Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

LÀM CHỨNG CHO CHÚA TẠI VIỆT NAM HÔM NAY


Nhân  ngày lễ kính hai Thánh Tử Đạo tại Châu Đốc, 31.7.2014

LÀM CHỨNG CHO CHÚA 
TẠI VIỆT NAM HÔM NAY
  
1. Đã từ lâu rồi, tôi vẫn hằng cầu nguyện với các thánh tử đạo tại Việt Nam. Điều tôi xin các ngài nhiều nhất là: Xin hãy cầu bầu cùng Chúa cho tôi được ơn làm chứng cho Chúa, cách thích hợp nhất theo thánh ý Chúa, trong tình hình cụ thể đang diễn tiến trên quê hương Việt Nam yêu dấu của tôi lúc này.
2. Tôi đã được trả lời. Bằng nhiều cách, Chúa soi sáng cho tôi biết: Nhờ lời cầu bầu của các thánh tử đạo tại Việt Nam, Chúa dạy tôi là chọn một cách làm chứng thích hợp nhất, quan trọng nhất về Chúa, đúng với thời điểm này là điều tốt. Cách đó là làm chứng Thiên Chúa là tình yêu giàu lòng thương xót.
Tôi xác tín điều đó. Vì nhiều lý do, như:
Các Đức Giáo Hoàng cận đại và đương thời dạy như vậy.
Xu hướng đạo đức mạnh nhất hiện nay khuyến khích như vậy.
Tâm lý đồng bào Việt Nam hiện nay rất nhạy bén với cách làm chứng như vậy.
Tôi an tâm tin tưởng: Thời nay, làm chứng Thiên Chúa là tình yêu giàu lòng thương xót chính là điều Chúa muốn tôi thực hiện một cách triệt để trong chức vụ của tôi.
3. Làm chứng bằng cách nào? Tôi hết sức cầu nguyện. Và Chúa đã thương cho tôi một nền tảng gợi ý vắn tắt rõ rệt và dễ hiểu. Đó là Thánh Vịnh 103 (102).
4. Vua David nêu lên 7 việc cụ thể Chúa đã làm cho ngài. Đó là những lý do ngài nên nhìn lại, để ca tụng Chúa là tình yêu thương xót:
“Chúa tha cho ngươi muôn vàn tội lỗi.
Chúa thương chữa lành các bệnh tật ngươi.
Chúa cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt.
Chúa bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà.
Chúa ban cho đời ngươi biết bao hạnh phúc.
Chúa khiến tuổi xuân ngươi mạnh  mẽ tựa chim bằng.
Chúa phân xử công minh, bênh quyền lợi những ai bị áp bức”.
Tôi áp dụng mỗi việc trên đây vào cuộc đời của tôi, tôi còn thấy nhiều việc khác nữa. Tôi nhận ra tình yêu Chúa dành cho tôi thực là đặc biệt sống động, đặc biệt riêng tư.
5. Tôi tiếp tục đọc tâm tình của vua David. Ngài nhìn Chúa thế nào, khi Chúa đã thương ngài như thế.
“Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giậngiàu tình thương.
Chẳng trách cứ luôn mãi.
Không oán hờn mãi mãi.
Người không cứ tội ta mà xét cử.
Không trả báo ta xứng với lỗi  lầm”.
Thánh vịnh ca tụng Chúa đã là như thế, và luôn luôn sẽ mãi là như thế. Tôi thấy rất đúng. Chúa đã đối xử với tôi như vậy.
Tôi rất xúc động cách riêng với hai câu này:
“Chúa không cứ tội ta mà xét xử.
Chúa không trả báo ta xứng với lỗi lầm của ta”.
Thực vậy, nếu không như thế, thì tôi đâu có ngày hôm nay.
6. Tình Chúa xót thương thực khó tả. Thánh Vịnh đưa ra 3 hình ảnh:
“Như trời cao trổi cao hơn mặt đất,
Tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.
Như đông tây cách xa nhau ngàn dặm
Tội ta phạm, Chúa cũng ném xa ta.
Như người cha chạnh lòng thương con cái.
Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn”.
Riêng tôi, tôi thích nhất hình ảnh người cha. Tất nhiên người cha nói đây là người cha nhân ái, mà Chúa Giêsu gọi là mục tử nhân lành:
“Tôi là mục tử nhân lành.
Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống cho đoàn chiên” (Ga 10,11).
Tôi nhìn Chúa và cảm tạ Chúa.
Chúa Giêsu trên thánh giá nhìn tôi. Người không nói gì, nhưng cái nhìn của Người đã đốt lên trong tôi lửa biết ơn đối với tình yêu mà Ngài dành cho tôi. Người đã hy sinh mạng sống vì tôi.
7. Mà tôi có đáng gì đâu! Thánh Vịnh gợi ý cho tôi thấy tôi là kẻ yếu đuối, hèn mọn. Đây là hai hình ảnh về tôi, theo Thánh Vịnh:
“Hẳn Chúa biết: Ta chỉ là cát bụi.
... Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng
Một cơn gió thoảng là xong.
Chốn xưa mình ở cũng không biết mình”.
Tuy vậy, lòng Chúa xót thương vẫn âu yếu tôi một cách hết sức đặc biệt.
8. Cảm nhận được điều đó, tôi ca tụng Chúa hết lòng. Việc ca tụng, mà Chúa chờ đợi nơi tôi hơn cả, là hãy sám hối và bác ái.
Tôi sám hối vì đã hờ hững đối với những gì tình yêu thương xót Chúa đã dành cho tôi, tôi đã không đáp trả.
9. Một điều quan trọng Chúa muốn tôi thực hiện để đáp trả, là hãy xót thương  người khác như Chúa đã xót thương tôi.
“Ai yêu mến Thiên Chúa,
Thì cũng yêu thương anh em mình” (1 Ga 4,21).
“Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì. Đó là Đức Kitô đã thí mạng sống vì chúng ta, như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng sống vì anh em.
Nếu ai có của cải thế gian, và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được” (1 Ga 3,16-17).
10. Như vậy, theo lời Chúa dạy thì ca tụng ngợi khen Thiên Chúa giàu lòng thương xót đòi tôi hãy sống bác ái đối với người khác. Bác ái đến mức sẵn sàng đổ máu, hy sinh vì anh em, và cũng sẵn sàng đổ mồ hôi, tình yêu và của cải ra để cứu anh em.
Chúa nói rất rõ giá trị của những việc bác ái tôi làm cho người khác: “Mỗi lần các con làm bác ái cho một người trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các con đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).
11. Trên đây là vắn tắt những gì Chúa dạy tôi về sự phải làm chứng cho Chúa tại Việt Nam hôm nay.
Tôi coi những gì Chúa dạy tôi trên đây là một ân huệ rất cao quý Chúa ban cho tôi. Tôi quyết tâm thực hiện, cho dù phải từ bỏ mình rất nhiều.
Tôi hay hỏi ý hai thánh tử đạo của giáo phận Long Xuyên là Cha Phêrô Đoàn Công Quý và ông câu Emmanuel Lê Văn Phụng về mục vụ của tôi tại địa phương này.
Luôn luôn tôi được các ngài khuyên bảo và khích lệ về từ thiện bác ái, trong đó hãy đặc biệt lo cho các gia đình được đạo đức, biết xây dựng cuộc sống vật chất và tinh thần sao cho tốt với đạo, với đời. Tôi xin hết lòng cảm ơn hai thánh thân yêu.
12. Xin lưu ý là: Cũng như nơi hai thánh, nơi tôi bác ái đối với người khác đã bắt nguồn từ lòng mến đối với Chúa. Tiến trình được diễn tả qua sự đến với Chúa. Thánh Vịnh 103 (102) là một gợi ý.
Nhờ lòng mến Chúa, tôi mới có sức vượt qua được biết bao khó khăn trên đường sống bác ái đối với người khác. Bởi vì, rất nhiều trường hợp, sống bác ái đối với người khác cũng là một thứ tử vì đạo không đổ máu.
Để kết, tôi mong muốn mỗi người chúng ta được luôn là bài ca bác ái của thánh Phanxicô:
“Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa...”.


GM. GB. Bùi Tuần
Long Xuyên, ngày 30.7.2014.

Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

SUY THOÁI ĐỜI SỐNG NỘI TÂM


1.
Hiện giờ, sức khoẻ của tôi suy giảm rõ rệt. Nếu không chống gậy và không có người dắt, tôi dễ bị vấp ngã khi đi. Nếu không dọn sẵn và không có người nhắc, tôi dễ uống lầm thuốc và sai giờ.
Từ sự suy thoái về sức khoẻ thân xác, tôi nghĩ tới sự suy thoái về sức khoẻ tâm hồn.
Sức khoẻ tâm hồn có thể suy thoái về nhiều lãnh vực. Ở đây, tôi chỉ xin đề cập tới vài lãnh vực, mà tôi cho là quan trọng hơn.
2.
Thứ nhất là suy thoái về khả năng suy nghĩ điều cần suy nghĩ nhất.
Theo tôi, điều cần suy nghĩ nhất chính là tình yêu gồm mến Chúa và thương người. Đó là đề tài do Chúa dạy. Tôi phải hiểu đúng ý Chúa, dựa trên Phúc Âm.
Mến Chúa yêu người, đó là điều căn bản quan trọng nhất và lớn hơn hết, mà mọi người phải giữ để được rỗi linh hồn. Chúa Giêsu phán: “Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả luật Môisê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22,37-40).
3.
Là người tín hữu, tôi phải biết suy nghĩ thế nào là mến Chúa, thế nào là yêu người. Không có khả năng suy nghĩ điều cần đó, hay đánh mất khả năng suy nghĩ điều cần đó, sẽ là cực kì tai hại. Nhất là khi tôi lại còn là người mục tử. Thực tế cho thấy tình hình cực kì tai hại đó đang xảy ra nơi nhiều người, nhiều nơi trong Hội Thánh tại Việt Nam.
4.
Suy nghĩ về mến Chúa yêu người được Chúa Giêsu dạy bằng lời giảng và bằng gương sáng đời sống của Người. Tránh hết sức lối mến Chúa yêu người chỉ bằng hình thức, phô trương, chỉ bằng lời nói hào nhoáng cao vời, chỉ theo ý riêng tìm tư lợi. Nhưng phải thực sự có lửa Chúa Thánh Thần bên trong từng chi tiết mọi việc lớn nhỏ đối với Chúa và đối với mọi người.
5.
Khi thực sự có lửa Chúa Thánh Thần trong tâm hồn, người tín hữu sẽ cảm thấy phải rất khiêm tốn, khi được dấn thân vào mọi việc vui buồn của Nước Chúa, chỉ vì vâng phục ý Chúa. Tôi còn khả năng suy nghĩ như thế không? Hay tôi tự hào khoe khoang chức dấn thân khiêm tốn ấy bằng những nghi lễ tạ ơn hoành tráng, tiệc tùng linh đình.
6.
Tôi không nên trả lời một cách chủ quan. Hãy đọc lại lời Chúa Giêsu phán sau đây: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng nhân danh Thầy mà nói tiên tri, mà trừ quỷ, mà làm nhiều phép lạ đó sao? Bấy giờ Ta sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi. Hãy xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác” (Mt 7,21-22). Cứ theo bề ngoài, người ta có lý để coi những người làm các việc đạo đức bên ngoài trên đây là để mến Chúa yêu người. Thế nhưng Chúa nhìn thấu suốt bên trong, thì thấy họ làm các việc đó vì mục đích tư lợi theo ý riêng, chứ không theo ý Chúa. Do đó, mà Chúa gọi họ là bọn gian ác. Xét mình, tôi thấy: Nếu không tỉnh thức, tôi cũng dễ rơi vào loại người bị Chúa chúc dữ như thế.
7.
Thứ hai là suy thoái về khả năng phân định đúng sai.
Sống là một chuyến đi giữa muôn mời gọi, giữa trăm ngả đường. Để tới đích là về với Cha trên trời, tôi phải biết phân định điều đúng nên chọn, điều sai nên tránh, đường nào dẫn tới sự sống đời đời thì đi, đường nào dẫn tới diệt vong muôn đời thì bỏ. Phân định đó là vô cùng quan trọng.
8.
Để biết chọn và dám chọn như thế, người tín hữu phải có một đời sống nội tâm dồi dào. Nhờ đó, mà có một sự phân định đúng sai ngay từ một nội tâm biết nhìn mọi sự bằng cái nhìn của trái tim Chúa.
Rất nhiều khi, phân định đó không do lý luận, mà do trực giác, vừa thấy là biết liền. Tôi nghĩ, sở dĩ được như thế là do kết hợp chặt chẽ với Chúa nhờ đức mến. Do đó, thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy tha thiết tìm ơn cao trọng nhất, trổi vượt hơn cả, đó là đức mến. Ngài nói:
“Giả như tôi nói được các thứ tiếng, của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng.
Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và biết được mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì.
Giả như tôi có đem hết gia tài mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13,1-3).
9.
Khi biết phân định lửa đức mến là cao quý và cần thiết nhất cho việc tu đức cũng như cho việc truyền giáo, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã chọn con đường tình yêu. Phải nói đúng sự thực: Chọn lựa của thánh nữ là do Chúa. Chúa ban ơn cho thánh nữ, vì thánh nữ sống khiêm nhường, nghèo khó và bé nhỏ. Ngài chỉ ở trong nhà dòng, sống mọi giây phút cho tình yêu, thế mà ngài đã đổi mới được biết bao tâm hồn. Ngài được tôn vinh là một trong các thánh Quan thầy các nhà truyền giáo. Tôi có đức mến thực sự không? (x. 1Cr,4-7)
10.
Kinh nghiệm cho tôi thấy:
Suy thoái về khả năng suy nghĩ điều cần suy  nghĩ nhất, tức là tình yêu mến Chúa yêu người, rất dễ xảy ra cho tôi.
Suy thoái về khả năng phân định tốt xấu, để khẳng định đức mến là trên hết, cũng rất dễ xảy ra cho tôi.
Những nguyên do gây nên những suy thoái đó là khá nhiều. Như thiếu tỉnh thức, thiếu cầu nguyện, thiếu phấn đấu.
Một nguyên do quan trọng thiết tưởng cũng nên nói ra, đó là dư luận cả trong đạo lẫn ngoài đời đều coi là bình thường những suy thoái đó. Nếu dư luận xấu đó lại có phần của các vị đứng đầu trong đạo, thì tình hình suy thoái đạo đức sẽ rất trầm trọng. Tôi có góp phần nào vào dư luận xấu đó không?
11.
Tính cách trầm trọng về sự suy thoái đạo đức xem ra đang xảy ra. Phải nhận là tình hình đạo đức suy thoái trầm trọng bắt nguồn từ sự suy thoái về đời sống nội tâm.
Đời sống nội tâm suy thoái, mà không nhận ra. Hoặc cho dù có nhận ra, những người có trách nhiệm lại tránh né giải quyết sự suy thoái đó. Hơn nữa, lại chấp nhận sự suy thoái đó bằng cách bình thường hoá nó, hoặc che giấu nó bằng những hoạt động bên ngoài vô bổ, hay đạo đức giả hình.
Lạy Chúa, xin thương xót con. Xin giúp con sám hối trở về với Chúa. Con là kẻ rất hèn hạ và yếu đuối.

GM. GB. Bùi Tuần
Long xuyên, ngày 19.7.2014

Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

XIN CHO CON BIẾT ĐÓN NHẬN ƠN TRỞ VỀ


1.
Những ngày này, tôi như chán sống. Tôi nghĩ thế theo tính tự nhiên. Tôi cảm thấy cuộc sống nơi tôi không còn gì gọi được là niềm vui. Thân xác đau, tâm hồn đau, đời sống tự nhiên đau, đời sống siêu nhiên cũng đau. Tôi sống đúng hướng là do đức tin. Nhưng sống đức tin lúc này là như bước đi trong tối tăm. Nhưng nhờ đức tin, tôi tuyệt đối vâng phục Ý Chúa.
2.
Đang khi đó, trong giáo phận tôi xuất hiện nhiều tổ chức vui. Đặc biệt là lễ phong chức linh mục cho 19 ứng viên, rồi sau đó là những lễ tạ ơn đầy hân hoan. Những lễ này đã được chuẩn bị và đã được thực hiện với những thiện chí và tinh thần trách nhiệm đối với tục lệ và tình nghĩa.
3.
Với tình trạng chán sống, tôi nhìn diễn tiến những lễ long trọng đó, mà thầm mong có chút gì linh thiêng từ đó đem lại cho tôi sự bình an, để tôi bớt nặng nề. Nhưng thực sự tôi không nhận được tín hiệu lạc quan, trái lại tự nhiên tôi lại thêm lo, mặc dù tôi rất thương mến các tân linh mục của tôi.
Tôi tưởng là bế tắc. Nhưng đột nhiên, Chúa gửi đến cho tôi vài người lạ. Họ rất bình thường. Họ không làm gì, không có chức tước gì, không cho tôi quà vật chất nào. Nhưng sự hiện diện chốc lát của họ bên tôi làm tôi cảm thấy như Chúa nói với tôi rằng: “Cha ở bên con”. Tôi tự nhiên cảm thấy rất vui và được bình an. Thêm vào đó, họ gợi lên trong tôi niềm khát khao được thuộc trọn về Chúa.
4.
Không còn gì để nghi ngờ là Chúa đã đến với tôi qua trung gian những con người bình dị ấy. Tôi thấy mình được an tâm hơn. Bởi vì tôi cảm thấy trái tim Chúa ở trong tôi, Người đốt lên trong tôi lửa phó thác bầng bầng giúp tôi trở thành của lễ.
5.
Khi xảy ra như vậy, tôi tự hỏi: Tại sao những lễ linh đình trọng thể phong chức linh mục và tạ ơn tưng bừng lại không gây được cho tôi những ủi an và khích lệ cần thiết của Chúa, để tôi vui sống, nhưng tôi lại nhận được những ủi an đó của Chúa từ những người khác?
Câu hỏi trên đây không đòi tôi phải tìm trả lời, mà đòi tôi hãy cầu nguyện nhiều hơn cho mọi người mang chức thánh tại Việt Nam hôm nay, trong đó có tôi. Họ rất đáng thương.
6.
Khi cầu nguyện cho các tư tế tại Việt Nam hôm nay, tôi thấy hiện lên một điều Chúa mong muốn hơn cả, đó là các ngài hãy thực sự được Thánh Thần của Đức Kitô  hướng dẫn. Bởi vì đã đến lúc Satan không dùng những người ngoài Hội Thánh để chống phá Nước Trời, mà nó dùng chính những người trong Hội Thánh, để làm việc đó. Hơn nữa, Thánh Gioan Tông đồ viết: “Giờ đây, nhiều tên phản Kitô đã xuất hiện..... Chúng xuất hiện từ hàng ngũ chúng ta” (1Ga 2, 18). Thời Thánh Gioan Tông đồ đã xảy ra như thế. Thời nay nếu cũng xảy ra như vậy, thì đâu có gì lạ. “Nhiều tên” nghĩa là con số phản Kitô không phải nhỏ.
7.
Điều làm tôi ngạc nhiên là những kẻ phản Chúa lại xuất hiện từ hàng ngũ những người đã được Chúa chọn và được Chúa trao trách nhiệm. Ngạc nhiên của tôi được Chúa giải thích bằng sự kiện trong Phúc âm. Phúc âm cho thấy Chúa Giêsu trao chức thánh cho 12 tông đồ, nhưng trong số 12 người ấy, có một kẻ sau đó đã ra hư hỏng, ông phản Chúa, bán Chúa. Ông là Giuđa. Xét cho cùng, Giuđa đã ra hư, là vì mặc dù được Chúa chọn, ông vẫn không luôn vâng lời Chúa mà bước theo đường hẹp, nhưng thích chọn đường rộng rãi thênh thang. Kết quả là đưa tới diệt vong. Chúa phán: “Hãy qua cửa hẹp mà vào Nước Trời, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật, thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7,13-14).
8.
Lời Chúa phán trên đây làm tôi sợ cho tôi và cho những người được Chúa chọn và trao trách nhiệm. Sợ ở chỗ chúng tôi rất dễ trẽ sang cửa rộng và đường thênh thang. Trẽ những lúc không ngờ, do tự tín, do chủ quan, do áp lực, do mù quáng, do yếu đuối. Thế rồi, hư hỏng này tiếp nối hư hỏng kia, mà không biết dừng lại. Hơn nữa lại tự đeo vào mình những hào quang giả tạo. Tôi lo sợ. Biết đâu mang chức thánh, mà không mang Chúa! Biết đâu chức thánh lại chứa đựng trong những chiếc bình sành đã vỡ vụn!
9.
Nhưng lạ lùng thay!  Trong số những người tôi tưởng là đã chìm sâu trong vực thẳm hư hỏng, lại bất ngờ nổi lên như những gương sáng về sự được ơn trở về.
Hiện nay ơn trở về đang được Chúa ban cho nhiều người một cách lạ lùng. Họ cũng đón nhận ơn trở về một cách lạ lùng.
Có những người đã ngã nay được ơn đứng dậy.
Có những người nguội lạnh nay được ơn sốt sắng.
Có những người đã tốt nay được ơn tốt hơn.
Hình như mỗi người ấy đều được ơn trở về riêng tư, chỉ mình họ và Chúa biết. Trường hợp của tôi cũng vậy. Vì thế, tôi vững tin rằng: Chúa đang và sẽ ban ơn trở về cho rất nhiều người, mặc dù tình hình xem ra đang bị tội lỗi khống chế nặng nề khủng khiếp.
10.
Riêng tôi, ơn trở về đi kèm với những đau đớn. Tôi đón nhận ơn trở về như thế với nhận thức lời Chúa dạy: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Ta”     (Mt 17,24 ). Như vậy, đớn đau tất nhiên phải có do từ bỏ và thánh giá. Những đớn đau ấy sẽ có lợi lớn, bởi vì “ Nếu người ta được cả thế gian mà phải mất linh hồn, thì nào có lợi ích gì” (Mt 17,26). Thành ra đau đớn trở thành một niềm vui thiêng liêng. Nhưng được như vậy, cần có ơn Chúa. Những giúp đỡ của các người tốt cũng là những đỡ nâng quý giá.
11.
Kinh nghiệm của tôi về những đớn đau đến nỗi chán sống bây giờ được tôi nhận ra như một ơn Chúa. Nó giúp tôi hiểu tôi là kẻ yếu hèn. Nó giúp tôi thương cảm với những người đau khổ. Nó giúp tôi tìm đến với Chúa. Nó giúp tôi chia sẻ chân thành với các người mang chức thánh.
Với kinh nghiệm bản thân, càng ngày tôi càng thấy mình có bổn phận phải gánh tội và đền tội thay cho đoàn chiên, như Chúa Giêsu đã làm. Triển khai nhận thức đó sẽ giúp tôi phấn đấu và tỉnh thức, cầu nguyện để có những lựa chọn đúng trong việc dùng thời giờ và các điều kiện mình có, hầu có thể dấn thân vào việc cứu đoàn chiên khỏi sa lưới Satan, kéo xuống hỏa ngục.
Đó chính là ơn trở về mà Chúa đang ban cho tôi do lòng thương xót Chúa. Xin hết lòng cảm tạ Chúa.

                                      
  + GB. Bùi Tuần
 Long Xuyên, ngày 29. 6. 2014

Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

TRÌU MẾN NHỚ VỀ ĐỨC THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

TRÌU MẾN NHỚ VỀ  
ĐỨC THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II 


1. Đời tôi được gặp nhiều người tốt. Những người tốt ấy đã góp phần đào tạo con người tôi. Trong số những người đáng kể nhất, có một người hiện nay đã được phong thánh. Đó là Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Đức Thánh Gioan Phaolô II đã ảnh hưởng nhiều đến tôi, không những do những thông điệp, huấn từ, quyết định của Ngài, mà nhất là do những liên hệ trực tiếp mà Ngài đã dành cho tôi.
2. Tôi được trực tiếp nói chuyện với Ngài nhiều lần ở bàn giấy của Ngài, ở bàn ăn của Ngài, ở những hành lang cạnh nhiều hội nghị. Nhưng chính khi được đứng bên Ngài để cùng Ngài dâng thánh lễ, tôi đã thực sự được Ngài kéo tôi lên với Chúa.
Khi đứng bên Ngài để đồng tế, tôi được nghe giọng Ngài nói, thấy khuôn mặt của Ngài, đôi khi được cảm thấy hơi thở của Ngài. Qua những gì được cảm thấy, được xem thấy, được nghe thấy, tôi rất xúc động chứng kiến Đức Thánh Cha gặp gỡ Chúa một cách thân mật.
3. Giờ phút Đức Thánh Cha gặp gỡ Chúa trong thánh lễ bỗng trở thành linh thiêng khác thường, do sự thánh thiện của Đức Thánh Cha toát ra.
Những giây phút ấy, tôi như quên hết mọi sự, chỉ còn đắm mình vào tình yêu Chúa mà thôi.
Sau này, nhất là hiện giờ, khi một mình nhìn lại, tôi mới ghi nhận được khá rõ những ơn đặc biệt, Chúa đã ban cho tôi, nhờ sự thánh thiện của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong thánh lễ. Xin được phép kể ra sau đây.
4. Ơn thứ nhất là ơn quan tâm nhiều hơn đến đời sống chiêm niệm.
Trong thánh lễ, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II toả ra qua thân xác, nhất là qua khuôn mặt của Ngài, một sự sống chiêm niệm sâu thẳm lạ lùng.
Tôi thấy chiêm niệm nơi Ngài là cung kính ngắm nhìn Chúa, là tập trung lắng nghe Chúa, là khiêm tốn vâng phục ý Chúa. Nhìn Ngài chiêm niệm, tôi như được lôi cuốn theo, để tìm gặp Chúa là Đấng thiêng liêng sống động, vô cùng yêu thương, vô cùng quyền năng. Tôi khao khát thuộc về Chúa. Tôi nhớ lại lời Chúa Giêsu phán xưa: “Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, các con chẳng làm gì được” (Ga 15,5).
Chiêm niệm nơi Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, mà tôi đã được chứng kiến, giúp tôi xác tín về sự quan trọng của chiêm niệm trong đời tông đồ của tôi.
5. Ơn thứ hai là ơn quan tâm nhiều hơn đến việc sám hối.
Ngay từ đầu thánh lễ, Đức Thánh Giáo Hoàng đã tự giới thiệu mình là kẻ có tội. Ngài đọc kinh “Sám hối” một cách rất khiêm nhường và xác tín. Đứng bên cạnh Ngài lúc đó, tôi có cảm tưởng là Ngài không thực hiện một lễ nghi, mà là thực hiện một sự hoán cải trở về với Chúa một cách hồn nhiên do động lực của tình yêu chân thành tha thiết. Tôi nhớ lại lời thánh Gioan tông đồ: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, thì chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, thì Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, Người sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1 Ga 18-9).
Sám hối của Đức Thánh Gioán Hoàng là cậy tin vào Đức Giêsu Kitô, như lời thánh Gioan tông đồ dạy: “Nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha, đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng công chính. Chính Đức Giêsu Kitô đã là của lễ đền tội cho chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn vì tội lỗi cả thế gian nữa” (1 Ga 2,1).
Sám hối của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là không những xin Chúa tha tội, mà còn là xin lỗi người khác. Trong cuốn sách “Khi Đức Giáo Hoàng xin lỗi”, tác giả Luigi Accattoli, đã kể ra 21 vụ việc trong lịch sử, mà Đức Thánh Giáo Hoàng xét thấy là Hội Thánh Công giáo đã phạm sai lầm, và Ngài đã công khai lên tiếng xin lỗi.
6. Ơn thứ ba là sự quan tâm nhiều hơn đến việc hy sinh cho đoàn chiên.
Được đứng bên Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong thánh lễ, tôi rất xúc động, khi thấy chính bản thân Ngài là một của lễ hy sinh cho đoàn chiên.
Xưa, Chúa Giêsu phán: “Tôi là mục tử tốt lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi. Như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,14). Hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên, đó là điều tôi đã thấy nơi Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài hy sinh suốt đời, hy sinh từng ngày, từng giờ, từng phút. Điều đó đã dạy tôi rất nhiều, nhất là trong những khi tôi gặp phải những đớn đau, trắc trở, và cả trong việc dùng thời giờ và các phương tiện, sao cho cớ sự hãm mình, vì phần rỗi của đoàn chiên.
7. Đứng bên cạnh Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tôi thấy khá rõ những dấu tích nơi Ngài, như những thương tích của một của lễ Ngài dâng cho Chúa, để thông phần vào của lễ Chúa Giêsu dâng, trong chương trình đền tội cho nhân loại. Thánh lễ bàn thờ của Ngài là một của lễ hy sinh. Thánh lễ cuộc đời của Ngài cũng là một của lễ hy sinh. Tôi được gương sáng đó của Ngài khích lệ rất nhiều.
Gương sáng của Ngài dạy tôi phải phấn đấu không ngừng. Một đời sống an phận, vô cảm sẽ có lúc xảy đến cho tôi, nếu tôi không tỉnh thức, càu nguyện và phấn đấu.
8. Với ba ơn trên đây mà tôi nhận được từ Chúa, qua gương sáng Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tôi xác tín vai trò gương sáng của các mục tử là rất quan trọng.
Hiện nay, gương sáng về đời sống chiêm niệm, đời sống sám hối, đời sống hy sinh cho đoàn chiên đang là một đòi hỏi khẩn thiết mà Chúa đặt ra cho các mục tử. Nhân loại đang rất cần những mục tử như vậy. Việt Nam đang rất chờ những mục tử như thế.
Lạy Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, con tin Ngài đang ở bên Chúa trên thiên đàng, xin Ngài thương tiếp tục dẫn đưa con trên đường ơn gọi làm người mục tử tại Việt Nam hôm nay. Con yếu đuối lắm, xin Ngài đỡ nâng con.
Xin Ngài cũng nhìn đến hoàn cảnh đạo đức đang xuống dốc tại nhiều nơi trong Hội Thánh Việt Nam, để cầu xin Chúa thương cứu. Con tin  chỉ có Chúa mới cứu được. Con xin tạ ơn Chúa.

GM. Gioan B. Bùi Tuần

               Long Xuyên, ngày 24 tháng 6 năm 2014