Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2015

GẶP GỠ CHÚA GIÊSU

GẶP GỠ CHÚA GIÊSU
1.
Nhân dịp Tết mới, tôi xin thân ái cầu chúc cho mọi người nhận được món quà, mà tôi cho là rất quí, đó là được gặp Chúa Cứu Thế, để cuộc sống của mình được nên tốt đẹp, như lời Người đã phán xưa: “Ta đến, để cho chiên được sống, và sống dồi dào” (Ga 10,10).
2. Sở dĩ, tôi chúc như vậy, bởi vì tôi tin: Ai gặp được Chúa Giêsu, kẻ ấy sẽ nhờ Người mà có được cuộc sống tốt.
Không những tôi tin như thế, mà thực sự tôi đã trải qua một cuộc đời được kinh nghiệm như thế. Ở đây, tôi xin phép được chia sẻ đôi chút về những kinh nghiệm đó.
Trên suốt cuộc đời dài, nhiều lần tôi đã gặp được Chúa Giêsu một cách rất rõ, gây ấn tượng mạnh. Có thể tóm tắt những gặp gỡ đó vào hai loại:
3.
Một là được gặp Chúa trong cảnh huy hoàng, siêu thoát, như ba môn đệ đã gặp trên ngọn núi cao, ở đó Chúa biến hình. Ba môn đệ đã rất vui. (x. Mc 9,2-12)
4.
Hai là được gặp Chúa trong cảnh đớn đau như ba môn đệ đã thấy, trong vườn Cây Dầu, khi Người chiến đấu trước cái chết khổ nhục. Tôi cũng như ba môn đệ kể trên đã rất sợ hãi, kinh hoàng. (x. Mc 14, 33-42)
Tôi nghĩ chính vì yêu thương thân mật, Chúa Giêsu mới cho tôi được nếm đôi chút những giờ phút đặc biệt nhất của cuộc đời Chúa. Nhờ đó, tôi được Chúa dạy tôi hãy sống thân mật với Người. Sống thân mật với Người là phải gắn bó với Người một cách kiên trì trong mọi hoàn cảnh, dù sáng sủa, dù tối tăm, mà tôi phải trải qua.
5.
Tôi đã được gặp Chúa Giêsu như thế trong những dịp nào? Thưa thường xuyên tôi gặp Người bằng đức tin. Bằng đức tin, tôi gặp Chúa. Sự gặp gỡ này được thực hiện do ơn Phép Rửa tội. Ngoài ra, tôi còn được gặp Chúa, như một người được Chúa gọi hãy làm chứng cách riêng cho sự sống thân mật với Chúa.
Nhưng gặp gỡ thân mật với Chúa Giêsu mà tôi cảm nhận được thường không kéo dài lâu. Nhưng ảnh hưởng của nó thường nuôi sống linh hồn tôi một cách sâu xa lâu dài.
6.
Nơi đầu tiên tôi được gặp Chúa một cách thân mật, là nội tâm thinh lặng. Không phải lúc nào tôi cũng nếm được sự ngọt ngào do ở bên Chúa. Bởi vì rất nhiều khi, tôi cảm thấy nguội lạnh, tối tăm. Nếu có lúc, tôi nói được như vua Đavít xưa: “Tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan, thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn” (Tv 16,9), thì lúc đó, chính là khi tôi sống nội tâm thinh lặng, trút bỏ những bận tâm của nếp sống hoạt động ồn ào, hướng ngoại, để dành thời giờ cho Chúa. Trong nội tâm thinh lặng, tôi cầu nguyện, đọc Lời Chúa.
Được gặp Chúa lúc đó có thể chỉ như một tia sáng lạ thường, nhưng tôi cảm thấy rất rõ sự hiện diện của Chúa thực là dịu dàng, đem lại cho tôi hạnh phúc và một sức sống lạ lùng khôn tả.
7.
Nơi thứ hai tôi gặp Chúa một cách thân mật, là lúc tôi xưng tội và trở về với Chúa.
Tôi xưng tội hàng tháng, nhiều khi hàng tuần. Mỗi lần xưng tội là mỗi lần tôi nhìn nhận mình tội lỗi yếu hèn, xin ơn tha thứ của Chúa, qua các vị của Hội Thánh được Chúa trao quyền. Bao giờ cũng vậy, lúc đó, tôi được gặp Chúa một cách rất thân mật, rất riêng tư. Người là Đấng cứu thế vô cùng nhân hậu của tôi.
8.
Nơi thứ ba tôi thường gặp được Chúa là việc tôi phục vụ kẻ khốn khó nghèo hèn.
Tôi phục vụ họ bằng nhiều cách thích hợp với khả năng nhỏ bé của tôi. Thí dụ đã từ lâu tôi viết bài chia sẻ. Khi làm việc đó, tôi không dám nghĩ là tôi phục vụ những người đạo đức, những người đầy đủ, nhưng tôi nghĩ tới những người túng nghèo, khổ đau về phần linh hồn. Tôi tự nghĩ rằng tôi cần phải có chút can đảm để đi ra khỏi cái thế giới của giáo sĩ thường có nhiều tiện nghi, để dìm mình vào những vấn đề nóng bỏng của người nghèo khổ hôm nay. Tôi cần khiêm tốn và cậy trông, mở rộng đức tin ra để cho mọi thứ người nghèo khổ xung quanh tôi có thể nhận ra cái giá mà Chúa Giêsu đã vui chịu, để cứu họ, đem họ tới hạnh phúc thật sự.
Khi làm như vậy, nhiều lần tôi đã gặp được Chúa Giêsu. Tôi như rụng rời, không phải thấy Chúa uy nghi quyền phép, nhưng thấy Chúa khiêm tốn, hạ mình, dấn thân vào con đường thánh giá một cách nhục nhã, chỉ vì yêu thương, muốn cứu chuộc loài người.
Từ đó, tôi hiểu rõ hơn những lời Chúa Giêsu phán trong ngày phán xét chung: “Mỗi lần con làm việc tốt cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là con làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,45).
9.
Nơi thứ bốn tôi thường gặp được Chúa là những gì xảy ra, đã đụng tới tôi một cách đặc biệt và riêng tư.
Thí dụ một cảnh trời đẹp, một người dễ thương, một tác phẩm hay, một cơn bệnh, một biến cố lịch sử. Tôi như cảm được lời Chúa xưa đang thực hiện nơi tôi: “Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa ra, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Trong chốc lát, tôi đã nhận ra Chúa gõ cửa lòng tôi qua những gì xảy ra đó. Tôi đã mở cửa đón Chúa vào.
10.
Qua những lần gặp gỡ Chúa Giêsu, tôi xác tín đạo Công giáo của tôi là một mời gọi đi xa, vượt quá những gì chúng ta có thể tưởng tượng, rất hơn cuộc sống thế trần này. Tôi càng xác tín là con người đi tu, hiến thân cho Chúa, phải thuộc trọn về Chúa, để cùng với Chúa, đưa con người tới một sự sống thực, một sự sống dồi dào bình an và hạnh phúc đời đời.
Hôm nay, những ngày sắp Tết, tôi gói gọn những kinh nghiệm và niềm tin của tôi vào một lời chúc chân thành:
Gặp gỡ Chúa Giêsu
Tôi nghĩ là nhiều người đã gặp được Chúa Giêsu, người cách này, người cách khác. Chúng ta giúp nhau gặp gỡ Chúa Giêsu, đó cũng chính là hạnh phúc muốn được chia sẻ trong ngày đầu năm Ất Mùi này. Giúp nhau như vậy chính là yêu thương nhau, trân trọng nhau và tin vào nhau.

Chớ gì được như vậy, để mùa xuân Quê Hương dưới đất sẽ là phản ánh được phần nào mùa xuân Quê Hương trên trời.

ĐGM.GB. Bùi Tuần

Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

MÙA CHAY CỦA TÔI

MÙA CHAY CỦA TÔI

1.
Với những kinh nghiệm của đời mình, tôi thường sống Mùa Chay với tinh thần sám hối và tin vào Chúa, một cách sống động hơn, nhờ ơn Chúa Thánh Thần.
Cụ thể là tôi sống với bốn xác tín sau đây:
2.
Tôi xác tín mình là kẻ tội lỗi rất cần được ơn tha thứ.
Tôi thực sự là kẻ rất yếu đuối tội lỗi. Thánh Phaolô viết về chính mình thế này: “Tôi mang tính xác thịt, bí bán làm tôi cho tội lỗi. Thật vậy, tôi làm gì thì tôi cũng chẳng hiểu. Vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,14-15).
Lời thú tội trên đây của thánh Phaolô khích lệ tôi hãy nói lên sự thực về tôi, tôi cũng là như thế, và còn hơn thế rất nhiều.
Khi tôi thú nhận mình tội lỗi, tôi không quá nhấn mạnh đến sự hư đốn của tôi, nhưng tôi nhấn mạnh hơn đến sự tôi được Chúa tha thứ. Tôi thực sự đã cảm nhận những lời Chúa phán xưa về tình yêu Chúa dành cho kẻ tội lỗi, như: “Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13). “Con Người đến, để cứu cái gì đã hư mất” (Mt 18,11). “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để 99 con kia trên núi, mà đi tìm một con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là 99 con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18,12-14).
3.
Tôi không thể hiểu được, làm sao tôi có thể sống, nếu không được tha thứ. Tôi càng không dám gánh trách nhiệm nào, nếu tôi không tin rằng Chúa sẽ tha thứ cho những yếu đuối tôi.
Tôi được ơn tha thứ. Nên tôi rao giảng về sự tha thứ. Tôi làm chứng đạo Chúa có đặc điểm là tha thứ.
4.
Tôi xác tín mình là kẻ có rất nhiều giới hạn trong mọi lãnh vực, rất cần khiêm tốn tìm hiểu, lắng nghe và cộng tác với nhiều người.
Kinh nghiệm cho tôi thấy: không gì hại cho tôi bằng sự tôi nghĩ mình phải làm đủ mọi sự, và có thể làm được mọi sự. Kinh nghiệm cũng cho tôi thấy là: Không gì dại khờ cho tôi bằng sự tôi cho rằng mình phải làm được điều gì đặc biệt, khác với các Giám mục, và linh mục tại Việt Nam hôm nay.
5.
Tôi vững tin rằng: Chúa chỉ đòi tôi một điều là: Hãy kết hợp mật thiết với Chúa, rồi ơn Chúa sẽ dẫn đưa tôi làm những gì Chúa muốn, theo khả năng bé nhỏ của tôi. “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa quả, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).
6.
Tôi xác tín mình được gọi tham dự vào thánh giá Chúa, để góp phần vào việc cứu các linh hồn.
Rất nhiều khi, tôi đã nghĩ rằng: Đau khổ tôi chịu là do tội lỗi của tôi, và là con đường giúp tôi nên thánh. Nhưng dần dần, tôi xác tín: Đau khổ là một ơn gọi Chúa dành cho tôi, để tôi được góp phần vào việc cứu các linh hồn.
7.
“Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người” (Mc 19,45). “Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,15).
8.
Càng ngày, những lời Chúa phán trên đây càng làm cho tôi xác tín về sự tôi chịu đau khổ là để đáp lại ơn gọi Chúa dành cho tôi. Đau khổ gắn liền với mục vụ, đau khổ là một cách cứu độ, đau khổ là để hiệp thông với thánh giá Chúa.
Đau khổ là một ơn gọi, là đau khổ ấy đến từ nhiều phía. Rất có thể đến từ phía cộng đoàn của tôi, do những chống đối, những xa cách, những hiểu lầm, những ghen tương, vv...
Tôi phải sẵn sàng đón nhận. Rất có thể đau khổ đến từ những chuyển biến bất ngờ đòi tôi phải từ bỏ chương trình có sẵn, để bắt đầu lại.
Rất có thể đau khổ đến từ phía những văn hoá mới có vẻ bình thường hoá những tội lỗi và căn cứ vào ý kiến số đông như thước đo đạo đức. Những trường hợp như thế, tôi sẽ rất cô đơn và đau khổ.
Rất có thể đau khổ của tôi lại là những đau khổ của người khác. Khổ cái khổ của đồng bào tôi. Đau cái đau của Hội Thánh tôi.
9.
Tôi xác tín là cuộc sống của tôi rất mong manh, tôi ra đi bất cứ lúc nào, tôi phải sẵn sàng ra trước mặt Chúa với niềm phó thác tuyệt đối vào lòng thương xót Chúa.
Thánh Têrêsa thành Lisieux nói về mình: “Tôi sẽ hiện diện trước Chúa với bàn tay không”. Ngài nhận mình chẳng là gì, chẳng đáng gì, chẳng có gì gọi là công phúc. Ngài chỉ là đứa con bé nhỏ, chỉ tin vào tình yêu Chúa mà thôi.
Tôi sẽ không nói được như thánh nữ. Nhưng tôi sẽ nói với Chúa: Con là kẻ tội lỗi, mang theo nhiều dấu ấn của tội lỗi. Nhưng con tin ở lòng thương xót Chúa. vì Chúa là Chúa của con.
10.

Với bốn xác tín trên đây, tôi sống mùa Chay năm nay một cách bình an. Tôi biết sống như thế chính là một sự hoán cải nội tâm, đòi tôi phải rất khiêm nhường vâng phục thánh ý Chúa. Sự vâng phục khiêm nhường đó nhiều khi vượt quá tính cách hợp lý theo cách suy nghĩ của thế gian. Nhưng Chúa Giêsu đã làm. Tôi cũng làm như Chúa Giêsu. Như thế, tôi mới góp phần vào việc cứu nhân loại. Nhân loại hiện nay đang rất cần được cứu. Chỉ Chúa mới cứu được mà thôi.
GM.GB. Bùi Tuần