Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

CẢM THÔNG ĐỂ CỨU

Tâm sự nhân kỷ niệm thụ phong Giám Mục
ngày 30 tháng 4 năm 1975

CẢM THÔNG ĐỂ CỨU

 1.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, tại nhà nguyện nhỏ bé Toà Giám Mục Long Xuyên, tôi đã được thụ phong Giám mục, theo sắc chỉ của Toà Thánh.
Thánh lễ Phong Chức được tổ chức rất đơn sơ, chỉ với vài chục người tham dự. Bầu khi thiêng liêng rất sốt sắng, tập trung vào cầu nguyện, sám hối và tin vào Chúa một cách chân thành sống động như chưa từng có.
Với lễ thụ phong đơn sơ ấy, và với hoàn cảnh đặc biệt ấy, Chúa đã nhắn nhủ tôi một điều. Điều nhắn nhủ ấy đến từ chính Chúa, như một lời tâm huyết, tràn sâu vào lòng tôi những trăn trở và thao thức triền miên. Chúa bảo tôi: “Là mục tử lúc này, ưu tiên con hãy cảm thông với mọi người đau khổ, theo gương mục tử Giêsu”.
2.
Từ giây phút ấy, tôi hiểu cảm thông với những người đau khổ là một cách cụ thể, rất cần thiết, để thực thi điều răn mới của Chúa: “Thầy cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 14,34). Đó sẽ là một hành trình dài, tôi sẽ chỉ thực hiện được nhờ ơn Chúa mà thôi.
Thực vậy, nhờ ơn Chúa, tôi đã cảm nhận được một số nỗi đau ngay trong thánh lễ thụ phong Giám mục của tôi hôm đó.
Tôi cảm nhận thấy mình rất bần cùng, qua một thánh lễ hết sức đơn sơ rất gợi ý về sự bần cùng.
Tôi cảm nhận thấy mình rất khốn khổ, qua nhận thức mình quá bất xứng.
Tôi cảm nhận thấy mình rất cô đơn, qua thấy trước mình sẽ phải một mình chịu trách nhiệm lấy hết mọi chọn lựa sau này của mình.
Tôi cảm nhận thấy mình rất yếu đuối, qua kinh nghiệm về sức khoẻ cả phần xác lẫn phần hồn.
3.
Với những nỗi đau được cảm nhận này, tôi tìm nương tựa ở Chúa và ở cộng đoàn.
Tìm nương tựa ở Chúa là tôi gặp gỡ Chúa Giêsu, ở lại trong Người, và Người ở trong tôi. Nhờ vậy, tôi được Người chia sẻ cho sự sống của Người, tâm tình của Người, tình yêu của Người và cả thánh giá của Người.
4.
Tìm nương tựa ở cộng đoàn là tôi trân trọng bất cứ nâng đỡ nào từ bất cứ ai.
Thú thực là, khi tìm nương tựa ở cộng đoàn, nhiều khi tôi không có ý tìm nương tựa ở những người đau khổ. Nhưng chính Chúa lại đưa họ đến với tôi. Dần dần, tôi thấy nhiều người đau khổ đã nâng đỡ tôi rất tốt, đã dạy tôi nhiều điều hữu ích, đã giúp tôi nên người hơn, nhất là đã giúp tôi nên giống Chúa Giêsu hơn.
5.
Được gần gũi những người đau khổ, tôi hiểu đau khổ là quê hương chung của mọi người, đau khổ là trường đào tạo con người, đau khổ đòi một nền văn hoá của cảm thông, đau khổ kêu gọi một mục vụ của lòng thương xót.
Đau khổ như biển mênh mông, do nhiều nguyên do.
Bệnh tật, nghèo túng, thiếu khả năng, thiếu trình độ, thiếu may mắn, thiếu tình yêu, mất công ăn việc làm, mất người thân, mất điểm tựa, mất danh dự, mất phương hướng, mất niềm tin, nhất là bị tội lỗi khống chế, đi vào bế tắc, thật vọng. Và còn biết bao thứ đau khổ không tên, không chân dung.
Nỗi đau như trăm ngàn dòng chảy mồ hôi, nước mắt và máu nghẹn ngào. Nỗi đau nào cũng là một tiếng kêu cầu cứu. Tôi đáp lại, trước hết bằng sự cùng đau với họ. Nỗi đau của họ như xâm nhập vào tôi.
Tôi đau nỗi đau của họ. Nỗi đau ấy cảm thấy được trong thân xác, trong tâm hồn, nhất là trong trái tim tôi. Tôi thấy, nếu tôi ở trong hoàn cảnh của họ, tôi cũng sẽ bị khổ như họ.
Tôi nhớ lại những lời Kinh Thánh về người mục tử biết cảm thông. Thư gởi Do Thái quả quyết: Người mục tử biết cảm thông, khi chính ngài cũng cảm thấy mình yếu đuối (x. Dt 4,14;5,1-3).
6.
Thực sự, tôi cảm thấy tôi rất yếu đuối, không kém những ai yếu đuối nhất, nên tôi rất cảm thông. Nhìn nhận mình yếu đuối là yếu tố quan trọng, để biết cảm thông với những người yếu đuối.
Cảm nhận đó thúc đẩy tôi chạy lại với Chúa, xin Chúa thương cứu tôi và cứu họ. Họ và tôi cũng trong thân phận chung của kẻ yếu đuối khổ đau khốn cùng.
Tôi đến với Chúa, chỉ với danh nghĩa một người tội lỗi, một kẻ bần cùng.
Tôi đến với Chúa như thế hầu như thường ngày, một cách đơn sơ và bình an. Nhưng không thiếu trường hợp, tôi đến với Chúa, với tâm trạng sợ hãi, xao xuyến, cô đơn khủng khiếp trong tâm hồn.
7.
Lúc đó, tôi nhớ lại hình ảnh Chúa Giêsu cầu nguyện trong vườn Cây Dầu. Người đã sợ hãi, và nài xin Chúa Cha, nếu có thể, thì thương cứu Người khỏi chén đáng sắp phải uống (x. Lc 22,41-44).
Còn tôi, trong sợ hãi cô đơn, tôi nói với Chúa rằng: Chúa đã uống chén đắng, để đền tội thay cho con và để cứu con. Con tin như vậy. Nên xin thương cứu con.
8.
Kết quả là Chúa đã cứu tôi, và với tôi, Chúa cũng đã cứu nhiều người đau khổ như tôi. Chúa cứu chúng tôi, không vì công trạng gì của chúng tôi, nhưng vì công phúc cuộc tử nạn thánh giá, mà Người đã thực hiện, để cứu chúng tôi.
Chúa cứu tôi khỏi bao sự dữ, Chúa cứu tôi khỏi tội lỗi. Chúa cứu tôi khỏi cái tôi cũ thích tìm theo ý riêng, để đưa tôi vào cái tôi mới chỉ tìm thực thi ý Chúa mà thôi. Chúa cứu tôi khỏi lạc đường, dẫn tôi vào chính lộ an toàn cho phần rỗi đời đời.
Khi được cứu, tôi vẫn xin Chúa giúp tôi đừng bao giờ lạm dụng lòng thương xót Chúa.
9.
Khi Chúa cứu tôi, Chúa đã dùng Hội Thánh Chúa. Hội Thánh, mà Chúa dùng để cứu tôi, là một Hội Thánh cởi mở bao dung, hướng về Nước Trời. Hội Thánh này gồm tất cả những ai vâng theo ý Chúa mà biết yêu thương nhau, biết cảm thông với những người đau khổ. Họ làm nên một Hội Thánh cảm thông, mà Chúa Giêsu khen thưởng ngày phán xét chung (x. Mt 25,31-46).
10.
Họ cảm thông, cứu giúp những người đau khổ, không chỉ bàng của cải vật chất, nhưng cũng còn bằng sức thiêng họ gởi tới. Bởi vì bao lần họ đâu có của cải vật chất. Sức thiêng họ gởi tới là lời cầu nguyện, nhất là sự họ vui nhận trở thành hạt lúa gieo vào lòng đất, như Chúa Giêsu xưa (x. Ga 12,24).
Như hạt lúa gieo vào lòng đất, bị thối đi, họ sẽ là của lễ. Khiêm nhường trong yêu thương. Khiêm nhường trong phục vụ. Khiêm nhường trong hy sinh. Đó là sức thiêng có sức góp phần cứu những người đau khổ. Chúa Giêsu là Đấng Cứu độ, sẽ thu lượm những đóng góp đó, dù âm thầm nhỏ bé, để biến thành sức thiêng, kết hợp với thánh giá của Người, mà cứu được rất nhiều người đau khổ.
11.
Giờ đây, nhìn lại quãng đường từ 30 tháng 4 năm 1975 đến hôm nay, tôi thấy quãng đường ấy là một hành trình, mà Chúa dắt tôi đi. Tôi hân hoan cảm tạ Chúa, vì suốt chuyến đi ấy, Chúa đã đồng hành với tôi, để cứu tôi, và cho tôi chứng kiến sự Chúa đã cứu biết bao người khác.
Họ và tôi đều đang nhận ra Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu Thế, Người đến không để kết án, nhưng để giải cứu những kẻ tin Người cho khỏi mọi thứ sự ác, nhất là khỏi tội lỗi. Người cứu không phải bằng sức mạnh quyền lực bất cứ dưới hình thức nào, mà chỉ bằng sức mạnh của thánh giá là tình yêu khiêm nhường tự hạ đầy thương xót.
 Chúa Giêsu vác thánh giá và chết trên thánh giá vì yêu thương, chính là Đấng tôi tin. Do đó vinh dự của tôi cũng chính là thánh giá Chúa Giêsu.
12.
Những gì Chúa đã làm cho tôi đều là những ơn Chúa ban cho một cách nhưng không. Tôi lãnh nhận rất nhiều mà cho đi thì quá ít.
Vì thế, trong tâm tình cảm tạ của tôi, vẫn phải có tâm tình sám hối vì bao thiếu sót lỗi lầm.
Tôi hết lòng cảm tạ Chúa vì nền văn hoá của cảm thông cũng như mục vụ của lòng thương xót đang được phát triển.
Hiện tại đầy phức tạp. Tương lai đầy thách đố và có thể xảy ra những bất ngờ. Dầu sao, tôi vẫn tin: Chúa sẽ cứu. Kẻ Chúa cứu đầu tiên sẽ là những ai biết cảm thông với những người đau khổ bằng tất cả tấm lòng yêu thương khiêm nhường. Đúng như lời Chúa đã hứa: “Phúc cho ai thương xót người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).
Tôi tin tưởng chắc chắn rất nhiều người trên Quê Hương Việt Nam yêu dấu của tôi sẽ được Chúa xót thương cứu độ, do lời hứa ấy của Chúa chúng ta. Họ sẽ được Chúa đưa họ vào Cõi Phúc trường sinh đời đời.
Tôi xin cảm tạ và ngợi khen Chúa.
Tôi xin cảm tạ và gắn bó với Hội Thánh.
Tôi xin cảm tạ và yêu mến Quê Hương.
Tôi xin cảm tạ mọi bạn bè gần xa đã thương nâng đỡ tôi. Tôi xin thân ái gởi tới mọi người lời cầu chúc bình an yêu thương trong Chúa.
Long Xuyên, ngày 22 tháng 4 năm 2013.

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

BẮT CHƯỚC THÁNH GIUSE TẾ NHỊ TRONG MỌI TƯƠNG QUAN

 
+ GM. GB. BÙI TUẦN
1.
Thánh Giuse là một đấng thánh mà tôi yêu mến cách riêng ngay từ hồi tôi còn thơ ấu. Tôn sùng thánh Giuse rất sớm như thế là do cha mẹ truyền lại.
Cha mẹ tôi hay nói với các con là thánh Giuse rất thương những người nghèo khổ. Tôi tin lời đó của cha mẹ. Rồi tôi thấy lời cha mẹ dạy đó là rất đúng, bởi vì thánh Giuse thực sự đã thương cứu giúp gia đình tôi, nhất là khi gia đình tôi rơi vào cảnh túng nghèo.
Riêng tôi cũng đã được thánh Giuse thương một cách đặc biệt. Tôi cảm nghiệm được sự thực ngọt ngào đó trong nhiều trường hợp ngặt nghèo lúng túng mà tôi mắc phải, nhưng đã được Ngài thương giải thoát.
2.
Không kể những ơn đặc biệt tôi nhận được trong những trường hợp đặc biệt do thánh Giuse, tôi còn thường xuyên nhận được từ thánh Giuse nhiều bài học hữu ích cho đời sống đức tin của tôi. Một trong những bài học hữu ích đó, là sự tế nhị trong các tương quan.
Thực vậy, thánh Giuse đã rất tế nhị với Đức Mẹ Maria, với những người khác và với Thiên Chúa của Ngài.
3.
Đối với Đức Mẹ Maria, thánh Giuse đã rất tế nhị một cách khác thường.
Tế nhị của Ngài đối với Đức Maria là quyết tâm bảo vệ danh dự của người mình yêu. Phúc Âm kể: “Ông Giuse chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1,19).
Tế nhị của Ngài đối với Đức Maria là đón Đức Maria về nhà mình với lòng tin tưởng và kính trọng đầy yêu thương, sau khi được thiên thần Chúa báo mộng (x. Mt 1,19-24).
Tế nhị của Ngài đối với Đức Maria là đảm đương gánh chịu mọi nhọc nhằn khổ cực, để Đức Maria được an tâm lo cho hài nhi Giêsu trên đường trốn sang Ai Cập (x. Mt 2,13).
Tế nhị của Ngài đối với Đức Maria là tự nguyện lao động vất vả, để đời sống gia đình tại Nagiarét được đầy đủ, đỡ phần nào lo lắng cho Đức Mẹ (x. Mt 2,19-23).
Sự tế nhị của thánh Giuse đối với Đức Mẹ đã tạo nên cho Đức Mẹ một bầu khí tâm linh an bình hạnh phúc, nhất là trong hoàn cảnh phức tạp khó khăn tăm tối. Sự tế nhị đó của thánh Giuse dạy tôi điều này: Sự thánh thiện và sống đức tin hệ tại rất nhiều ở sự biết tế nhị trong tương quan đối với những người thân của mình. Tế nhị cả trong những sự rất nhỏ bé. Tế nhị ít là ở sự cố gắng đừng làm điều gì gây đau lòng cho họ, hơn nữa cố gắng làm điều gì gây được niềm vui cho họ. Tế nhị như thế trong mọi ngày không phải chuyện dễ. Nhưng thiết tưởng đó chính là sự thánh thiện.
4.
Đối với Đức Mẹ Maria, thánh Giuse rất tế nhị như vừa thấy phần nào. Còn đối với những người khác thì sao? Tôi thấy Ngài vẫn là con người tế nhị.
Tế nhị của thánh Giuse đối với xóm làng là hoà mình và chia sẻ. Ngài hoà mình vào đời sống lao động của xóm nghèo. Ngài chia sẻ nếp sống của nền văn hoá địa phương.
Tế nhị của thánh Giuse đối với dòng tộc là trung thành nhận mình thuộc dòng tộc vua Đavít, nên dù nghèo cũng cứ trở về quê gốc là Belem, để khai tên mình và người bạn trăm năm của mình vào sổ sách Nhà Nước (x. Lc 2,1-5).
Tế nhị của thánh Giuse đối với giáo quyền là tuân giữ cặn kẽ mọi luật lệ về cắt bì, về thanh tẩy cho con, về trẩy hội lên đền thờ Giêrusalem (x. Lc 2,21-45).
Thánh Giuse là một công dân tốt, và là một giáo dân tốt. Tốt ở chỗ không những giữ đúng luật, mà còn giữ luật với một tâm hồn tế nhị. Tế nhị ở chỗ toả ra tấm lòng khiêm tốn hiền hoà qua việc giữ luật. Giữ luật mà tạo nên được một bầu khí xây dựng yêu thương, bình an và liên đới, thì thiết tưởng đó là sự thánh thiện.
5.
Sau cùng, sự tế nhị của thánh Giuse đã dạy tôi nhiều nhất là ở thái độ của Ngài đối với Thiên Chúa của Ngài.
Tế nhị của Ngài đối với Thiên Chúa là ở sự Ngài tin tưởng tuyệt đối và mau lẹ những gì Chúa truyền dạy cho Ngài.
Phúc Âm dùng từ “chỗi dậy ngay, ban đêm” để nói về thánh Giuse, khi vừa được Thiên Chúa truyền dạy trong báo mộng (x. Mt 2,13-21). Ngài vâng phục mà không hỏi lý do, không tính toán hơn thiệt. Tế nhị như thế đối với Chúa nhất là trong những trường hợp khó khăn, chính là sự thánh thiện.
Tất cả những gì thánh Giuse dạy tôi về sự tế nhị đã giúp tôi rất nhiều trong đời sống tu đức, mục vụ và truyền giáo.
Tôi hiểu tế nhị ở đây là cái gì tinh tế chuyển tải một cái hồn đạo đức truyền cảm. Tôi xin đưa ra một ví dụ: Hai người cùng hát một bài ca. Cả hai cùng hát đúng nốt đúng lời. Nhưng một người hát với sự tinh tế của giọng điệu, có sức tạo nên cho người nghe một bầu khí thinh lặng nội tâm, tập trung vào cái hồn của bài ca, có một sức truyền cảm linh thiêng. Người tế nhị trong đời sống đạo đức cũng được hiểu như thế.
Phúc Âm thánh Luca kể lại dụ ngôn người Samari tốt lành. Có ba người cùng đi trên một con đường. Cả ba người cùng nhìn thấy một nạn nhân nằm bên vệ đường. Người thứ nhất thấy, liền tránh qua bên kia đường mà đi. Người thứ hai cũng thấy, cũng tránh qua bên kia đường mà đi. Người thứ ba thấy liền dừng lại, chăm sóc người bị thương (x. Lc 10,29-37). Người thứ ba chính là người tế nhị được Chúa ca ngợi và được Chúa nêu gương. Dụ ngôn trên đây làm tôi liên tưởng đến thánh Giuse, con người tế nhị trên đường đời, trong tương quan với những người đau khổ.
6.
Theo kinh nghiệm của tôi, sự tế nhị trong đời sống đạo đức, như thánh Giuse đã nêu gương, không dễ thực hiện được chỉ do học tập, mà phải có ơn Chúa. Chúa sẽ ban ơn tế nhị cho những ai khiêm nhường, nghèo khó, khát khao sự công chính. Cho đến lúc này, tôi vẫn còn lỗi lầm thiếu sót về sự tế nhị. Tôi vẫn phải bắt đầu lại.
Lạy thánh Giuse, xin thương cầu bầu cùng Chúa cho con được sự tế nhị của Ngài, ít là một phần nào. Con rất yếu đuối, xin Ngài thương đỡ nâng con.

LỜI CẦU CỦA NGƯỜI ĐAU KHỔ

+ GM.GB. BÙI TUẦN 
“Lạy Chúa, lạy Chúa của con, sao Chúa nỡ bỏ con” (Mc 15,34).
Lạy Chúa, con đang bị đóng đinh vào thánh giá. Những chiếc đinh là những phiền muộn, những lo sợ,  những ray rứt của con.
Phiền muộn của con là thấy mình mắc nợ quá nhiều với Chúa, với Hội Thánh, với những người khổ đau, với đồng bào và Tổ Quốc của con. Nợ nhiều mà không sao trả nổi.
Phiền muộn của con còn là thấy nhiều người cũng như con, đôi khi trước cảnh rên xiết và hấp hối của bao người, không những đã dửng dưng, mà còn thiếu tế nhị, đôi khi còn độc ác với họ.
Lo âu của con là sợ mình có phần nào trách nhiệm trong tình hình đạo đức sa sút hiện nay.
Lo sợ của con cũng còn là thấy bao người có trách nhiệm xem ra không biết lo trước những tai hoạ sắp đổ xuống trên nhân loại, trên Hội Thánh và trên Quê Hương Việt Nam này.
Ray rứt của con là thấy mình vẫn chưa yêu thương như Chúa yêu thương.
Ray rứt của con cũng còn là thấy mình bất lực, không cứu được những  người Chúa đã trao cho con.
Thánh giá của con là chính cuộc đời phức tạp của con, là chính thân phận yếu đuối của con. Thánh giá của con được ghép vào thánh giá Chúa Giêsu.
Bị đóng đinh vào thánh giá, con mới nếm được thế nào là đau đớn. Cảm được thực tế đau khổ là một hồng ân, để con biết hiệp thông với Chúa Cứu Thế trong vườn Cây Dầu, và trên Núi Sọ. Nhất là để con biết tế nhị và cảm thương với những người đau khổ.
Con cảm tạ Chúa vì ơn cao quý đó.
Bị đóng đinh vào thánh giá, con mới hiểu cầu nguyện trong cơn thử thách là hết sức cần thiết. Con cảm tạ Chúa đã giúp con cầu nguyện trong tình trạng tối tăm khổ đau này, nhất là khi tối tăm và khổ đau lại đang tràn sâu vào tuổi già mệt mỏi và bệnh nạn.
Con cảm tạ Chúa, nhất là vì nhờ đau khổ mà con đã gặp được Chúa.
Con càng cảm tạ Chúa, vì nhờ ơn Chúa, con biết phó thác mình con trong tay Chúa.
“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).
Con phó thác mình con. Con cũng phó thác những  người thuộc về con. Con cũng phó thác Hội Thánh dấu yêu và Quê Hương yêu quý của con. Con cũng xin phó thác những người đau khổ và yếu đuối như con.
Con tin ở Chúa, vì Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Con sẽ về với Chúa, trong niềm xác tín qua thánh giá sẽ là Phục Sinh.
Lạy Chúa là Cha của con.
Long Xuyên, ngày 24 tháng 01 năm 2013

CHẠNH LÒNG THƯƠNG


+ GM.GB. BÙI TUẦN

1.
Thời gian tới sẽ có nhiều khó khăn. Ai cũng nói vậy. Chắc là đúng như thế. Bên cạnh những khó khăn bình thường, sẽ có những khó khăn khác thường. Bên cạnh những khó khăn ngờ được, sẽ có những khó khăn bất ngờ. Bên cạnh những khó khăn dễ vượt qua, sẽ có những khó khăn khó vượt qua. Có thể nói thêm, tình hình không những khó khăn mà còn nguy hiểm.
Cảnh trước mắt đó khiến tôi nhớ lại cảnh đã lùi về phía sau. Trong quá khứ dài, tôi cũng đã từng sống những quãng thời gian đầy khó khăn và nguy hiểm. Bây giờ nhớ lại, tôi rất tạ ơn Chúa đã xót thương cứu độ tôi, tôi cũng rất biết ơn những tấm lòng đã cảm thương giải thoát tôi.
2.
Trong tâm tình như trên, tôi cầu xin Chúa thương soi sáng cho tôi được biết tôi sẽ phải sống đức tin thế nào với thời gian đầy khó khăn và nguy hiểm đang tới.
Chúa trả lời tôi bằng cách đưa lòng tôi nhớ về “dụ ngôn người Samari tốt lành”, mà Chúa Giêsu đã nói với  người thông luật xưa:
“Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cùng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngay chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ trên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán mà nói: Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn  kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.
Vậy, theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào kẻ cướp? Người thông luật trả lời: ‘Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy’. Đức Giêsu bảo ông ta: ‘Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy’” (Lc 10,30-37).
3.
Nghe Chúa dạy, tôi hiểu. Tôi hứa với Chúa là sẽ làm như người ngoại đạo Samari đó. Thực sự tôi cũng đã làm như vậy. Nhưng càng muốn bắt chước người Samari đó, tôi càng thấy khó.
Cái khó thứ nhất là loại “người bị thương nằm bên lề đường” hiện nay là rất đa dạng.
Bị thương do kẻ cướp, do nội bộ gia đình, nội bộ cơ quan, nội bộ tôn giáo.
Bị thương do cá nhân xấu, do cơ chế xấu, do dư luận xấu.
Bị thương do chính những nết xấu và chọn lựa xấu của chính mình.
Bị thương nào cũng đau, cũng khổ. Họ kêu than, họ xin được cứu, họ đợi chờ được cứu. Cảnh khổ đó là một thách đố đối với người theo đạo Chúa là đạo bác ái. Đáp ứng thách đố ấy thế nào đây, thực không dễ trả lời.
Cái khó thứ hai là loại người khi  nhìn thấy cảnh khổ của con người thì “tránh sang bên kia mà đi” hiện nay cũng rất đông. Lý do họ đưa ra, để biện minh cho việc họ tránh sang bên kia mà đi, cũng có vẻ hợp lý theo đạo đức và theo sự khôn ngoan. Họ có chức có quyền có thế, như thầy tư tế và thầy Lêvi. Dám không làm theo họ là cả một thách đố lớn. Thực không dễ chút nào.
Tôi khiêm tốn trình bày với Chúa những khó khăn đó. Chúa trả lời tôi một cách đơn giản đại khái thế này:
Trong mọi khó khăn, hãy tin vào Lời Chúa. Chúa dạy “Hãy thực thi lòng thương xót như người Samari”, thì hãy cứ vâng, rồi Chúa sẽ giúp. Bởi vì thực thi lòng thương xót đối với bất cứ kẻ khổ đau nào, luôn được coi là việc đạo đức, nói lên ân sủng và sự cứu độ của Chúa là tình yêu giàu lòng thương xót.
5.
Chúa dần dần cắt nghĩa cho tôi hiểu như sau:
Chúa ban ân sủng và sự cứu độ cho những kẻ bé mọn (x. Lc 10,21). Người ngoại đạo Samari nói trong dụ ngôn là kẻ bé mọn. Người bé mọn ấy đã chạnh lòng thương đối với kẻ bị thương nằm bên lề đường. Việc chạnh lòng thương của kẻ bé mọn ấy là do ân sủng và sự cứu độ Chúa ban cho họ. Kẻ bé mọn Samari đã biết đón nhận vào mình tình yêu xót thương của Chúa, để rồi chính mình lại trao tặng tình yêu xót thương ấy cho kẻ khác. Tình yêu xót thương trong họ là động cơ làm nên một chuỗi những việc chăm sóc cụ thể kéo dài.
Nhận thức trên đây đưa tôi đến kết luận này: Việc chạnh lòng xót thương đối với bất cứ ai khổ đau đều là việc đạo đức mang dấu ấn của Chúa, có sức làm chứng cho Chúa.
Chắc chắn là như vậy. Nếu thế thì tôi không được phép trốn tránh những việc chạnh lòng thương. Không phải hễ có chạnh lòng thương, là sẽ phải có những việc cụ thể bác ái lớn lao theo sau. Thực tế cho thấy những việc cụ thể bác ái rất đa dạng. Có những việc bác ái nhỏ và âm thầm nhưng vẫn sinh được kết quả lớn. Đang khi nhiều việc gọi là bác ái lớn và rầm rộ lại chỉ sinh được kết quả yếu ớt, hoặc chẳng may lại phản chứng.
6.
Chúa đang cho tôi thấy: Tình hình hiện nay đang báo hiệu một thời gian có nhiều khó khăn và sẽ có nhiều người phải khổ. Nhưng trong cảnh khổ mênh mông ấy đang xuất hiện nhiều con người chạnh lòng thương xót. Họ thuộc mọi thành phần trong Công giáo và ngoài Công giáo. Tất cả đều được ân sủng và sự cứu độ của Chúa, với những mức độ và hình thức khác nhau. Tôi nên trân trọng họ. Nhất là chính tôi cần là người biết chạnh lòng thương xót như Chúa muốn.
7.
Để thêm xác tín, tôi xin được phép kể lại một sự kiện đã xảy ra cho tôi, có liên quan đến vấn đề chia sẻ hôm nay.
Một đêm sau ngày 30 tháng 5 năm 1975, không xa ngày tôi thụ phong Giám mục, tôi trải qua một chiêm bao lạ. Tôi đang đi trên một con đường lớn, hai bên là những cánh đồng ruộng bao la. Đột nhiên tôi thấy một người từ phía xa bước trên một bờ ruộng tiến về con đường lớn tôi đang đi. Tôi vừa tới chỗ đó, thì người ấy cũng vừa  tới chỗ đó. Hai người gặp nhau. Tôi nhận ra ngay người lạ ấy chính là Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu yêu thương cầm lấy tay tôi. Người dẫn tôi tới một thành phố nhộn nhịp, đi thẳng vào một bệnh viện rộng lớn. Người thong thả đưa tôi qua các phòng bệnh nhân. Thỉnh thoảng Người dừng lại trước những giường bệnh, để tôi nhìn thấy rõ những nỗi đau của bệnh nhân. Có một lúc, tôi cảm thấy lòng mình quá xúc động, đau đớn dạt dào tình cảm xót thương. Tôi bừng tỉnh.
8.
Tôi hiểu: Qua chiêm bao vừa xảy ra, Chúa muốn dạy tôi về hướng mục vụ, mà Chúa trao cho tôi trong một thời điểm rất khó khăn. Hướng đó là hãy xót thương người đau khổ. Xót thương người đau khổ phải được coi là món quà quý và liều thuốc tốt, mà người đau khổ cần trong lúc khó khăn.
Thực vậy, một tấm lòng xót thương chân thành, dù không làm được nhiều, vẫn tạo nên được một bầu khí thiêng liêng mang sự sống có ân sủng và sự cứu độ, để người đau khổ thở lúc ngặt nghèo. Thở được thứ không khí tình thương đó, người ta sẽ thấy nhẹ đi bao nỗi đau, họ cũng cảm thấy nhiều vết thương tâm hồn được chữa lành. Tôi thấy Chúa đang khơi dậy tại Quê Hương Việt Nam của tôi một mùa Xuân những tấm lòng xót thương chân thành.
Thực vậy, chính trong thời điểm khó khăn này, càng ngày càng thêm nhiều lề luật, thì khuynh hướng nhấn mạnh và đề cao việc đào tạo cái tâm đang xuất hiện khắp nơi trong Công giáo và ngoài Công giáo. Cái tâm biết xót thương cứu khổ mới là yếu tố quan trọng để giải quyết những khủng hoảng hiện nay và sẽ tới trên Đất Nước này.
Thực vậy, chính trong thời điểm khó khăn này, càng ngày càng thêm  nhiều phong trào đạo đức, thì phong trào “lòng thương xót Chúa” đang dần dần thu hút được nhiều tâm hồn. Họ xin lòng thương xót Chúa cứu họ, và giúp họ cứu những người khác, theo gương Chúa giàu lòng thương xót. Phong trào không loại trừ ai, nhưng đang lan rộng vào mọi người, có tín ngưỡng hay không tín ngưỡng.
Thực vậy, chính trong thời điểm khó khăn này, càng ngày càng thêm nhiều loại thước đo để định giá một người, thì “biết xót thương  người đau khổ” đang trở thành thước đo được phần đông chấp nhận. Do vậy mà nhiều người như người ngoại Samari lại được tôn vinh.
Thực vậy, ngay trong thời điểm khó khăn này, không thiếu người đang âm thầm sống ơn gọi “hạt lúa gieo vào lòng đất, chịu thối đi” (x. Ga 12,24), để đền tội thay cho biết bao người. Đúng là họ đang quảng đại theo gương Chúa Giêsu hy sinh trên thánh giá, vì xót thương  nhân loại.
9.
Nhìn những sự kiện trên đây, tôi thấy trong thời điểm khó khăn, Chúa vẫn làm những sự lạ lùng, giúp chúng ta sống cảnh khó khăn, mà vẫn hy vọng, vẫn sinh ích cho đời.
Rất mong mỗi người chúng ta hãy nhờ Chúa, mà biết xót thương, để trao tặng cho đồng bào yêu quý của Quê Hương Việt Nam yêu dấu những hy vọng bình an từ Thiên Chúa giàu lòng xót thương.
Tôi tin lời Chúa hứa: “Ai xót thương người, sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).
Long Xuyên, bên thềm Quý Tỵ

TÂM SỰ ĐẦU NĂM


+ GM.GB. BÙI TUẦN


 
1.
Khi nhìn lại những gì còn lại trong trái tim tôi sau 86 năm sống trên cõi đời này, tôi thấy rõ nhất là những khuôn mặt.
Những khuôn mặt, mà tôi đã thấy, khi gặp, khi đọc, khi nghe, thì vô số kể. Nhưng những khuôn mặt còn hiện rõ trong tái tim tôi gây nên ấn tượng mạnh, chỉ là một số nhỏ. Số nhỏ thân thương đó thuộc về nhiều người khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một đặc điểm, đó là nhắc cho tôi nhớ về Dung Mạo Chúa Giêsu. Nhắc nhở đó được thực hiện do những nét của họ mang hương sắc Phúc Âm.
Nhìn những khuôn mặt có những nét đẹp ấy, tôi như tự nhiên thấy một Đấng thiêng liêng đang hiện diện trong họ. Đấng thiêng liêng sống động ấy chính là Chúa Giêsu, mà tôi đã được biết qua Phúc Âm, hơn nữa tôi cũng đã được học hỏi, nhất là tôi đã được gặp. Tôi tin Người đang ngự trong tôi.
Có lẽ họ cũng như tôi, đã được phúc một lần đón nhận Người, và được Người ở lại.
2.
Nói về sự đón nhận Chúa Giêsu, tôi nhớ tới lời Kinh Thánh: “Này đây Ta đứng trước cửa mà gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20).
Thực vậy, chúng tôi đã có lần được nghe tiếng Chúa gõ cửa lòng chúng tôi. Chúng tôi đã mở cửa lòng. Chúa đã vào. Trong lòng chúng tôi, Chúa chia sẻ chính sự sống của Người.
3.
Cảm tưởng của riêng tôi, khi được gặp Người, là như gặp được Ánh Sáng chân lý bao la cứu độ và nguồn tình yêu mênh mông cứu độ. Từ cảm nghiệm đó, tôi nhận thấy đời mình chỉ có ý nghĩa, khi làm chứng cho Chúa Giêsu, và ơn gọi của mình dù trong chức vụ nào, dù ở tuổi nào, dù trong hoàn cảnh nào, vẫn luôn luôn mãi mãi là trao tặng cho  người khác những gì mình đã nhận được từ Ánh Sáng chân lý cứu độ và Tình Yêu cứu độ Chúa Giêsu. Ánh Sáng ấy và tình yêu ấy làm nên dụng mạo Chúa Giêsu.
Các môn đệ Chúa sẽ làm chứng cho dung mạo như thế của Chúa Giêsu không phải chỉ bằng cách tuyên xưng qua lời nói, mà chủ yếu bằng chính bộ mặt của chính mình. Tôi đang nhận thấy cảnh đẹp đó phần nào trong tình hình hiện nay.
4.
Tình hình Hội Thánh Việt Nam hiện nay có nơi cũng đang diễn tiến như thời thánh Phaolô. Thánh Phaolô viết: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người.
Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người mỗi cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy. Người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để thành công. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin. Kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri, kẻ thì được ơn phân định thần khí, kẻ khác thì được ơn nói các tiếng lạ, kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất làm nên tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách tuỳ ý Người” (1 Cr 12,4-11).
5.
Đem những lời chỉ dẫn trên đây áp dụng vào tình hình Hội Thánh Việt Nam hiện nay, tôi cảm thấy vui. Vui ở chỗ Hội Thánh như trăm hoa đua nở với nhiều chức vụ khác nhau, với nhiều công việc khác nhau, nhưng tất cả đều được mời gọi làm chứng về Dung Mạo của Chúa Giêsu.
Những gì tốt đẹp tôi vừa kể trên đây là có thực trong Hội Thánh Việt Nam hôm nay.
6.
Nhưng sẽ là ảo tưởng, nếu tôi cho rằng tất cả mọi nơi trong Hội Thánh Việt Nam hôm nay đều rạng rỡ như vậy. Bởi vì nhiều khuôn mặt Kitô hữu rất vắng những nét phản ánh dung mạo Chúa Giêsu. Bởi vì họ chưa hề đã gặp được Người. Bởi vì họ không có Người trong lòng họ. Bởi vì họ chẳng bao giờ thao thức về sự phải làm chứng về Người, nhất là bằng chính đời sống của mình.
Sở dĩ họ là như thế, có thể vì họ không muốn hay không cố gắng phấn đấu để nên tốt hơn. Cũng rất có thể, họ muốn và đã cố gắng, nhưng vẫn bị thất bại, do nhiều cản trở.
7.
Chính tôi nhiều lần cũng là một người trong tình trạng đó. Kinh nghiệm của tôi xin được phép diễn tả ở đây bằng mượn lời thánh Phaolô:
“Vẫn biết rằng Lề Luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi. Thật vậy, tôi làm gì thì tôi cũng chẳng hiểu. Vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm... Bởi đó, tôi khám phá ra rằng: Khi tôi muốn làm sự thiện, thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Chúa. Nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: Luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội và luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể của tôi.
Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng tôi” (Rm 7,14-14.21-25).
8.
Thú nhận trên đây của thánh Phaolô luôn giúp tôi nhìn nhận mình yếu đuối. Nhìn nhận chân thành đưa tôi vào sám hối. Càng sám hối càng làm cho tôi được bình an. Chính sự sám hối khiêm nhường đã mở cửa lòng tôi ra, để đón Chúa Giêsu. Tôi cảm thấy rất rõ tôi được Chúa giàu lòng thương xót yêu thương và tin tưởng. Từ kinh nghiệm trên đây, tôi coi việc sám hối là một nét rất đẹp trên khuôn mặt của nhiều người nhắc nhở tôi về Dung Mạo Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ giàu tình yêu thương xót. Nét sám hối thường đi kèm theo những nét đẹp khác của Phúc Âm, như khiêm nhường, khó nghèo, tỉnh thức, thực tâm, yêu thương hy sinh cho người khác.
9.
Với tâm sự trên đây, tôi bước vào tuổi mới với một hy vọng mới. Hy vọng đó được xây dựng trên lời thánh Gioan Tẩy Giả và lời của chính Chúa Giêsu dạy xưa: “Hãy sám hối, vì Nước Thiên Chúa đã đến gần” (Mt 3,2; x. Mc 1,15). Chúa Giêsu cũng như thánh Gioan Tẩy Giả đều coi việc sám hối là dấu hiệu Nước Thiên Chúa sắp đến. Nước Thiên Chúa là ân sủng và sự cứu độ, là bình an và sự thật, chủ yếu là tình yêu.
Sám hối mới của tôi sẽ cố gắng hoà nhập sâu hơn vào mầu nhiệm thánh giá để cùng với Chúa Giêsu gần lại với những người khổ đau.  Riêng tôi vẫn coi bất cứ khuôn mặt nào mang nét sám hối đều nhắc nhở tôi về Dung Mạo Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ của tình yêu Chúa giàu lòng thương xót.
Lạy Mẹ Maria, con xin dâng lên Mẹ hy vọng của con. Xin Mẹ thương đỡ nâng con.
                                                                                                                             Long Xuyên, ngày 08 tháng 01 năm 2013

ĐỐI MẶT VỚI NHỮNG KHÓ KHĂN

+ GM.GB. BÙI TUẦN


1.
Thời điểm này là thời điểm đầy khó khăn. Mỗi khó khăn có một nguy hiểm cho riêng mỗi người.
Riêng đối với tôi, khó khăn và nguy hiểm lớn nhất là những giới hạn của bản thân mình trước những khó khăn. Ở đây, tôi chỉ xin đề cập đến một số giới hạn trong lãnh vực đạo đức tôn giáo.
2.
Giới hạn thứ nhất là thiếu nhạy bén.
Thời nay con người Việt Nam đang rơi vào nhiều khủng hoảng. Khủng hoảng nguy hiểm nhất là khủng hoảng về niềm tin. Phần đông đồng bào Việt Nam ta, trong cơn khủng hoảng, đều khao khát gặp được những người thực sự đạo đức, để họ đặt vào đó niềm tin của họ. Con người đạo đức, mà mọi người dân thường chờ đợi, là con người có cái tâm, thực sự quan tâm đến họ, thực sự yêu thương họ, thực sự dám hy sinh cho họ, thực sự chân thành, vị tha.
Nhận thức được điều khao khát sâu xa đó của đồng bào mình, đó là một bén nhạy. Bén nhạy này có thể hiểu như một tác động của Chúa Thánh Thần. Để rồi, nhờ ơn Chúa, mà cố gắng đáp ứng theo khả năng.
Khi đáp ứng, chúng ta sẽ gặp thấy Chúa Giêsu. Gặp gỡ Chúa Giêsu, đó lại là một bén nhạy cao quý. Lúc đó, chúng ta hiểu sự khao khát đạo đức của những đồng bào trong cơn khủng hoảng chính là cách Chúa gõ cửa lòng ta. Tiếng Chúa gõ cửa lòng ta qua những khao khát đạo đức của đồng bào là tiếng gõ nhẹ nhàng, tế nhị, âm thầm. Nghe được, hiểu được tiếng gõ ấy chính là do sự nhạy bén của một cái tâm tốt lành, nói được là cái tâm có ân sủng của Chúa.
Nhạy bén trong thời điểm khó khăn này chỉ đơn sơ là thế. Nhưng, khi xét lại chính thân mình, tôi thấy sự nhạy bén đó vốn có nhiều giới hạn trong tôi. Do sự xơ cứng của lòng mình, do thói quen tìm lợi riêng cho mình, nhất là do tình trạng khép kín tâm hồn mình. Tôi sám hối chân thành.
3.
Giới hạn thứ hai là thiếu thức tỉnh.
Khủng hoảng là một cách Chúa dùng để đánh thức. Qua khủng hoảng hiện nay, Chúa đánh thức tôi hãy nhìn lại ý nghĩa đời tôi và hướng đi của đời tôi. Tôi đang mất quá nhiều, nếu lại mất linh hồn mình nữa, thì đời tôi còn ý nghĩa gì. Tôi đang chứng kiến nhiều cuộc đời chạy theo hướng vật chất phải sụp đổ đau đớn, không lẻ tôi cũng vẫn theo họ lao mình vào hướng vật chất đó hay sao?
Sự đánh thức của những khủng hoảng hiện nay làm cho tôi nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm xưa để đánh thức lương tâm con người. Đọc lại Phúc Âm, tôi thấy sợ. Vì mặc dù Chúa Giêsu đã dùng mọi cách, kể cả việc làm phép lạ, để đánh thức những người theo đạo Chúa thời đó, nhưng nhiều người thời đó vẫn không thức tỉnh. Đến nỗi, từ trên xuống dưới, tôn giáo tại Do Thái thời đó đã nhất trí một lòng lên án giết Chúa Giêsu, coi tên cướp Baraba đáng được thương hơn Chúa Giêsu. Rõ ràng là tất cả đều ngủ say trong một cơ chế lỗi thời, nặng đủ các thứ lề luật, nhưng lại coi nhẹ luật yêu thương. Không thức tỉnh của người thời đó vẫn truyền lại cho tới thế hệ hôm nay.
Khi xét mình, tôi thấy tôi cũng có một số giới hạh trong việc thức tỉnh. Tôi hối hận.
4.
Giới hạn thứ ba là thiếu tin cậy vào ơn Chúa.
Thời Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng đã không thiếu những khó khăn, những khủng hoảng về nhiều mặt. Để đối phó với tình hình đó, kẻ thì thích ban bố thêm nhiều lề luật, người thì lớn tiếng chỉ trích lên án lung tung, kẻ thì muốn dùng quyền để trừng trị, người thì quyết tâm dùng ý chí cương nghị của mình để chống lại sự ác. Nhưng Chúa Giêsu lại đưa ra một lời dạy độc đáo: “Nếu không có Thầy, chúng con chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Với lời dạy đó, Chúa muốn chúng ta sống đức tin trong mọi khủng hoảng bằng cách gắn bó mật thiết với Người, tuyệt đối tin vào Người, ngoan ngoãn đi theo Người, cho dù phải trở thành hạt lúa gieo vào lòng đất (x. Ga 12,24), hay phải treo trên thánh giá, để trở thành của lễ đền tội thay cho nhân loại.
Chúa dạy là như thế, thế mà nhiều khi tôi không luôn vâng theo như thế. Khi xét mình, tôi thấy mình thực sự đã có nhiều giới hạn trong việc cậy tin vào Chúa. Tôi ăn năn hết lòng.
5.
Khi nhận ra được những giới hạn trên đây của mình, tôi mới thấy trong tình hình khó khăn hiện nay Chúa đang hiện diện mật thiết trong các môn đệ của Chúa. Người đang hoạt động âm thầm mà mạnh mẽ trong các tâm hồn kính sợ Chúa. Chứng tỏ rằng trong những thời khó khăn nhất, Chúa vẫn đào tạo nên nhiều chứng nhân thích hợp làm chứng cho Chúa.
Những chứng nhân này có thể có một phong cách khác với những chứng nhân thời đạo Chúa bị cấm cách. Bén nhạy, thức tỉnh và cậy tin vào Chúa giữa thời kinh tế thị trường như hiện nay là thái độ đạo đức của một đức tin chan hoà bác ái khiêm nhường tế nhị.
6.
Với thái độ bén nhạy, thức tỉnh và cậy tin vào Chúa, họ đọc thời sự báo tin những đổi thay trên Đất Nước và Hội Thánh Việt Nam. Họ khám phá thấy Chúa đang làm những sự lạ lùng trong những quan hệ giữa đạo đời, giữa giàu và nghèo, giữa cũ và mới.
Họ thấy là đang có những đổi mới và những đổi thay. Những đổi mới và những đổi thay ấy đang diễn tiến một cách nhẹ nhàng. Đúng là ân sủng và sự cứu độ Chúa dành cho người có tâm hồn đơn sơ, bé mọn.
Đồng thời họ nhận thấy điều làm nên hạnh phúc là những việc làm của cái tâm, như Chúa đã dạy trong “Tám mối phúc thật” trên núi xưa.
Riêng tôi, khi đề cập đến thái độ bén nhạy, thức tỉnh và cậy tin vào Chúa, tôi thấy mình yếu đuối. Thấy rồi, tôi vui mừng bắt đầu lại, và như luôn bắt đầu lại. Bắt đầu lại với lòng hân hoan, việc đó tôi cảm nhận như sức sống của tuổi trẻ. Mùa Xuân thiêng liêng của tôi chính là những gì luôn luôn mới được Chúa tạo dựng trong tâm hồn tôi. Bén nhạy mới, thức tỉnh mới, niềm tin cậy mới, đó là ân sủng và sự cứu độ.
Lạy Mẹ Maria, con xin Mẹ thương giúp con cảm tạ Chúa vì mùa Xuân mới của con.