Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

TIN MỪNG THEO THÁNH GIUSE

TIN MỪNG THEO THÁNH GIUSE

 

       1.
Thánh Giuse là người khó nghèo và thinh lặng. Nhưng khó nghèo và thinh lặng của thánh Giuse lại là một tuyên xưng sống động.
Thánh Giuse tuyên xưng một điều đơn giản, giữa một nếp sống đạo phức tạp của cộng đoàn đức tin.
Nếp sống đạo hồi đó phức tạp, ở chỗ coi việc thuộc về đạo là thuộc về một giáo lý. Như thế Tin Mừng là giáo lý. Còn thánh Giuse thì đơn sơ. Tin Mừng của Ngài là một Đấng, một Người. Đấng ấy, Người ấy là Chúa Giêsu.
Nếp sống đạo hồi đó phức tạp, ở chỗ coi người giữ luật lệ theo hình thức là người giữ đạo tốt. Còn thánh Giuse thì đơn sơ. Ngài coi người sống thân mật với Chúa Giêsu và yêu thương người khác như Người mới là người giữ đạo tốt. Tin Mừng là một Trái tim.
2.
Rất có thể, thánh Giuse đã không có hoàn cảnh để nghe Chúa Giêsu giảng dạy. Nhưng được sống thân mật với Chúa Giêsu, thánh Giuse đã cảm nhận được Chúa Giêsu là Tin Mừng, ở chỗ Chúa Giêsu có một trái tim yêu thương, đầy khiêm nhường, đầy chia sẻ, đầy bao dung, đầy hy sinh phục vụ và tinh thần cầu nguyện.
3.
Thánh Giuse thấy Chúa Giêsu yêu thương khiêm nhường, khi Chúa hạ mình, bỏ trời cao, xuống trần gian, mặc lấy thân phận con người.
Thánh Giuse thấy Chúa Giêsu yêu thương chia sẻ, khi Chúa sống như những kẻ nghèo, phải lầm than như họ.
Thánh Giuse thấy Chúa Giêsu yêu thương bao dung, khi Chúa hoà mình vào lớp người tội lỗi, chấp nhận những người yếu đuối với lòng bao dung vô bờ.
Thánh Giuse thấy Chúa Giêsu yêu thương hy sinh, khi Chúa vui lòng sống vâng lời, chịu thương chịu khó, để đền tội và cầu nguyện cho bao nhiêu người khác theo ý Chúa Cha.
4.
Như thế, Tin Mừng theo thánh Giuse là một hiện diện thân thương, là một trái tim bén nhạy, là một Đấng có bản tính là tình yêu đầy lòng thương xót, biết đau cái đau của những người nghèo khổ, biết lo buồn cái lo buồn của những người thất vọng, biết thao thức và đi tìm những cuộc đời sa ngã nát tan, biết tha thứ và dám chết để cứu chính những kẻ ghét Người.
5.
Trái tim yêu thương như thế của Chúa Giêsu chính là Tin Mừng. Tin Mừng đó có thể bị coi là không hợp lý. Rao giảng một Đức Kitô như thế là một mạo hiểm, khó được người ta chấp nhận. Như lời thánh Phaolô sau này đã nói: “Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1 Cr 1,23).
Nhưng thánh Giuse đã rao giảng Tin Mừng đó bằng chính cuộc sống của Ngài.
Ngài đã rất khó nghèo, nhận mình chẳng là gì, sẵn sàng từ bỏ ý riêng, để vâng phục thánh ý Chúa Cha.
Ngài đã rất kiên từ chịu đựng muôn vàn cản trở trong sứ vụ bảo vệ Chúa Cứu Thế và Mẹ của Người.
6.
Cuộc sống tình yêu của thánh Giuse không phải chỉ là những niềm vui, nhưng cũng có pha những đau đớn. Tuy  nhiên, những đau đớn ấy được chấp nhận một cách tự do, như một sự dâng hiến của tình yêu.
Do vậy, bản thân Ngài đã trở thành một đền thờ, trong đó chiếu dọi ánh sáng và tình yêu của Chúa, như lời thánh Phaolô sau này đã nói: “Thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần. Mà Thánh Thần ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em” (1 Cr 6,19).

7.
Tin Mừng của thánh Giuse vốn được truyền đi qua các thế hệ. Khi các thế hệ rơi vào cảnh hỗn loạn do các thứ đạo đức giả, và khi lịch sử Hội Thánh trở thành nặng nề bởi các thứ cơ chế và các hình thức xa lạ với Phúc Âm, nhất là khi lan tràn các lối sống đạo bị tha hoá, biến chất, thậm chí phản Phúc Âm, thì Tin Mừng của thánh Giuse hiện lên như một lời kêu gọi.
Muốn đổi mới Hội Thánh một cách có hiệu quả, hãy tập trung vào Đức Giêsu Kitô.
Muốn Hội Thánh có nguồn sức sống mới, hãy biết sống thân mật với Đức Giêsu Kitô bằng thường xuyên cầu nguyện và bước theo Người.
Muốn bảo vệ Hội Thánh và phát triển Hội Thánh, hãy sống tình yêu thương khiêm nhường, bao dung, gần gũi, tha thứ và hy sinh phục vụ.
Nhấn mạnh đến những điểm trên đây, chính là Tin Mừng theo thánh Giuse.
8.
Tôi xin được phép hy vọng Đức Tân Giáo Hoàng sẽ giải quyết tình hình phức tạp hiện nay bằng một cách đơn sơ chủ yếu là theo gương thánh Giuse.
Phần chúng ta, là con cái của thánh Giuse khó nghèo, chúng ta cũng hãy sống đơn sơ như thánh Giuse. Nhất là theo gương thánh Giuse, chúng ta sống thân mật với Chúa Giêsu, để nhờ đó, tình yêu của Chúa trong chúng ta được chiếu toả ra qua cuộc sống của ta, khuôn mặt của ta, lời nói của ta. Đó chính là một cách tốt nhất để tuyên xưng đức tin, để rao giảng đức tin, để mở rộng Nước Thiên Chúa là tình yêu, giữa lòng Quê Hương Việt Nam yêu dấu này.
Lạy thánh Giuse, xin thương chia sẻ cho con niềm vui được Chúa Giêsu là Tin Mừng, để rồi con cũng biết chia sẻ niềm vui ấy cho những người xung quanh con. Xin thương xót con là kẻ tội lỗi, khốn khó, mọn hèn.
Long Xuyên, ngày 13 tháng 3 năm 2013

Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

TRỞ VỀ VỚI CHA

TRỞ VỀ VỚI CHA
 

 1.
Tình hình hiện nay chuyển biến mau lẹ. Chuyển biến là đặc điểm của thời sự. Chuyển biến tốt thì không nhiều, còn chuyển biến xấu thì khá nhiều.
Chuyển biến xấu gồm nhiều thứ. Trong đó, thứ chuyển biến đáng lo ngại nhất là chuyển biến về niềm tin.
Nhiều niềm tin đang giảm sút. Nhiều niềm tin đã thực sự sụp đổ. Đó là niềm tin vào những lời hứa, vào những lý thuyết, vào những cơ cấu, vào những con người.
Khủng hoảng niềm tin như những cơn lốc đang cuốn đi những xác tín trước đây tưởng như vững bền trong nhiều lãnh vực, như kinh tế, văn hoá, chính trị, đạo đức.
2.
Khủng hoảng niềm tin đau đớn nhất là niềm tin bị tổn thương giữa những người cùng trong một gia đình, cùng trong một cộng đoàn đức tin, cùng trong một cơ quan và giữa những bạn bè quen thân.
Khi mất niềm tin đối với những người lãnh đạo, người ta cảm thấy thất vọng nặng nề và chán nản bơ vơ.
3.
Khủng hoảng niềm tin được cảm nhận như một cơn đau khủng khiếp nhất, chính là lúc con người bị rơi vào những hoàn cảnh cô đơn khốn khó, đi tìm người cứu, mà chẳng ai cứu mình. Nhờ người cứu, thì ai cũng dửng dưng. Kêu van người cứu, thì ai cũng có cớ để khước từ. Có người cứu, nhưng với thái độ xa vắng, hoặc làm lấy lệ, một cách máy móc và bất đắc dĩ.
Bầu khí mất niềm tin là rất u ám. Tôi biết đi đâu bây giờ.
4.
Riêng tôi, nhờ có đức tin, tôi tìm thấy một hướng phải chọn trong cơn khủng hoảng niềm tin đối với mọi sự đang xảy ra trên đời. Hướng đó là “trở về với Cha”.
“Trở về với Cha”, đó là lời tôi mượn ở người con phung phá được kể trong Phúc Âm thánh Luca (Lc 15,18).
Thực sự, tôi trở về với Cha. Tôi trở về bằng niềm tin. Tôi tin Cha tôi luôn đợi tôi về. Tôi tin Cha tôi sẽ tha thứ mọi lỗi lầm của tôi. Tôi tin Cha tôi sẽ rất đơn sơ. Tôi tin chính sự tôi muốn trở về với Cha cũng do tiếng gọi âm thầm thiêng liêng của Cha thôi thúc tôi. Tôi lên đường trở về.
5.
Khi gặp được Cha, tôi vui sướng khám phá ra một bầu trời mới. Tôi chưa kịp nói hết lời xin lỗi, thì Cha đã ôm lấy tôi. Tôi cảm thấy như chìm vào biển cả tình yêu. Tôi ngất ngây ca tụng Cha.
Tôi nhớ lại lời thánh tông đồ Gioan nói: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8). Trước đây, tôi tin lời đó. Bây giờ, thì tôi cảm nhận được lời đó chính là một gặp gỡ thân mật với một tình yêu cụ thể vô cùng to lớn.
Cha tôi đúng là tình yêu cứu độ, Người quỳ xuống rửa chân cho tôi. Người lấy máu của Người xức vào những vết thương lòng tôi. Người đổi những thất vọng của tôi thành những hy vọng. Người đổi những sự chết nơi tôi thành những sự sống và sự sống lại. Tình yêu của Người là tình yêu cứu độ.
6.
Sự gặp gỡ thân mật với Cha là tình yêu cứu độ được tiến triển một cách rất tự do, rất riêng tư, rất âm thầm và rất tĩnh mạc.
Cuộc gặp gỡ thân mật riêng tư với Chúa là tình yêu cho tôi một lời khuyên rất hữu ích. Trở về với Cha là hãy gặp gỡ thân mật với chính Cha, chứ không phải là chấp nhận sự hiện hữu của Cha như chấp nhận một lý thuyết. Càng không phải là tin nhận Cha bằng những khẩu hiệu và những biểu dương ồn ào. Trong sự gặp gỡ thân mật với Cha, tôi được Cha đổi mới theo thánh ý Cha. Sự đổi mới ấy rất thẳm sâu và quyết liệt. Nó chỉ có được nhờ ơn được gần gũi với Cha mà thôi. Sự đổi mới ấy luôn theo thực chất của Phúc Âm, có lời Chúa hướng dẫn.
7.
Cuộc gặp gỡ thân mật với Cha thường xảy ra trong sự hồi tâm, trong thánh lễ, trong cầu nguyện và trong những cơn đau đớn. Cuộc gặp gỡ ở đỉnh cao có lúc sẽ chấm dứt để tôi ra đi lo cho cuộc sống trăm bề bận rộn. Nhưng hương vị của cuộc gặp gỡ vẫn phảng phất trong tôi.
8.
Sống trong hương vị đó, tôi luôn được Cha nhắc nhở điều này, đó là phải tỉnh thức. Tỉnh thức đặc biệt về ba điểm này:
Thứ nhất, tỉnh thức trước những cơn cám dỗ xúi con người không đón nhận Chúa. Thánh Gioan viết: “Người ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng thế gian lại không nhận biết Người. Người đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận Người” (Ga 1,10-11). Thời ấy, hầu hết dân riêng của Chúa, gồm cả các vị lãnh đạo tôn giáo, đều đã không đón nhận Chúa Giêsu. Biết đâu bây giờ cũng phần nào xảy ra hoàn cảnh đó.
Thứ hai, tỉnh thức trước những cơn cám dỗ xúi con người tìm cách trốn tránh bổn phận cứu những người đau khổ. Thời ấy, Chúa Giêsu tả cảnh buồn đó trong dụ ngôn người bị thương tích nằm bên vệ đường. Những người chuyên giảng đạo thấy, nhưng cứ đi. Chỉ một người Samaritanô ngoại đạo đã dừng lại lo cứu người bị thương (x. Lc 10,29-37).
Biết đâu, cảnh buồn đó cũng đang xảy ra lúc này. Lúc này, số người đau khổ là vô kể.
Thứ ba, tỉnh thức trước những cơn cám dỗ xúi con người cứ mãi nhởn nhơ trước một tình hình đầy ác quỉ. Thời ấy, thánh Gioan viết: “Tất cả thế gian đều nằm dưới ách thống trị của Ác thần” (1 Ga 5,19).
Biết đâu, cảnh đó cũng đang xảy ra bây giờ, tại đây ở ngay chính bản thân ta. Thực sự có quỷ, rất nhiều quỷ. Chúng đang hoạt động tưng bừng khắp nơi, kể cả tại các nơi thánh.
Khi biết nghe lời Cha dặn, mà sống tỉnh thức, tôi mới nhận ra là: Sống đức tin là một cuộc chiến đấu cam go với sự ác. Sự ác ở xung quanh tôi. Sự ác ở ngay trong chính bản thân tôi.
9.
Vì thế, tôi luôn phải bám vào Chúa, phải nhận mình yếu đuối, phải biết sám hối, phải biết xin ơn tha thứ và phải biết đền tội. Tất cả trong tinh thần khiêm tốn, khó nghèo và cảm tạ.
Cũng nhờ sống tỉnh thức theo lời Cha dặn, tôi thấy mình phải biết chăm chú lắng nghe thánh ý Chúa trong những gì đang xảy ra lúc này tại Quê Hương tôi và tại Hội Thánh trên Quê Hương yêu dấu này.
Thánh ý Chúa rất khác ý riêng tôi. Thánh ý Chúa cũng thường khác ý của phần đông dân chúng. Cần biết thánh ý Chúa, để điều chỉnh lại cuộc sống về mọi mặt, như một người đầy tớ khôn ngoan biết phục vụ chủ mình bằng đúng việc, trong đúng lúc và với đúng cách. Cũng vậy, phục vụ con người cũng rất cần phải cụ thể, bằng đúng việc, trong đúng lúc và với đúng cách, đúng nhu cầu, hợp với hoàn cảnh khó khăn hiện nay.
Hiện nay, việc cầu nguyện và chịu đau khổ để góp phần vào chương trình cứu độ của Chúa là rất hợp thánh ý Chúa. Ơn cứu độ đến từ Thánh Giá.
Tôi cầu xin Đức Mẹ Maria thương giúp tôi đọc được thánh ý Chúa trong mọi sự đang xảy ra, để rồi “Xin Vâng” như Mẹ. “Xin Vâng” (Lc 1,38) của Mẹ là một dấn thân, là một dâng hiến, trong yêu thương và khiêm nhường.
Xin Vâng” như thế chính là trở về với Cha, trong hân hoan và phó thác.
Cha ơi, con đây, con xin trở về với Cha.