Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

ĐỨC MẸ VIẾNG THĂM


1.  Mấy ngày nay tôi đau nhiều. Đêm rồi, những cơn đau làm tôi không sao ngủ được. Tôi nghĩ tới lễ Đức Mẹ đi thăm Bà Elisabét (31.5.2014). Tôi lần chuỗi mân côi, và nói với Đức Mẹ: “Mẹ ơi, con đau lắm, đứng lên không được. Xin Mẹ thương con. Mẹ có thể đến thăm con, được không?”. Tôi nói như thế nhiều lần. Rồi lại lần chuỗi.
2. Một lát sau, tôi cảm thấy có một sự gì lạ xảy ra trong tôi. Tôi dần dần như được trầm mình vào một dòng nước thiêng liêng. Dòng nước thiêng liêng ấy rửa tôi khỏi tình trạng lo âu. Tôi cảm thấy tâm hồn được bình an nhẹ nhàng. Tôi thấy mình thực bé nhỏ, hèn mọn, yếu đuối. Đột nhiên, tôi nhớ lời Chúa Giêsu phán xưa: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất, mà không thối đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Với lời đó, Chúa dạy tôi và các môn đệ Chúa hãy là hạt lúa gieo vào lòng đất, để chịu chết đi, thì mới được cùng với Chúa cứu các linh hồn.
3. Khi đề cập đến việc cứu các linh hồn, tự nhiên tôi được một ánh sáng thiêng liêng cho thấy: Hiện nay rất nhiều người đang bị quỷ Satan khống chế, xiềng xích, lôi kéo từ tội nọ sang tội kia. Để sau cùng phải sa xuống hoả ngục. Cứu được chỉ một người ra khỏi quyền lực Satan đã là chuyện không dễ chút nào, phương chi cứu nhiều người. Ngay để cứu chính mình cũng là việc không tự mình làm được. Dứt khoát phải nhờ vào Chúa. Mà, để được Chúa cứu, thì hãy khiêm nhường. Hết sức khiêm nhường.
4. Tôi như thiếp đi. Rồi tỉnh lại. Tôi nhận ra là Đức Mẹ đã đến thăm tôi. Tôi không nhìn thấy Đức Mẹ. Nhưng chính ở sự Đức Mẹ đến một cách kín đáo tế nhị, mà tôi càng mến phục sự khiêm nhường của Đức Mẹ.
Tôi cảm được sự khiêm nhường của Mẹ là một vẻ đẹp và là một hương thơm, dấu chỉ tình yêu cứu độ của Mẹ.
5. Việc Đức Mẹ thăm tôi đã qua rồi. Tôi hết lòng cảm tạ Mẹ. Có hai điều Mẹ để lại trong tôi một cách đặc biệt.
Điều thứ nhất là cảnh nhiều người thời nay bị Satan khống chế.
Chính tôi đã thấy và đang thấy cảnh đó. Thực là ghê gớm. Phúc Âm kể lại một người bị quỷ ám xin Chúa cứu. Chúa hỏi quỷ tên là gì? Nó thưa: Tên tôi là đạo binh. Chúa bắt quỷ phải ra khỏi người đó. Chúng nhập vào đàn heo gần đấy. Đàn heo rất đông từ sườn đồi lao mình xuống vực thẳm (x. Lc 8,26-33). Tôi dám nói là hiện nay các đạo binh quỷ nhập vào một người, một gia đình hay một cộng đoàn cũng đang xảy ra, tuy dưới hình thức nhẹ hơn. Chúng vẫn còn đó. Những người bị ác thần nhập nhiều khi cảm thấy rất khổ, muốn thoát, nhưng không tự mình thoát được. Đức Mẹ dạy tôi là các con của Mẹ hãy sống như hạt lúa gieo vào lòng đất, làm của lễ hy sinh, để cùng với Chúa Giêsu mà cứu họ.
6. Điều thứ hai là sự nhiều môn đệ Chúa thời nay đang dần dần coi thường đức khiêm nhường.
Đúng lý ra, người môn đệ của Chúa phải luôn coi mình là kẻ được Chúa sai đi, vì thế phải quan tâm làm tốt những gì Chúa muốn mình làm vì lợi ích các linh hồn. Sống như thế đòi phải rất khiêm nhường. Nhưng thực tế đang xảy ra khác. Nhiều người môn đệ Chúa lại tự đánh giá mình theo những gì mình biết làm, theo khả năng của mình, như mọi người trong xã hội mình sống, chứ không như Chúa muốn. Do đó, họ coi cạnh tranh uy tín, địa vị là bình thường, coi đấu tranh giành thắng lợi cả trong lãnh vực tôn giáo cũng là chuyện hãnh diện, coi tìm vinh quang cho cá nhân mình cũng là làm cho Chúa.
7. Những điều trên đây được Mẹ nhắc nhủ cho tôi. Tôi nhận biết là đạo đức đang xuống dốc ở ngoài đời cũng như ở trong đạo. Tôi quyết sửa ngay nơi bản thân tôi. Nhưng thú thưc tôi chưa làm đủ, làm đúng như Chúa muốn. Tôi sám hối và cầu xin Mẹ thương thêm sức cho tôi. Đức Mẹ thôi thúc tôi hãy tận dụng thời gian còn lại để cùng với Chúa cứu các linh hồn. Nếu chần chừ, tưởng chừng mọi sự sẽ êm xuôi cả, chẳng có gì xấu sẽ xảy ra đâu, thì ai biết được những bất ngờ có thể xảy ra!
8. Khi tôi đang ngồi viết gần xong bài này, thì tôi nghe còi xe cứu hoả rú. Từ xa rồi gần lại. Tôi mở cửa đi ra, thì thấy xe cứu hoả đang ở sân Toà Giám Mục. Tôi hoảng sợ. Hỏi ra, thì biết dân xung quanh thấy khói đen bốc ra từ một căn phòng khu nhà góc Toà Giám Mục. Họ gọi xe cứu hoả. Đúng là đang có cháy do chập điện. May mà kịp cứu. Tôi nghĩ tới những bất ngờ.
9. Thực sự tôi đang thấy những bất ngờ đau đớn đang xảy ra đó đây trên thế giới, trong khu vực, trên Quê Hương và ngay tại địa phương bé nhỏ này. Bất ngờ này kéo theo bất ngờ khác. Tôi hỏi Đức Mẹ, thì Mẹ cho tôi nhớ lại tất cả những gì Đức Mẹ đã cảnh báo ở Fatima. Sẽ có những cơn đau đớn bất ngờ khủng khiếp xảy ra, nếu người ta không sám hối và khiêm nhường tỉnh thức.
Tôi cầu xin Mẹ thương đến viếng thăm Đất Nước Việt Nam yêu dấu của tôi. Xin Mẹ ban cho tất cả đồng bào tôi được yêu thương nhau, biết bảo vệ và phát triển những giá trị đạo đức thiêng liêng cao quý.
Lạy Mẹ, xin đến cứu con khỏi mọi tội lỗi.
Long Xuyên, ngày 24.5.2014
ĐGM. JB. Bùi Tuần

Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

SÁM HỐI VÀ VỮNG TIN VÀO CHÚA


1. Từ mấy tuần qua, tình hình khắp nơi càng ngày càng đáng lo ngại. Lo ngại cho Đất Nước, cho Hội Thánh, cho cả thế giới, cho chính chúng ta.
2. Như để trả lời, Chúa đưa trí khôn tôi nhớ lại đoạn Phúc Âm sau đây của thánh Luca:
Có mấy người đến kể lại cho Đức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giêsu đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Galilê đó tội lỗi hơn hết mọi người Galilê khác, bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao? Tôi nói cho các ông biết: Không phải thế đâu. Nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.
Cũng như 18 người kia bị tháp Silôa đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết: Không phải thế đâu. Nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy” (Lc 13,1-5).
3. Suy gẫm đoạn Phúc Âm trên đây, tôi hiểu Chúa muốn dạy tôi điều này: Để cứu khỏi những thảm khốc có thể sắp xảy ra cho Quê Hương, cho Hội Thánh, cho thế giới, cho chính chúng ta, những người tin Chúa hãy coi sám hối là việc quan trọng phải thực hiện ngay.
Có nghĩa là: Đấng có thể cứu chúng ta là Chúa. Chúa quyền năng sẽ cứu chúng ta khỏi tội và hậu quả bởi tội gây nên. Để đón nhận ơn cứu độ ấy, chúng ta phải sám hối.
4. Tôi vâng ý Chúa mà sám hối. Để có thể sám hối đúng theo ý Chúa, tôi cầu nguyện với hết lòng tin cậy, khiêm nhường và phó thác.
Chúa dần dần giúp sám hối của tôi không những để ý đến các tội tôi quen phạm, mà còn phải để ý đến những tình trạng nguy hiểm thường dẫn con người vào tội lỗi. Thí dụ ba tình trạng sau đây:
5. Tình trạng thứ nhất là cảnh tối tăm trong tâm hồn. “Ai bước đi trong bóng tối, thì không biết mình đi đâu” (Ga 12,35).
Cảnh tối tăm này không phải là những tính mê nết xấu, mà chính là sự thiếu ánh sáng của Chúa.
Vì thiếu ánh sáng của Chúa, tâm hồn con người sẽ không có định hướng nội tâm, để mình trôi dạt theo tình thế bên ngoài và theo những thúc đẩy bên trong tức thời.
Thiếu ánh áng của Chúa, tâm hồn con người sống vô trật tự, nên đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, mà chẳng bao giờ nhận ra tại sao mình lại rơi vào những hậu quả thảm khốc như thế.
Một đặc điểm nữa của người thiếu ánh sáng của Chúa, là họ xa tránh mọi giải pháp dựa trên Lời Chúa. Họ như không muốn ra khỏi tình trạng tối tăm. Họ ghét ánh sáng Lời Chúa.
6. Tình trạng thứ hai là lối sống giả dối. Giả dối là dấu của quỷ “Quỷ là cha sự gian dối” (Ga 8,44).
Thí dụ như thói quen để tránh nhiệm vụ mình có trách nhiệm, thì lao mình vào những bận rộn không phải nhiệm vụ của mình. Để che đậy sự trống vắng nội tâm, thì hăng say làm những việc bề ngoài ồn ào hoành tráng.
Đạo đức căn cứ vào những hình thức và luật lệ bề ngoài, tự đeo vào mình những hào quang giả. Cố chấp tự coi mình là thánh, xác hồn trắng tinh.
7. Tình trạng thứ ba là làm nô lệ. “Ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội” (Ga 8,34). Thí dụ thích tìm khoái lạc ở những thói quen xấu có tính cách khống chế sự tự do đích thực của mình.
Bị chi phối quá mạnh bởi những thành kiến. Bị sai khiến bởi những dư luận, những phong trào, những khích động, mà không tỉnh táo cân nhắc.
Bị ràng buộc một cách quá đáng vào những chương trình do chính mình đặt ra, và những luật lệ cứng nhắc không luôn cần thiết, mặc dù lợi ích chung đòi phải linh động. Nô lệ sự xét đoán chủ quan của mình.
Bị ám ảnh bởi những kế hoạch có tính cách tìm danh vọng, tiền bạc, địa vị.
Bị căng thẳng bởi những ghen tương, tranh chấp, xung đột, hiếu thắng.
8. Khi rà soát nơi tôi về ba tình trạng nói trên, tôi thấy cần phải có ơn Chúa, mới nhận ra được những cái xấu và những cái nguy hiểm ẩn tàng trong đó.
Và cho dù đã nhận ra rồi, nếu muốn thực tình gớm ghét chúng, và muốn thực tình muốn thoát ra khỏi chúng, tôi càng thấy phải có thực nhiều ơn Chúa.
Bởi vì kinh nghiệm cho thấy: Sự cứng lòng nơi con người là rất lớn, sự yếu đuối và tự ái nơi con người là rất nặng. Tôi nhớ lại những lời than của thánh Phaolô xưa: “Muốn sự thiện, thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi lại cứ làm... Bởi đó, tôi khám phá ra luật này: Khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay... Tôi thật là một người khốn nạn. Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 7,18-25).
9. Tôi tin rằng: Chúa Giêsu sẽ cứu chúng ta khỏi tình hình đầy nguy hiểm hiện nay. Người cứu cách nào? Thưa: Chúa có cách của Chúa. Phần chúng ta, chúng ta phải cộng tác vào ơn Chúa cứu độ, bằng sự chúng ta biết tỉnh thức, cầu nguyện sám hối, và như thế mỗi người chúng ta sẽ trở thành của lễ đền tội, góp phần vào của lễ đền tội mà Chúa Giêsu đã dâng để cứu chuộc nhân loại.
10. Nhưng nếu sự giải cứu ấy cũng sẽ là một cuộc thanh luyện, do đó sẽ xảy ra những biến cố khủng khiếp như Đức Mẹ đã báo ở Fatima, thì chúng ta ngay từ bây giờ, hãy chạy lại với Đức Mẹ, xin Mẹ thương đến chúng ta.
Tại Fatima, Đức Mẹ khuyên con cái Mẹ: “Hãy cải thiện đời sống, hãy tôn sùng Trái Tim Mẹ, hãy năng cầu nguyện chuỗi mân côi”. Chúng ta hãy vâng lời Mẹ, mà trở về với Chúa bằng những việc Mẹ dạy.
Dù trong hoàn cảnh nào, hãy vững tin vào lòng thương xót Chúa, theo gương Đức Mẹ. Với Mẹ, nhờ Mẹ và bên Mẹ, chúng ta tin Chúa sẽ cứu tất cả những ai thiện tâm thiện chí.
Ngay lúc này, tôi nhận ra ơn Chúa cứu tại Đất Nước Việt Nam đã bắt đầu, đó là đồng bào ta đang siết lại gần nhau hơn, thắm thiết yêu thương nhau hơn, trong lý tưởng cao đẹp thiêng liêng là kiên quyết bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam yêu dấu của chúng ta.

  
Long Xuyên, ngày 18 tháng 5 năm 2014.
ĐGM. GB. Bùi Tuần

Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

ĐẠO ĐỨC XUỐNG DỐC

1.
Tôi đang sống một tình trạng xuống dốc thê thảm. Sức khoẻ thể xác xuống dốc toàn diện. Chỗ nào cũng đau. Sức khoẻ tinh thần cũng giảm sút. Tôi cảm thấy mình yếu đuối mệt mỏi. Tôi xin chấp nhận. Nhưng điều tôi sợ nhất là xuống dốc về đạo đức. Tôi tha thiết muốn đạo đức nơi tôi không xuống dốc.
Tôi cầu xin Chúa giúp tôi nên dựa vào những dấu chỉ nào để biết được điều đó, ít là phần nào.
2.
Chúa thương soi sáng cho tôi bằng cách đưa lòng trí tôi nhớ lại sự việc đã xảy ra ở hồ Genêxarét xưa.
“Giảng xong, Chúa Giêsu bảo ông Simon: ‘Hãy chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá’. Ông Simon đáp: ‘Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới’. Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.
Thấy vậy, ông Simon Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: ‘Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi’.
Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simon và tất cả những người có mặt ở đó đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dêbêđê, là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simon cũng kinh ngạc như vậy.
Bấy giờ, Đức Giêsu bảo ông Simon đừng sợ, từ nay anh sẽ là người cứu sống người ta. Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Chúa Giêsu” (Lc 5,4-11).
3.
Suy gẫm và cầu nguyện với đoạn Phúc Âm trên đây, tôi được Chúa cho thấy mấy điều sau đây nên được coi là dấu chỉ của lòng đạo đức nơi người môn đệ Chúa.
Dấu chỉ thứ nhất là thánh Phêrô biết kinh ngạc nhận ra việc lạ lùng Chúa làm cho mình.
Dấu chỉ thứ hai là thánh Phêrô biết nhận ra mình tội lỗi, bất xứng, khó nghèo.
Dấu chỉ thứ ba là thánh Phêrô bỏ mọi sự đi theo Chúa, vì mến Chúa và vì thương muốn cứu con người.
4.
Trong ba dấu chỉ trên đây, dấu chỉ khiêm tốn khó nghèo nên được nhấn mạnh. Như Đức Mẹ xưa đã nhận biết mình chỉ là “nữ tỳ hèn mọn” (Lc 1,48). Đó là dấu chỉ đáng tin về đạo đức. Không những thánh Phêrô nhận biết mình hèn mọn, bất xứng và nói ra sự nhận biết đó bằng miệng, mà còn diễn tả ra bằng thái độ, đó là Ngài sấp mặt xuống dưới chân Chúa Giêsu trước mặt các anh em.
Chính lúc Ngài nói: “Xin Chúa tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” thì lại là lúc Chúa ngự một cách thiêng liêng vào tâm hồn Ngài. Nhờ vậy, Ngài đã dư sức bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu, vì mến Chúa và cứu con người một cách chân thành và tuyệt đối.
5.
Với ba dấu chỉ trên đây, tôi nhìn vào các môn đệ Chúa xung quanh đây, đặc biệt là nhìn vào chính bản thân tôi, để biết tình hình đạo đức có thực sự là đáng khả quan không.
Thú thực là giữa cuộc sống ồn ào, tôi không nhìn thấy rõ. Nhưng khi Chúa đưa tôi vào một thứ sa mạc nội tâm, chỉ còn Chúa và tôi, tôi được biết phần nào. Kết quả là tôi thấy phải sám hối rất nhiều. Tôi rất cần được cứu. Đấng cứu tôi là Chúa Giêsu.
6.
Nhưng để Chúa Giêsu cứu tôi, thì tôi cần gặp Người. Mà muốn gặp được Người, thì tôi cần “tỉnh thức và cầu nguyện” (Mc 14,28). Bởi vì Người đến lúc nào, cách nào, dưới hình thức nào, thì tuỳ ý Người, chứ không theo chương trình và ý muốn của tôi.
Trong tỉnh thức và cầu nguyện, đều phải có sự khao khát gặp Chúa và vâng ý Chúa, với sự khó nghèo nội tâm.
Khó nghèo nội tâm là khiêm nhường đừng phô trương thành tích đạo đức.
7.
Dụ ngôn người Pharisêu kể với Chúa những con số thành tích và tự hào mình đạo đức hơn người thu thuế (x. Lc 18,11-12) dạy tôi phải rất khiêm tốn và khó nghèo trong các thứ lễ tạ ơn hiện nay, cũng như trong các thứ biểu dương bác ái và công bình của Hội Thánh chúng ta trong xã hội Việt Nam lúc này.
8.
Những lời Chúa Giêsu nói về người môn đệ chân chính (Mt 7,21-27) cũng dạy tôi phải tỉnh thức và cầu nguyện không ngừng. Nếu không, tôi cũng sẽ lầm tưởng tôi là môn đệ chân chính của Chúa, được Chúa khen thưởng, vì đã làm sáng danh Chúa bởi những việc lẫy lừng nhân danh Chúa. Nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm phép lạ, đó là những việc coi như chắc chắn làm chứng cho Chúa, ai ngờ Chúa lại gọi những kẻ làm thế là phường gian ác (x. Mt 7,23). Phương chi là những công trình vật chất. Chỉ vì họ không làm theo ý Chúa.
9.
Làm theo ý Chúa là thế nào? Thưa, tiên vàn là phải sống kết hợp với Chúa. Khi tôi vâng ý Chúa, mà luôn sống kết hợp với Chúa một cách chặt chẽ như cành nho với cây nho (x. Ga 15,1-5) thì dần dần trái tim tôi được đổi mới. Tôi được Chúa cho cảm thấy Thiên Chúa là tình yêu. Chứ Thiên Chúa không là lề luật.
Từ cảm nghiệm đó, tôi nghĩ tới việc xây dựng đạo đức cho tôi và cho cộng đoàn của tôi. Theo tôi, xây dựng đạo đức không phải là bằng cách ra nhiều lề luật, mà là hãy đạo tạo trái tim cho biết yêu thương như Chúa yêu thương.
10.
Tôi nhớ tới lời Chúa Giêsu trối lại trong bữa Tiệc Ly: “Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy yêu thương các con” (Ga 13,34).
Yêu thương cũng là một lề luật. Luật cua nó là hãy mang lửa trong mình, đó là những thao thức biết lo cho người khác khỏi khổ, nhưng được sự lành, nhất là khỏi phải sa hoả ngục, nhưng được lên thiên đàng. Cũng hãy mang thánh giá trong mình, đó là chịu hy sinh để đền tội thay cho người khác và để góp phần vào sự thương khó Chúa Giêsu mà cứu họ, để họ được rỗi.
11.
Tôi cảm tạ Chúa đã ban cho Hội Thánh điều răn mới đó. Nhờ vậy, đã có vô số tín hữu đã biết cho đi và biết lãnh nhận tình yêu phục vụ hy sinh, làm cho cộng đoàn trở thành cộng đoàn yêu thương, làm chứng cho Chúa là tình yêu.
Chính tôi cũng đã và đang được hưởng phúc lành của lòng đạo đức đó. Chính tôi cũng đã và đang chia sẻ lòng đạo đức đó, mà tôi đã được lãnh nhận một cách dồi dào.
12.
Tôi xin Chúa cho lòng đạo đức này mãi mãi tăng lên cả bề rộng lẫn bề sâu. Chỉ Chúa mới giúp tôi được điều đó. Tới đây, tôi thấy: Đạo đức của tôi lên hay xuống dốc, thì chỉ một mình Chúa biết rõ mà thôi. Phần tôi, tôi luôn nhận biết mình là kẻ tội lỗi yếu hèn, nhưng lại được Chúa rất yêu thương. Nên tôi cố gắng thực hiện yêu thương một cách tốt nhất với đồng bào của tôi, Quê Hương của tôi và Hội Thánh của tôi.
Đến muôn đời con cảm tạ ơn Chúa.


Long Xuyên, ngày 10 tháng 5 năm 2014.
ĐGM.GIOAN B. BÙI TUẦN

Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

THÁNG NĂM NĂM ẤY



1.
Hiện giờ, tôi đang sống những ngày đầu của tháng Năm năm 2014. Bầu khí hiện giờ là rất tưng bừng. Cả nước đều mừng.
Tôi vui niềm vui chung và cũng với niềm vui riêng. Riêng ở chỗ tôi kỷ niệm 39 năm thụ phong Giám mục.
2.
Được thụ phong đúng ngày 30 tháng 4 năm 1975 theo sắc chỉ của Toà Thánh, tôi mang trên mình một nhiệm vụ rất quan trọng, đó là giúp cho giáo phận được sống đức tin một cách vững vàng trong tình hình mới.
Tình hình mới có nhiều vấn đề mới, nhiều thách đố mới, nhiều khó khăn mới. Hôm nay đã được 39 năm, đức tin ở đây không những vững vàng, mà còn phát triển tốt đẹp.
3.
Nhiều người hỏi tôi: được như hôm nay là nhờ đâu? Tôi xin chia sẻ vắn tắt và chân thành.
Đây là ơn đặc biệt Chúa ban. Rất nhiều người đã cộng tác vào ơn đó. Tôi chỉ góp phần rất nhỏ. Ở đây tôi xin tâm sư đơn sơ về phần đóng góp mọn hèn đó.
4.
Ngay từ những giây phút đầu tiên của những ngày đầu tiên của tháng Năm năm 1975, lúc tình hình đang diễn tiến phức tạp, và mọi người ở đây đang rất hoang mang sợ hãi, tôi đã nhìn Đức Mẹ Maria, như một trẻ thơ nhìn mẹ mình. Tôi nói đơn sơ với Đức Mẹ: “Mẹ ơi, xin Mẹ ở bên con. Con tin Mẹ thương con”. Rồi lúc nào, tôi cũng cầm chuỗi tràng hạt Mân côi. Hễ rảnh là đọc kinh Kính Mừng.
5.
Thực sự, Đức Mẹ luôn ở bên tôi. Lúc nào Đức Mẹ cũng nhắc cho tôi một lời vắn tắt: “Con hãy bước theo Đức Kitô”.
Vâng lời Mẹ, tôi nhìn Đức Kitô, tôi ngắm suy cuộc sống Đức Kitô, tôi cầu nguyện với Đức Kitô. Nhờ vậy trái tim tôi được đổi mới.
6.
Việc đổi mới được thực hiện mỗi ngày. Càng ngày tôi càng bước theo Chúa Giêsu trên đường yêu thương.
Yêu thương như Người yêu thương, để là dấu chỉ đích thực người môn đệ của Người (x. Ga 13,15).
Yêu thương trong Người, là Đấng đã yêu thương chúng ta trước khi chúng ta mến Người (x. Ga 4,9).
Yêu thương nhờ Người, là Đấng đã phó mạng sống mình vì chúng ta (x. Ga 2,20).
Yêu thương như vậy là sống hoà giải nhờ máu của thập giá Đức Kitô, Đấng đã là của lễ đền tội cho chúng ta (x. 1Ga 2,2).
7.
Bước theo Đức Kitô như vậy đã khởi đi từ đời sống nội tâm dạt dào yêu thương và bình an. Tuy nhiên, phải nói thực là những ngày đầu của tháng Năm năm 1975 đối với tôi là một thời gian phải lo âu. Tôi thấy từng đoàn người từ tỉnh trốn về vùng quê. Tôi thấy vô số người từ đất liền chạy ra biển để vượt biên. Lo âu của tôi là rất lớn. Tôi cảm thấy mình quá bé nhỏ. Vâng lời Đức Mẹ, tôi quan tâm nhiều hơn đến đời sống nội tâm, theo gương Đức Mẹ.
Đời sống nội tâm của tôi lúc ấy được tăng cường một cách quyết liệt nhờ Phúc Âm và kinh Mân côi.
Qua Phúc Âm và kinh Mân Côi, tôi hiểu đời sống nội tâm phải rất mạnh về sự dứt lìa khỏi bất cứ những gì cản trở cho sự nên giống Đức Kitô. Tình hình lúc đó giúp tôi dứt lìa một cách thuận lợi. Tôi dứt lìa tất cả, chỉ tìm Chúa mà thôi.
8.
Thêm vào đó, đời sống nội tâm của tôi cũng được hỗ trợ bởi Công đồng Vatican II.
Qua Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng”, Công đồng dạy tôi bước theo Đức Kitô là phải phục vụ con người toàn thể, cả xác cả hồn, chứ không phải chỉ phần hồn mà thôi.
Một đặc điểm trong phục vụ này là Hội Thánh không phải chỉ cho đi, mang tới, mà còn phải biết tiếp đón, nhận lấy những gì tốt, mà thế gian có do Chúa ban cho. Hội Thánh nên nhấn mạnh đến những gì có thể liên kết nhân loại hơn là những gì gây chia rẽ nhân loại.
9.
Một đời sống nội tâm như thế là một mở ra. Nó có một cái nhìn mới. Nhìn mọi người với đôi mắt của Đức Kitô, Đấng “hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29), Đấng đến “không để kết án, nhưng để cứu độ” (Mt 9,13). Một đời sống nội tâm như thế đã giúp tôi phục vụ Quê Hương Việt Nam với niềm vui và hy vọng.
10.
Hôm nay, nhìn lại chặng đường 39 năm sau biến cố lịch sử 30 tháng 4 năm 1975, tôi vui mừng nhận thấy sự bước theo Đức Kitô theo gương Đức Mẹ đang đem lại cho tôi hạnh phúc được thuộc về Chúa và đang đi về với Chúa, trên con đường yêu thương phục vụ.
Hạnh phúc này đang làm cho tôi trở nên bé nhỏ.
Bé nhỏ, vì nhận thấy Thiên Chúa giàu lòng thương xót đã làm bao nhiêu việc lạ lùng quá sức hiểu biết của tôi. Người đã đổi sự dữ thành sự lành. Người đã làm cho tôi tìm được sự lành ngay trong sự dữ.
Tôi cũng cảm thấy mình chẳng đáng gì, so với bao người tốt đã góp phần vào ơn Chúa trong chặng đường lịch sử vừa qua.
Tôi càng nhận thấy mình bé nhỏ, vì nhận thức mình đã có nhiều yếu đuối, nhưng đứng vững được là nhờ Hội Thánh của Người.
11.
Hôm nay, nhìn về tháng Năm 39 năm về trước, tôi thấy hạnh phúc tôi hưởng hôm nay phải rất tỉnh thức, bởi vì hoà bình không phải chỉ là không có chiến tranh, mà còn phải xây dựng trên đạo đức. Thế mà đạo đức xem ra đang xuống dốc. Nơi nhiều môn đệ Đức Kitô tại Việt Nam hôm nay, đời sống nội tâm, bước theo Đức Kitô, sống dứt lìa không còn là giá trị ưu tiên.
Lịch sử cho thấy, cái tốt truyền thống trong đạo ngoài đời có thể biến chất nếu không tỉnh thức phấn đấu chống các phong trào xấu do các tà thần khơi dậy trong các tâm hồn.
Vì thế, hôm nay nhìn về tháng Năm năm 1975, tôi thấy một bài học quý giá cho rất nhiều người đã được viết ra bằng bao hy sinh. Nhưng mới chỉ sau 39 năm, bài học đó xem ra đã bắt đầu nhường chỗ cho những hào hứng mới về hưởng thụ, tục hoá, tìm hư danh do trào lưu vật chất chủ động.
Tôi thực sự lo ngại. Xin hãy tỉnh thức.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ thương cầu cho chúng con là kẻ tội lỗi.


Long Xuyên, ngày 02 tháng 5 năm 2014.
ĐGM. JB. Bùi Tuần