi trường đó.
5.
Môi trường tôn giáo, với những tiếng chuông chùa, nhà thờ, thánh thất, với những tiếng vang của những buổi đọc kinh trong các gia đình. đặc biệt là trong các đám tang, với những miếu thờ to nhỏ rải rác trên các đoạn đường quê, nhất là với những niềm tin, đã cho tôi thấy sự hiện diện của Đấng thiêng liêng giữa lòng dân tộc.
6.
Bốn môi trường trên đây đã đào sâu trong tôi những dòng sức sống thiêng liêng, chi phối trong tôi mọi suy tư, mọi tính toán, tất cả như đều đổ về một ước vọng, đó là bình an cho Quê Hương, hạnh phúc cho dân tộc. Do vậy, môi trường giáo dục cũng là một loại nhà giáo đáng kính yêu.
7.
Yêu thương đòi hỏi phải có trách nhiệm. Trách nhiệm của tình yêu Quê Hương đòi tôi phải sáng suốt. Bởi vì, Quê Hương tôi luôn có những chuyển biến. Có chuyển biến thấy trước được. Có chuyển biến rất bất ngờ. Thí dụ sự phân hóa giàu nghèo có chỗ thấy trước và chấp nhận được, có chỗ quá bất ngờ không chấp nhận được. Vì thế, mà trách nhiệm tỉnh thức là trách nhiệm rất quan trọng.
8.
Tỉnh thức, để thấy được hoàn cảnh mới với những phức tạp mới.
Tỉnh thức, để biết suy nghĩ vấn đề mới bằng những ánh sáng mới, một phần do đức tin, một phần do chuyên môn.
Tỉnh thức, để có những bàn hỏi tốt với những người có khả năng về trình độ, về đạo đức, về kinh nghiệm, về chuyên môn.
Tỉnh thức, để cầu nguyện với Chúa, với tinh thần đức tin và với ánh sáng của Công đồng Vatican, và thư chung Hội đồng Giám mục Việt Nam 1980.
Một thoáng nhớ về tình yêu Quê Hương đang giúp tôi để ý nhiều hơn đến đạo đức, dù trong đời sống cá nhân, dù trong đời sống xã hội. Đạo đức mà tôi để ý nhiều chính là những giá trị thiêng liêng, dưới cái nhìn của Đấng thiêng liêng.
9.
Hiện nay, đạo đức đang xuống dốc, nên tình yêu Quê Hương đòi tôi phải chấn chỉnh đạo đức một cách cụ thể và quyết liệt, ưu tiên ngay nơi chính bản thân tôi.

GM. GB. Bùi Tuần
Long Xuyên, ngày 14 tháng 11 năm 2014

Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

LẮNG NGHE NGƯỜI ĐÃ CHẾT

LẮNG NGHE NGƯỜI ĐÃ CHẾT


1.
Tháng 11, tôi nhớ tới những người đã qua đời một cách đặc biệt. Tôi cầu nguyện cho họ. Tôi cầu xin với họ. Tôi hỏi họ. Tôi lắng nghe họ.
Điều mà mọi người thân của tôi đã qua đời, đều nhắc nhở và nhấn mạnh, đó là hãy luôn phấn đấu thuộc về Chúa, và làm điều Chúa muốn.
Tôi xin đón nhận lời khuyên trên đây một cách hân hoan. Tôi tin những người thân của tôi đang sống ở cõi đời bên kia đã trao cho tôi một kinh nghiệm quý báu. Tôi coi đó là con đường chắc chắn dẫn tôi về bên Chúa, sau khi tôi chết.
2.
Tôi phấn đấu thuộc về Chúa và làm điều Chúa muốn một cách đơn sơ, như Phúc Âm dạy. Tôi nghĩ là sẽ chưa đủ, nếu tôi thiếu sự nâng đỡ của người khác. Vì thế, mà hôm nay tôi xin chia sẻ, với mục đích xin được đỡ nâng.
Trước hết, xin nói về những việc tôi quen làm, để thuộc về Chúa.
3.
Việc đầu tiên và căn bản, chính là việc cầu nguyện.
Cầu nguyện, đối với tôi, là thở. Tôi cầu nguyện luôn luôn, để đón nhận Chúa vào lòng tôi. Tôi cầu nguyện luôn luôn, để sẵn sàng ra đi, bất cứ lúc nào Chúa gọi. Tôi cầu nguyện luôn luôn, để có thể làm tốt bổn phận.
Bổn phận của tôi là làm chứng cho đức tin qua đức ái. Bổn phận đó phải nhận là rất khó. Chỉ với sự cầu nguyện, tôi mới được Chúa giúp thực hiện tốt trong cuộc đời luôn phức tạp.
Cầu nguyện, đối với tôi, cốt ở tấm lòng. Tấm lòng của tôi chủ yếu là yêu mến Chúa. Tôi để ý mến yêu Chúa trong bất cứ lúc nào, và bất cứ làm gì. Tôi cần được Chúa đến với tôi, như lời Chúa hứa: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14,21).
Chúa tỏ mình ra cho tôi, không phải bằng những thị kiến, mà bằng một thứ sức mạnh thiêng liêng, khiến tôi không thể không tin rằng: có Chúa hướng dẫn tôi.
Như vậy, cầu nguyện luôn luôn là một thái độ sống với Chúa, hơn là một việc làm. Thái độ đó ví như thái độ một trẻ thơ đối với người cha, người mẹ. Thái độ như thế lớn lên trong nội tâm.
4.
Do vậy, nội tâm là một điều, tôi được Chúa dạy phải hết sức quan tâm, để thuộc về Chúa.
Sống nội tâm, đối với tôi, đòi phải hồi tâm. Hồi tâm là một bầu khí tĩnh mạc. Tĩnh mạc trong trái tim, trong trí nhớ, trong trí khôn. Tĩnh  mạc cả trong con mắt, trong lỗ tai, trong miệng lưỡi.
Tĩnh mạc nội tâm giúp cho cuộc sống thân mật với Chúa được phát triển. Nhờ vậy, tôi mới hy vọng đem tình yêu Chúa đến cho người khác. Nhất là khi tôi quan niệm đem tình yêu Chúa đến cho người khác chính là một cách biết ơn họ, kính trọng họ và yêu thương họ.
5.
Thêm vào việc cầu nguyện và hồi tâm, tôi còn được Chúa dạy là, ai muốn thuộc về Chúa, sẽ phải chịu đau khổ, hy sinh.
Theo tôi, đau khổ và hy sinh lớn nhất, chính là chu toàn bổn phận của mình với tất cả tình yêu đối với Chúa và đối với mọi người. Muốn được như vậy, tôi phải bỏ ý riêng mình, đó là điều không luôn dễ. Rồi còn phải đem hết tình yêu và trách nhiệm vào mọi việc thuộc bổn phận, từ việc nhỏ đến việc lớn, đó cũng là điều không dễ chút nào.
Mẹ Têrêsa Calcutta luôn nhắc nhở các chị em Dòng của Ngài một ơn, mà Ngài cho là rất quan trọng, đó là: Điều tốt đẹp nhất mà Chúa ban cho chị em chính là sự từ bỏ mình và đời sống dễ dãi muốn gì làm đó, để được sai vào một cuộc sống nghèo, hầu chia sẻ một cách quảng đại với Chúa Giêsu nghèo nơi những người nghèo khổ.
Khi tôi thực hiện sự từ bỏ mình và chấp nhận sự sai đi như thế, tôi thấy mình phải hy sinh rất nhiều, nhưng hy sinh đó đem lại niềm vui sâu xa.
6.
Bây giờ, tôi xin phép nói về sự tôi tìm thực thi thánh ý Chúa.
Không cần phải dựa vào lý luận nào, tôi được Chúa cho xác tín điều này. Thánh ý Chúa, mà Chúa muốn tôi thực hiện trong sự vụ của tôi tại Việt Nam hôm nay là “yêu thương” (x. Ga 13,34). Phúc âm dạy điều đó, lịch sử đợi chờ điều đó.
Thực hiện yêu thương trong hoàn cảnh cụ thể hiện nay của Quê Hương Việt Nam và Hội Thánh trên Quê Hương yêu dấu này là một công việc phức tạp.
Có biết bao người đói ăn.
Có biết bao người đói tình thương.
Có biết bao người đói chân lý.
Có biết bao người đói văn hoá.
Có biết bao người đói đạo đức,
Có biết bao người đói Lời Chúa, vv...
7.
Sẽ là vô tâm, nếu tôi không muốn nghe hay không nghe được những kêu rên từ những cảnh đói khổ đó.
Nhưng sẽ là ác tâm, nếu tôi lại lợi dụng những cảnh đói khổ đó, để tìm tư lợi, hoặc làm cho người nghèo khổ càng nghèo khổ thêm, do thái độ khinh khi của tôi.
Vô tâm và ác tâm, nếu vô tình thì còn dễ tha. Còn nếu cố tình, như một lựa chọn, thì sẽ phá hoại yêu thương một cách tàn nhẫn.
Vô tâm và ác tâm là những gì đã xảy ra cho tôi, do người xa và cả những người gần. Tôi rất đau đớn. Có thể cũng lỗi tại tôi. Đau đớn của tôi giúp tôi hiểu đau đớn của bao người khác. Do vậy, tôi thấy yêu thương là một cuộc chiến đấu, đòi nhiều tha thứ, biết ơn, và tỉnh thức, để những gì mình không muốn người ta làm cho mình, thì đừng bao giờ làm cho kẻ khác.
8.
Nhưng con người luôn yếu đuối. Tôi thấy Chúa thương giúp tôi, bằng lửa của trái tim Người. Lửa đó là lửa mến Chúa yêu người. Do vậy, tôi thấy khủng hoảng lớn hiện nay chính là khủng hoảng về thiếu lửa mến Chúa yêu người.
Những người đã qua đời nhắn nhủ tôi đừng coi thường khủng hoảng đó. Bởi vì không có lửa mến, rất nhiều người sẽ bị đuổi đi, không được vào thiên đàng.
9.
Tới đây, tôi nhận ra điều này: Lắng nghe người đã chết đem lại cho tôi nhiều chân lý sống động cần thiết cho phần rỗi đời đời. Nhờ vậy cuộc sống trên trần gian này sẽ bớt tội lỗi và tăng thêm đạo đức. Nhưng rất nhiều người không muốn lắng nghe người đã chết. Hơn nữa, họ trốn tránh để khỏi nghe. Kết quả là tiếp tục phạm tội, rồi cái gì phải tới sẽ tới, đó là hình phạt ở đời sau. Lúc đó đã quá muộn cho sự trở về.
Lạy Chúa, hôm nay và ngay lúc này con xin trở về với Chúa. Con xin cảm tạ Chúa đã cho con biết lắng nghe những người đã chết. Rồi, con cũng sẽ chết. Nên con xin được trối lại cho mọi người một chút kinh nghiệm của con về con đường con đi về với Chúa.
Lạy Chúa, con xin phó thác linh hồn con trong tay Chúa.

GM. GB. Bùi Tuần
Long Xuyên, 11.2014.

Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2014

MỘT HỘI THÁNH TRONG KÍN ĐÁO

MỘT HỘI THÁNH TRONG KÍN ĐÁO


1.
Được sống lâu  năm trong cảnh âm thầm, tôi dễ nhận ra nhiều ơn Chúa ban cho tôi. Một trong những ơn Chúa ban mà tôi coi là rất trọng, đó là được nhìn thấy rõ hơn một Hội Thánh trong kín đáo.
Một Hội Thánh trong kín đáo gồm những người làm các việc lành một cách kín đáo, và sống mật thiết với Chúa một cách kín đáo. Họ được Chúa yêu thương và khen thưởng. Kín đáo ở đây chính là khiêm nhường.
2.
Trước hết, họ là những người cầu nguyện một cách kín đáo theo lời Chúa dạy: “Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả. Chúng đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ở các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh em, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh em, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh em” (Mt 6,5-6).


3.
Tại Việt Nam hôm nay, những người cầu nguyện một cách kín đáo như lời Chúa dạy, càng ngày càng đông. Chúa cho tôi thấy như vậy. Phần đông họ là những người giản dị, nghèo hèn, bệnh nạn, cô đơn, bị ruồng bỏ. Họ là những người có tên trong sổ Rửa tội. Cũng có nhiều người không có tên thánh, nhưng tin vào Chúa và đã cầu nguyện âm thầm với Chúa. Họ đã được Chúa chấp nhận. Họ đang được Chúa yêu thương. Họ sẽ được Chúa ban phúc đời đời, như lời Chúa hứa.
4.
Cùng với những người cầu nguyện một cách kín đáo, tôi thấy còn có những người ăn chay một cách kín đáo, như lời Chúa dạy: “Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả. Chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được thưởng công rồi. Còn anh em, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh em ăn chay, ngoại trừ Cha của anh em, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh em” (Mt 6,16-17).
5.
Xung quanh tôi, ngay lúc này, những người ăn chay một cách kín đáo như lời Chúa dạy, là một số khá đông. Tôi nhìn thấy rõ sự thật đó. Họ thuộc đủ hạng người, thuộc đủ mọi tín ngưỡng. Ăn chay nơi họ không phải chỉ giới hạn trong lãnh vực ăn uống, mà còn trong nhiều lãnh vực khác, như tự hạn chế trong bất cứ những gì gọi là hưởng thụ, và tìm tư lợi. Tôi thấy Chúa ghi tất cả những thứ ăn chay đó của họ, không sót một việc nào, dù rất nhỏ, dù rất âm thầm kín đáo. Và Chúa ban thưởng cho họ một cách rộng rãi, mặc dù kín đáo.


6.
Còn một loại người đạo đức kín đáo nữa, đó là những người bố thí một cách kín đáo, như lời Chúa dạy: “Khi bố thí, anh em đừng có khua chiêng đánh trống như bọn đạo đức giả hình thường biểu diễn trong hội đường và ngoài đường phố, cốt để người ta khen. Thật, Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh em, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh em bố thí được kín đáo. Và Cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh em” (Mt 6,2-4).
7.
Hạnh phúc cho tôi, khi đã từ lâu, trong âm thầm, tôi được nhìn thấy những người bố thí một cách kín đáo tại quê hương Việt Nam yêu dấu của tôi. Họ không phải là hiếm. Bố thí của họ gồm nhiều việc lành khác nhau, với mục đích phục vụ, vị tha, trao tặng lặng lẽ.
8.
Sống nhiều năm với Hội Thánh kín đáo vừa kể, tôi dần dần khám phá ra vẻ đẹp thiêng liêng của Hội Thánh đó. Vẻ đẹp thiêng liêng, mà tôi gắn bó hơn cả nơi Hội Thánh kín đáo, chính là đời sống thân mật với Cha trên trời, cho dù thân mật một cách kín đáo.
Thực vậy, rất nhiều khi tôi không cầu nguyện, không ăn chay, không bố thí, tôi chỉ sống đơn sơ, trong kỷ luật, làm những việc lành nhỏ dưới cái nhìn của Cha trên trời. Và tôi cảm thấy như thế là rất hạnh phúc. Hạnh phúc kín đáo nhờ đời sống thân mật với Chúa cũng rất kín đáo.
9.
Đặc biệt là sự kín đáo, mà tôi được Chúa dạy hãy chú trọng tập trung, đó là làm tốt việc bổn phận. Việc lớn cũng cố làm tốt, việc nhỏ cũng phải làm tốt.
Bổn phận chính của tôi là bổn phận người môn đệ Chúa. Bổn phận đó tóm tắt vào câu: “Hãy từ bỏ mình, vác thánh giá mình, mà theo Chúa” (Mt 16,24). Tôi cố gắng chu toàn bổn phận đó dưới con mắt của Cha trên trời. Thú thực là sự cố gắng chu toàn bổn phận đó đã được nâng đỡ bởi cái nhìn kín đáo của Cha trên trời.
10.
Ở đây, tôi phải thú nhận điều này, đó là không những Cha trên trời nhìn tôi với lòng thương xót, mà Người cũng còn soi sáng cho nhiều người thương xót tôi. Thực vậy, họ được Chúa sai đến với tôi, một cách kín đáo, để nâng đỡ tôi một cách kín đáo tế nhị, nhất là khi tôi phải phấn đấu gay gắt lâu dài. Ngoài ra, Cha trên trời cũng còn ban nhiều ơn cho tôi qua các việc xảy ra hằng ngày. Tất cả đều một cách kín đáo và tế nhị.
Do đó, những lựa chọn của tôi cũng thường được thực hiện trong lương tâm tôi một cách kín đáo, chịu trách nhiệm trước Chúa, dưới cái nhìn của Cha trên trời, là Đấng thấu suốt mọi sự trong kín đáo.
Tất cả những gì tôi chia sẻ trên đây đều nhằm mục đích cảm tạ và ca ngợi Cha trên trời, về những việc lạ lùng Cha đã và đang thực hiện trong kín đáo nơi các linh hồn một cách nhiệm mầu.
Lạy Chúa, con xin cảm tạ Chúa đã cho biết bao người được sống thân mật với Chúa, được làm con của Chúa, được chia sẻ sự sống của Chúa là tình yêu vô biên, được tham dự vào chương trình cứu độ của Chúa, được hướng dẫn bởi Thần Linh Chúa. Họ kín đáo, nhưng chính ở sự kín đáo đó, mà họ làm chứng cho Chúa một cách hữu hiệu trên Quê Hương Việt Nam yêu dấu của con hôm nay. Xin Chúa thương luôn đánh thức lương tâm con, để con biết chống lại mọi cám dỗ lôi kéo con vào các hình thức phô trương. Lạy Chúa xin thương xót con.


GM. GB. Bùi Tuần 
Long Xuyên, ngày 01.11.2014.

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

MỘT HÌNH ẢNH GIÚP TÔI KHÁM PHÁ

MỘT HÌNH ẢNH GIÚP TÔI KHÁM PHÁ


1.
Từ hơn một ngày nay, tôi được Chúa ban cho một cơ hội đẹp, để tiến tới thêm trên đường làm chứng cho Chúa. Cơ hội đẹp đó là cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng diễn ra ngày 18.10.2014.
2.
Cuộc gặp gỡ này gồm một chuỗi dài những hình ảnh rất đẹp. Đẹp ở những cử chỉ thân thiện, đẹp ở những thái độ niềm nở, đẹp ở những trao đổi thân tình. Cái đẹp nhất, đối với tôi là sự hiện diện của Chúa tình yêu giữa hai phía, và lòng yêu thương của Đức Mẹ Maria được trao tặng đến từng người.
3.
Rõ ràng là Toà Thánh mở ra, cũng rõ ràng là Nhà Nước Việt Nam mở ra. Hai bên cùng mở ra về một chân trời chung là hoà giải. Mở ra đó là một chặng đường dài, không thiếu gian nan trắc trở. Chặng đường đã qua đã có những bước tốt đẹp. Được như hôm nay phải coi là một thành công lớn. Tôi coi đó là một ơn trọng đại Chúa ban.
4.
Khi tôi đang phấn khởi cảm tạ Chúa về ơn trọng đại đó, thì Chúa cho tôi thấy, có một yếu tố có thể sẽ làm chậm lại những bước mở ra, yếu tố đó là Hội Thánh địa phương.
Tôi nghe Chúa nói trong lòng tôi, mà vẫn e ngại. Để giúp tôi có cơ sở suy nghĩ, Chúa giục tôi hãy đọc lại sách Tông đồ Công vụ, trong đó đã ghi những yếu kém của Hội Thánh địa phương hồi đó trong việc hoà giải.
5.
Yếu kém thứ nhất là sự xung đột giữa những quan điểm về vài vấn đề quan trọng.
Sách Tông đồ Công vụ viết:
“Có những người từ miền Giuđa đến dạy anh em rằng: Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Maisen, thì anh em không thế được cứu rỗi...”. (Cv 15,1-15)
Quan điểm bảo thủ trên đây đã bị chống đối mạnh mẽ bởi Phaolô và Banaba. Xung đột nổ ra rất lớn, kéo dài khá lâu, và lan ra khá rộng. Đó là chuyện thời đó.
Thời nay, xung đột giữa những người vẫn trung thành với chủ trương diệt Cộng và những người hoà giải vẫn còn đó đây trong nhiều mức độ khác nhau. Xung đột đó đang làm yếu đi sức mạnh hợp nhất trong việc sống Lời Chúa sau đây để làm chứng cho Chúa: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).
6.
Yếu kém thứ hai là sự cạnh tranh giữa những khối có những quyền lợi và văn hoá khác nhau.
Sách Tông đồ Công vụ viết:
“Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do Thái theo văn hoá Hy Lạp kêu trách những tín hữu Do Thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên” (Cv 6,1).
“Phaolô thường đàm đạo tranh luận với những người Do Thái theo văn hoá Hy Lạp. Nhưng họ tìm cách giết ông” (Cv 9,29).
Như vậy, thời Giáo Hội sơ khai, những khác biệt về văn hoá và về quyền lợi cũng đã làm cho nội bộ Hội Thánh ra yếu, không làm nên được sự hoà giải làm chứng được cho Lời Chúa phán: “Sẽ chỉ có một đoàn chiên, và một mục tử” (Ga 16).
Thời nay cũng vậy. Sự cạnh tranh giữa các gốc có những văn hoá và quyền lợi riêng trong Hội Thánh Việt Nam cũng rất đáng kể. Sự cạnh tranh đó được thực hiện dưới nhiều hình thức, từ tinh vi đến trắng trợn, gây nên chia rẽ. Thế mà có nói lại được coi như đáng khen. Như vậy, lời Chúa Giêsu cầu xin với Chúa Cha trong bữa Tiệc Ly xưa: “Xin Cha cho họ được nên một như chúng ta là một” (Ga 17,22), đã trở nên xa vời.
7.
Yếu kém thứ ba là sự va chạm giữa các nhân vật lãnh đạo.
Sách Tông đồ Công vụ viết:
“Ít ngày sau, ông Phaolô nói với ông Banaba: Ta hãy trở lại thăm các anh em trong mỗi thành chúng ta đã loan báo Lời Chúa, xem họ ra sao”. Ông Banaba muốn đem theo cả ông Gioan cũng gọi là Máccô. Nhưng ông Phaolô thì nghĩ là: một người đã từng bỏ hai ông từ khi ở miền Pam-phy-lia vì đã không cộng tác với hai ông, thì không nên đem theo. Hai bên nổi nóng đến mức phải chia tay nhau” (Cv 15,36-39).
Thời xưa, đã có những va chạm nẩy lửa như thế. Thời nay cũng còn vậy. Giữa các vị lãnh đạo tinh thần với nhau, đến cả các vị chánh với các vị phó, cũng đã có những loại trừ nhau không chút tiếc thương. Thế thì còn gì là sức mạnh nội bộ, để mà xây dựng hoà giải giữa Hội Thánh và các tổ chức ngoài Hội Thánh.
8.
Yếu kém sau cùng là sự các kẻ dâng mình và dâng của cho Chúa hay tính toán, giữ lại phần tư lợi cho riêng mình.
Sách Tông đồ Công vụ viết:
“Có một người tên là Khanania cùng với vợ là Saphina bán một thửa đất. Ông đồng ý với vọ giữ lại một phần tiền, rồi đem phần còn lại đặt dưới chân các tông đồ. Ông Phêrô mới nói: Anh Khanania, sao anh lại để Satan xâm chiếm lòng anh, khiến anh lừa dối Thánh Thần, mà giữ lại một phần giá thửa đất...” (Cv 5,1-4). Kết quả là cả vợ chồng đều bị phạt ngã xuống, chết ngay một cách khủng khiếp (x. Cv 5,5-11).
Thời đó là như thế. Thời nay vẫn có thói quen tính toán, lừa dối, dùng cách bề ngoài dâng mình, dâng của cho Chúa, nhưng thâm tâm lại mưu tìm lợi riêng. Thói quen xấu xa đó có vẻ đang lộng hành đó đây. Mà cứ như thế này, thì còn gì là thánh thiện, để Hội Thánh địa phương rao giảng sự hoà giải với Thiên Chúa.
9.
Thú thực là những chuyện thời xưa như thế và thời nay như vậy đã làm tôi lo ngại. Nhưng, để trấn an tôi, Chúa cho tôi thấy: Chúa đang cứu Hội Thánh Chúa tại Việt Nam. Số người cầu nguyện đang tăng. Số người sám hối cũng đang tăng. Số người làm việc từ thiện bác ái cũng đang tăng. Số người chịu thương chịu khó vì phần rỗi các linh hồn cũng đang tăng.
Tuy nhiên, những người được Chúa chọn sẽ phải hy sinh nhiều hơn. Tôi thấy Đức Mẹ đang quy tụ các con cái của Mẹ, dù họ ở đâu, ở địa vị nào.
Lạy Mẹ Maria, con xin cảm ta Mẹ đã cho con nhìn thấy Mẹ trong biến cố lịch sử vừa qua. Con tin Mẹ là mẹ của mọi người. Con tin mặc dầu Hội thánh Việt Nam sẽ phải trải qua một cuộc thanh luyện đau đớn, nhưng Trái tim Mẹ sẽ thắng, tình yêu của Mẹ sẽ âm thầm che chở, ủi an hết mọi người khiêm tốn chân thành cậy tin ở Mẹ.

GM. GB. Bùi Tuần
Long Xuyên, ngày 20.10.2014.