Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

NIỀM VUI CỦA TÔI HÔM NAY

NIỀM VUI CỦA TÔI HÔM NAY

1.
Nhiều lúc, tôi cảm thấy mình như tụt dốc trầm trọng. Đau đớn, mỏi mệt, chán nản, buồn lo, sợ hãi, tất cả như những đợt sóng thay nhau đổ vào hồn tôi.
Tôi phải phấn đấu với chính mình để đi nốt quãng đời còn lại. Tôi cầu nguyện không ngừng. Tôi vững tin vào lời Chúa hứa: “Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).
2.
Lời Chúa không sai. Chúa đã bồi dưỡng cho tôi và cho tôi được nghỉ ngơi, bằng cách Người ban cho tôi được một niềm vui thiêng liêng. Niềm vui đó là được gặp Chúa những khi nhận được và những khi cho đi các việc từ thiện. Niềm vui này rút ra từ Phúc Âm, trong đoạn Chúa nói về ngày phán xét chung.
Ngày ấy, Chúa sẽ nói với những người được xếp bên hữu Chúa những lời sau đây: “Nào, những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các con ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các con đã cho ăn. Ta khát, các con đã cho uống. Ta là khách lạ, các con đã tiếp rước. Ta trần truồng, các con đã cho mặc. Ta đau yếu, các con đã thăm nom. Ta ngồi tù, các con đã đến thăm. Bấy giờ, những người công chính sẽ thưa rằng: Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống, có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước, hoặc trần truồng mà cho mặc. Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu. Để đáp lại, Chúa sẽ bảo họ rằng: Ta bảo thật các con, mỗi lần các con làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta, là các con đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,34-40).
3.
Với niềm tin vào Lời Chúa trên đây, tôi nhìn tất cả những ai đã làm cho tôi bất cứ việc từ thiện nào đều sẽ được Chúa xót thương. Họ sẽ được gặp Chúa. Họ sẽ được Chúa yêu thương, đời sau và ngay cả ở đời này.
Họ được Chúa yêu thương, đó là một niềm vui lớn lao tôi được cảm nhận rất rõ. Cảm nhận đó càng rất an ủi tôi, khi tôi thấy có những người đã sống từ thiện một cách âm thầm, tế nhị, như lời Chúa dạy: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời ban thưởng. Vậy, khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được thưởng công rồi. Còn anh em, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh em bố thí được kín đáo. Và Cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh em” (Mt 6,1-4).
4.
Số người bố thí cho tôi một cách tế nhị, kín đáo, như Chúa dạy trên đây, không phải là ít. Họ thuộc đủ mọi thành phần, trong Công giáo và ngoài Công giáo. Tôi thấy Chúa trong họ. Điều đó đem lại cho tôi niềm vui thiêng liêng, giúp cho cuộc sống của tôi được triển nở. Tôi xin hết lòng cảm tạ Chúa. Đó là niềm vui, khi nhận được các việc từ thiện.
5.
Còn khi cho đi các việc từ thiện thì sao? Thưa, trong hoàn cảnh già nua, bệnh tật, bị giới hạn bởi những yếu đuối và tội lỗi, tôi vẫn cố gắng cho đi những việc từ thiện. Nhỏ bé thôi, bằng nhiều cách. Dầu vậy, tôi vẫn gặp được Chúa. Đó là niềm vui thực sự sâu thẳm, Chúa ban cho tôi.
6.
Tôi có cảm tưởng là Chúa đợi tôi nơi những người già nua, bệnh tật, nghèo túng, khổ đau. Họ là những địa chỉ có Chúa đợi chờ. Tất nhiên, nhà thờ vẫn là một địa chỉ của Chúa. Nhưng địa chỉ đó không miễn trừ cho tôi khỏi tìm đến địa chỉ những người đau khổ.
7.
Xưa, trong đêm Chúa giáng sinh, các thiên thần đã báo tin mừng cho các mục đồng đang chăn chiên. Các thiên thần đã bảo họ đến tìm Đấng Cứu Thế mới giáng sinh ở một địa chỉ rất nghèo, đó là một hang bò lừa giữa cánh động lạnh lẽo. Tương tự cũng vậy, đôi lúc tôi cũng được thôi thúc trong lòng hãy đi tìm Chúa ở những địa chỉ nghèo khổ. Tôi đã vâng, và tôi đã gặp được Chúa ở những địa chỉ đó. Tại những địa chỉ đó, Chúa đã dạy tôi là hãy bắt chước Chúa, mà chia sẻ thân phận những người nghèo khó, bệnh tật, già yếu, khổ đau. Chúa sẽ như một tình yêu trao tặng nhưng không, mà không tìm được đền đáp. Tôi vâng làm như vậy. Và tôi cảm thấy rất vui, một niềm vui mênh mông sâu thẳm dạt dào.
8.
Những gì tôi chia sẻ trên đây không phải chỉ thuộc riêng tôi. Tôi tin chắc nhiều người tại Việt Nam hôm nay cũng đã và đang cảm thấy niềm vui được gặp Chúa, những khi nhận được và những khi cho đi các việc từ thiện một cách khiêm nhường, tế nhị, cho dù kín đáo.
Tôi nói là rất nhiều người tại Việt Nam hôm nay đang được Chúa ban cho niềm vui cao quý ấy. Tôi xác tín là họ, dù trong đạo hay ngoài đạo, sẽ là những người cộng tác với Chúa để đưa dân tộc Việt Nam đến bình an và hạnh phúc thật.
Tình hình đang diễn biến phức tạp, có thể là nguy hiểm. Vì thế, bênh cạnh những biện pháp về an ninh, ngoại giao, kinh tế, văn hoá và các biện pháp thuộc sức tự nhiên, tôi nghĩ là chúng ta không nên quên tựa nương vào sức thiêng liêng của Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Chỉ có tình yêu mới cứu được chúng ta.
9.
Đức Thánh Cha Phanxicô mới phát biểu dịp lễ Giáng sinh năm nay, 2014. : “Quá nhiều nước mắt đã rơi trong lễ Giáng sinh”. Ngài có ý nói về những khổ đau gây nên tại nhiều nước do hận thù, ngay trong chính lễ Giáng sinh, Thánh lễ nhiều, nhưng thiếu tình yêu thương với nhau, thì còn gì là bình an cho người thiện tâm. Cái tâm thiếu yêu thương là cái tâm không thiện. Cái tâm không thiện thì không đem lại bình an, thậm chí cũng không thể đón nhận được bình an. Do đó, niềm vui đích thực phải khởi đi từ việc từ thiện, theo lời Chúa và theo gương Chúa.
Nếu đất nước và con người có phát triển về của cải để hưởng thụ, mà không phát triển về cái tâm hướng về yêu thương lo từ thiện, thì hòa bình sẽ rất mong manh, hạnh phúc sẽ rất giới hạn.
Vì thế, niềm vui của tôi được Chúa ban cho là một mời gọi tôi đến trách nhiệm phải đào tạo cái tâm, theo mô hình trái tim Đức mẹ Maria.
Lạy Mẹ, xin Mẹ thương xót con.
Gm. GB. Bùi Tuần
Long Xuyên ngày 27-12-2014

Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

NGOẠI KIỀU và LỮ KHÁCH

NGOẠI KIỀU và LỮ KHÁCH

1.
Tôi ở Long Xuyên, trong Tòa Giám Mục, đã hơn 40 năm rồi. Nhưng khi về già, nhiều lúc tôi cảm thấy rất thấm thía một lời Kinh Thánh nói về thân phận con người sống đức tin. Lời đó là: “Tôi xưng mình là ngoại kiều và là lữ khách trên mặt đất này” (Dt 11,13).
2.
Tôi cảm thấy mình là ngoại kiều và là lữ khách trên mặt đất. Vì tôi, cũng như ông Apraham, vâng lời Chúa mà ra đi, đến một nơi sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, đó là thiên đàng. Nhưng hiện giờ tôi chưa tới đó. Nên tôi sống trên mặt đất này, nhìn về đó, như một ngoại kiều và lữ khách trên đường còn dài.
Với kiểu nói như trên, tôi xác tín rằng: Theo đức tin, một đàng tôi phải dấn thân cho Quê Hương tôi trên trái đất này, nhưng một đàng, tôi vẫn phải hướng về Quê Hương trên trời là đích điểm sau cùng của đời tôi. Vì thế, tôi phải biết sống trên trái đất này, như một ngoại kiều và như một lữ khách hướng về Quê Hương Chúa hứa.
3.
Ngoài ra, tôi còn cảm thấy mình là ngoại kiều và là lữ khách theo một phương diện khác. Đó là, mặc dầu tôi chỉ ở một chỗ qua bằng ấy năm, nhưng cuộc sống luôn chuyển biến. Nhà cửa thay đổi, nhân sự thay đổi, các liên hệ thay đổi, thời tiết thay đổi. Trong dòng đời có vô vàn thay đổi, còn tôi thì muốn ổn định, nên có lúc tôi không tránh được cảm nghĩ mình là ngoại kiều và là lữ khách ngay tại chính nơi tôi đang sống.
Cảm nghĩ đó sinh ra trong tôi một sự bất an nào đó, một sự cô đơn nào đó.
4.
Từ những kinh nghiệm riêng tư vừa kể, tôi nghĩ tới tương lai của giáo phận nói chung và của từng cộng đoàn nói riêng.
Tình hình cho phép tôi nghĩ rằng: Nhiều bất ổn sẽ xảy ra khắp nơi. Có chỗ hiện giờ bầu khí đạo coi như sốt sắng, nhưng rồi sẽ ra nguội lạnh. Có chỗ hiện giờ số người công giáo là đa số nhiệt tình, nhưng rồi ở đó đa số sẽ lại là người ngoài công giáo. Rất có thể chính nơi thờ phượng hôm nay sẽ có ngày không còn là nơi thờ phượng nữa, hoặc sẽ trở thành hoang vu.
5.
Khi những bất ổn như thế xảy ra, mỗi cộng đoàn công giáo và từng người công giáo sẽ cảm thấy mình như là ngoại kiều và như là lữ khách ngay trên chỗ ở của mình.
6.
Lúc đó, phải sống đức tin thế nào đây? Thưa, phải cởi mở.
Thiên Chúa không phải là Đấng chúng ta có thể đóng kín trong một giáo lý, trong một cơ chế, trong một nhà thờ. Nhưng Thiên Chúa là Đấng chúng ta có thể gặp Người, lúc và nơi mà chúng ta không chờ đợi. Người đến một cách bất ngờ. Người là Đấng tạo dựng những gì mà con người không hề dám hy vọng.
7.
Tôi nghĩ là: Xưa Do Thái đã xây tháp Babel, biểu tượng cho ý chí muốn ổn định tại nơi đó. Nhưng Chúa đã phá ý định ấy. Nay, nhiều khi chúng ta cũng bắt chước họ, xây dựng những công trình và cơ chế có tính ổn định, để sống khép kín đức tin trong đó. Nhưng rồi Chúa lại đến phá vỡ những tháp Babel ấy.
8.
Chúa Giêsu thành Nagirét xưa đã không đóng kín mình trong một ngôi nhà. Người nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ. Nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58). Các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu cũng đã sống như vậy.
9.
Thánh Phêrô khuyên giáo dân: “Anh em thân mến, anh em là khách lạ và là lữ khách, tôi khuyên anh em hãy tránh xa những đam mê xác thịt, vốn gây chiến với linh hồn. Anh em hãy ăn ở ngay lành giữa dân ngoại, để ngay cả khi bị người ta vu khống, coi anh em như là người gian ác, người ta cũng thấy các việc anh em làm mà tôn vinh Thiên Chúa, trong ngày Người đến viếng thăm” (1 Pr 1,11-12).
Bằng những lời trên đây, thánh Phêrô muốn chúng ta cứ hãy sống giữa những người không công giáo, như những chứng nhân về đời sống đạo đức, nhất là về nhân bản.
10.
Hiện giờ, Chúa Thánh Thần đang mở ra một kỷ nguyên mới về truyền giáo, đó là kẻ nghèo loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo. Thánh Phanxicô Assisi đã làm như thế. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng hô hào làm như vậy. Nghĩa là: Người truyền giáo hãy sống khó nghèo, ưu tiên lo cho những người nghèo.
Nếu thế, thì chúng ta nên nhìn tương lai với đôi mắt đức tin của người không quá lệ thuộc vào những ổn định của cơ chế, và thói quen, nhưng hãy luôn luôn là kẻ lên đường hướng về trung tâm là Chúa.
11.
Không ai trong chúng ta dám nói là mình không cần đến cơ chế tôn giáo. Nhưng chúng ta phải biết nhìn cơ chế mở ra về các biến cố, nhất là các biến cố bất ngờ. Chính Chúa là Đấng sẽ “làm nên mọi sự nên mới” (Kh 21,5).
Với những suy nghĩ trên đây, tôi bước sang Năm Mới, như một người lên đường, sẵn sàng cho những bất ngờ. Tôi sống như lữ khách và ngoại kiều hướng về Tương Lai Trời mới Đất mới do Chúa làm chủ.


GM. Gioan B. Bùi Tuần
Long Xuyên, ngày 8.12.2014.