Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

CẦU NGUYỆN MỘT CÁCH RIÊNG BIỆT

GM.GB. Bùi Tuần
1.
Ngày 8-7-2013 vừa qua, tôi hân hậnh nhận được lá thư của Quốc Vụ Khanh Toà Thánh đề ngày 24-6-2013.
Với nội dung thân tình, lá thư nói về Đức Thánh Cha Phanxicô có đoạn như sau: “Khi cuộc sống đã xế chiều, việc cầu nguyện một cách riêng biệt trở thành ‘sự duy  nhất cần thiết’ cho việc thánh hoá bản thân, và cho việc xây dựng thân thể Đức Kitô, là Hội Thánh”.
2.
Câu tâm sự trên đây đến với tôi rất đúng lúc. Bởi vì đời sống của tôi đang xế chiều. Tôi đang đi vào bóng đêm. Đêm nói đây không chỉ là sự xuống dốc của sức khoẻ, mà chủ yếu là  những cơn đau. Đau thân xác vẫn nhiều. Đau tâm hồn lại nhiều hơn. Đau xác khổ hồn làm nên những cơ cực, tự mình như muốn xa tránh và loại trừ mình.
Thêm vào những khổ đau của bản thân, lại gánh thêm những khổ đau của bao người khác. Một cách nào đó, khổ đau của Hội Thánh và của Quê Hương luôn dằn vật lương tâm tôi.
Cho dù có phần chủ quan, đau khổ nào cũng là một thực tại nặng nề.
Tôi không phải là đứng trước một đêm tối khủng khiếp, mà là đứng trong đêm hãi hùng. Tôi không trốn đâu được.
3.
Nhưng chính trong sâu thẳm hãi hùng đó đã phát sinh một đời sống đức tin đặc biệt.
Tôi tin Đấng có thể cứu chúng tôi là Chúa.
Với niềm tin ấy, tôi cầu xin Chúa thương cứu tôi, cứu những người khác, cứu Hội Thánh và cứu Quê Hương. Cầu nguyện của tôi là rất riêng biệt.
4.
Tôi nhận mình tội lỗi, yếu đuối, hèn hạ. Tôi năn nỉ. Tôi nài van. Tôi xin Chúa Thánh Thần thương cầu nguyện trong tôi và với tôi. Đôi khi tôi nại đến Lời Chúa để cầu xin với Chúa. Như: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa sẽ mở cho. Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, lại lấy con rắn thay vì cá mà cho nó? Hoặc nó xin trứng, mà lại cho nó con bọ cạp? Vậy, nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người” (Lc 11,9-13).
5.
Và, thực sự, Chúa đã ban Thánh Thần cho tôi, khi Người gởi đến cho tôi những trái tim nhân ái. Họ cứu tôi bằng những việc cụ thể, quảng đại, và tế nhị. Qua tình thương của họ, tôi tin Nước Thiên Chúa đang đến với tôi, với những người thuộc về tôi, và đến với Quê Hương tôi. Chúa dùng họ để làm những phép lạ cứu tôi.
6.
Thế là, từ đức tin, việc cầu nguyện của tôi chuyển dần sang bác ái. Tôi cầu xin Chúa cho Hội Thánh của tôi được nhiều trái tim biết thương người theo gương Chúa Giêsu, Đấng đã làm chứng rằng: Chỉ tình yêu mới cứu được loài người. Một tình yêu dám chấp nhận hy sinh mình trên thánh giá.
Từ đó, cầu nguyện của tôi được xác định theo hướng đức tin phải được chứng minh bằng bác ái thương người.
- Thương người một cách cụ thể, như làm các việc thương người mà Chúa sẽ căn cứ vào để cho được đứng bên hữu Chúa trong ngày phán xét (x. Mt 25,31-40).
- Thương người một cách quảng đại, như người Samaritanô tốt lành, mà Chúa đã nêu gương cho những người tin Chúa (x. Lc 10,29-32).
- Thương người một cách ưu tiên, như dấu chỉ chính thức của người môn đệ Chúa Giêsu (x. Ga 13,36).
7.
Mới rồi, tôi được may mắn đọc thư mục vụ Mùa Chay 2012 của Đức Hồng Y Jorge Bergoglio, nay là Đức Giáo Hoàng Phanxicô, gởi cho Tổng giáo phận Buenos Airs, trong đó Ngài quả quyết: “Không là đức tin thực sự nếu đức tin ấy không được diễn tả ra tình yêu. Tình yêu không quảng đại và cụ thể, sẽ không là tình yêu Kitô hữu”.
8.
Như vậy, cái nhìn của người có đức tin phải là cái nhìn của tình yêu. Một tình yêu thương xót, biết kiên trì đi từng bước nhỏ. Một tình yêu đón nhận, biết kính trọng những khác biệt, để xây dựng tình nghĩa. Một tình yêu sáng tạo, biết biến đổi cái xấu thành cái tốt. Một tình yêu phân định, biết chọn cái nên làm, bỏ cái không nên làm tuỳ thời điểm.
Chính vì thế, mà cầu nguyện hằng ngày của tôi là xin Chúa giúp tôi chấn chỉnh lại cái nhìn về người khác.
Bỏ đi những cái nhìn kết án.
Bỏ đi những cái nhìn xoi bói.
Bỏ đi những cái nhìn dửng dưng.
Bỏ đi những cái nhìn đại gia, quý tộc như người phú hộ bị chúc dữ trong Phúc Âm (x. Lc 16,19-31).
Nhưng hãy có những cái nhìn dấn thân hơn cho Chúa trong mọi người thiếu thốn khổ đau, theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
9.
Đổi cái nhìn là rất khó. Có thể nói, đổi cái nhìn là đổi mới chính mình trở thành một tạo vật mới.
Việc đổi mới này không thể thực hiện được chỉ nhờ học hỏi các tài liệu, nhờ tham gia các khoá hội thảo, nhờ đưa ra những khẩu hiệu, những nghị quyết, những tuyên hứa. Nhưng nhất quyết phải nhờ ơn Chúa, qua hoán cải chính mình, qua tập luyện kiên trì, nhất là qua cầu nguyện.
10.
“Cầu nguyện một cách riêng biệt” đó là việc Đức Thánh Cha Phanxicô đang làm. Đó cũng là việc Toà Thánh gợi ý cho tôi.
Tôi đang cầu nguyện như một người già nua đau yếu.
Tôi đang cầu nguyện như một người tội lỗi sám hối trở về.
Tôi đang cầu nguyện như một trẻ nhỏ ngây thơ.
Tôi đang cầu nguyện như người kẻ trộm bị đóng đinh bên hữu Chúa.
Tôi đang cầu nguyện như một người sắp ra đi.
Tôi đang cầu nguyện cho Đức Thánh Cha và cùng với Đức Thánh Cha.
Tôi đang cầu nguyện rất nhiều cho các mục tử tại Quê Hương tôi biết đọc được ý Chúa trong các dấu chỉ của thời đại, để biết thương xót đoàn chiên một cách cụ thể và quảng đại, nhất là bớt cho con cái mình những gánh nặng không cần thiết trong tình hình khó khăn và phức tạp hiện nay.
Tôi cầu nguyện và xin mọi người cầu nguyện cho tôi.
Long Xuyên, ngày 10 tháng 7 năm 2013

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

ĐÀO TẠO ĐỂ THEO ĐƯỜNG HƯỚNG MỤC VỤ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

GM. GB. Bùi Tuần 
1.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu ra hướng mục vụ của Ngài, đó là mở ra về phía Chúa và về phía con người.
Hai hướng đó cần được thực hiện đi đôi với nhau.
Con đường mở ra là tình yêu.
Gương và sức mạnh mở ra là Chúa Giêsu.
2.
Trong bài diễn văn đọc trước Hội nghị Uỷ Ban Giáo Hoàng cho châu Mỹ Latinh, tại Roma, ngày 18-2-2009, Đức Jorge Bergoglio, sau này là Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã nhấn mạnh đến việc đào tạo linh mục. Đại ý như sau: Đào tạo này theo thánh Tôma và thánh Ambrosiô, là “Đức Kitô hình thành trong chúng ta, là chúng ta đón nhận được đức ái của Đức Kitô”.
Mục tử phải là người có kinh nghiệm sâu sắc về Thiên Chúa, theo khuôn mẫu của trái tim Chúa Giêsu. Họ luôn ngoan ngoãn với những tác động của Chúa Thánh Thần... Được như vậy, mục tử phải nuôi mình bằng Lời Chúa, Thánh Thể và cầu nguyện... Họ sẽ là mục tử thừa sai, biết bảo vệ đoàn chiên và đi tìm chiên lạc... Họ sẽ là những người phục vụ cuộc sống, biết để ý đến những nhu cầu của những kẻ yếu đuối... Họ sẽ là linh mục của lòng thương xót.
3.
Ngoài ra, đời sống thiêng liêng vừa kể còn sẽ được xây dựng bằng việc đào sâu thần học, triết học và Kinh Thánh. Tất cả đều mở ra về mầu nhiệm Chúa Giêsu, giúp chúng ta gắn bó với Chúa Giêsu, Đấng mà chúng ta tin cậy với tất cả con người, linh hồn, trí khôn, trái tim. Người sẽ ban cho chúng ta Thần Khí của Người, đưa chúng ta vào chân lý toàn diện.
Trong bài giảng thánh lễ mừng Quốc Khánh nước Achentina, ngày 25-5-2012 tại Nhà Thờ Chánh Toà Thủ Đô, Buenos Aires, Đức Hồng Y Jorge Bergoglio, quả quyết: “Chỉ tình yêu sẽ cứu được chúng ta”. Ngài nói về tình yêu của Chúa Giêsu.
4.
Điều đáng chú ý là Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến việc mục tử phải biết áp dụng tất cả đời sống thiêng liêng và học thuyết của mình vào thực tế.
Thực tế mà tác giả nhấn mạnh là cái tâm của nền văn hoá dân tộc mình. Cái tâm đó chính là sự khôn ngoan đạo đức tiềm ẩn trong lòng dân. Thí dụ sự kính trọng dành cho những gì là linh thiêng, sự hướng lòng mình về một Đấng Tối Cao có quyền thưởng phạt.
5.
Áp dụng vào thực tế như thế đòi một khả năng phân định. Người mục tử biết phân định, là giữa một tình hình hỗn độn, ngài biết giữ lại cái gì là tốt, biết đưa đàn chiên đến những nơi thực sự có cỏ xanh và nước sạch, biết bảo vệ đàn chiên khỏi những mục tử giả, những lái buôn.
6.
Qua những bài diễn văn của Đức Thánh Cha, tôi thấy hướng mở ra về phía Thiên Chúa đã rất rõ, hướng mở ra về phía con người cũng khá rõ.
Riêng hướng mở ra về phía con người được Đức Thánh Cha dần dần làm rõ thêm qua những trả lời báo chí phỏng vấn Ngài. Ngài nói là: Cần cổ võ cho một nền văn hoá của sự gặp gỡ. Trong cuốn “Tôi tin vào con người”, hai nhà báo được nói chuyện nhiều lần với Đức Jorge Bergoglio đã nhắc đi nhắc lại ý muốn của Đức Thánh Cha về sự phải coi gặp gỡ là mục vụ và văn hoá.
7.
Ngài nói về Đất Nước Achentina của Ngài rất là bè phái. Người ta thích nhấn mạnh đến những gì chia rẽ nhau hơn là những gì đoàn kết với nhau. Người ta thích cổ võ tranh chấp hơn là hoà hợp. Chỉ có văn hoá gặp gỡ mới đưa gia đình và dân tộc đi về phía tương lai tốt đẹp.
Nói về Hội Thánh tại Achentina, Ngài nói cơn cám dỗ lớn nhất là các linh mục trở thành nhà cai trị, chứ không còn là mục tử. Ngài than phiền: Nhiều người đến nhà xứ vì lý do bí tích hay việc nào đó, thì không được linh mục tiếp, mà là một bà thư ký tiếp, bà đó rất khó tính. Vấn đề thực là bà đó không phải chỉ làm cho người ta sợ và xa cha sở, mà còn làm cho người ta bỏ Hội Thánh và bỏ Chúa Giêsu.
8.
Vì thế, theo Đức Phanxicô, tân Phúc Âm hoá là hãy bắt đầu bằng gặp gỡ. Gặp gỡ thân tình.
Gặp gỡ thân tình còn là đi đến với con người. Phúc Âm nói: Mục tử nhân lành bỏ 99 con tốt, để đi tìm một con chiên lạc. Còn thực tế trong Hội Thánh chúng ta, thì xem như ngược lại.
Đức Thánh Cha coi mục vụ gặp gỡ và văn hoá gặp gỡ là rất quan trọng. Nhưng thực hiện được đến mức nào thôi vẫn chỉ là hy vọng.
Ngài coi việc thực hiện ý nguyện của Ngài là rất khó, như phải nhảy xuống sông trong đêm tối. Tuy nhiên, Ngài vẫn hy vọng, Ngài tin rằng: Về mặt nhân bản, nơi mỗi con người vẫn có những tiềm năng tốt. Về mặt đức tin, con người vẫn được Chúa thương bằng một tình yêu nhưng không đầy thương xót.
9.
Với một thoáng nhìn trên đây về Đức Thánh Cha Phanxicô, tôi thấy hướng mục vụ của Ngài giúp tôi thực thi một cách sâu sắc hơn hướng mục vụ của Hội đồng Giám Mục Việt Nam được tuyên bố trong thư mục vụ 1980 đó là: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”.
Thực thế, “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” chính là hướng mở ra về phía Chúa và cũng mở ra về phía dân tộc.
Điều tôi thấy cần bắt chước Đức Thánh Cha, để thực thi đường hướng đó một cách sâu sắc hơn, đó là cố gắng nhiều hơn đến việc đào tạo đời sống thiêng liêng. Tôi thấy Đức Thánh Cha Phanxicô có một đời sống thiêng liêng rất sâu, rất mạnh, rất vững, đặc biệt là ở điểm khiêm nhường và yêu thương.
10.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến trách nhiệm phải cứu con người khỏi khổ, nhất là khỏi tội lỗi, cứu con người khỏi mất linh hồn, cứu con người khỏi sa hoả ngục.
Việc cứu khổ là cấp bách, đòi nhiều hy sinh. Chỉ có tình yêu mới cứu được. Tình yêu cứu độ là Chúa Giêsu. Các mục tử phải được đào tạo kỹ, để có tình yêu cứu độ từ Chúa Giêsu.
11.
Qua những gì Đức Thánh Cha dạy về đào tạo, tôi thấy cần xem xét lại việc đào tạo môn đệ Chúa tại Việt Nam hôm nay. Nhiều nơi, học nhiều mà đào tạo thì ít. Có nơi đào tạo chỉ là học thuộc mà thôi. Điều tôi cho là còn thiếu ở nhiều nơi đào tạo là đời sống thiêng liêng. Nhiều người đào tạo cũng nghèo đời sống thiêng liêng.
Ít là chúng ta khiêm tốn nhận thức được là đào tạo nơi chúng ta còn thiếu sót nhiều, thì đó cũng là một khởi đầu tốt.
Đêm 27-6 vừa qua, lúc 3 giờ 30, tôi mở đài truyền hình, chợt thấy một phim đang nói về các tôn giáo lớn ở Việt Nam.
Riêng về Phật giáo, phim chiếu cảnh chùa chiền đào tạo các thanh thiếu niên về đời sống đạo, đặc biệt là về mặt linh thiêng. Điều làm tôi chú ý nhất là các thanh thiếu niên được hướng dẫn và tập luyện một cách tỉ mỉ về lối sống tu thân, từ cách ăn mặc, đến việc ăn uống, đi đứng, nói năng, chay tịnh, khó nghèo, thinh lặng, từ bỏ mình, cầu nguyện, và phục vụ người khác.
Cảnh đào tạo đó gợi ý nhiều cho tôi về việc đào tạo các mục tử mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về Công giáo.
Phải chăng Chúa muốn chúng ta hãy nhìn sang các tôn giáo bạn tại Việt Nam hôm nay, để càng phải mau chấn chỉnh lại việc đào tạo mình.
Long Xuyên, ngày 01 tháng 7 năm 2013

CHÚT TÂM TÌNH NHÂN KỶ NIỆM THỤ PHONG LINH MỤC

GM. GB. Bùi Tuần

1.
Ngày 02.7.2013 này, tôi được 58 tuổi Linh mục. Kỷ niệm thụ phong linh mục thúc giục tôi tỏ bày tấm lòng biết ơn đối với Chúa.
Tôi biết ơn Chúa, nhất là vì suốt 58 năm qua, Chúa luôn ở trong tôi và luôn ở trong cuộc đời của tôi. Tôi nhận ra hồng ân đó, nhờ những dấu ấn ghi trên đời tôi.
Thực vậy, Chúa đã ban cho tôi vô vàn ơn, tôi chỉ xin được nhắc qua mấy ơn sau đây.
2.
Tôi nhận thấy rất rõ, tôi chỉ là kẻ tội lỗi, yếu hèn. Tôi mang trong mình tội riêng của mình, thêm vào đó là tội chung của những tập thể và những cơ chế mà tôi là thành phần.
Tôi rất cần được cứu.
3.
Tôi cảm thấy rất rõ những khổ đau của phần đông đồng bào tôi. Họ khổ, tôi cũng khổ. Họ đau, tôi cũng đau. Có thể tôi còn khổ đau hơn họ, vì tôi thấy họ không nhận thức đủ những nguy hiểm đang vây hãm họ, và những khống chế đang đẩy họ vào hố diệt vong.
Họ rất cần được cứu.
4.
Tôi cảm thấy rất rõ những sai lầm của Hội Thánh về mặt cơ chế và về mặt nhân loại trong nhiều thành phần. Những sai lầm đó nhiều khi đã trở thành khuôn cứng nhắc, cản sự đổi mới của Chúa.
Hội Thánh rất cần được cứu.
5.
Tôi tin chắc chắn điều này: Đấng cứu độ chính là Chúa Giêsu, Người cứu bằng tình yêu của Người. Một tình yêu chấp nhận hoà mình vào thân phận khổ đau của những người đau khổ nhất. Một tình yêu tha thứ. Một tình yêu hy sinh, hiến dâng chính mình chịu mọi nhục nhã đớn đau, để đền tội thay, để cứu chuộc nhân loại.
6.
Tôi tin vững vàng: Chúa Giêsu cứu chuộc chúng ta, nhưng chúng ta cần phải đón nhận ơn Người cứu chuộc.
Chúng ta đón nhận được ơn Chúa cứu chuộc, nhờ tin ở Người và bước theo Người.
7.
Bước theo Chúa Giêsu, tôi thấy 58 năm qua, Chúa đã dạy tôi không những bằng Kinh Thánh và gương các thánh, mà còn dạy tôi qua các biến cố xảy ra cho riêng tôi, nhất là xảy ra cho Quê Hương Việt Nam, và cho Hội Thánh trên Quê Hương của tôi.
Quá nhiều biến cố chứng minh những gì không xây dựng trên Lời Chúa đều đã sụp đổ tan tành.
Quá nhiều biến cố đã chứng minh những ai không đón nhận tình yêu Chúa đều đã sa vào lưới của Satan độc ác.
8.
Bước theo Chúa Giêsu, tôi thấy tôi không tránh được nhiều quãng đời khó khăn hiểm trở. Nhưng Chúa vẫn bên cạnh tôi, như Người đã bên cạnh hai môn đệ Chúa trên đường Emmau (x. Lc 24,13-35).
9.
Bước theo Chúa Giêsu, tôi thấy tôi thực sự được bình an và tự do, khi tôi theo gương Người, mà tha thứ. “Lạy Cha, xin Cha tha cho họ, vì họ lầm không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

10.
Bước theo Chúa Giêsu, tôi thấy tôi thực sự được hiện diện giữa những người bị loại trừ, khi tôi giống như Người, bị đóng đinh giữa hai phạm nhân bị án tử hình (x. Lc, 23,33).
11.
Bước theo Chúa Giêsu, tôi thấy Chúa chỉ muốn tôi lo mến Chúa hết lòng, và yêu thương mọi người, như Chúa yêu thương, rồi phó thác mình cho Chúa “Lạy Cha, con xin phó thác mình con trong tay Cha” (Lc 23,46). Chứ mến Chúa và thương người, mà lại khôn khéo quy chiếu mọi việc mình làm về việc lên chức, giữ chức, bảo vệ quyền lợi cho mình, thì đúng là trái tim đã chết từ lâu rồi.
12.
Bước theo Chúa Giêsu, tôi thấy lịch sử Đất Nước tôi và lịch sử Hội Thánh trên Đất Nước tôi, tuy dù có những bóng tối, nhưng vẫn có những luồng sáng hy vọng.
Bởi vì vẫn có những người biết nhận ra sự cần thiết phải đổi mới bản thân và cơ chế. Đổi mới dựa trên nền tảng tình yêu. Đổi mới với sự trở về những giá trị thiêng liêng. Đổi mới bằng những việc bắt đầu và bắt đầu lại. Đổi mới nhất là bằng sự chấp nhận mầu nhiệm thánh giá: Qua thánh giá mới có Phục Sinh.
13.
Hôm nay, nhìn lại 58 năm bước theo Chúa Giêsu, tôi thấy tôi mắc nợ với Chúa, mắc nợ với Quê Hương của tôi, mắc nợ với Hội Thánh của tôi, mắc nợ với biết bao ân nhân xa gần.
Có những nợ sẽ chẳng bao giờ trả đủ. Đó là nợ tình thương. Nhưng chính vì không bao giờ sẽ trả đủ, nên càng thêm gắn bó. Gắn bó ở đời này và ở đời sau. Trong thinh lặng lắng nghe. Trong thinh lặng cầu nguyện. Trong thinh lặng hiến dâng.
Long Xuyên, ngày 01 tháng 7 năm 2013

CHA ƠI! SAO CHA NỠ BỎ CON

GM. GB. Bùi Tuần
1.
Nhiều năm trước đây, khi cầu nguyện trước Trái Tim Chúa Giêsu và Trái tim Đức Mẹ, tôi thường nhìn Hai Trái Tim cực thánh ấy như suối nguồn tình yêu. Tôi tin tình yêu ấy rất ngọt ngào, dịu dàng. Tôi cầu xin Hai Trái Tim cực thánh ban cho tôi chút quà của tình yêu ấy. Kết quả là tôi đã nhiều lần được nếm sự ngọt ngào, dịu dàng của tình yêu ấy.
2.
Nhưng rồi, không luôn mãi như vậy. Bởi vì, càng về già, tôi càng được Hai Trái Tim cực thánh ban cho tôi thêm một thứ quà khác của tình yêu, đó là những đau khổ, để thanh luyện.
Đúng là tôi vẫn đến với Hai Trái Tim rất thương mến, mà tôi cậy tin. Tôi cầu xin tha thiết. Nhưng như một trả lời, có lúc tôi lại nhận được một nguồn đớn đau tê tái.
Nỗi đau như một cái gì cùng cực. Nếu muốn tả nỗi đau ấy, tôi chỉ xin mượn Phúc Âm.
Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu nói: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” (Mc 14,34).
“Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,44).
“Người sấp mặt xuống đất, cầu nguyện rằng: Cha ơi, nếu được, xin Cha cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39).
“Vào giờ thứ 9, Đức Giêsu kêu lớn tiếng: Êlôi, Êlôi, Lamaxabactani! Nghĩa là: Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Cha nỡ bỏ con” (Lc 15,34).
3.
Như vậy, Thánh Tâm Chúa Giêsu, vì yêu thương, đã chấp nhận trải qua những cơn đau khủng khiếp. Thánh Tâm đầy lửa yêu thương đã trở thành vực thẳm đầy đau khổ. Những đau khổ đó rất nặng nề. Tôi được cảm thấy phần nào.
Chúa cho tôi hiểu thế này.
Nguyên do khiến tình yêu Chúa Giêsu phải đau khổ là vì:
Người nhìn thấy con cái Chúa không chịu nghe Lời Chúa, mà lại nghe ma quỷ, thế gian, xác thịt.
Nghe theo chúng làm những sự xấu, để rồi bị chúng trói buộc vào quyền lực độc ác của chúng dẫn vào con đường hư hỏng, đi vào hoả ngục.
Để cứu loài người, Chúa Giêsu tình nguyện chịu đau khổ, để đền tội thay. Đau khổ rất nhiều, nhưng biết bao người rồi vẫn cứ tiếp tục phạm tội, cứ tiếp tục nghe quỷ, thế gian, xác thịt hơn nghe Chúa. Cứ vậy, tội lỗi dẫn vào mọi thứ hình phạt ở đời này và ở đời sau. Cảnh tượng đó rất là thê thảm, khiến Chúa Giêsu đau đớn.
4.
Để tiếp tục cứu loài người lầm lạc, Chúa Giêsu không những xin gánh mọi hình phạt của loài người, để đền tội thay, mà cũng xin nhiều con cái Chúa hãy chia sẻ với Người. Đức Mẹ đã chia sẻ một cách quảng đại. Nhiều người, cũng đi theo gương Đức Mẹ. Nay, đến lượt một số người, trong đó có tôi đang được Chúa gọi đi theo trên con đường chia sẻ khổ đau.
5.
Khi được nếm phần nào nỗi khổ của Trái Tim Chúa, tôi hiểu rõ hơn những tai hại khủng khiếp do tội gây nên, nhất là tội không chịu nghe Lời Chúa. Hiện nay, tội không nghe Lời Chúa đang trở thành phổ biến khắp nơi. Nếu cứ thế này, những tai hoạ khủng khiếp sẽ phải xảy ra. Nguy hiểm đáng sợ nhất là hình phạt ở đời sau.
Tôi nhớ tới những gì Đức Mẹ đã tiên báo ở Fatima. Tôi nhớ tới cảnh Đức Mẹ hiện ra khóc ở La Salette. Tôi xin Đức Mẹ thương giúp tôi biết đón nhận những đau khổ, để góp phần nhỏ bé vào việc đền tội riêng mình và nhiều người khác, hy vọng sẽ tránh cho Hội Thánh và Đất Nước khỏi những tai hoạ khủng khiếp.
6.
Đau khổ thường gây nên tan nát và cô đơn trong lòng. Nhưng tôi tin trong đau khổ của tình yêu luôn có Chúa. Chúa ở đó, để đỡ nâng. Nhất là Người đỡ nâng lòng cậy trông của tôi. Cậy trông vững vàng. Cậy trông dù hoàn cảnh trở thành bi đát nhất. Cậy trông, để đau khổ tôi chịu có một ý nghĩa thiêng liêng cao quý.
7.
Tôi có kinh nghiệm là khi tôi bị thử thách trong đau khổ, Đức Mẹ luôn ở bên tôi. Mỗi khi tôi than van với Chúa: “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con”, tôi lại thấy Đức Mẹ ôm lấy tôi. Tình Mẹ biến lời than van của tôi thành một lời cầu nguyện. Tôi như một trẻ nhỏ. Với Mẹ, tôi tin mọi sự rồi sẽ tốt đẹp quá sự tưởng tượng của tôi. Bởi vì Chúa là Cha của tôi. Tôi nhớ tới mầu nhiệm thánh giá dẫn tới Phục sinh.
Do vậy, tôi thấy đau khổ hôm nay không là tiếng nói sau cùng. Tiếng nói sau cùng sẽ là sự sống lại.
Tôi cũng thấy sự thắng thế của tội ác không là tiếng nói sau cùng. Tiếng nói sau cùng sẽ là tiếng nói của tình yêu thương xót Chúa.
Thấy như vậy và tin như vậy, tôi sẽ có một hướng đi thích hợp cho tu đức, mục vụ, nhất là trong lãnh vực làm chứng cho Chúa.
8.
Khi cầu nguyện, tôi hay thấy Chúa Giêsu quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Người rất khiêm nhường. Người rất yêu thương. Người rất gần gũi. Tôi cảm thấy Người rửa, Người lau cõi lòng của tôi. Tôi cảm thấy nhẹ nhàng, đầy tin tưởng cậy trông, mặc dầu tôi rất tội lỗi.
Cùng với lòng tin tưởng cậy trông, tôi được Đức Mẹ dạy tôi là hãy rất nghèo, thực sự nghèo, trong mọi phương diện. Có thế, mới thực sự được thuộc về Chúa Giêsu. Có thế, mới thực sự được Chúa Giêsu dùng trong chương trình cứu chuộc của Chúa.
Nghèo thì khổ. Nghèo thì hèn. Cái khổ và cái hèn của kẻ nghèo khổ đau được tôi cảm thấy một cách thấm thía, như một sự loại trừ, xa tránh. Tôi biết tôi đáng bị như thế. Nhưng tại sao thân phận như thế lại đã xảy ra cho chính Chúa Giêsu xưa? Tôi hiểu con đường Chúa đi, để cứu chuộc loài người, là con đường thánh giá. Tôi xin Chúa cầm tay tôi mà dắt dìu tôi đi theo con đường đó.
Lạy Chúa, con đường thánh giá của Hội Thánh tại Quê Hương con sắp tới những chặng bất ngờ. Con tin những đau đớn bất ngờ sẽ làm chúng con thức tỉnh biết nghe Lời Chúa hơn. Xin Chúa thương xót chúng con.
Long Xuyên, ngày 9 tháng 6 năm 2013