Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

Giới Thiệu Chúa Cứu Thế, GÁNH TỘI VÀ ĐỀN TỘI CHO ĐOÀN CHIÊN

Giới Thiệu Chúa Cứu Thế, GÁNH TỘI VÀ ĐỀN TỘI CHO ĐOÀN CHIÊN

1.
Mấy ngày nay, Chúa thôi thúc tôi hãy bắt chước thánh Gioan Baotixita một cách sát thực tế và sát Phúc Âm hơn. Rồi Chúa dạy cách đó là: Xưa thánh Gioan Baotixita vừa giới thiệu Chúa Giêsu là Đấng cứu thế gánh tội và đền tội cho trần gian. Ngài cũng vừa dấn thân chịu khổ cùng với Chúa Giêsu, để gánh tội và đền tội cho đoàn chiên. Nay các môn đệ Chúa, nhất là các Giám mục, linh mục, , tu sĩ cũng hãy làm như vậy.
2.
Những gì Chúa dạy trên đây đã cho tôi một dung mạo, mà Chúa tha thiết muốn về các môn đệ Chúa tại Việt Nam hôm nay. Dung mạo này có 2 nét: Một là hãy rao giảng và giới thiệu Đức Kitô là Chúa Cứu Thế. Hai là hãy gánh tội, đền tội cho người khác bằng cuộc đời dâng hiến đầy yêu thương và hy sinh, cho dù chết đau đớn như Chúa Giêsu và như thánh Gioan Baotixita.
Với chân dung có hai nét đẹp đó, tôi tự đánh giá mình và cũng đáng giá các môn đệ Chúa xung quanh tôi. Tôi thấy chân dung đó nơi chúng ta còn khá mờ nhạt, do đó giá trị của chúng ta trước mặt Chúa là rất tương đối, có thể là rất thấp.
3.
Sự thực đó giúp chúng ta nên khiêm tốn hơn, để xin Chúa thương giúp chúng ta trở thành người môn đệ Chúa có thực chất theo chân dung, mà Chúa muốn. Biết giới thiệu Chúa Cứu Thế bằng đời sống là điều khó, biết gánh tội và đền tội cho đoàn chiên là điều càng rất khó. Biết thế để mà khiêm tốn.
4.
Điều kiện để Chúa thương giúp chúng ta về vấn đề này, là chúng ta phải thực sự khao khát trở thành môn đệ Chúa, theo như Chúa muốn.
Khao khát được thuộc trọn về Chúa. Khao khát được Chúa đổi mới bản thân ta. Khao khát được Chúa dạy phải giới thiệu Đức Kitô thế nào. Khao khát được Chúa dạy phải gánh tội và đền tội cho người khác thế nào. Khao khát sẵn sàng vâng phục. Rồi phó thác với lòng khiêm tốn, hèn mọn.
5.
Tôi thấy cái cản trở lớn nhất khiến chúng ta không được trở thành môn đệ Chúa đích thực chính là sự chúng ta không khao khát điều đó. Chúa gọi ta, nhưng chúng ta dửng dưng. Tệ hơn nữa, chúng ta còn lợi dụng ơn Chúa gọi để tìm cho mình những tư lợi phục vụ không cho Nước Chúa, mà cho chính mình.
6.
Một lần nữa, tôi tự nhủ mình:
Hãy rao giảng, hãy giới thiệu, hãy làm chứng cho Đức Kitô bằng chính đời sống của mình, như thánh Gioan Baotixita đã làm.
Hãy cùng với Đức Kitô, gánh tội cho người khác, đền tội thay cho người khác. Thánh Gioan Baotixita đã làm như vậy. Nếu không, sẽ không tránh được hậu quả xấu.
7.
Đức Mẹ, ở Fatima đã cảnh báo sẽ có những biến cố khủng khiếp xảy ra, nếu nhân loại không sám hối.
Tôi thiết nghĩ, ít là chúng ta, những môn đệ Chúa, hãy sám hối bằng cách làm 2 việc như trên, mà thánh Gioan Baotixita đã thực hiện, thì hy vọng Đất Nước và Hội Thánh chúng ta sẽ được cứu. Chính chúng ta cũng sẽ nhờ đó mà được cứu. Dân chúng sẽ tin vào chúng ta nhiều hơn. Hội Thánh sẽ hi vọng vào chúng ta nhiều hơn. Chúa sẽ sử dụng chúng ta nhiều hơn.
Trong sám hối, chúng ta không nên quên là chúng ta phải rất khiêm tốn, rất khó nghèo, rất ý thức về thời gian ra trước Chúa không thuộc về quyền chúng ta, có thể sẽ rất bất ngờ. Thời giờ Chúa chờ đợi không do chúng ta muốn và định đoạt.
Tôi thiết nghĩ, sám hối không chỉ là bổn phận của cá nhân, mà cũng còn là bổn phận của cộng đoàn, và của cả cơ chế.
Lạy Mẹ Maria, xưa Mẹ đã đến thăm thánh Gioan Baotixita, nhờ đó, thánh Gioan Baotixita đã trở thành môn đệ đích thực của Chúa. Nay, xin Mẹ cũng thương đến thăm chúng con, để chúng con biết cộng tác với ơn Chúa, mà trở thành người môn đệ Chúa, như lòng Chúa mong muốn.
+ GB. Bùi Tuần

Long Xuyên, 24.06.2015

Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

Đem tình yêu thánh tâm Chúa Giêsu ĐẾN CHO NHỮNG NGƯỜI ĐAU KHỔ

Đem tình yêu thánh tâm Chúa Giêsu
ĐẾN CHO NHỮNG NGƯỜI ĐAU KHỔ

1.  
Hằng ngày tôi đọc báo, xem truyền hình và có nhiều tiếp xúc. Nhờ vậy tôi được biết là hiện nay những người đau khổ chiếm một số đáng kể. Trên thế giới họ đang là một vấn đề lớn. Tại Việt Nam họ đang là một tiếng gọi khẩn thiết.
2.
Rất may là vấn đề lớn đó cũng như tiếng gọi khẩn thiết đó đã và đang đánh thức được nhiều lương tâm. Bác ái từ thiện được khơi dậy và thực hiện đều khắp dưới nhiều hình thức. Nhà nước làm, tôn giáo làm, đoàn thể làm, cá nhân làm.
3.
Nhưng những đau khổ cũ chưa tan, thì những đau khổ mới lại bùng lên. Cảnh đó làm tôi rất buồn. Nhờ đức tin, lòng tôi càng buồn, thì càng gần lại bên Chúa Giêsu.
4.
Trong thinh lặng âu yếm, Chúa Giêsu dạy tôi hãy nhìn vào trái tim Người, một trái tim đã bị lưỡi đòng đâm thâu qua. Người nhắc lại cho tôi nhớ lời xưa Người đã nói: “Cha chính là mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11). Trong giây lát, Người cho tôi hiểu: Dù làm việc thiện nào cho người đau khổ, tôi cũng hãy mang tình yêu của trái tim Chúa đến cho họ.
Tôi xin vâng. Nhưng, làm thế nào để mang tình yêu của Trái Tim Chúa đến cho người đau khổ trong mọi việc tôi làm cho họ?
5.
Thú thực là để thực hiện điều đó, tôi luôn phải nhờ đến ơn Chúa.
Chúa ban ơn đó cho tôi, nhưng Người bảo tôi phải cầu nguyện, chiêm niệm. Như thể ơn Chúa ban là rất cao quý, tôi phải có chút phần nào cộng tác vào đó, bằng sự mở lòng tôi ra một cách khiêm nhường, nghèo khó. Tôi nhận mình hèn yếu, nhưng vững tin vào tình yêu của Trái Tim Chúa đã hy sinh vì tôi và vì mọi người.
6.
Dần dần, khi cầu nguyện như thế, tình yêu Trái Tim Chúa đã đi vào lòng tôi. Tình yêu ấy như làm cho lòng tôi, dù đang nặng nỗi đau buồn, lại nở ra hoa, một thứ hoa có yêu thương và vui mừng. Đúng như lời Kinh Thánh nói: “Hoa trái của Thánh Thần là bác ái và niềm vui” (Gl 5,22).
7.
Từ kinh nghiệm nội tâm trên đây, tôi có một cái nhìn riêng về tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu dành cho những người đau khổ. Tôi thấy tình yêu cao quý ấy có ba đặc điểm này: Yêu thương, hy sinh và vui vẻ phục vụ.
Với cái nhìn đó, tôi dễ nhận ra những ai đến với tôi mà thực sự mang tình yêu của Trái Tim Chúa đến cho tôi.
Với cái nhìn đó, tôi cũng dễ nhận ra khi tôi phục vụ, nhất là những người đau khổ, tôi có mang tình yêu của Thánh Tâm Chúa đến cho họ thực không?
8.
Tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu có một dấu chỉ sống động và hùng hồn, đó là vết thương do bị lưỡi đòng đâm thâu qua. Với dấu chỉ đó, tôi hiểu thấm thía tình yêu luôn cần được minh chứng bằng hy sinh. Tình yêu không hy sinh là tình yêu giả. Hy sinh không yêu thương là yêu thương thừa. Yêu thương thực bao giờ cũng đẹp nhờ biết hy sinh.
9.
Nếu tôi yêu thương đoàn chiên của tôi, nhất là những người đau khổ, thì yêu thương của tôi cần phải được minh chứng bằng một dấu chỉ chắc chắn, đó là hy sinh. “Tôi chính là mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên” (Ga 10,11). Hy sinh, mà các mục tử đã và đang làm gương cho tôi, gồm rất nhiều thứ xảy ra thường ngày. Hy sinh về thân xác thì dễ thấy. Hy sinh trong tâm hồn thì khó thấy, nhưng lại rất nhiều.
10.
Một trong những hy sinh trong tâm hồn, mà tôi học được nơi các ngài là sự tỉnh thức, khi làm từ thiện bác ái, phục vụ người đau khổ.
Tỉnh thức tránh sự phô trương. Các ngài nhớ lời Chúa phán: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chưng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy, khi bố thí, đừng cho khua chiêng đáng trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thật, Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi” (Mt 6,1-2).
Tỉnh thức tránh sự lừa dối. Các ngài luôn rất minh bạch về tiền của dâng cúng. Thái độ minh bạch của các ngài làm tôi nhớ lại chuyện ông Khanania và vợ là Xaphira xưa đã gian lận, lừa dối các tông đồ trong việc dâng cúng của cải, và họ đã bị Chúa phạt chết tươi (x. Cv 5,1-11).
Tỉnh thức tránh cho việc từ thiện khỏi bị lợi dụng để kết thành những nhóm lợi ích riêng (x. Ga 2,18-19).
Tỉnh thức tránh thiếu tế nhị trong việc làm từ thiện và phục vụ. Làm cho người đau khổ là làm cho chính Chúa Giêsu.
11.
Dù tỉnh thức đến đâu, tôi vẫn thấy mình còn rất xa tình yêu của Trái Tim Chúa Giêsu, nên hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, tôi chỉ biết kêu cầu Chúa một lời vắn tắt này: Lạy Chúa, xin thương xót con. Tôi kêu cầu với lòng tin tuyệt đối.
12.
Rồi, dù như bị đóng đinh vào thánh giá là bệnh tật, già yếu, tôi vẫn ra đi, đến những người đau khổ bằng nhiều cách có thể.
13.
Cho dù thân phận mong manh, tôi vẫn mang đến cho họ chút tình yêu của Trái Tim Chúa. Tôi yêu thương họ, tôi hy sinh cho họ, tôi vui lòng được phục vụ họ. Và như vậy, tôi sẽ là của lễ, hiệp cùng của lễ Chúa Giêsu dâng chính mình trên thánh giá xưa. Kết quả là sẽ góp phần vào công việc cứu độ những người đau khổ, mà Chúa Giêsu thực hiện.
14.
Trên đây là một chia sẻ rất chân thành. Nếu đó là một chứng từ nói lên kinh nghiệm về tình yêu của Trái Tim Chúa nơi một con người hèn yếu như tôi, thì thiết nghĩ đây là một đóng góp vào Tin Mừng cho tình hình phức tạp tại Quê Hương Việt Nam yêu dấu hôm nay.
Nói lên kinh nghiệm về tình yêu Thánh Tâm Chúa, chứ không nói về lý thuyết, đó là điều tôi mạo muội làm. Xin Chúa thương nhận và ban phép lành cho những ai quan tâm đến kinh nghiệm nhỏ bé của tôi, và cầu nguyện cho tôi. Hy vọng như thế đang là một niềm vui giúp tôi càng tin vào tình yêu thương xót Chúa. Xin hết lòng tạ ơn Chúa.

                Long Xuyên  3.6.2015

Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

TIẾNG GỌI CỦA THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU: "TA KHÁT"

TIẾNG GỌI CỦA THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU:
“TA KHÁT”
      1.  
Có những ngày, hơn bao giờ hết, tôi cảm thấy mình khốn khổ khác thường. Thân xác đau, tâm hồn đau. Những cơn đau dài đẩy tôi vào một cõi cô đơn, sợ hãi, tối tăm, như hấp hối bên bờ vực thẳm.
Tôi chạy đến bên Đức Mẹ. Mẹ nhân lành dắt tôi đến Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá. Mẹ dạy tôi hãy đặt những nỗi đau của tôi dưới chân thánh giá Chúa. Tôi xin vâng. Trong tĩnh lặng, tôi cảm thấy những nỗi đau của tôi dần dần biến thành một sự khao khát Chúa. Đến một lúc bất ngờ, sự tôi khao khát Chúa đã mở lòng tôi ra.
2.
Tôi như nghe được tiếng Chúa Giêsu đã kêu lên xưa trên thánh giá: “Cha khát”. Tôi hiểu Chúa khát tôi hãy đón nhận tình yêu cứu độ của Chúa Cha, qua sự Người đang vâng phục Chúa Cha mà hy sinh mình trên thánh giá, để cứu nhân loại.
Với nhận thức sâu xa về sự bần cùng của mình, tôi mở lòng ra để đón nhận tình yêu cứu độ ấy của Chúa dành cho tôi.
3.
Một hậu quả rất rõ ràng sinh ra trong tôi, khi tình yêu cứu độ Chúa tràn vào lòng tôi, đó là tôi cảm thấy sự khát khao Chúa trở nên mỗi lúc mỗi mạnh hơn, nhất là trở nên mỗi lúc mỗi cụ thể hơn ở sự khao khát tình yêu Chúa: Yêu mến Chúa là lẽ sống đời tôi.
4.
Khi tình yêu Chúa như ngấm sâu vào tôi, tôi được Chúa cho thấy tôi phải cố gắng thực thi hai điều này:
Một là hãy bắt chước Chúa Giêsu, luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha.
Hai là hãy bắt chước Chúa Giêsu luôn sẵn sàng hy sinh để cứu các linh hồn.
5.
Vâng phục thánh ý Chúa Cha một cách tuyệt đối, đó là điều Chúa Giêsu luôn nhắc cho tôi. Tôi nhớ lại lời Kinh Thánh viết: “Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Chúa, như Sách Thánh đã chép về con” (Dt 10,5-7).
6.
“Này con xin đến, để thực thi ý Cha”. Mà ý Cha là Ngài phải chịu nhiều hy sinh.
Hy sinh của Chúa Giêsu là vượt qua biên giới vinh quang của Thiên Chúa, mà xuống làm người:
“Đức Giêsu Kitô,
Vốn dĩ là Thiên Chúa,
Mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7).
Hy sinh của Chúa Giêsu còn là vượt qua biên giới được tự do sống, mà bước xuống thân phận kẻ bị tử hình:
“Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8).
7.
Xin thú thức là luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha và luôn luôn hy sinh, đó là một thực tế cam go trong đời tôi. Đời tôi do vậy đã trở thành một cuộc hành hương trong chiến đấu không ngừng. Chiến đấu nhất là trong chính nội tâm mình. Chiến đấu không đổ máu, nhưng là một từ bỏ có khi còn hơn là đổ máu.
Nhưng, tôi tin sự tôi chịu hy sinh để vâng thánh ý Chúa Cha, hầu góp phần vào việc cứu rỗi các linh hồn, sẽ là con đường dẫn tôi về hưởng vinh quang của Chúa Giêsu. “Nào, Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24,26).
8.
Tới đây Chúa cho tôi nhìn vào Hội Thánh Chúa tại Việt Nam hôm nay. Tôi đang nhận ra rất nhiều người con Chúa đang đi vào vinh quang của Chúa Giêsu, từ những hy sinh họ chịu do vâng phục thánh ý Chúa.
Một trong lãnh vực thực tế mà họ chịu hy sinh thường ngày nhiều nất là lãnh vực phục vụ người nghèo. Lãnh vực thực tế đó hiện nay rất rộng và rất phức tạp.
9.
Theo tinh thần Công đồng Vatican II, họ nhận mình có trách nhiệm với lịch sử Đất Nước; nhất là với những anh chị em nghèo khổ của họ trên Quê Hương này.
Trách nhiệm của họ đối với những người anh chị em nghèo khổ cũng sẽ là trách nhiệm ngăn cản sự sụp đổ của Đất Nước họ.
Không phải chỉ tiền bạc, đất đai, của cải là những phần họ phải nghĩ đến khi lo cho người nghèo, mà còn là văn hoá chứa đựng những chân lý và các giá trị thiêng liêng có sức cứu độ họ.
10.
Hơn mọi ngày thường, họ nghe được tiếng “Cha khát” của Thánh Tâm Chúa Giêsu đang ưu tiên hướng về những người nghèo khổ.
Chúa khát khao có được những người dấn thân đem tình yêu cứu độ của Chúa đến cho những người nghèo khổ.
11.
Chúa khát khao các nơi đào tạo những người truyền giáo hãy mạnh dạn và khiêm tốn coi việc lo cho người nghèo khổ là một trách nhiệm ưu tiên Chúa trao cho mình. Thực hiện tốt trách nhiệm đó chính là tân Phúc Âm hoá, rất cần cho thời điểm này tại Việt Nam hôm nay.
12.
Chúa khát khao mọi người thờ phượng Chúa hãy ưu tiên coi việc lo cho người nghèo khổ được cứu độ chính là cách “thờ phượng Chúa Cha trong tinh thần và trong chân lý” (Ga 4,24).

Lạy Chúa Giêsu, con xin tạ ơn Chúa đã thương cho con nghe được tiếng “Cha khát” từ Trái Tim Chúa. Xin tiếp tục thương giúp con biết đáp lại tiếng Chúa gọi, bằng việc làm tốt mọi việc thường ngày, dù rất nhỏ và rất âm thầm.
GM.GB. Bùi Tuần